03 June 2017

NHÀ TÙ (Chương 6 & Chương 7) – Duyên Anh


CHƯƠNG 6

Tôi được vợ con tiếp tế thực phẩm, thuốc men, tiền bạc vào mỗi thứ năm hàng tuần như tất cả mọi tù nhân khác. Tôi ở phòng B, nhà tù sở Công An đã qua hai tuần lễ. Đầu tuần lễ thứ ba, người ta cho phép chúng tôi cắt tóc, cạo râu. May mắn, tôi gặp Nguyễn Văn Sao làm giò chả ở Gò Vấp, cung cấp hàng cho toàn khu Chợ Cũ, Sàigòn. Anh ta vượt biên từ Bắc vô Nam năm 1956, được các linh muc Gò Vấp giúp đỡ và cưới vợ cho anh ta. Sau 30-4-75, Sao là Chủ tịch ủy ban nhân dân ấp, có súng lục và nhiều quyền hành. Anh đã đào nhiệm, theo ông Đinh Xuân Cầu và bị bắt cùng ông Đinh Xuân Cầu trên đường vào nhà Thái Ngũ lần thứ hai. Ngày Sao và Cầu bị bắt, tôi biết nhưng không biết nơi giam nhốt họ. Khi tôi thấy tên ông Cầu ghim trên miếng bìa đỏ, tôi cũng chỉ đoán ông nằm ở Sở Công An. Tôi để Sao giò vẽ bản đồ Phú Quốc bằng cái tông-đơ cùn nhay tóc trên đầu, sau gáy tôi mà nói chuyện riêng.

- Ông Cầu đâu?
- Phòng A. Ông vững dạ, không ai khai gì về ông cả.
- Bảo đảm?
- 100 phần 100
- Nói với ông Cầu là ông ấy ngây thơ lắm, ông ấy bị thằng mục sự chó đẻ Trương Phiên giảng tin độc rồi. Nó nói phét, hoàn toàn nói phét.
Sau ngày Giáng Sinh năm 1975, tại nhà tôi, số 225 bis Công Lý Sàigòn 3, có một cuộc họp tay tư. Đinh Xuân Cầu, Trương Phiên, bà Th. và tôi. Linh mục Trần Hữu Thanh, theo lời Trương Phiên (tôi chưa hề gặp gỡ linh mục Trần Hữu Thanh trước kia và sau này), cứ đòi mời vợ ông chủ báo quá cố V. S. Phan Mỹ Trúc tham gia nội các. Trương Phiên từ chối. Ông Phiên đã mời bà Th., tiến sĩ, tốt nghiệp tại Mỹ. Bà Th. đồng ý nhập cuộc. Lý do Trương Phiên chê bà Trúc vì bà này có tiệm sách Giải Phóng ở Thị Nghè. Cuộc họp chớp nhoáng. Tôi được giao nhiệm vụ đi mời bà Khánh Trang, cựu bí thư của bà Ngô Đình Nhu hay bà Nguyễn Văn T., chị của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Nội các Đinh Xuân Cầu có sự tham gia của ông cựu Giám đốc VTX, thứ trưởng Bộ Thành Niên và Tuyên Truyền. Ghế Bộ trưởng còn để trống. Trương Phiên bảo mọi người tự ý chụp một kiểu ảnh, lấy chợ sách Lê Lợi làm phông, nhớ tìm quán bán lịch 1976 để ngoại quốc có chứng cớ cụ thế là nội các thành lập ngay Sàigòn rồi mới lưu vong. Tôi đến nhà bà Khánh Trang, đường Hồng Thập Tự, Sàigòn. Gặp một lô nón cối, giép râu, nói năng trỏ trẻ, không dám nói chuyện thật với bà Khánh Trang nữa. Lại ghé về đường Pasteur, vào kiếm bà Nguyễn Văn T.
- Chuyện đứng đắn hay chuyện phong thần hả, Duyên Anh?
- Chuyện đứng đắn.
- Duyên Anh có tham gia không?
- Có
- Làm gì?
- Báo.
Bà T. cáo lỗi vì bận tiếp thân chủ của bác sĩ Nguyễn văn T.. Một cách tiễn khách khéo léo. Chuyện gom góp một số người có uy tín để chiến đấu chống cộng sản sau 30-4-75 đã trở thành chuyện … phong thần. Nghĩ mà buồn bã và xót xa cho thân phận trí thức. Và tội nghiệp ông Đinh Xuân Cầu. Người ta đã và đang vượt biên trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền gỗ đó, có chi là phong thần? Tôi bỗng nổi máu – sự nổi máu biến tôi thành tên biệt kích cuối cùng ra khỏi tù – Trước hết tôi đi tìm Bùi Duy Tâm. Ông Khoa trưởng đại học Y Khoa Minh Đức của tôi đã bị nhúm vô trại cải tạo Long Giao 3 tháng. Như Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Duy Tâm về sum họp gia đình trước Giáng Sinh. Tôi nói với Tâm sự nhập cuộc của tôi. Anh không có ý kiến gì cả, chỉ vỗ vai tôi một cách thân tình:
- Ai dám chọi nhau với cộng sản lúc này đều can đảm hơn người. Chỉ lúc này mới chứng tỏ được rằng chống cộng sản để không ăn cái giải gì ngoài lý tưởng đích thực của mình. Chức tước là thứ hình thức cần có ở một giai đoạn nào đó. Anh đừng câu nệ. Rồi ai cấm anh nhả nó ra. Tôi chưa biết cuộc phiêu lưu đưa anh về đầu, vào đâu, nhưng anh hãy yên tâm, còn ở Sàigòn ngày nào, tôi lo sức khỏe cho chị và các cháu giùm anh.
Từ giã Bùi Duy Tâm, tôi tạt sang Nguyễn Tuấn Anh. Cũng nói với Tuấn Anh như nói với Tâm. Anh giữ tôi lại khá lâu. Cuối cùng, anh tiễn tôi về với câu dặn dò cần thiết:
- Duyên Anh thận trọng nhé, tôi nghe nói nhiều người bị bắt rồi đấy!
Đời tôi có nhiều lần ngông và lắm lần dại. Mười chín tuổi, tôi đã xách khăn gói tới nằm ở hành lang Tòa Thị Chính Hà Nội, đợi người Pháp đến đón sang phi trường Gia Lâm, bay vào Sàigòn, tứ cố vô thân. Hai mươi tuổi, tôi theo đảng Duy Dân lên Ban mê Thutc, lập chiến khu chống Mỹ, Diệm, Pháp, Bảo Đại và cộng sản. Và cả Vatican nữa! Tôi học tập Tru trị lục của Lý Đông A, ngâm thơ chính khí Lý Đông A, nghiên cứu tư tưởng chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội Lý Đông A. Rồi tôi tẩu hỏa nhập ma biến thành một ông nhóc quốc gia cực đoan rẻ tiền và lạc hậu. Rẻ tiền và lạc hậu vì không ai hiểu nổi tâm hồn Lý Đông A. Đàn anh của tôi cũng bị tẩu hỏa nhập ma. Khi tôi thấy có những bốn hệ phái Duy Dân ở Sàigòn, tôi cảm thấy mình bị lừa gạt niềm tin. Và tôi đã diễn tả trong Ảo vọng tuổi trẻ. Nhưng tôi nhờ Duy Dân mà biết Hòa Hảo, vào núi sống với Bảy Đởm, làm Cao Ba Quát cho giặc cỏ Lê Duy Mật một thời gian. Hai mươi nhăm tuổi, nhờ vài cái truyện ngắn, tôi được miễn bằng cử nhân, với sự tiến dẫn của ông Nguyễn Bích Liên, người ta nhận tôi làm Biên tập viên và người ta đẩy tôi lên hàng chủ bút! Hai mươi tám tuổi, tôi chửi nhau với Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Tú, bỏ nghề công chức ra làm báo. Bắt đầu làm báo là tôi viết bài quan trọng cho trang nhất. Từ đó là ngông nghênh và ngông cuồng. Vì từ đó tôi biết rõ trí thức khoa bảng và các thần tượng chính trị, thần tượng văn học nghệ thuật. Ba mươi lăm tuổi, tôi nhận ra tôi ngông nghênh láo lếu. Tôi bắt đầu làm lại bằng Tuổi Ngọc. Tôi cố nhịn nhục cuộc đời để dứt bỏ cái ngông nghênh ngu dại của mình. Bốn mươi tuổi, đúng cuối năm 1975, tôi lại ngông. Lần này không biết định nghĩa chữ ngông ra sao vì lần này tôi bị tước đoạt hết, kể cả quyền con người. Tôi nhận lời làm Bộ trưởng Thanh Niên và Tuyên Truyền cho nội các Đinh Xuân Cầu.
Ông Cầu không phải người đầu tiên mời tôi tham gia chiến đấu. Trước ông ta, khoảng tháng 8-1975, một người gọi dây nói cho tôi (bấy giờ, điện thoại nhà tôi chưa bi cắt) bảo rằng có người bạn cũ, đồng hương, muốn gặp tôi. Câu chuyện trong điện thoại:
- Tùy anh lựa chọn địa điểm và giờ giấc.
- Anh phải cho tôi biết tên người muốn gặp tôi.
- Để anh ngạc nhiên. Anh yên tâm, hoàn toàn thiện ý.
- Còn anh?
- Tôi hay đánh phé với anh ở nhà Trần Dạ Từ. Mấy năm trước, tôi là chánh sự vụ sở chương trình của Đài Sàigòn.
- Chiều mai, nhà hàng Kim Hoa, 5 giờ.
- Anh đến một mình nhé!
- Tôi đã không đến một mình. Đặng Xuân Côn đến với tôi. Côn đến nhà hàng Kim Hoa, đường Lê Lợi, từ 4 giờ 30. Tôi dễ dàng nhận diện người bạn tây-đầm-bồi-xì. Họ đợi tôi ở chiếc bàn góc phòng. Người bạn cũ, đồng hương của tôi rất … xa lạ với tôi. Chúng tôi chưa hề quen nhau, gặp nhau. Anh ta tự giới thiệu.
- Tôi là em vợ của Đào Quang Huy, dân Thái Bình.
Ông Đào Quang Huy, tiến sĩ luật khoa, luật sư Tòa Thượng Thẩm Sàigòn, thầy cũ của tôi, người bị tôi tặng hỗn danh Huy Cà Chua vì cái mũi to và lúc nào cũng đỏ. Tôi không thích ông Huy từ ngày ông ta làm cố vấn cho Bộ trưởng Thông Tin Linh Quang Viên và ra ứng cử dân biểu đứng dưới tên Trần Thế Minh “tâu tắng”.
- Anh gặp tôi có chuyện gì?
- Việc chung. Nhưng anh mời anh Côn sang dùng chung bữa với chúng ta.
- Xin lỗi, tôi đề phòng.
Đặng Xuân Côn không biết người biết rõ mình. Chúng tôi đi vào chuyện trước khi ăn uống. Tôi học tập Võ Tòng đối xử với Thi Ân.
- Tôi ở rừng về Sàigòn mua thuốc. Tôi trốn trình diện. Chúng tôi muốn mời anh nhập cuộc chơi mới.
- “Chúng tôi”?
- Đàn anh và thầy của tôi, các ông đại tá. Họ đã họp, đã chọn lựa và, cuối cùng, quyết định chọn anh vì ảnh hưởng sâu rộng của anh đối với tuổi trẻ. Tôi được chỉ định về Sàigòn mời anh, nhờ tôi là dân Thái Bình, em vợ anh Đào Quang Huy và chơi thân với anh Chánh sở. 1
- Tại sao chỉ mời tôi?
- Muốn các anh không cộng tác với địch.
- Phần đông nhà văn của chúng ta nghèo, anh biết chứ?
- Các ông ấy sẽ lo vấn đề mưu sinh, sẽ có tiền trao tận tay từng anh em.
- Đó là vấn đề tiên quyết. Còn tôi, tôi vào rừng?
- Anh hoạt động ở ngay Sàigòn, khi lâm nguy mới rút vào rừng.
- Cái thân tôi kể như tàn tạ rồi, chẳng sợ ai gài bẫy mình nữa. Cộng sản muốn bắt tôi lúc nào là bắt nên tôi không nghi ngờ gì anh cả. Có điều, muốn tôi nhập cuộc, phải đưa vợ con tôi ra khỏi Việt Nam. Khi tôi biết vợ con tôi an toàn ở ngoại quốc, các anh bảo tôi làm gì tôi cũng làm.
- Anh cam kết?
- Phải, tôi cam kết.
