01 June 2017

NHÀ TÙ (Chương 4 & Chương 5) – Duyên Anh

|Tựa & Chương 1| Chương 2 & 3|

CHƯƠNG 4

Không phải tôi thích ở lại làm chứng nhân lịch sử. Tôi đã thành khẩn nói lên điều này trong lời tựa của hồi kỳ Nhà tù. Trung tuần tháng 4 năm 1975,...Hoàng Hải Thủy báo tin cho tôi biết là người Mỹ sẽ di tản toàn bộ khỏi Sàigòn và muốn đưa một số nhà văn, chủ bút, chủ nhiệm rời Việt nam để tránh sự trả thù cộng sản. Bấy giờ, Hoàng Hải Thủy làm phụ tá chủ bút tạp chí Cảm Thông của Phòng Thông Tin Mỹ trực thuộc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Như những nhà văn khác, tôi đã đến Usis đường Lê Quý Đôn ghi tên. Tôi đã gặp Phạm Kim Vinh, Đỗ Quý Toàn, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Viết Khánh, Doãn Quốc Sĩ … ở một nơi mà nếu không có 30-4-75 thì tôi không bao giờ thèm đặt chân tới. Giữa tôi và Usis có một mối thù. Mối thù nhẹ: Hồi nó còn là Juspao chễm chệ tại đường Nguyễn Huệ, Mark Crooker, viên chức Mỹ loại xịa, đọc nhật báo Sống, thấy tôi không mấy thiện cảm với chánh sách Mỹ ở Việt Nam, đã làm quen với tôi. Anh ta khuyên tôi nên Mỹ du ba tháng dưới sự bảo trợ của chính phủ Mỹ. Tôi nói tiếng Mỹ tôi nghèo lắm. Anh ta bảo không cần. Anh ta "tét" tôi vớ vẩn rồi đem hồ sơ đến tận báo Sống chỉ dẫn cách điền vào những ô cần thiết.
Nửa tháng sau, Mark Crooker tìm tôi, buồn bã: “Tôi rất ân hận. Mọi chuyện đã kể như xong, bất ngờ boss của tôi đổi ý. Một nhân viên Việt Nam báo cáo với ông ấy rằng Duyên Anh chống Mỹ quá khích. Ông ấy sợ trách nhiệm.” Tôi cười: “Thế càng tốt, sợ đi Mỹ về, tôi chửi bọn quan lại Mỹ ở Việt Nam kỹ hơn vì Mỹ ở Mỹ khác Mỹ ở Sàigòn”. Mark Crooker cười theo. Chúng tôi trở thành bạn. Crooker nói tiếng Việt rất giỏi và khoái tiếu lâm Việt Nam. Hôm anh hết nhiệm kỳ, anh có mời tôi dự tiệc từ giã Việt Nam. Tôi không đi. Mối thù nặng: Lũ cầy cáo ở Usis đã xúi chủ Mỹ áp lực với Bộ Thông Tin cấm tôi viết phóng sự Tiền Mẽo Sến Việt trên báo Sống. Đinh Trình Chính cấm luôn cả bút hiệu Thương Sinh của tôi. Thế mà tôi lại phải vát mặt đến Usis ghi tên vô danh sách … di tản. Rốt cuộc, Alan Carter, sứ thần và giám đốc Usis đã bỏ rơi chúng tôi, mặc dù, trong bài diễn vẫn rửa tay chạy tội, Ford đã hứa bằng mọi cách phải di tản những nhà văn, chủ bút, chủ nhiệm càng sớm càng tốt.