- Tôi sẽ về cho các ông ấy biết điều kiện của anh và sẽ gặp anh tại nhà anh. Tôi sẽ lái chiếc Cortina số ED, đậu bên kia đường. Thời gian chờ đợi, cần liên lạc gì, anh liền lạc với anh Chánh sở. Anh ấy bán xăng lẻ dưới gốc cây đường Trần Quý Cáp, lưu động dọc đường nầy. Đó là một trong những địa điểm của chúng tôi.
- Tôi nhớ.
- Anh Duyên Anh, chẳng cần dấu diếm anh làm gì, nếu hôm nay anh không nhận lời mới của chúng tôi, chúng tôi sẽ bắt anh đưa vào rừng.
Tôi giật mình. Rồi nhìn chung quanh. Có đến năm người nhìn tôi, cười thân mật.
- Sự hợp lý của anh là điều kiện anh nêu ra. Ta cứ coi đây là buổi sơ ngộ.
Ngày hôm sau, tôi đảo dọc đường Trần Quý Cáp tìm người bán xì-phé. Anh ta cho tôi biết em vợ Đào Quang Huy là sĩ quan tình báo và những người có mặt hôm qua đều là biệt kích. Người anh em đã tin tôi, tôi đặt hết niềm tin vào họ. Hai tuần sau, vào một buổi sáng trời mưa, người anh em bấm chuông cổng nhà tôi. Tôi nhìn sang bên kia đường có chiếc Cortina ED đậu. Người anh em che ô đến, dáng điệu bình thản. Tôi biết, bên ngoài còn nhiều anh em khác.
- Các ông ấy đồng ý. Anh cho chị và các cháu chuẩn bị sẵn sàng. Như là đi du lịch, thật giản dị. Sẽ có một em gái trạc 16 tuổi, mặc quần áo hướng đạo đến báo tin và hẹn giờ giấc, địa điểm. Chị và các cháu sẽ đi bằng thuyền nên anh phải lo thuốc chống say sóng. Chuyến này, chị và các cháu đi với một nhân vật quan trọng của chúng tôi. Nếu lỡ, chuyến sau, chị đi với những người vượt biên. Sau khi chị và các cháu an toàn ở Mỹ, chúng tôi sẽ thảo luận kế hoạch đối kháng kẻ thù. Anh cần hỏi gì thêm?
- Nhà tôi được mang theo tiền bạc chứ?
- Được. Theo tôi, vàng bạc, hột xoàn nên để lại. Đi tay không là an toàn nhất.
- Tôi sẽ nghe lời anh.
- Tôi về, ngồi lâu không tiện vì anh có thể bị chúng nó theo dõi.
Người anh em thật chí tình. Ba hôm sau, buổi chiều, một em bé gái, mặc quần áo hướng đạo, đến bấm chuông. Vợ tôi đang lên cơn sốt nặng lúc đó. Tôi dẫn em bé vào phòng. Em bé chứng kiến vợ tôi đang vật vã trên giường. Tôi nhờ em nói giùm là chuyến nầy vợ con tôi không thể đi. Em bé trở lại buổi tối, bảo tôi yên tâm đợi chuyến sau và phải đợi lâu. Mãi đến khi ông Đinh Xuân Cầu tìm tôi, em bé gái vẫn không trở lại trong thao thức chờ đợi của tôi. Tôi đã mất một cơ hội. Chẳng phải tại tôi. Định mệnh đã an bài như thế, đã an bài nỗi thống khổ mà vợ con tôi cam đành chịu đựng cùng với tôi gần trọn một thập niên. Người anh em tuyệt tích. Tuyệt tích luôn người bạn xì-phé bên đường Trần Quý Cáp. Tạm biệt anh em, chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh kỷ niệm tuyệt vời ở phòng 6 khu C1, đề lao Gia Định với Thanh Thương Hoàng Nguyễn Thanh Chiểu, chủ tịch Nghiệp Đoàn Báo Chí Việt Nam.
Ông Đinh Xuân Cầu mừng rỡ khi tôi quyết định dấn thân. Tôi muốn giúp ông ta, đi mời nhiều nhân sĩ, trí thức nhưng tất cả đều cho chuyện lập nội các, họp báo quốc tế rồi lưu vong là chuyện phong thần. Miếng đỉnh chung không nhìn thấy, chỉ nhìn thấy con đường dẫn vào nhà tù, vào sự chết thảm, chết vô danh, chết không một nấm mồ; danh vọng không nhìn thấy chỉ nhận thấy cái án tích phản động tập trung cải tạo, sự mỉa mai của bọn thiếu can đảm nhưng đầy ác ý, sự phiền trách của vợ con, nên cái hợp thời và khôn ngoan nhất là tìm cách vượt biên hay ngồi yên hưởng nốt của cải còn lại. Tôi không muốn nhận tôi là người can đảm. Tôi không thích danh vọng chính trị vì tất cả danh vọng của Bộ trưởng, Thủ tướng, Tổng thống Việt Nam không lừng lẫy và vĩnh cửu bằng danh vọng của một nhà văn nổi tiếng. Tôi đã nổi tiếng, ở Việt Nam, chẳng thèm nhờ chức tước Bộ trưởng mà nổi tiếng. Nhận làm Bộ trưởng, lúc này, không ngu thì ngông. Tôi ngông. Thế thôi. Và tôi nghĩ tôi đủ khả năng làm đến nơi đến chốn nhiệm vụ người ta giao phó cho tôi. Điều oái oăm trong số phận của tôi là, người ta chỉ giao phó nhiệm vụ cho tôi, tin tưởng tài năng của tôi vào thời gian bóng xế, vào không gian quạnh hiu của nền chống cộng, vào thời buổi chẳng ai còn một đồng bạc nào cho nhau, chẳng lạc quyên ở đâu nửa cắc để uống nước mía mà làm … Bộ trưởng!
- Ông Cầu, khi ra ngoại quốc, ông tìm người khác thay thế tôi nhé!
- Ông phải làm việc tới khi thành công.
- Tôi không biết làm chính trị. Tôi nói trước kẻo ông sẽ trách tôi, sang nước ngoài, tôi làm cu li mưu sinh. Bấy giờ, mọi việc dễ dàng, ông kiếm Bộ trưởng không khó. Tôi nhắc lại: Tôi chỉ tin ông, không tin Trương Phiên. Và tôi cũng không tin Trương Phiên đem vợ con tôi ra khỏi Việt Nam.
- Thế tại sao ông nhận lời?
- Vì ông tin tấm lòng trong sách của tôi, tin tài năng của tôi. Cũng vì tôi tuyệt vọng, tôi muốn tìm từ trong nỗi tuyệt vọng một niềm hy vọng mới. Tôi đã là con số zéro, tự làm thành con số 9. Hôm nay, tôi lại trở về con số zéro. Tôi không tiếc rẻ sự mất mát. Sự khó khăn của tôi hiện tại chỉ là trách nhiệm của tôi đối với vợ con tôi. Nếu tôi độc thân hay nếu vợ con tôi đã di tản, tôi chấp hết.
- Tôi xin được phép chia xẻ một phần trách nhiệm với ông.
- Cám ơn ông. Tôi sẽ chọn lựa một người làm việc chung với tôi.
- Ông toàn quyền.
Tôi rủ Mai Thảo lên Kim Hoa ăn sáng, nói cho anh ta biết tôi đã tham gia một tổ chức chống cộng sản. Tôi cũng trình bày cái nội các lưu vong và mục đích của nó. Tôi mời Mai Thảo vào cuộc chơi. Anh ta bằng lòng. Rất khiêm tốn, tôi nói:
- Tôi biết ông không câu nệ chức này, chức nọ. Hãy coi tôi làm chủ nhiệm và ông làm chủ bút hoặc ông làm phụ tá.
Mai Thảo cười:
- Xong rồi.
- Ông vì vợ con tôi mà đừng nói chuyện này với ai.
- Tôi hứa.
Mai Thảo hứa và Mai Thảo nuốt lời hứa. Anh ta đem chuyện chống cộng sản cô đơn và lãng mạn của tôi (và của anh nữa vì anh ta đã nhận lời) kể vung vít. Chắc chắn, với sự mỉa mai của anh ta và với những nụ cười khinh mạn của những người nghe anh ta kể. Ít nhất đã 3 người nghe Mai Thảo kế. Doãn Quốc Sĩ, khi nằm chung đề lao số 3 khu C1 đề lao Gia Định, đã thuật lại với tôi. Hoàng Hải Thủy, khi tôi trở về cuối năm 1981, đã thuật lại với tôi và trách móc: “Tại sao mày rủ thằng Mai Thảo mà không rủ tao?” Bà Nguyễn Đình Vượng tâm sự với vợ tôi rằng: “Ông Mai Thảo dặn tôi đừng tin Duyên Anh”, cứ làm như thể tôi sẽ … quyên vàng của bà ta để kháng chiến! Mai Thảo không hề biết chính tôi phải ủng hộ tổ chức của tôi một lạng vàng. Và trong cái lạng vàng chia cắt ra mua xăng nhớt, có mấy chục dúi vào tay Mai Thảo ở nhà hàng Kim Hoa. Nhớ kỹ đi, Mai Thảo. Nhớ thêm có một lần tôi chở Mai Thảo bằng chiếc R-8 xuống làng Báo Chí kiếm Nguyễn Đình Toàn, ăn nhậu ở nhà Toàn, kéo nhau lên Phan Đình Phùng, hút thuốc phiện trên Quang Minh Đỉnh. Lần đó, Mai Thảo khuyến cáo tôi: “Đừng nói gì với Nguyễn Đình Toàn, miệng nó hở lắm”. Trong số nhà văn Việt Nam, tôi có nhiều kỷ niệm với Mai Thảo. Tôi không hề dính dáng tới Sáng Tạo hay Nghệ Thuật của anh ta. Tôi chơi với Mai Thảo khi tôi đã có Hoa Thiên Lý, Thằng Vũ, Mây Mùa Thu. Kỷ niệm khởi sự, Mai Thảo không biết, không muốn biết. Lúc ấy, anh ta nằm ở Grall để … tị nạn tình yêu sau khi bị Lê Quỳnh sửa một trận kỹ lưỡng, rạch trán Mai Thảo vì Mai Thảo dan díu với Thái Thanh. Năm giờ sáng, Anh Ngọc mò lên toà soạn nhật báo Sống, yêu cầu chúng tôi loại bỏ cái tin “từ thành đến tỉnh”, thứ tin xe cán, chó chết, “Mai Thảo bị đánh ghen”, nằn nì chúng tôi và xin các báo bạn đừng đăng tin này, đừng tạo ra xì-căng-đan ầm ỹ. Chúng tôi đã “bao kín”. Tôi quen và thân Mai Thảo từ đó. Được nghe một chuyện tình lớn của anh ta, được nghe tâm sự ủ ê của lãng tử độc thân, tôi mến Mai Thảo. Anh ta trầm lặng, anh ta đứng đắn. Nhưng, cuối cùng, anh ta đã dẫm lên lòng quý mến của tôi dành riêng cho anh ta. Có lẽ, anh ta tưởng tài năng của anh ta quần chúng thiên hạ, bất khả xâm phạm chăng? Có lẽ, anh ta tưởng tôi sẽ chết rủ trong ngục tù, chẳng còn dịp gặp anh ta nữa chăng? Tôi đã hiện diện. Tôi còn sung sức. Mai Thảo thì tàn tạ, cằn cỗi rồi. Tôi không hề có ý “tính sổ” với anh. Chỉ nhắc nhở anh một sai lầm đi ra ngoài cái thiên chức của một nhà văn tự nhận mình là “chef de file” khi anh rỉ tai với Nguyễn Tuấn Anh: “Duyên Anh bậy lắm, trong tù, nửa đêm nó bảo anh em đun nước pha cà phê uống, rồi nó uống một mình!” Làm gì có chuyện ấy, làm như có chuyện xích lô chạy ở Pleiku như anh viết trong tiểu thuyết của anh. Anh chưa có một ngày trong tù cộng sản nên anh không biết rằng, ngay cả cả phê cũng bị cấm đem vào nhà tù nói chi lửa bếp. Ở đề lao Gia Định, đến tháng 8-1976, cà phê và trà bị cấm tiếp tế. Trước đó, cà phê được phép và chỉ pha bằng nước nóng của trại phát buổi sáng và buổi trưa. Tù nhân nào hâm đồ, đun nước, bằng bao túi ni lông trong xà lim, bị phát hiện, sẽ bị còng chân nhốt ở cachot, sẽ bị cấm viết thư, nhận thư và thăm nuôi. Ở Chí Hòa, kỷ luật khe khắt hơn. Bị gọi ra đánh sưng mày mặt. Ở các trại tập trung, nếu lén lút gởi mua được cà phê, tù nhân pha ngoài bãi lao động hoặc chủ nhật tự do nấu nướng trong bếp của trại. Tôi thấy Thế Phong xếp anh vào loại nhà văn viễn mơ không sai. Anh ham ngồi xích lô, nên anh cho nhân vật của anh ngồi xích lô trên đường dốc Pleiku. Anh ghét tôi, ghét kẻ luôn luôn yêu mến anh, ghét kẻ thường xuyên thù tạc anh champagne và vin, ghét kẻ luôn luôn bênh vực anh, ghét kẻ luôn luôn dùng uy thế của mình với các nhà xuất bản để bán tác phẩm dùm anh khi anh đã hoàng hôn xế bóng và anh cho tôi “pha cà phê trong ngục thất nửa đêm” và nhiều chuyện bịa đặt nham nhở khác. Anh Mai Thảo, với anh thì tôi chỉ cần nói sự thật. Và anh đừng quên không phải là tôi không có tài tưởng tượng, thêu dệt.
Đầu tháng giêng năm 1976, ông Đinh Xuân Cầu phát một tín hiệu mới: Một nửa nội các ra đi, một nửa ở lại hoạt động ngay tại Sàigòn. Tôi đến căn nhà của người thợ may, anh ruột của Trần Văn Lợi, khu chợ An Đông, nằm trên gác cùng với ông Cầu. Bây giờ, tổ chức có thêm Đặng Xuân Côn, đặt địa điểm liên lạc với Trương Phiên tại trụ sở Mai Hà công ty, đường Lê Lợi. Sáng 2-1-76, Đặng Xuân Côn tới An Đông để tiễn chân tôi. Buổi trưa, Trương Phiên xuất hiện. Ông ta nói tình hình bất ổn trong chiến khu. Nguyễn Cao Kỳ đã về nước, khống chế lực lượng của Bùi Thế Lân và bắt giam Lân. Kỳ muốn nắm nội các! Trương Phiên phàn nàn linh mục Trần Hữu Thanh không dứt khoát đi hay ở. Chuyến đi phải hoãn. Tôi ngỡ ngàng một chút và ngờ vực nhiều chút. Khởi sự, nội các họp báo quốc tế, cầm chân các thông tin viên bốn tiếng, rút vào bưng, xuất ngoại. Rồi một nửa nội các ra đi không kèn không trống. Rồi tình hình chiến khu bất ổn. Và, sau hết, Trương Phiên bảo tôi:
- Anh đừng về nhà nữa. Công an của phòng chính trị bảo vệ đã bao vây nhà anh.
Trương Phiện dặn dò chúng tôi cách khai báo, nếu rủi ro bị bắt. Phiên quả quyết người của tổ chức nằm ở hàng ngũ công an chấp pháp Sở Công An, không sợ hãi gì cả, anh em sẽ giải thoát. Tôi thực sự lưu vong ở … Sàigòn. Người ta tìm một căn nhà ở Tăng Bạt Hổ, đưa ông Cầu và tôi đến tá túc. Chủ nhà là một kỹ sư nông nghiệp hồi hưu, người miền Nam. Ông cụ biết mưu đồ của chúng tôi và tỏ ra quý mến chúng tôi. Cụ bà càng tha thiết, quyến luyến. Các cụ có 2 người con trai, một du học bên Pháp, ở lại, lấy vợ Pháp; một phi công trực thăng, đã hy sinh tại mặt trận Pleiku. Trần văn Lợi giới thiệu tôi đến đây. Ba người con gái của cụ, một cô là hotesse de l’air đường bay quốc ngoại, đã lấy chồng; hai cô đang còn là sinh viên và là độc giả của tôi. Rất lãng mạng, dù trong nghịch cảnh, hai cô mường tượng nhân vật Dũng cách mạng của Nhất Linh là tôi. Và tôi, tôi cũng thấy ở một cô, dáng dấp của Loan. Nếu sự “bôn ba" của chúng tôi chỉ là một trò chơi của gián điệp Mỹ Trương Phiên thì đau đớn quá. Trò chơi này đã xấc xược bước lên niềm tin của nhiều người bằng gót giày thô bỉ của nó. Tôi đã nghĩ, sau này, nếu tôi còn sống và được viết không gây nguy hai chi đến gia đình ân nhân của tôi, căn nhà số chẵn đường Tăng Bạt Hổ phải là một truyện dài tình nghĩa. Nó phải được ghi rõ số nhà cùng tên tuổi thật của những người cư ngụ trong đó.
Trương Phiên lại đến Tăng Bạt Hổ. Ông ta đưa cho tôi chút tiền. Khi Trương Phiên về, tôi và Đinh Xuân Cầu thảo luận trong nỗi bực tức của tôi.
- Tôi không tin những gì Trương Phiên nói.
- Tôi tin.
- Tôi cũng không tin nó vừa đi Mỹ về.
- Tôi tin.
- Ông tin là quyền của ông, tôi muốn tìm hiểu sự thật với chứng cớ cụ thể.
- Tôi có chúng cớ cụ thể.
- Hai tuần nữa, không rời khỏi Việt Nam, tôi về nhà tôi. Tôi không muốn bị bịp.
Tôi bàn với Đinh Xuân Cầu cái kế hạ sách của tôi bắt trói Trương Phiên lại, sai Sao Giò tra tấn y, Trương Phiên sẽ phải khai sự thật. Ông Cầu cười. Tôi cười. Chúng tôi cười rũ rượi, cười ngây ngất. Đinh Xuân Cầu, rốt cuộc, chỉ là một nghệ sĩ, ngây thơ và mơ mộng. Ông ta đã vẽ ra cảnh đất nước toàn thiện, toàn mỹ khi quyền bính về tay người quốc gia chân chính.
- Nếu Trương Phiên bị bắt, tôi bảo đảm, chỉ vài tháng sau nó được tự do.
- Tại sao?
- Vì nó là gián điệp.
- Còn ông?
- Tôi chết mục trong tù.
- Còn tôi?
- Thôi, đừng nói chuyện này nữa, ông Duyên Anh.
Ông Cầu rời Tăng Bạt Hổ đi đâu, tôi không biết. Tôi ở lại đây một tuần lễ. Khi tình yêu của tôi với cô con gái út của ông cựu kỹ sư vừa chớm nở thì Sao Giò chở tôi đến căn nhà của ông trùm xóm đạo, đường Tô Hiến Thành, Hòa Hưng. Người ta đã tổ chức cầu nguyện cho chúng tôi. Người ta đã cung phụng cho chúng tôi những gì người ta có. Người ta tin tưởng chúng tôi. Chắc chắn, tôi phải tìm cách giết Trương Phiên, nếu trò chơi của nó làm mất niềm tin của nhiều người. Ông Cầu, Sao Giò và tôi tá túc tại Tô Hiến Thành hai ngày. Chúng tôi di chuyển xuống ngã tư Bảy Hiền. Các chức sắc Xóm Mới thay phiên nhau đến thăm chúng tôi. Tôi áp lực với ông Cầu phải bắt Trương Phiên nói sự thật. Ông Cầu đi gặp Trương Phiên.
- Tôi đem các con tôi ra thề với ông rằng, chính mắt tôi, đã coi những dias mà Trương Phiên chụp đứng cạnh Lý Quang Diệu. Trương Phiên nói, để chứng minh sự thật, y sẽ đưa Ngô Quang Trưởng về Sàigòn gặp chúng ta.
- Tôi vẫn chưa tin.
- Vì ông tỏ vẻ không tin nên Trương Phiên có ý đề phòng ông.
Tôi nổi giận:
- Nó đề phòng tôi, tôi sợ gì nó!
Ông Cầu trấn an:
- Ông đừng hiểu đề phòng theo nghĩa xấu. Ngày mai, tôi hẹn Trương Phiên ở nhà em tôi, Đinh Xuân Thọ, đường Nguyễn Hoàng.
Chúng tôi đợi Trương Phiên. Ông ta đã tới. Trương Phiên trả lại tôi một lạng vàng. (Tổ chức mượn tôi 2 lạng). Ông ta đưa tôi coi một tờ báo bí mật in roneo của Phục Quốc. Rồi ông ta nói:
- Nếu các ông nóng lòng ra đi, tổ chức sẽ chỉ lo các ông tới Thái Lan thôi. Tương lai chính trị của các ông sẽ mất mát nhiều, vì các ông khó trở về Việt Nam.
Tôi nói:
- Tôi không cần tương lai chính trị, không cần ra đi. Tôi chỉ cần biết ông kéo dài trò chơi này bao lâu và trò chơi của ông nhằm mục đích gì?
Trương Phiên nghiêm nghị:
- Trước hết, tôi không phải là cộng sản. Thế thì hành động của chúng ta không phải là trò chơi.
Tôi đập bàn:
- Vậy các ông hành động đi, tôi bỏ cuộc.
Tôi về nhà tôi. Tôi không thấy một dấu hiệu nào của sự bao vây, theo rõi tôi. Sao Giò vẫn liên lạc tôi qua Đặng Xuân Côn. Tôi biết ông Cầu đã gặp Thái Ngũ ở Chợ Lớn và đã nhận được tài trợ của Thái Ngũ. Ông Cầu hẹn tôi ở Bảy Hiền. Tôi giới thiệu Hoàng Ngoc Thân với ông Cầu. Ông ta cho chúng tôi hay mọi diễn tiến tốt đẹp. Cuối tháng 1-1976, ông Cầu và Sao Giò bị bắt trên đường vào nhà Thái Ngũ. Chính Trương Phiên lên Nam Hà công ty báo tin này cho Đặng Xuân Côn. Trương Phiên hẹn gặp tôi ở nhà Đặng Xuân Côn. Ông ta đã thất hẹn. Sau Đinh Xuân Cầu, linh mục Trần Hữu Thanh bị bắt. Rồi Trần Thiện Ngọ, Hà Tường Cát … Tôi bắt đầu lo lắng. Ăn tết xong, tôi vẫn chưa bị bắt. Đặng Xuân Côn thường xuyên liên lạc với Trương Phiên. Ông ta nói với tôi rằng không muốn gặp tôi vì tôi nóng tính. Côn có vẻ tin Trương Phiên, ít nhất, tin rằng người của tổ chức nằm ở Sở Công An, do đó, tôi không bị bắt. Tôi cứ thắc mắc tại sao Trương Phiên, kẻ chủ chốt, vẫn khơi khơi ngoài đời?
Nguyễn Văn Sao, từ Sao Giò, chuyển lời của tôi cho ông Đinh Xuân Cầu khi anh ta về phòng. Buổi chiều, anh ta ra hành nghề hớt tóc tù, Sao xin phép cán bộ tặng tôi khúc bánh mì chả quế. Tôi hiểu ý, moi ổ bánh mì, lôi mẫu thư của Cầu: “Ông bi quan quá, mục sư vẫn là mục sư. Tôi tin.” Tôi không tin mà yên tâm ông Cầu đã quên tôi trong “tự khai”. Ba Trung cũng chẳng đề cập gì đến “Nội các Đinh Xuân Cầu” khi mạn đàm với tôi. Nó không gọi tôi ra viết tự khai nữa. Bản tự khai của tôi chưa hết quá trình từ 10 tuổi đến khi tôi di cư vào Sàigòn. Ba Trung bỏ rơi tôi. Nó gọi Đằng Giao. Nó gọi Nguyễn Viết Khánh. Nó gọi Thanh Thương Hoàng. Thời gian này, phòng B tiếp nhận một nhân vật của sách vở Sàigòn: Ông Nguyễn Văn Trường, chủ nhân nhà sách Khai Trí, chủ nhiệm tuần báo Thiếu Nhi. Ông Trường vào với tin sốt dẻo: Các giám đốc của các nhà phát hành Nam Cường, Đồng Nai, Việt Nam đã bị bắt hết. Nguyễn Hữu Hiệu phát biểu một câu chính xác: “Ở chế độ mới, những ai dính líu vào chữ nghĩa mà không bị bắt là một điều ô nhục!” Rất nhiều kẻ không những đã không bị bắt mà còn rạch miệng theo thời kết án những người bị bắt. Thí dụ tên Hồ Thành Đức, chồng của Bé Ký, đã đăng đàn nhục mạ vợ chồng Trần Dạ Từ. Thí dụ con gái tên cộng sản nằm vùng, đã đứng trong phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy, nhìn sách của Nhã Ca trình bầy mà cười sung sướng. Vân vân … Tôi ái ngại nhất trường hợp Đằng Giao. Cả đời cậu Trần Duy Cát chưa hề vẽ một bức tranh chống cộng sản. Đằng Giao bị bắt chỉ vì là con rể của Chu Tử. Trước 30-4-75, Chu Tử đã yếu lắm rồi, sắp chết rồi. Tay Chu Tử run. Môi Chu Tử thường xuyên mấp máy. Chu Tử theo đứa con trai đầu lòng xuống tàu. Việt cộng bắn tàu. Tất cả sống nhăn hoặc bị thương, trừ Chu Tử bị chết và bị quăng xác giữa biển khơi. Đằng Giao, Chu Thị Thủy ở lại, biến 104 Công Lý thành quán cà phê, bún chả, bánh mì… Bạn bè tá túc 104 Công Lý có Ninh Chữ be be chửi cộng sản, có Nguyễn Hữu Đống, tự Đống hói, giép râu túi vải thời thượng khó hiểu. Anh em văn nghệ tới Đằng Giao ăn uống giúp đỡ bạn đều bị ghi tên vào số đen. Ai ghi? Đằng Giao biết và Đằng Giao chẳng thể tuyết hận được vì kẻ ấy đang có mặt ở Paris, cũng sinh hoạt hội đoàn sôi nổi! Người ta bắt Đằng Giao, bắt vợ Đằng Giao, bắt con mới sinh ra được 3 ngày của Đằng Giao vì 104 Công Lý là nơi tụ tập phản động. Không, vì không bắt nổi Chu Tử, cộng sản giận cá chém thớt. Và đó là đạo đức cách mạng, là khoan hồng chủ nghĩa, là phẩm cách cộng sản! Người ta còn nói thêm, đó là cái “bách chiến bách thắng”, cái “ưu việt” của chủ nghĩa", cái nôi của loài người. Cộng sản là những người trả thù vặt vãnh, là những người nuôi thù hận cả nghìn đời. Hãy nghe một bài hát của họ:
Ta là người nông dân
Mặc áo lính
Chiến đấu vì giai cấp bị áp bức từ bốn nghìn năm…
Từ bốn nghìn năm cũ, con người đã là đối tượng thù hận của cộng sản. Tất cả đều là kẻ thù của cộng sản khi họ đến. Phải đợi 100 năm sau, khi cộng sản “trồng người” thành công cụ bịt tai, che mắt và chỉ biết tiến lên tuyến đầu mà chết thảm, bấy giờ, họ mới hết nội thù. Nhưng vẫn còn ngoại thù.