Một người duy nhất, trước khi bỏ con chạy thục mạng, còn gọi dây nói cảnh giác tôi: “Tìm đường khác mà cút, đừng tin bọn Mỹ, chúng nó chó đẻ lắm”. Người ấy là Phạm Duy. Tôi thực sự yêu Phạm Duy từ phút báo tử đó. “Bon Mỹ chó đẻ lắm!” Tôi bỗng nhớ người Mỹ Robert Jones với cái danh thiếp in bằng Hán Viết câu “tứ hải giai huynh đệ” đã thuộc cả tiểu sử tôi, đã hứa cho tôi biết tin tức để tôi chuẩn bị đảo tẩu và đã cút mất khỏi căn nhà số 35 đường Duy Tân. Alan Carter cũng là thứ người Mỹ đó. Ông ta cam kết với Nguyễn Viết Khánh. Rằng, danh sách nhà văn, chủ bút, chủ nhiệm được bảo vệ bí mật. Thế mà nó lại nằm trong tay người công an chấp pháp bí danh Hai Nghiêm! Nói người Mỹ ở Việt Nam chó đẻ thì hơi quá đáng. Nói họ vô tư cách, có lẽ, chính xác hơn. Còn chính sách chạy làng của Mỹ cần viết một pho xú thư cho nhân loại nghiền ngẫm. Người Pháp năm 1954 và người Mỹ năm 1975 là hai hình ảnh phải so sánh. Người Pháp thực sự bại trận ở Việt Nam, một phần họ thiếu cái khôn ngoan của người Anh, một phần tại họ bị người Mỹ phản phúc. Vài phi vụ B26 là giải quyết xong Điện Biên phủ, là lịch sử đổi khác. Người Mỹ từ chối. Người Mỹ buộc tay người Pháp lại như, trước khi cuốn gói, họ đã từ chối viện trợ cho Sàigòn, họ đã cúp bom đạn, chiến cụ. Pháo binh của chúng ta hứng hàng ngàn quả đại bác mà chỉ phản pháo vài chục quả! Tuy bại trận đau đớn, nhuc nhã và đang nghèo rớt mùng tôi, người Pháp vẫn đóng góp tích cực vào công cuộc di cư năm 1954. Những chuyện bay Hà Nội – Sàigòn đều đặn, tốt đẹp và lịch sự. Dĩ nhiên, bên cạnh tàu Mỹ, tàu Pháp đã biến thành con nhà nghèo, tiều tụy. Người Pháp ở Việt Nam hơn 100 năm rồi. Dân tộc Việt Nam cũng đã chán họ, nhất là trong nghịch cảnh chiến bại, xác xơ. Dẫu người Pháp luôn luôn chứng tỏ họ thuộc về một dân tộc văn minh, hào quang văn hóa của họ ngất trời; luôn luôn chứng tỏ là những con người có liêm sỉ, có trách nhiệm – trách nhiệm của người thua trận – người Việt Nam vẫn muốn xa họ để xích gần người Mỹ. Lý do thật giản dị và chua xót: Người Mỹ giàu. Và trên tàu Mỹ, những người di cư được chiêu đãi quá sức tưởng tượng. Tha hồ ăn và tự do đái ỉa! Thủy thủ Mỹ vui vẻ quét dọn.
Đã biến mất cái cử chỉ hào hoa của công từ Mỹ những ngày trước 30-4-1975. Người Mỹ hù “biển máu”, tạo ra "pa-ních" để trốn trách nhiệm. Đừng ngây thơ tưởng ông đại sứ Martin không biết gì đến nỗi phút chót thủy quân lục chiến Mỹ phải bảo vệ sự cuốn gói của ông ta. Ở phi trường Tân Sơn Nhất, hiện thực nhất là ở Tòa Đại Sứ Mỹ, lính thủy đánh bộ, tay trần, áo giáp, kè kè M-16 gắn lưỡi lê đã giáng những báng súng tàn bạo và đạp những cú thô bỉ xuống, vào thân thể những người Việt Nam sợ hãi “biển máu” cần trốn tránh. Vết ô nhục hẳn lên lương tri của dân tộc Hoa Kỳ ở cái tòa nhà vĩ đại và khốn kiếp mang tên Tòa Đại Sứ Mỹ. Nó cứ ở phi trường Tân Sơn Nhất đi. Không sao. Và chúng ta, có thể, chỉ trách cứ bọn lính bay mất dạy, vô giáo dục. Và, vì thân hữu ngầm với cộng sản, chính phủ Mỹ, có thể, dùng chữ của Việt Cộng để thanh minh rằng, đó chỉ là hiện tượng, không bao giờ là bản chất của cái dân tộc tạp nham có những vĩ nhân như Washington, Lincoln và … Al Capone! Những người Mỹ giáng báng súng xuống người Việt Nam đồng minh ở ngay Tòa Đại Sứ Mỹ những ngày kinh hoàng nhất thì, quả thật, dân tộc Mỹ đã ỉa lên cái chính nghĩa khai phóng tự do, dân chủ của họ cho các nước nhỏ bé trên thế giới. Vô số tướng lãnh, nghị sĩ, dân biểu đã leo tường vào sân Toà Đại Sứ Mỹ buổi chiều 29-4-1975, đã bị cư xử như súc vật. Và, hiện nay, vẫn ôm lấy chân Mỹ mà hít hà, mà mơ ngày về giải phóng vinh quang! Lý tưởng truyền bà tự do, dân chủ của Mỹ đấy. Trách nhiệm của họ đấy! Người Mỹ chỉ đáng xách dép cho người Pháp. Mãi đến 29-4-1975, người Việt Nam mới có dịp so sánh văn hóa Mỹ và văn hóa Pháp ở di tản 1975 và di cư 1954.
Một số người ngây thơ, trong đó có tôi, cứ đinh ninh rằng, người Mỹ sẽ là Noé của hồng thủy Việt Nam. Họ sẽ dành vài con tàu để cho những người Việt Nam lương thiện trở về giải thoát quê hương mình. Tất cả đã lầm. Công lao di tản của Mỹ ở Tân Sơn Nhất, ở Tòa Đại Sứ Mỹ chỉ nhằm phục vụ me Mỹ, bọn tướng tá đào ngũ trước lịnh đầu hàng, bọn làm giàu trong chiến tranh, bọn thư lại tham nhũng, bọn nghị sĩ, dân biểu hèn mọn và bọn gian manh. Những người lương thiện phải tìm phương tiện riêng, phải vượt biên và phải ở lại chịu cảnh ngục tù. Và rồi, một ông dân biểu thuộc tiểu bang California đã nao núng thẫn thờ: “Rác rưởi trôi giạt đến từ bên kia Thái Bình Dương!” Và rồi, mới nhất, tiêu biểu nhất, báo chí Mỹ “nghi" người hùng Nguyễn Cao Kỳ là trùm Mafia … mít! Cái cơ hội ngàn năm một thuở để loại bỏ lũ vô lại chính trường của dân tộc Việt Nam đã mất. Chúng ta lại thấy bọn vô lại hiện nguyên hình. Ở Mỹ. Để chờ được làm đầy tớ Mỹ. Và những người lương thiện, vì liêm sỉ, đành im hơi lặng tiếng trong cái thế tân xuân thu … phục quốc!
Bị bỏ rơi, 99% văn nghệ sĩ chống cộng ở lại. Họ đã là những nhà văn trực diện chống cộng sản; can đảm chống bất công, áp bức, bóc lột, chà đạp nhân quyền của bọn thống trị Sàigòn; hiên ngang chống chính sách nước lớn trịch thượng của Mỹ, bị nằm lại chờ đợi sự trừng phạt của cộng sản.
Bây giờ trở về nỗi sợ hãi của tôi. Một buổi tối đầu tháng 11 năm 1975, tôi đang ngồi trên vỉa hè trước cổng nhà mình, gặm bánh mi rất thảm não thì ông Đinh Xuân Cầu tới. Một thanh niên chở ông ta bằng Honda. Thanh niên thả ông Cấu xuống rồi lái xe sang bên kia đường chờ đợi. Ông ta hỏi:
- Tôi có chuyện muốn nói với ông, được không?