…Sống tập đoàn cùng thế giới công khai
Và kiến thiết xã hội ngày mai
Lúc đế quốc đang sắp tan rã dần.
Ta tiền phong tiến tới
Sức chiến đấu đi xuống miền Đông Nam
Lúc đế quốc đã tàn …
Bạn ơi, lúc đế quốc tàn là đời bạn cũng tàn, là con cháu bạn phải hứng đau khổ giùm bạn. Lúc ấy là da đen, da đỏ biến thành công cụ của thù hận trừng phạt da trắng. Và người cộng sản thì làm linh mục, mục sư, giảng phúc ấm về đạo đức, khoan hồng, phẩm cách, ưu việt, hạnh phúc, tự do, dân chủ, hòa hợp… Đừng nghĩ rằng nước Mỹ không thể bị thôn tính bởi cộng sản. Vũ khí tiêu diệt toàn bộ nước Mỹ của cộng sản là lòng ích kỷ, sự trịch thượng và tinh thần thân cộng làm dáng tiến bộ của người Mỹ. Cộng sản luôn luôn tự hào mình giỏi sáng tạo nỗi khổ. Họ sẽ có dịp sáng tạo nỗi khổ trên khắp nước Mỹ. Một trong những nỗi khổ mà người Mỹ ớn hơn bị mọi da đỏ lột da đầu là xuống hầm phân cải tạo, dùng tay bốc cứt, với hàng tỉ con ròi bỏ lên thân thể, chui vào lỗ mũi, lỗ tai. Wait and see, American!
Cuối tuần lễ thứ ba xảy ra một chuyện toát mồ hôi lạnh. Vào lúc 11 giờ đêm, chúng tôi đang nằm yên, bỗng nghe tiếng chìa khóa tra vào ổ. Người cai ngục đã chứng tỏ một nghệ thuật siêu đẳng về sự gây ra tiếng động hăm doạ chết chóc. Chúng tôi vụt ngồi dậy. Cai ngục kéo cánh của sắt thật chậm chạp, cố tình tạo âm thanh “két két” nổi da gà. Hắn vào phòng, cầm tờ giấy, soi dưới ánh đèn vàng:
- Năm người có tên sau đây chuẩn bị đồ cá nhân. Khẩn trương!
Chúng tôi hồi hộp. Tim đập thình thịch. Khoảnh khắc sợ hãi đó, mỗi người trong chúng tôi đều chỉ nghĩ tới sự bất hạnh khốn cùng. Có thể chúng tôi bị bắn. Có thể chúng tôi bị thủ tiêu. Có thể chúng tôi bị lưu đày. Ai là năm người? Ai cũng mong đừng là mình, dám là mình. Cảm giác này không bao giờ có ở những anh bên ngoài nhà tù giải thích về lòng can đảm và phán xét sự khiếp nhược. Những anh ưa giải thích lòng can đảm trong bình yên sẽ xón đái, vải cứt ra quần ngay, sẽ ngất xỉu khi nghe gọi tên mình. Không chừng, quýu quá, mấy anh phán xét rẻ tiền sẽ móc lỗ đít, đưa lên ngửi, rồi nếm và hy vọng đó là phép lạ cứu mình! May quá, chúng tôi không có ai xón đái, tuy rất sợ hãi.
- Nghe tôi đọc tên, đáp có, xách hành lý ra khỏi phòng ngay.
Cai ngục hắng giọng:
- Hoàng Anh Tuấn!
- Có.
Hoàng Anh Tuấn chụp vội cái điều cày và bước ra hành lang.
- Trần Duy Cát!
- Có.
- Nguyễn Hải Chí!
- Có
Cửa phòng khép lại, khóa kỹ. Những người lọt sổ thở phào. Một tiếng đồng hồ sau, khi mồ hôi lạnh của tôi vừa kịp khô thì chìa khóa lại tra vào ổ rất điệu nghệ.
- Ba người có tên sau đây …
Rồi tiếp tục. Đến 4 giờ sáng. Cuối cùng, phòng B còn lại Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Hồng Dương và tôi là văn nghệ sĩ. Chúng tôi có tin lành sáng hôm sau. Chú công an Hồng nói, đêm qua chuyển tội phạm sang đề lao Gia Định. Năm chúng tôi bị chấp pháp bỏ rơi. Nguyễn Hữu Hiệu nói:
- Nó sẽ phân tán mỏng chúng ta. Gom toàn bộ nhà văn một phòng, tin tôi đi, chúng ta sẽ lập thuyết, sẽ có thuyết mới ra đời.
Tôi cần nói thêm, chúng tôi sống chung với Trịnh Quới Tài, nhân viên của Phòng Nhì cũ, tiếp tục nghề nghiệp qua các chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu. Ông ta bị bắt từ 1-5-75. Chức tước của ông ta: trung tá phủ đặc ủy Tình Báo Trung Ương. Ông Trịnh Quới Tài làm tự khai ngày nầy qua ngày khác. Thiếu thuốc phiện, trí nhớ của ông ta sụt giảm. Sở Công An biết điều này, mỗi ngày cho ông ta “làm việc” một lần. Ông được hút thuốc phiện và khai báo đủ thứ chuyện. Một nhà báo liếc đọc trên tờ khai của ông ta có tên Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Trịnh Viết Thành… Tất cả ký giả nhận tiền của Trung Ương Tình Báo đều bị Trịnh Quới Tài … tự khai. Tuy không liên hệ gì với Trung Ương Tình Báo, Mậu, Hiệu và tôi rất ngán ông Tài. Chúng tôi chỉ sợ làm mất lòng ông ta. Ông Tài thích kể kỷ niệm xuống Long Xuyên, vây bắt bố vợ tôi, ông Nguyễn Ngọc Đề, người “chống luật người cày có ruộng không biết mệt mỏi”.
Cùng với những người bị bắt về đủ thứ tội, cụ già và con nít, chúng tôi ở Sở Công An đã qua bầu cử. Chúa ngục Hai Phận hân hoan bao tin:
- Bầu cử quốc hội cả nước thành công vĩ đại.
Y trơ trẽn nói:
- Gia đình các anh rất cảm động khi đọc thư các anh. Vợ con các anh khen các anh đã vào tù mà còn nhắc nhở bổn phận bầu cử!
Hai Phận bắt chúng tôi viết đúng boong câu mồi của chế độ rồi y khen chúng tôi! Trong một nghìn nỗi bất hạnh con người phải chiu đựng, nỗi bất hạnh chảy nước mắt nhiều nhất là vào nhà tù cộng sản để có ông thầy Hai Phận, biểu tượng thê thảm của chủ nghĩa ưu việt. Cộng sản kiêu ngạo một cách ngu xuẩn. Họ mắc cái bệnh thích làm thầy mọi người. Họ khoái được giáo dục con người. Cứ mở miệng là họ đòi … giáo dục. Họ đã giao nhiệm vụ giáo dục chúng tôi cho Hai Phận dốt nát. Mỗi sáng thứ bẩy, y ngồi chễm chệ trên ghế đẩu, giảng dạy văn hóa Mác xít như Hồ Chí Minh giảng dạy cách giết người. Chúng tôi phải nghe. Không dám cười.
- Hôm nay, tôi dạy các anh về bệnh ghẻ. Các anh có biết tại sao miền Nam ghẻ mà miền Bắc không ghẻ không?
Im lặng, Hai Phận cười:
- Cần một anh trả lời và hỏi. Học, hỏi, hiểu, hành. Học mà không hỏi thì hiểu gì mà hành!
Trưởng phòng bèn lễ độ:
- Thưa ông Trưởng trại, chúng tôi không hiểu tại sao?
Hai Phận gật gù:
- Thế mới phải học. Học, học, học nữa, học mãi. Miền Nam ghẻ vì dân miền Nam mặc quần áo ni-nông. Quần áo ni-nông bí lắm, mồ hôi nhễ nhãi gây ngứa, gãi lung tung rồi nhiễm trùng là sinh ghẻ. Còn miền Bắc mặc quần áo vải, thấm mồ hôi không có ngứa. Đấy, bệnh ghẻ là do ni-nông! Hay chưa? Vỗ tay đi!
Chúng tôi vỗ tay. Hai Phận quả thật vĩ đại hơn Hồ Chí Minh. Y có cả một triệu bài học. Bài học thứ 2 y dạy chúng tôi là … kinh tế:
- Kinh tế miền Nam là kinh tế phồn vinh giả tạo. Cho các anh biết tất cả của cải miền Nam gộp lại cũng chỉ xây nổi một nửa Lăng Bác thôi. Mấy cái máy lạnh, tủ lạnh, xe hơi, honda, ti vi của miền Nam thấm tháp gì! Miền Nam có mỏ dầu hỏa chưa? Miền Bắc đã có, ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đó. Cần quái gì phải giàn khoan, cứ cắm ống nứa xuống đất là dầu phụt lên, muốn xăng có xăng, khí đốt có khí đốt.
Kết luận của bài học kinh tế, Hai Phận hỏi:
- Các anh có muốn ăn thịt lợn quay không?
Trưởng phòng đáp:
- Muốn.
Hai Phận nói:
- Muốn thì chung tiền lại, chiều nay cán bộ đi mua về cho mà ăn.
Hôm nay, chúng tôi nhiệt liệt vỗ tay hoan hộ Hai Phận. Thế giới gọi các nhà tù cộng sản là trại học tập cải tạo. Thế giới dùng chữ nghĩa của cộng sản một cách khơi khơi. Và nếu đúng ý muốn của cộng sản và thế giới tự do, tôi, một tù nhân lương tâm, đã học tập được ở trại cải tao Sở Công An hai bài học phi thường: Bệnh ghẻ do mặc quần áo ni-nông và không cần giàn khoan, cắm ông nứa xuống mỏ, dầu phụt lên, phân loại xăng, khí đốt, khỏi cần lọc!
--------------------------------
1 Tôi quên mất tên của ông chánh sở chương trình và em vợ Đào Quang Huy.

CHƯƠNG 7

Để tôi đếm lại cho chính xác những nhà văn, nhà thơ bị bắt trong chiến dịch 2-4-1976.