- Được. Ông cứ nói đi.
- Chuyện khá dài, nếu ông đồng ý, hai hôm nữa tôi cho người đến đón ông.
- Chuyện gì?
- Xuất ngoại.
Vượt biên. Tôi đang cần vượt biên. Nghe chuyện vượt biên, mắt tôi sáng lên.
- Đồng ý.
- Vậy tôi về. Người của tôi sẽ đến đón ông ngày mốt, buổi chiều. Họ sẽ nói “ông Hoàng mời ông”. Ông nhớ nhé, ông Hoàng.
- Tôi nhớ.
Ông Đinh Xuân Cầu băng sang bên kia đường. Honda cõng ông ta mất hút. Tôi quen ông Cầu hồi tôi còn ở cư xá Chú Mạnh Trinh, Phú Nhuận. Ông ta cùng chung một cư xá với tôi. Trước đó, tôi chỉ biết ông Đinh Xuân Cầu là tác giả cuốn Bên kia Bến Hải, cuốn sách tố cáo tội ác cộng sản thủ tiêu các chiến sĩ quốc gia đầu tiên ở miền Nam, sau vụ di cư 1954. Tôi biết thêm ông Cầu là chủ tịch Hội Nạn Nhân Công Sản và tác giả kịch sản Đôi Kính. Có lần, anh Hoàng Văn Đức bảo tôi: “Đinh Xuân Cầu là người chống cộng cuối cùng của Đại Việt”. Tôi đã viết câu nầy trên nhật báo Sống. Buổi chiều, tôi không nhớ rõ ngày tháng, ông Cầu qua nhà tôi, cho tôi mượn cuốn sách của ông viết bằng tiếng Anh do Rank Corporation, New York xuất bản khổ lớn, in roneo. Bấy giờ tôi bận viết, cũng chẳng đủ tiếng Anh để đọc, chỉ lật qua trang đầu và biết đó là một tác phẩm chiến lược. Hai hôm sau, ông Cầu sang đòi lại. Bẵng đi mấy năm, tôi mới gặp lại ông, quá vội vàng và đầy bí mật. Người của ông Cầu rất đúng hẹn. Anh ta chở tôi xuống Xóm Mới, Gò Vấp. Lần đầu tiên tôi đến Xóm Mới, nơi cung cấp “quần chúng” biểu tình hoan hô, đả đảo và đón rước quốc khách cho các chế độ Sàigòn. Căn nhà ông Đinh Xuân Cầu, bí danh Hoàng, tạm ngụ là một căn nhà lá hiu quạnh. Sau tuần trà, ông Cầu vào chuyện:
- Tôi đã viết xong cuốn Chiến tranh chống chiến tranh nhân dân của cộng sản và phác họa một chủ thuyết mới. Tôi muốn ông đọc và san nhuận văn chương giùm tôi.
- Bằng tiếng Việt?
- Vâng, bằng tiếng Việt.
- Được.
- Tôi muốn mời ông tham gia tổ chức chống cộng của chúng tôi.
- Của các ông?
- Vâng, có linh mục Trần Hữu Thanh, anh Nguyễn Tiến Hỷ, nhiều người khác. Tôi đang đợi một nhân vật để giới thiệu ông.
- Ai đó?
- Trương Mộng Hoàng.
- Bao giờ ông ta tới?
- Cuối tuần. Ông ta đi Mỹ 2 tuần trước, đã hẹn với tôi về cuối tuần này.
- Ở Mỹ về?
- Vâng.
- Xin lỗi ông tí nhé, ông Cầu. Ông có mắc bệnh … mộng du không?