Doãn Quốc Sĩ
Dương Nghiễm Mậu
Lê Xuyên
Nguyễn Mạnh Côn
Mặc Thu
Nhã Ca
Trần Dạ Từ
Thái Thủy
Hoàng Anh Tuấn
Thế Viên
Duyên Anh
Vũ Hoàng Chương
Chỉ có từng ấy người bị còng tay dẫn vào tù, bị nhốt chung với ăn trộm, ăn cắp, vượt biên, tư sản mại bản và đảng phái trốn trình diện. Chỉ từng ấy người bị công an chấp pháp quần thảo tơi tả và bị Hai Phận vĩ đại dạy học ở Sở Công An. Trong số những người ấy, tội nghiệp nhất Thế Viên. Anh ta chẳng có tội tình gì cả. Anh ta làm nghề dạy học và làm thơ ca ngợi tình yêu. Từ Nha Trang, anh ta mò vô Sàigòn thăm Doãn Quốc Sĩ, ăn cơm trưa nhà Sĩ. Đừng níu bạn lại uống cà phê, nghe nhạc thì bạn thoát6 năm tù lãng nhách. Vì Sĩ hiếu khách quá, Thế Viên đã gặp lại học trò cũ của mình đến bắt Sĩ và lũ học trò đốn mạt đó đã sẵn còng, còng luôn thầy mình. Cách mạng 1945, học trò của nhà văn Lan Khai bỏ thầy vào cái bao tải, buộc đá, liệng thầy xuống sông. Cách mạng 1975, học trò của thi sĩ Thế Viên còng tay thầy đẩy vào tù! Vẫn thứ cách mạng tồi tệ đó. Nó đã anh dũng sát hại một nhà thơ tài hoa của dân tộc là Vũ Hoàng Chương. Ôi! Vũ Hoàng Chương, người thi sĩ gió thổi mạnh là bay theo gió, người thi sĩ mình hạt vóc mai, mà cả Đảng Cộng Sản Việt Nam cộng với “chủ nghĩa bách chiến bách thắng” mới giết nổi khi đã còng tay đưa vào tù thì thi ca của họ Vũ phải vinh tồn bằng trăng sao vạn kỷ. Và chủ nghĩa cộng sản phải dùng danh từ gì để cực tả lòng khinh bỉ? Hai tiếng chó đẻ, có lẽ, đắc ý nhất. Tôi nghĩ những người cộng sản sẽ không phản đối. Bởi vì, tự bản chất họ đã bộc lộ niềm khao khát làm người. Hãy nghe họ mơ ước.
Nếu là chim, tôi sẽ là loại bồ câu trắng.
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương.
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm.
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương.
Họ chưa là người. Họ đang mong làm người. Bảo họ là chó đẻ, có khi họ rất hồ hởi, phấn khởi! Nhưng đừng nói thật với Hai Phận vĩ đại. Những ngày tạm ngụ tại địa chỉ của chủ nghĩa, các bạn sang đề lao Gia Định gần hết, chúng tôi buồn lắm. Cửa sắt là chỗ ngồi “rửa mắt” của Dương Nghiễm Mậu và tôi. Tôi đã gặp Nguyễn Sĩ Tế mặc quần xà lỏn, cởi trần, ngồi hớt tóc. Anh ta gầy ốm, hom hem. Nằm cachot riết, nước da anh xanh tái. Tên tập truyện Chờ sáng đã vận vào người anh. Anh nằm trong cachot tối tăm như cuộc đời tối tăm mà chờ sáng. Nguyễn Sĩ Tế bị bắt trước tháng 4-1976. Bị bắt cùng ngày, cùng vụ với anh còn có Đặng Lê Kim, giám thị trường Trường Sơn, quản lý tạp chí Hiện Đại của Nguyên Sa. Anh Nguyễn Sĩ Tế dính líu vào một tổ chức chống cộng sản sau 30-4-1975. Không biết anh có mời ông “nhà văn” nọ tham gia tổ chức của anh không mà, vì ông ta là thầy giảng dạy triết học ở trường của anh, em vợ Hưởng Triều Trần Bạch Đằng, được Trần Bạch Đằng cho “nằm vùng” báo Tin Sáng của bọn Ngô Công Đức, đi Bắc về Nam như … đảng viên, nên người ta nghi ngờ ông “nhà văn” nọ đã gài bẫy anh. Y hệt trường hợp luật sư nằm vùng Đỗ Hữu Cảnh đã gài bẫy đưa bạn cũ của mình là Dương Đức Dũng, Đoàn Kế Tường cùng cô Phan Vô Kỵ vào tủ. Ít nhất, Đỗ Hữu Cảnh, bí danh Ba Sơn, đã chỉ điểm cộng sản bắt gần một ngàn sinh viên, học sinh phản động. Anh Tế rất phờ phạc, buồn bã. Anh thấy chúng tôi, lắc đầu chán nản. Chúng tôi gặp Nhã Ca đi tắm, cười toe toét.
Tôi tưởng Ba Trung quên hẳn tôi. Không dè nó lại gọi tôi ra.
- Hôm nay anh gặp lãnh đạo của tôi, đồng chí Giám đốc.
Ông Mai Chí Thọ, con cháu ngài Tổng Đốc Nam Định Phan Đình Hòe, em ruột ông Lê Đức Thọ, gặp tôi! Chỗ ông ta ngồi là chỗ của Trang Sĩ Tấn ngày xưa. Chức Giám đốc Sở Công An của Mai Chí Thọ là chức nổi, ông ta nắm toàn bộ lực lượng vũ trang miền Nam. Ông ta niềm nở mời tôi ngồi, sai cán vụ bưng nước, mang thuốc lá Thăng Long chiêu đãi tôi. Ông ta thân mật khiến tôi sửng sờ.
- Thế nào, Duyên Anh?
- Bình thường, thưa ông Giám Đốc.
- Giam giữ anh em nhà văn là khuyết điểm của anh em chúng tôi nhưng bắt buộc phải làm vậy. Duyên Anh có buồn không?
- Thưa ông, tôi không được phép buồn.
- Đừng khách khí, Duyên Anh. Tôi đọc Duyên Anh nhiều. Mây mùa thu tình tự dân tộc lắm. Luật hè phố rất hay. Tại sao không viết như thế mãi mãi?
- Vì độc giả của tôi cần thay đổi. Và tôi cũng cần thay đổi.
- Đáng tiếc. Trước đây, Duyên Anh định viết 10 cuốn truyện căn cứ vào “10 điều tâm niệm của học sinh tiểu học”, bây giờ, liệu có cảm hứng viết 5 cuốn truyện nhi đồng, căn cứ vào “5 điều dạy học sinh” của Hồ chủ tịch không?
- Tôi sợ viết văn rồi.
- Tại sao?
- Viết văn đã gây ra tại họa cho tôi.
- Đáng tiếc. Duyên Anh muốn làm gì?
- Thưa ông, tôi thật chưa biết sẽ nên làm gì.
- Anh em trong phòng ra sao?
- Bình thường cả.
Mai Chí Thọ thăm hỏi anh em tôi ngoài Bắc và vợ con tôi trong Nam. Câu chuyện kéo dài gần một tiếng. Và chỉ có thế. Ông ta tỏ ra hết sức lịch sử và kẻ cả. Ông ta hơn tôi tuổi tác, kinh nghiệm chiến đấu và kiến thức chính trị. Ông ta thua tôi nghệ thuật viết văn. Cái mà ông ta đang hơn tôi rõ rệt là ông ta có quyền giam nhốt tôi. Chưa chắc ông ta đã có quyền tha tôi. Về phòng, tôi kể cho Dương Nghiễm Mậu nghe.
- Thằng ấy cáo già thật, Mẫu nói. Nếu nó gọi tôi, tôi cũng không thể trả lời khéo hơn ông. Mình cứ tùy cơ ứng biến. Ông mà nhận lời viết, nó sẽ khinh ông. Cộng sản gộc, nó cao ngạo lắm. Mình ở vào cái thế hết lạy nó được rồi. Tôi và ông thống nhất điểm này: Mình sẽ nhận hết tội với Đảng và cách mạng, không nhận tội với nhân dân. Với nhân dân, chúng ta vô tội. Nhân dân đâu có kết tội chúng ta. Và nữa, chúng ta chống Đảng, chống cách mạng, không chống nhân dân. Chúng nó bị thực dân bắt cũng nhận tội hết. Sự tồn tại là cần thiết, tiểu tiết bỏ đi. Tồn tại để viết, nhẫn nhục để viết. Chết ngu là bất trí.
- Nó chiếu cố mình thì hơi phiền.
- Phiền gì? Nó hiểu ông có ảnh hưởng sâu rộng với tuổi trẻ hơn nhiều anh em khác. Nó sẽ làm ông điêu đứng về mọi mặt. Có vinh quang nào không phải trả giá bằng xương máu? Tôi xin ông một điều.
- Chi?
- Ông bớt nóng tính đi. Bữa nọ tôi thấy ông chửi thằng tư sản mại bản Chợ Lớn thật đúng vì quyền lợi tập thể. Ông còn tiếp tục vì quyền lợi tập thể, ông sẽ hố. Tôi nhắc để ông nhớ châm ngôn tù mà ông đã từng viết “Bạn tù, tình nhà thổ. Trong tù thấy chuyện bất bình thì câm”. Ông ưa bầy tỏ chính kiến quá. Cái chính của ông sẽ bị cái at át giọng. Về tư tưởng bất đồng, người ta có thể giết nhau, huống chị nói xấu lẫn nhau.
- Cám ơn ông.
Dương Nghiễm Mậu ít tuổi hơn tôi, ít học ở nhà trường như tôi, nhưng Mậu điềm đạm hơn tôi. Một nhà văn thuần túy thì chỉ có người thích và người không thích. Một nhà văn đi làm nhật báo ồn ào, đụng chạm tứ tung, thì nhiều người yêu và lắm kẻ ghét. Dương Nghiễm Mậu hạnh phúc hơn tôi. Vì không ai ghét Mậu cả. Vì Mậu đã không làm nhật báo ồn ào. Ở đời, có những điều mình muốn mà chẳng được, có những điều mình chẳng muốn mà bị muốn, bị cuốn hút vào quỹ đạo mong muốn của người khác. Tôi đã không muốn làm báo, viết báo. Thuở còn ngồi tiểu học, thầy giáo cho bài luận: “Lớn lên anh làm gì?”, tôi đã khước từ chọn lựa nghề nghiệp vì tôi lười, tôi dốt, tôi không thể làm bài luận hóc búa ấy. Lớn lên, theo Duy Dân, được biết phái xuống Long Xuyên dạy học bất đắc dĩ, tôi bỗng yêu nghề dạy học. Sự yếu mến nồng nàn này tôi đã diễn tả trong Ngựa chứng trong sân trường. Rất tiếc, tôi còn quá trẻ và cần mảnh bằng tú tài. Tôi trở về Sàigòn học thi tú tài. Định mệnh xui tôi đến cái lớp chuyện dạy Việt văn của giáo sư Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền, sau này là biên tập viên ở những báo tôi làm chủ bút. Tôi đứng ngoài, nghe Lữ Hồ nói phét câu giờ dễ sợ. Lữ Hồ hơn tôi vài tuổi. Anh có thêm tài vẽ. Anh vừa vẽ vừa giảng văn chương. Tôi nghĩ không nên có anh chàng nầy làm thầy mình. Và tôi bỏ mộng thi tú tài, bỏ mộng làm thầy giáo. Nếu tôi có tú tài, tôi sẽ vào trường Bộ Binh Thủ Đức, chẳng hiểu đời mình sẽ là cái gì! Loay hoay ít lâu, tôi viết truyện ngắn. Nhờ truyện ngắn, tôi thành anh công chức. Nhờ đảo chính 1-11-1963, tôi thành anh nhà báo và thành người sửa bài, viết giùm giáo sư văn chương Lữ Hồ. Giáo sư viết yếu quá. Tôi tưởng tôi sẽ chỉ viết những truyện hiền hòa như Hoa thiên lý, dễ thương như Thằng Vũ, nồng nhiệt như Bồn Lừa, êm đềm như Mây mùa thu. Ai ngờ tôi lại phải viết Điệu ru nước mắt, Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang, Trần Thị Diễm Châu. Và, theo đà cuốn hút của thời đại, của những đòi hỏi của chủ nhiệm nhật báo, tôi biến thành cha đẻ của loại phóng sự chính trị nham nhở, sống sượng. Cuộc mưu sinh của tôi thật khó khăn. Tôi phải tự lắp sừng nhọn vào đầu tôi mà húc, mà tranh đấu với cuộc sống vốn chẳng tử tế gì. Sách của tôi xuất bản, không ai thèm nhắc tới. Thỉnh thoảng cũng có người phê bình thì cũng khen chê kiểu “bình thường hiện thân”. Bọn sa-đích phê bình văn nghệ rẻ tiền – chữ của Nguyên Sa – không dám đụng đến tôi. Vì tôi có sừng nhọn Thương Sinh của nhiều nhật báo. Châm ngôn của tôi hồi đó: “Thằng nào cắn ông một miếng, ông cắn lại đủ 26 miếng nhân với 4!” Khi sách của tôi bán chạy nhất nước, tôi làm nhà xuất bản, tôi là con “cưng” của các nhà phát hành, tôi khá giả, bọn sa-đích văn nghệ quên làm tính nhân, quên luôn 50 tác phẩm bán chạy ròng rã 10 năm, tác phẩm tôi thức đêm viết, hút cả tấn khói vào phổi mà viết, dài tay ra mà viết. Tính vất đi, mỗi cuốn tôi hưởng lợi nhuận 500,000 đồng quốc gia, tôi đã có 25 triệu đồng rồi. 25 triệu nhỏ quá. 25 triệu tính bằng 1 tỉ chữ, càng nhỏ hơn. Tại sao chúng nó không dám thị phi những thằng thầu đổ rác, những thằng tham nhũng, những thằng thầu khoán chiến tranh? Mà lại chỉa mũi dùi bẩn đâm lén một thằng viết văn khá hơn chúng nó. Tôi phải tự võ trang sừng nhọn, vì thế. Sa-đích văn nghệ chơi tôi đủ kiểu. Chúng nó thấy các trường trung học trần thuyết sách của tôi, các trường đại học nghiên cứu sách của tôi, chúng nó điên lên, xếp tôi vào loại những nhà văn “không có gì để phê bình”. Sa-đích văn nghệ tự bào chữa cho chúng nó: “Sách của các ông bán ế vì độc giả ngu, không đủ kiến thức thưởng ngoạn!” Quý vị nhà văn tự cho mình lớn, tự cho mình là hàng đầu, đã giả vờ quên tôi, mặc dù, quý vị ấy chán tôi lắm, tại tôi đã “đánh đu văn chương”, tôi đã “thao túng văn nghệ” và đẩy quý vị ấy vào bóng tối. Tôi cần thiết có nhiều bút hiệu để viết báo. Để viết văn. Để quảng cáo tôi. Để bảo vệ tôi. Người như Cao thế Dung và Nguyên Sa thật hiếm. Lúc ấy, Cao Thế Dung viết: “Thằng Vũ là giải lụa đào trong văn học Việt Nam. Chỉ cần một Thằng Vũ thôi, Duyên Anh đã xứng đáng là nhà văn hàng đầu của văn học hiện đại”. Nguyên Sa viết: “Thằng Vũ là vàng mười của văn chương Việt Nam”. Trước khi sa cơ còn được đọc những lời tuyên dương lên mấy chém, tưởng cũng nên bằng lòng. Tôi giải thích tại sao lại có Thương Sinh: Vì cuộc sống nhiều sa-đích văn nghệ. Tôi trả lời bạn hữu tôi, sẽ còn Thương Sinh nữa không: Còn chứ, vì sa-đích văn nghệ vẫn rình rập tôi, sa-đích mà Nguyên Sa đặt tên mới là Thiện Mông Cổ. Tôi bằng lòng hơn khi biết mình đã có nhiều đồ chơi lạ mà sa-đích văn nghệ thì cứ đếm nút khoen và đẩy lon sữa bò! Tôi bằng lòng hơn nữa, khi thấy hàng tỉ chữ cộng sản dùng để chửi bới nhà văn, nhà thơ lừng lẫy Sàigòn, đã chẳng có chữ nào họ bố thí cho sa-đích văn nghệ. Cuối cùng, tôi rút một kinh nghiệm: Ở nước tôi, càng nổi tiếng bao nhiêu, càng tai họa bấy nhiêu, bất cứ lãnh vực nào. Riêng lãnh vực báo chí, văn nghệ là tồi tệ nhất.