- Tôi nói chuyện nghiêm chỉnh. Có lẽ, phải bắt đầu bằng một tóm tắt quãng đời dỉ vãng của tôi…
Đinh Xuân Cầu người Việt, dân tộc Thổ. Từ bé, ông học ở trường Albert Sarraut vì là con địa chủ. Đậu tú tài toàn phần, ông không lên đại học mà mon men vào con đường chính trị. Ông là đàn em của Nguyễn Văn Hướng tự Mười Hướng, Xứ Ủy Đại Việt miền Nam, sau này là Tổng Thư Ký Phủ Tổng Thống, triều đại Nguyễn Văn Thiệu, và đồng chí của Phan Văn Trâm. Hai mươi bốn tuổi, tràn ngập lý tưởng và ngây thơ như đàn anh Nguyên Văn Hướng, ông Cầu không thích người Pháp chi phối cuộc chiến đấu chống cộng sản. Ông bất mãn ngụy quyền thời ấy và muốn đi tìm những người Việt Nam chân chính chống cộng sản, đồng thời, chống luôn cả Pháp và ngụy quyền Bảo Đại. Ba ông Hướng, Trâm, Cầu gặp Hoàng Đạo (không phải Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Long). Thảo luận, họp bàn hợp lý, Hoàng Đạo dẫn Xứ Ủy Đại Việt miền Nam hoạt động ở Hà Nội và Trâm, Cầu ra ngoài bưng tìm những người Việt Nam chân chính chống cộng cứu nước (Thời Nguyễn Hữu Trí làm Thủ Hiến Bắc Phần, Đại Việt miền Nam ra Bắc thao túng chính trường, Nguyễn Ngọc Tân tự Phạm Thái, tự Bấy Bốp đã đặt văn phòng của mình ở căn nhà Hồ Chí Minh ngồi viết Tuyên Ngôn Độc Lập, phố Hàng Quạt, Hà Nội). Ra ngoài bưng, Hoàng Đạo hạ lịnh trói chặt 3 vị đảng viên Đại Việt. Y nói thẳng y là gián điệp cộng sản. Người đứng tuổi hẳn còn nhớ cái gọi là “Vụ án Hoàng Đạo”. Ba ông Đại Việt bị đưa vào Thanh Hoá, nhốt tại Trai Lý Bá Sơ. Ông Cầu phải gánh nước đái tưới rau hàng ngày. Trại giam của ông có một nữ cai ngục, người Hà Nội, lạc đường vào kháng chiến và công tác giữa rừng già. Công tử Đinh Xuân cầu cao ráo, đẹp trai, trí thức. Nữ cai ngục đem lòng yêu thương. Chúa ngục Lý Bá Sơ ghen tức, đề nghị đổi Đinh Xuân Cầu ra một trai giam miền Bắc, gần sông Đà. Hai ông Nguyễn Văn Hướng và Phan Văn Trâm ở lại Lý Ba Sơ và sau này được thả ra tại đây. Đinh Xuân Cầu đã lợi dụng một đêm mưa bão, trốn trại bằng một chiếc bè nứa mùa nước lũ. Nước cuốn ông ta đi. Sau những hãi hùng tưởng đã chết, bè của ông dạt vào một đồn lính Pháp. Ông khai báo sự thực với Trưởng đồn. Ngày ông được cứu sống đúng là ngày báo chí loan tin Malenkov thanh trừng Béria và tay chân của trùm mật vụ Liên Xô. Nếu tôi nhớ đúng thì vào năm 1953. Ông Cầu được giải về Phòng Nhì ở Hà Nội. Ông được trả tự do nhanh chóng. Vũ Ngọc Các, chủ nhiệm nhật báo Dân Chủ đã định làm lớn vụ Đinh Xuân Cầu. Nhưng các đồng chí già sợ Đinh Xuân Cầu nổi hơn mình đã ngăn cản Vũ Ngọc Các, đã nói xấu người chiến sĩ quốc gia ấy và vụ vượt ngục của Đinh Xuân Cầu chìm lắng.
Hiệp định Paris chia đôi đất nước. Đinh Xuân Cầu vào Sàigòn, cho xuất bản cuốn Bên kia Bến Hải. Rồi ông làm chủ tịch Hội Nạn Nhân Cộng Sản. Rồi ông bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt nhốt. Rồi ông tung vốn liếng đi đào vàng ở Đà Lạt vì tin chắc Nhật Bản đã chôn dấu vàng ở vùng này. Vàng chưa thấy, vốn sắp cạn thì Đỗ Cao Trí gây khó khăn. Rồi ông viết kịch. Rồi ông mưu sinh bằng cách đi làm thuê cho Mỹ. Toà Đại Sứ Mỹ mướn cho ông một phòng ở khách sạn Majestic. Công việc của ông là mỗi sáng gọi dây nói cho Bộ Chiêu Hồi xem có anh hồi chánh viên nào về từ R không. Những hồi chánh viên R, thật hay giả, đều không chịu khai báo chút xíu tài liệu nào về cục R.
- Tôi sắp chán việc này thì một hôm Bộ Chiêu Hồi đẩy một thằng ở R về sang tôi. Tôi biết tụi cộng sản kín miệng lắm. Tụi Mỹ không cho cảnh sát đặc biệt khai thác hồi chánh viên, sợ cảnh sát tra tấn. Tôi, thay vì hỏi, đưa thằng này đi ăn chơi dài dài. Tiền của Mỹ mà. Tự nhiên tôi gặp may.
- Rồi sao?
- Tụi Mỹ bắt tôi đưa tài liệu đã khai thác cho chúng nó. Tôi không đưa.
- Rồi sao?
- Một thằng đại tá già đến dọa nạt tôi rồi hỏi lý do tại sao tôi cố giữ tài liệu. Tôi trả lời tôi có mối đại thù với cộng sản, tôi muốn đích thân tiêu diệt cục R. Nó vỗ vai tôi: Mày già rồi, Cầu ạ, mày chống CIA không lợi cho sự nghiệp chính trị của mày đâu. Tao khuyên mày nộp cho tui nó. Tôi bằng lòng nộp. Trước khi nộp, tôi đưa cho con bồ của tôi làm ở Hải Quân photocopie thêm 2 tập. Tôi đem giao Nguyễn Tiến Hỷ một tập, nhờ đem gấp trao tận tay Nguyễn Văn Thiệu, một tập tôi giữ. CIA biết. Nó đuổi sở tôi. Sau nầy cục R bị tan nát, Phạm Hùng chạy bán sống bán chết và Bộ Tư Lệnh của R đặt mãi ở Vinh.
Đinh Xuân Cầu tan mộng chính trị vì đã bị ghi trong số đen của CIA. Ông ta lấy cô vợ bé trẻ măng, xinh đẹp, người Long An, cháu của một kép cải lương già, bố vợ Hữu Phước. Rồi ông ta làm nghề thầu khoán.
- Tôi có những dịch vụ với Tòa Đại Sứ Mỹ. Chính ở Tòa Đại Sứ, tôi gặp Trương Mộng Hoàng. Tên thật của ông ta là Trương Phiên, mục sư, người Quảng Ngãi. Thoạt đầu, tôi ghét Trương Phiên lắm, tôi không thể tưởng tượng mục sư mà đi thầu khoán. Trương Phiên giao dịch mật thiết với văn phòng chính trị của Tòa Đại Sứ. Sau 30-4, ông ta đi tìm tôi.
- Để làm gì?