Và tôi đã tiếc không chịu ẩn dật như Dương Nghiễm Mậu, không vô vi như Dương Nghiễm Mậu, Ôi! Định mệnh đã an bài! Cái triết lý mất vợ của ông Tý Con thật tuyệt diệu. Nguyễn Mạnh Côn, hai tháng trước khi bị bắt, tâm sự với tôi hết sức tỉnh táo:
- Tôi rất tiếc trường hợp câu.
- Anh tiếc cái gì?
- Khi không cậu chống chính quyền rồi cậu chống cộng sản.
- Anh hối hận đã chống cộng sản à?
- Tôi chỉ nói cậu thôi.
- Tôi đâu có ân hận.
- Nếu cậu không chống chính quyền, chống cộng sản, chỉ riêng những sách viết về tuổi thơ, cậu là nhà văn của dân tộc, hoàn toàn thuộc về dân tộc. Cậu tin tôi đi, cộng sản không ngu đâu, nó sẽ dùng cậu viết về tuổi thơ.
- Tuổi thơ của Bác?
- Cậu cứ đùa cợt hoài.
Trên vỉa hè Tự Do, ở một quán cà phê lề đường, Cao Dao gặp Mai Thảo và tôi. Anh nói:
- Nghề nghiệp của các cậu chấm dứt rồi. Họ có cho viết, anh nào ham viết sẽ nhục với chữ nghĩa. Bởi các cậu không viết theo kiểu của họ nói. Họ không có tiểu thuyết. Trừ Duyên Anh, nếu Duyên Anh viết thuần túy về tuổi thơ loại Thằng Vũ, Bồn lừa.
Tôi có thể nói Hà Nội thèm một người việt truyện trẻ con như tôi mà không sợ lộng ngôn. Ba mươi năm xã hội chủ nghĩa ưu việt, tính đến tận hôm nay, nhà xuất bản Kim Đồng, với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà Nước, đã cung cấp rất nhiều sách cho thiếu niên, nhi đồng nhưng chỉ là loại sách mỏng và không làm say mê độc giả tuổi nhỏ. Những người viết tung ra hàng nghìn mẫu dũng sĩ tẻ nhạt, không một cá tính riêng biệt mà chỉ có … đảng tính (Đảng tính là yếu tố cần thiết trong văn học Mác xít). Do đó, độc giả tuổi nhỏ không thấy một chút gì về họ. Họ không tìm ra họ trong xã hội truyện của nhà Kim Đồng. Đừng tưởng những người viết cho Kim Đồng hay các nhà xuất bản sách thiếu nhi khác không được tự do viết. Họ không thể viết được truyện tuổi nhỏ. Chẳng tin, cứ bảo Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ thử viết truyện Dzũng Dakao thôi, xem nó ra sao. Viết truyện tuổi thơ rất khó. Đẩy nhân vật tuổi thơ vào vũ trụ tiểu thuyết với thời tiết, sân chơi, trò chơi, ngôn ngữ của tuổi thơ càng khó. Bởi vậy, cả nước Mỹ chỉ có Mark Twain với Tom Sawyer bất hủ. Trước 1945, chúng ta có ba nhà văn viết truyện tuổi thơ: Tô Hoài, Nguyễn Đức Quỳnh và Lê Văn Trương. Tô Hoài đã làm say mê thiếu niên thời đó với những truyện loài vật và sâu bọ. Từ O Chuột đến Chuột thành phố, Dế mèn, Dế mèn phiêu lưu ký, Tráng sĩ bọ ngựa, Tô Hoài vẫn chỉ là người biết nhân cách hoá loài vật, sâu bọ một cách tài tình, duyên dáng, vẫn chỉ là người viết cho tuổi thơ. Đúng nghĩa: những truyện kể trên viết cho độc giả tuổi nhỏ giải trí. Nguyễn Đức Quỳnh là nhà văn đầu tiên ở Việt nam muốn đưa tuổi thơ vào tiểu thuyết như những nhân vật đầy đủ yếu tố nhân vật tiểu thuyết. Những Thằng Kình, Thằng Cu So của ông chưa thật sự sống đúng với tuổi thơ của nó vì ngôn ngữ và sự suy nghĩ của chúng nó còn đầy dáng dấp người lớn. Cái khó của người viết về tuổi thơ là thiếu một vùng ánh sáng soi rõ lối về của quá khứ mình và không thể sống lại tuổi thơ của mình như nhân vật đang vùng vẫy trong tiểu thuyết của chính mình. Lê Văn Trương với Anh em thằng Việt, Thằng Việt nghỉ hè thì nặng nề triết lý người hùng, tuy đã hấp dẫn và cảm động. Những người viết truyện tuổi thơ đều quên rằng độc giả tuổi nhỏ của họ thích sang trang, sang trang và khoái đối thoại. Chi tiết rườm rà, ý nghĩ triền miên làm họ chán nản vì họ phải đậu lâu một chỗ, trong khi, như con chim mới ra ràng, họ thèm chuyền nhảy liên miên. Nhưng Thằng Kìnhvà Anh em thằng Việt, với riêng tôi, đã là cảm hứng tuyệt vời để có Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy, Thằng Khoa, Thằng Vọng … Sau đó, chúng ta có Nhật Tiến. Những truyện về trẻ em mồ côi, Chim hót trong lòng, chẳng hạn, rất hay nhưng rất sầu thảm. Mà tuổi thơ cần thiết sân trường, sân cỏ, bóng nắng, tiếng cười hơn là khung cảnh cô nhi viện buồn bã. Chúng ta còn thêm Lê Tất Điều thổi cảm xúc vào đồ vật khá tinh tế và đầy nghệ thuật. Và chỉ có thế, về những người viết truyện cho tuổi thơ. Tôi rất tự hào về nhà xuất bản Tuổi Ngọc của tôi, với vốn liêng của cá nhân tôi, với khả năng làm việc của riêng tôi, không có Nhà Nước, không có Đảng tung tiền “trồng người”, chỉ có Bộ Văn Hóa Giáo Dục với các ngài Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, ngoài hát bội ca cải lương thì chẳng còn biết văn học nghệ thuật là cái gì, ngoài cái Trung tâm Học Liệu chỉ biết ấn loát sách dịch của Sartre, của Daudet thì chẳng còn biết in thứ gì thêm, mà tôi đã một mình một ngựa, vừa chống bọn sa-đích văn nghệ, vừa chống bọn “phối hợp nghệ thuật”, vừa chịu sự lạnh nhạt của các nhà văn tư tưởng, triết học, siêu hình, cô đơn, hiểm hóc, khều mặt trời “Tôi có thể đến giòng sông, bà ta có thể đến giòng sông; chưa chắc tôi đã đến giòng sông, chưa chắc bà ta đã đến giòng sông, bởi vì, chưa chắc đã có giòng sông!” để hạ gục bảng hiệu Kim Đồng và 30 năm hoạt động của nó. Cộng sản Việt Nam có Hồ Chí Minh vĩ đại, có chiến thắng Điện Biên Phủ, có đại thắng mùa xuân, nhưng đã không có nổi một Bồn Lừa.
Nguyễn Thanh Trịnh, giải thưởng văn học nghệ thuật về bộ môn kịch, tác giả Ví dụ ta yêu nhau, mà tôi viết tựa, sau nầy hợp tác với tuần báo Tuổi Trẻ, cơ quan ngôn luận của Thành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đã gặp tôi khi tôi rời trại tập trung. Trịnh có bút hiệu mới: Đoàn Thạch Biền. Dù hợp tác với Tuổi Trẻ, Trịnh vẫn quý mến tôi như thuở tôi “lăng xê’ Nguyễn Thanh Trịnh trên Tuổi Ngọc. Trịnh cho tôi biết, nhà xuất bản Tuổi Trẻ đã thuê Hoàng Ngọc Tuấn viết một truyện tương tự Bồn Lừa. Tuấn đẻ ra nhân vật Hoàng keo, bắt bóng dính hơn Chương còm. Cuốn sách đã xuất bản và chìm trong sự rửng rưng của độc giả cũ và mới. Trịnh còn cho biết, trong phiên họp kiểm điểm cuối năm 1981 của Tuổi Trẻ, đồng chí Bí thư Thành Đoàn thanh niên đã nêu một thắc mắc:
- Tại sao giải phóng đã sáu năm rồi, ảnh hưởng văn nghệ của bọn nhà văn cũ đã bị tận diệt rồi, chúng ta đầy đủ cơ hội thuận lợi, mà vẫn chưa tạo nổi một người viết làm say mê tuổi trẻ, tuổi thơ như thằng Duyên Anh?
Một câu tương tự, chính mắt tôi được nhìn người nói và nghe ông ta trên ti vi, hồi tôi ở Z30D và ở đội vệ sinh chuyên nghề xúc phân ở bệnh xá. Người nói là ông Thứ trưởng Bộ Văn Hóa:
- Tôi không hiểu tại sao, ngót sáu năm hết bóng quân thù rồi, mà ở Sàigòn và các tinh phía Nam, các thầy cô vẫn để hoc sinh viết lưu bút, lưu niệm cuối năm bằng thứ văn chương lãng mạn, tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề văn nghệ đồi trụy Mỹ Ngụy? Không riêng gì học sinh cấp ba và đại học, chính một số các thầy cô vẫn còn say mê đọc tiểu thuyết của bọn nhà văn phản động như Duyên Anh, Mai Thảo, Nhã Ca …
Nhiều anh em được nghe, hôm ấy, đã lo sợ giùm tôi. Nhiều anh em tuyên dương:
- Duyên Anh, sáu năm bốc cứt mà vẫn còn thơm!
Tôi hiểu vì đâu Nguyễn Mạnh Côn “rất tiếc” trường hợp của tôi, vì đâu Ba Trung nhận lệnh lãnh đạo của nó gợi ý cho tôi “Đảng không bắt anh phải phục vụ Đảng, Đảng muốn anh đem tài năng của anh phục vụ quê hương, đất nước”. Vì đâu Mai Chí Thọ “đáng tiếc” là tôi đã không chỉ viết Mây mùa thu, Luật hè phố. Tự tôi, tôi cũng đáng tiếc cho tôi. Đáng tiếc tôi đã bước vào nghề văn chương một cách bất đắc dĩ. Đáng tiếc cái đáng tiếc của Nguyễn Mạnh Côn và Mai Chí Thọ. Ở quê nhà, tôi đã không viết truyện về tuổi thơ (sở trường của tôi, mọi thứ khác là sở đoản, là những thứ tôi thua kém tất cả) cho độc giả tuổi nhỏ của tôi đọc mà say mê, mà tung tăng theo nhân vật của tôi trong không gian hoa ngàn cỏ nội. Tôi đã tưởng, chút tài năng cuối mùa của tôi còn được phục vụ độc giả tuổi nhỏ của tôi ở quê người. Và tôi đã đánh đu với sự chết, xuống thuyền gỗ vượt biên. Tôi thấy gì bên kia dốc mơ? Toàn bộ tác phẩm của tôi bị ăn cướp. Bọn xuất bản gian manh "đồng bào"của tôi đã kiếm cả triệu đô la bằng 15 năm thao thức suy tư, bằng 6 năm quằn quại tù ngục của tôi mà không trả tôi cắc nào, không hỏi tôi nửa lời. Tôi thấy gì nữa? Tác phẩm của tôi, bày bên cạnh nước mắm, rau cỏ ở các tiệm chạp phô! Tôi thấy gì nữa? Văn hữu của tôi phải làm các nghề vớ vấn để mưu sinh. Và, đau đớn nhất, tôi chẳng còn độc giả nhỏ để chăm chút văn chương bồng bế cho họ nữa. Họ đã quên hết tiếng và chữ Việt Nam rồi! Tôi sẽ viết thẳng John, thằng Bob hay thằng Mít ngọng? Ai đọc tôi? Tôi là một nhà văn tội đồ ở quê nhà, một nhà văn cùng đồ ở quê người. Một nhà văn bị cấm viết thì đáng kiêu hãnh. Một nhà văn không bị cấm viết mà không viết được vì không ai đọc cả thì đau đớn khôn cùng. Bởi thế, những nhà văn lừng lẫy của chúng ta đã không có gì đáng kể sau mười năm xa xứ. Bởi thế, những nhà thơ nồng nàn của chúng ta không có gì đáng kể sau mười năm xa xứ. Và nhân danh “bảo tồn văn hóa”, nền văn hóa Việt Nam được tha thiết bảo tồn ở hải ngoại chỉ còn ông Kim Dung và bà Quỳnh Dao, người Trung Hoa! Và những thứ tiểu thuyết nhảm nhí mà chính chúng ta đã muốn khu trừ khi chúng ta chưa mất Sàigòn. Và lại ‘tiền chiến” với thơ Xuân Diệu, kẻ hàng ngày chửi rủa chúng ta, kẻ to tiếng miệt thi “ngụy quân, ngụy quyền” xấc láo. Tôi lại hiểu tại sao Boris Pasternak phải van lạy Khroutchev để xin khỏi bị trục xuất, tại sao Soljenitsyne chỉ rời nước Nga khi bị đuổi đi. Tôi đã quên lời linh mục dòng Tên ở Đắc Lộ, người Basques, an ủi tôi và khích lệ tôi sau 30-4-75: “ Hãy can đảm như những nhà văn Xô Viết!” Tôi hoàn toàn thiếu can đảm, không dám ở lại Việt Nam. Vì tôi thương vợ con tôi lưu lạc xứ người. Vì tôi sợ bị bắt nữa.
Mỗi hoàng hôn của một thời đại đều có những nghịch cảnh não nùng cho những người làm văn chương. Đã thấy một Tản Đà coi bói và “nhận viết quảng cáo vui buồn trong xã hội” mưu sinh. Lại thấy Lê Xuyên đạp xe cà-là-dỉ đi bỏ bánh mì ngọt rẻ tiền khắp vỉa hè Sàigòn. Nguyễn Thụy Long bán phụ tùng xe đạp. Dương Nghiễm Mậu mài tranh. Trần Lê Nguyễn, Đỗ Tấn bán báo. Nhã Ca bán cà phê. Hoàng Hải Thủy làm hoa vải. Trần Tuấn Kiệt viết thư thuê ở Bưu Điện! Ở Sàigòn đấy. Những người khác đang làm gì bên Mỹ, tôi không biết. Riêng tôi, ở Paris, định xin chân gác dan ban đêm, bằng hữu thương quá cho một chân đánh máy chữ. Mắt đã mờ vì tù và già, đánh máy chữ hết nổi, bằng hữu bảo nằm nhà viết truyện. Tôi đã vừa hết một năm ăn lương thất nghiệp của nước Pháp. Sự giúp đỡ của bằng hữu không đủ chi dùng. Bèn vẽ thêm nghề viết quảng cáo cho nhà sản xuất băng nhạc kiếm rượu, soạn nhạc kiếm gạo, diễn thuyết kiếm vé du lịch, vân vân và vân vân …
Hình như tôi mộng du quá tường nhà tù. Tôi trở lại với Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Hồng Dương và một người bạn mới gia nhập làng xuất bản là ông Đặng Hải Sơn. A, tôi có thêm ông Khai Trí. Tại sao ông Khai Trí mà cũng bị bắt? Giản dị lắm, vì ông ta giàu. Với cộng sản, giàu lương thiện hay giàu bất lương đều chung một tội: Tư sản. Xuất thân, ông Khai Trí rất nghèo. Phong trào di cư 1954 và sự mở mang giáo dục, sau đó, đã đưa nghề bán sách của ông phát đạt. Ông xây nhà cao lớn. Ông xuất bản tự điển, sách giáo khoa và đủ mặt sách. Ông có 9 kho sách vĩ đại. Mỗi kho là một ngân hàng, vốn lời vô tả. Khác với những người bán sách, xuất bản, ông Khai Trí theo chủ nghĩa snobisme, tỏ ra thích sưu tầm sách báo cũ. Ông đã từng lặn lội xuống lục tỉnh mua sách báo cũ nếu có người gởi thư đòi bán. Tầng thứ ba của tòa nhà Khai Trí, đại lộ Lê Lợi, là thư viên Khai Trí đầy đủ Nam Phong, Tri Tân, Đông Dương tạp chí, Phong Hóa, Ngày Nay, Tiểu thuyết thứ bảy… từ số ra mắt đến số đình bản. Sách thì vô kể. Ông có cả sách ấn loát giấy bán của “phường” nầy, “phường” nọ … Tóm lại, thư viện của ông chỉ thua lượng, chứ không thua phẩm Thư Viện Quốc Gia. Nhưng ông chỉ ngắm sách cho sướng mắt, riêng ông, không cho ai đến mượn đọc cả. Ông cũng ít thiện cảm với nhà văn và tỏ ra hep hòi chi tác quyền. Thường thì ông mua bản thảo vì cảm tình, vì tội nghiệp, rồi không xuất bản. Vào tù, mất hết cả, ông mới hối hận cung cách sống chỉ biết đếm bạc của ông. Sự tình đưa ông Khai Tri vào nhà tù và mất nốt nhà sách Khai trí chỉ tại cái thư viện riêng và chủ nghĩa snobisme. Thứ trưởng Văn Hóa Lâm Thời Miền Nam Thanh Nghị thèm rinh thư viện Khai Trí. Giám đốc Sở Thông Tin Văn Hoá cũng thèm. Nhiều đứa thèm. Không đứa nào dám ăn mảnh. Rốt cuộc, chúng nó chụp mũ “tư sản mại bản” lên đầu người bán sách cần kiệm. Và đám côn quang văn hóa đã xông vào thư viện Khai Trí, lượm mỗi đứa một mớ đem về làm … tư hữu. Quân vô sản thèm tư hữu. Chúng nó đã ỉa lên chủ nghĩa của chúng. Chúng đã, với riêng ông Khai Tri, làm tan nát công trình sưu tầm sách báo ròng rã 40 năm của ông. Khai Trí vào tù mang theo bịnh trị và vỏn vẹn 10 đồng bạc. Tôi không hiểu kinh nghiệm Khai Trí có làm sáng tâm hồn những người đang kèn cựa, tàn sát đồng hương ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc để làm giàu? Cuộc đời thật phù ảo. Hữu đấy rồi vô đấy. Sắc đấy rồi không đấy. Hạnh phúc và niềm vui cá nhân xem chừng mỏng manh quá. Cái tiểu ngã phải nhập vào cái đại ngã thì mới hạnh phúc vĩnh cửu. Khi tôi thấm cái triết ly sống đẹp đẽ đó, tôi đã thành kẻ lưu đầy, lo tiền nhà, tiền gạo, tiền điện, tiền gaz, tiền vé metro chưa xong, nói chi đến sự đóng góp hoặc chia xẻ hạnh phúc của mình cho mọi người.
- Tôi chỉ còn tiếc cái thư viện của tôi, ông Khai Trí nói.
- Tiếc làm gì, ông Khai Trí, tôi nói.
- Làm sao có lại nó?
- Ồ, người ta làm ra sách, sách đâu có làm ra người. Quý hồ ông còn sống để lập thư viện.
- Tôi sẽ lập thư viện công cộng.
- Nếu như thư viện của ông đã là thư viện công cộng, ông không mất nó, không bao giờ mất nó.
- Tôi hiểu ý ông rồi, ông Duyên Anh ạ!
- Tôi cũng mới hiểu cái ý của tôi, từ khi vào tủ. Mỗi chúng ta cần nhiều suy nghĩ. Điều duy nhất để tôi yêu ông, tâm sự với ông hôm nay là, sau 30-4-75, tôi thấy ông đi trên vỉa hè Saigon, mua tất cả các tạp chí Văn đóng bộ, tuần báo Tuổi Ngọc đóng bộ, tạp chí Bách Khoa đóng bộ… Khi chữ nghĩa của 20 năm văn học nghệ thuật Sàigòn bị dẫm nát bằng dép râu hỗn xược, còn một người biết đau đớn đi nhặt nhạnh, nâng niu, cất dấu, dù không đọc, hỏi sao tôi không xúc động.
- Trước đây, ông ghét tôi?
- Ông cũng chẳng yêu gì tôi.
- Chúng ta không hiểu nhau.
- Có thể.
- Tại sao ông ghét tôi?
- Vì ông giàu. Tôi ghét hết bọn nhà giàu. Tôi cho bọn giàu là bọn bất lương, ích kỷ.
- Nay tôi nghèo rồi.
- Ông nghèo, tôi có giúp nổi ông đâu. Ông giàu tôi có xin được ông đâu.
- Tại sao ngày xưa ông không năng đến tôi?
- Tôi đã nói.
- Vì ông không đến tôi, ông kiêu ngạo nên tôi không ưa ông.
- Ông chẳng yêu ai cả.
- Bây giờ tôi yêu mọi người.
- Vẫn còn sớm.
- Tôi kết nghĩa anh em với ông được chứ?
- Được. Nhà tù kết nghĩa!
Tôi và Khai Trí thành anh em. Và tôi gọi ông là anh, xưng em. Tự nhiên, Khai Trí hỏi tôi:
- Theo chú, một người làm tuyên truyền giỏi phải như thế nào?
Hồi tôi làm Biên tập viên của Tổng Nha Thanh Niên, biệt phái ra làm báo Chiến Đấu, người ta bắt tôi nghiên cứu các phong trào thanh niên phát xit, cộng sản, Do Thái, vệ binh đỏ, thanh niên cứu quốc và những bài nói chuyện với thanh niên cộng hòa của ông Ngô Đình Nhu. Nhân đó, tôi phải nghiên cứu nghệ thuật tuyên truyền phát xít, cộng sản. Cộng thêm những điều tôi nhớ ở Cổ Học Tinh Hoa, Đông Chu Liệt Quốc và những “sáng tạo” của riêng tôi, tôi thao thao nói với chủ nhà sách Khai Trí. Câu kết luận, tôi mượn ý của ông Quản Trọng:
- Sáng chính nghĩa ở nước mình chưa đủ, phải chế chính nghĩa ra bốn phương. Người biết làm tuyên truyền còn làm được đạo diễn, đạo diễn từ tổng thống đến các bộ trưởng. Nữa, phải biết viết và biết thưởng ngoạn cái hay của người viết; phải biết nói trước quần chúng mà không cần mang kính đọc bài!
Chợt nhớ “nỗi sợ” của mình, tôi hỏi:
- Anh muốn biết làm gì?
Khai Trí đưa tay vỗ trán:
- Anh em họ muốn biết. Tiếc là hỏng hết rồi! Giả biết sớm hơn 1.
Tôi không tin Khai Trí dám dính líu đến một tổ chức nào. Có thể, trước năm 1975, Khai Trí được thăm dò bởi một người bạn nào muốn tham chính chăng? Nhưng, tôi nhớ không sai, một tháng sau 30-4-75, tôi nhận được một cú điện thoại. Người gọi cho tôi là giáo sư toán nổi tiếng, người miền Nam:
- Tạm chia buồn với ông. Hiện tại, ông không thể viết gì được, nhưng ông có nghĩ đến kinh nghiệm viết của ông dạy cho các bạn trẻ miền Nam không?
- Tại sao chỉ bạn trẻ miền Nam?
- Vì chỉ họ mới cần ông. Vì ông đã là người miền Nam, vợ con ông người miền Nam.
- Người miền Nam thiếu gì?
- Họ không hấp dẫn tuổi trẻ thành phố bằng ông. Họ không biết mở phong trào.
Thú thật, lúc ấy, tôi cần đề phòng. Mỗi ngày, người ta gọi dây nói mỉa mai hỏi tôi “Còn chống Cộng nữa không?”. Đến nỗi tôi muốn cắt dây điện thoại.
- Tôi mệt mỏi rồi. Tôi không thể làm gì được.
- Sẽ liên lạc với ông sau.
Tôi không hiểu người miền Nam này sẽ làm gì. Chỉ biết, buổi chiều 30-4-75, nón tai béo (giải phóng miền Nam) va nón cối (bộ đội miền Bắc) tranh nhau lượm súng đạn trên đường phố Sàigòn, mạnh ai nấy gom … chiến lợi phẩm. Và, ít ngày sau, một thông cáo ra lịnh cho bất cứ ai giữ vũ khí của “ngụy quân’ phải đem ra nộp, dù là quân giải phóng. Chưa có gì ổn định cả, cho đến nay, ở miền Nam. Hà Nội đã gài người của họ xuống tận cấp huyện. Rồi sẽ cấp xã. Bài hát “giải phóng miền Nam” đã bị cấm. Ngày kỷ niệm thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã bị xóa. Cả bài “Tiến về Sàigòn ta quét sạch giặc thù” cũng bị tiêu diệt luôn! Nhưng những người lính nón tai bèo lượm vũ khí Mỹ, đem đi đâu, họ đang ở đâu, thì vẫn còn là niềm bí ẩn. Rõ rệt nhất, ở các trại tập trung phía Nam, không hề tìm ra một công an cai ngục nào người miền Nam cả.
Chúng tôi có tin mừng: Trịnh Quới Tài chuyển trại. Một số can phạm hình sự chuyển trại. Thay vào là những can phạm phản động, trẻ có, già có, vị thành niên có. Sở Công An có một phòng nhốt đàn bà, con gái. Phòng quá hẹp nên mỗi ngày đều có chuyển tù nhân. Phòng A, cạnh chúng tôi, Trịnh Viết Thành, Anh Quân, Lê Xuyên đã đổi chỗ. Đinh Xuân Cầu và Nguyễn Văn Sao đi luôn. Nhã Ca rời bỏ cachot cùng Nguyễn Mạnh Côn. Còn một Nguyễn Sĩ Tế, bút hiệu Người Sông Thương, côi cút ở khu cachot heo hút, ghê rợn. Chúng tôi đã hết cảm giác khi nghe chìa khóa tra vào ổ ban đêm. Cũng chẳng còn buồn cười khi nghe Hai Phận vĩ đại giáo dục. Đây là bài học thứ ba của Hai Phận, chuyên viên cai tù từ năm 17 đến năm 50 tuổi. Y đếm niên đảng của y bằng những năm quằn quại, rã rượi của tù nhân.
- Hôm nay, tôi dạy các anh một bài học, về bước tiến bộ mới của cách mạng. Cuộc kiểm kê dân số sau bầu cử thành công vĩ đại, cho ta một sự so sánh vẻ vang: Dân tộc ta bằng dân tộc Pháp!
Ngừng lại một giây, Hai Phận nói:
- Dân số nước ta bằng dân Pháp rồi. Hơn 50 triệu đấy nhé!
Hai Phận rất tốt bụng. Ý muốn chúng tôi cười cho đỡ buồn. Tiếc rằng y chọc cười khiếp đảm quá nên chúng tôi tê dại cảm giác. Câu “mặt trơ trán bóng” phải dùng cho cộng sản mới đúng. Lãnh tụ mặt trơ một kiểu, cán bộ trán bóng một lối. Cái dũng sĩ, anh hùng; cái vĩ đại, vẻ vang của cộng sản là họ chẳng cần biết họ ngu hay không ngu. Họ cứ bắt dân chúng phải nghe, phải tin những gì họ nói. Và họ bảo đó là giáo dục của Đảng. Trên đời này, từ cổ chí kim, chỉ có những người cộng sản, mà Hai Phận là biểu tượng, là dấu ấn của thời đại, mới dám giáo dục sư tổ của y bằng những bài học buồn mửa. Nỗi nhục của con người khi bị thống tri bởi con vật là thế.
Bẵng vài bữa, Ba Trung lại gọi tôi.
- Đồng chí lãnh đạo của tôi rất có cảm tình với anh.
Tôi nhả khói thuốc:
- Ông ấy lịch sự lắm.
- Theo ý tôi, anh nên viết lại.
Chắc chắn, ông Mai Chí Thọ đã chỉ thị cho Ba Trung truy nã tư tưởng của tôi.
- Tôi đã thưa với ông giám đốc, tôi sợ viết văn rồi.
- Không viết văn, ra ngoài làm gì?
- Buôn bán lằng nhằng.
- Chế độ này rất ghét trung gian tiêu thụ. Anh đã biết, tất cả là quốc doanh mậu dịch.
- Thì về quê vợ làm ruộng.
- Ai cho anh ruộng? Ông già vợ của anh đâu còn là điền chủ nữa.
- Về vùng kinh tế mới.
- Nói thật đi, anh Duyên Anh, ra ngoài anh sẽ vượt biên, sẽ viết nguyền rủa chúng tôi.
Ba Trung không muốn tôi chột dạ vì câu nói trúng tim đen của nó. Nó rót thêm nước trà vào ly của tôi.
- Chuyện này anh cần biết.
- Tôi nghe.
- Nó thuộc về dĩ vãng. Từ năm 1972, Đảng đã muốn anh suy nghĩ lại. Miền Bắc đánh giá cao cuốn Mây mùa thu của anh, trong khi Bộ Thông Tin ngụy quyền kiểm duyệt và tịch thu. Anh có nghe ông Nguyễn Ngọc Lan diễn thuyết ở đại học Văn Khoa không?
Tôi không đi, nhưng tôi được đọc bài tường thuật. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan (Hồi ấy, chưa có cởi áo dòng lấy vợ, hồi ấy, cùng với linh mục Chân Tín và tạp chí Đối Diện, là đối tượng thù nghịch của tôi vì lập trường hòa bình thiên vị; sau này, cảm nhận nỗi cô đơn của 2 người, hiểu chính xác rằng Nguyễn Ngọc Lan và Chân Tín không bao giờ là cộng sản, cám ơn đã chăm sóc, bênh vực, giúp đỡ vợ con tôi rời Việt Nam trong khi tôi còn trong tù, nên tôi đã trở thành bạn thân của hai người) tỏ thái độ khó chịu về những bài tôi đả kích ông ký bút hiệu Thương Sinh, tuy nhiên, vẫn nồng nhiệt ca ngợi Mây mùa thu là tác phẩm thể hiện tình nghĩa dân tộc, tình thương yêu Nam Bắc. Cuốn sách tôi bị Bộ Thông Tin kiểm duyệt một trang tôi viết về tuổi trẻ miền Bắc tình nguyện vào Nam, đáp theo "Tiếng súng Nam Bộ" vì sự nghiệp đánh đuổi thực dân Pháp năm 1946. Nhà xuất bản không chịu bôi bỏ trang ấy và Bộ Thông Tin đi tịch thu.
- Không.
- Ông Lan khen anh tận tình. Miền Bắc khen anh tận tình. Nếu không bị Mỹ dội bom trở lại, Hà Nội sẽ diễn vở Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan và phát một giải thưởng văn học cho Mây mùa thu. Anh có thể tiếp tục viết như Mây mùa thu chứ?
- Tôi cùn rồi.
- Thành khẩn một chút, anh Duyên Anh! Sau hòa bình có hàng nghìn đề tài cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè cảm động rất hợp với lối viết của anh.
- Nhà văn Bắc thiếu gì?
- Tôi nói thẳng với anh: Theo báo cáo của Vũ Hạnh và Nguyễn Mai 2, lãnh đạo của tôi muốn xử dụng anh làm nam châm cuốn hút người khác và chinh phục độc giả cũ của anh.
- Lãnh đạo của anh đánh giá tôi cao quá. Tôi là bông hoa đã tàn rồi.
- Anh về phòng suy nghĩ hai ngày.
Tôi không thể suy nghĩ, cũng không thể nói với Dương Nghiễm Mậu vì Mậu sẽ bảo tùy tôi lựa chọn. Mai Thảo đã tâm sự với tôi: “Tôi có một ông thầy, ông ta nói với tôi rằng, con người sống đến 50 tuổi là quá đủ. Tôi năm nay 50, tôi thấy tôi đã sống quá đủ, không còn gì để tiếc nữa. Nhưng tôi sẽ không để chúng nó bắt, trừ khi dí súng vào gáy, dao chĩa sát bụng”. Tôi kém Mai Thảo 9 tuổi. Cuộc đời tôi, có lẽ trầy trụa, nhọc nhằn hơn Mai Thảo. Vậy cũng kể là đã 50 tuổi. Tôi không cần suy nghĩ. Và sự không cần suy nghĩ của tôi thật đúng dù tôi phải trải dài nỗi đau đớn của mình ngót sáu năm tù ngục, lưu đày. Thật đúng vì, khi trở về, tôi nhìn rõ Thái Bạch bệ rạc nằm ở sòng hút thuốc phiện, xin xỏ từng điếu. Nó đã bị đá ra khỏi sinh hoạt văn nghệ. Cái hiệu sách Giải Phóng của nó ở đường Gia Long đã biến thành trụ sở công an phường. Quần áo nó lếch thếch, hôi hám. Cái chất nhễ nhãi vênh vang trên khuôn mặt đắc thời của nó giữa tháng 5-1975 đã khô rom. Nó bắt đầu chửi cộng sản chỉ để bấu một điếu thuốc phiện rẻ rề. Thế Nguyên thì tuyệt tích. Vũ Hạnh phải làm xà phòng lậu, bị công an phường gây khó dễ. Sơn Nam, quần ống thấp, ống cao, lang thang hè phố. Em rể Trần Bạch Đằng nằm ấp Chí Hòa một ngày, vợ nhận hết tội “áp-phe” xuất cảnh, nằm thế chồng ba tháng, nhà cửa bị khám xét, đồ tế nhuyễn bị tịch thu. Lệ Hằng hết mon men tới Hội Nhà Văn sau vở kịch chửi vượt biên, rồi vượt biên bị bắt. Từ Kế Tường mất chức chủ nhiệm nhà Văn Hoá quận 4. Nguyễn Thanh Trịnh, Ngụy Ngữ, Hoàng Ngọc Tuấn, một năm chỉ được đăng hai truyện ngắn. Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận mất Tin Sáng, mất luôn tổ hợp tranh sơn mài, đi buôn bán tre và sẽ bị bắt. Vân vân … Suy nghĩ chi nữa. Biết chắc làm anh hèn cũng chẳng xong, thì tội gì không làm anh bình thường. Với tôi, cái bình đã vỡ. Và ngậm ngùi nhớ Nguyễn Du.
Bây giờ bình đã vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong…
--------------------------------
1 Năm 1982, tôi gặp Khai Trí, anh ta đã thật sự mất trí vì mất hết tài sản, con cái lưu lạc. Anh ta như Thạch Sùng, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, tội nghiệp lắm.
2 Nguyễn Mai từng làm thầy cò cho tuần báo Người và Tuổi Ngọc của tôi.

(còn tiếp)

Duyên Anh