- Làm lại. Ông ta bảo nếu Linh mục Trần Hữu Thanh và một số chính khách không chết nhát thì lịch sử có thể thay đổi. Lịch sử có thể thay đổi bằng một cú chơi bạo cuối cùng. Những người chống cộng quyết liệt đã vận động xong một sự hợp tác với một tiểu đoàn nhảy dù. Tiểu đoàn Dù sẽ bao vây Toà Đại Sứ Mỹ, sẽ nhắm trực thăng mà hạ. Trực thăng không đáp xuống được để cứu ông Đại Sứ thì thủy quân lục chiến phải đổ bộ vào cứu. Chúng ta lợi dụng cơ hội này hô hào chiến đấu tiếp tục vì Mỹ can thiệp thì quân đội sẽ lên tỉnh thần. Kế hoạch định vào sáng 30-4. Bất ngờ, sáng 30-4, Dương Văn Minh ban lịnh giới nghiêm. Quý vị đầu não của kế hoạch nản lòng, nằm nhà thở dài. Thế là lịch sử sang trang!
- Bây giờ làm lại cách nào?
- Lập Nội Các ngay tại Sàigòn và lưu vong ngày sau khi họp báo. Đại diện các thông tấn xã và bảo chí quốc tế còn ở Sàigòn khá đông.
- Mời lối nào?
- Đã có người lo liệu.
- Lưu vong cách nào?
- Tôi đợi ông Trương Mộng Hoàng về nước vì câu hỏi của ông.
- Ông Cầu ạ, ông đã ngây thơ tin Hoàng Đạo, đã ngây thơ đi tìm vàng, ông lại ngây thơ tin Trương Phiên.
- Tôi tin Trương Phiên vì tôi biết đích xác Trương Phiên là gián điệp. Với một gián điệp, sự đi lại giữa Mỹ và Việt Nam không khó đâu. Biển mênh mông và phương tiện của gián điệp vô kể.
- Kể như ông đúng. Nhưng tại sao ông tin tôi? Ông không nghĩ rằng tôi có thể bị bắt lúc nầy ư? Ông không nghĩ rằng tôi đi tố cáo ông là tôi lập công chuộc tội à?
- Tác phẩm của ông không cho phép ông tố cáo ai cả.
- Cám ơn ông.
- Xưa có một lần người bạn của tôi tưởng ra chấp chánh, tôi đã nghĩ đến ông và định tiến cử ông giúp anh ta công việc tuyên truyền, mặc dù tôi biết ông ghê tởm chính trị. Tôi đã đọc cuốn Ảo vọng tuổi trẻ của ông.
- Và nay?
- Đích thân tôi mời ông làm Bộ trưởng Thanh Niên và Tuyên Truyền, ông nghĩ sao?
- Tôi nghĩ rằng ông nên mời người khác.
- Ai?
- Thiếu gì nhà văn lỗi lạc hơn tôi.
- Rất tiếc, họ không hiểu tâm lý tuổi trẻ, họ không được tuổi trẻ ái mộ bằng ông. Và, họ thiếu lửa.
- Ông Cầu, thế này nhé, làm Bộ Trưởng ở cái giai đoạn này thì không ngu tức là điên. Tôi không ngu, không điên, nhưng ưa bốc đồng. Rất tiếc chưa đến cơn bốc đồng của tôi. Vậy tôi sẽ đọc cuốn sách của ông trước, rồi trả lời ông mọi việc sau.
Tôi đem bản thảo cuốn Chiến tranh chống chiến tranh nhân dân của công sản của Đinh Xuân Cầu về đọc. Tôi rất đồng ý với nhà văn Erkine Caldwell: “Có hai hạng người: Hạng viết và hạng đọc”. Tôi đã viết, tôi không đọc nữa. Tôi đành chịu tối tăm, ngu dốt vậy. Bù đắp, những gì tôi viết hoàn toàn của tôi tự suy nghĩ riêng tư, tôi chẳng ảnh hưởng ai hết. Về tư tưởng cũng như về văn thể. Ở mấy trang tựa, ông Đinh Xuân Cầu nói lên những lời thành khẩn tạ lỗi đồng bào vì ông đã không chịu hoàn thành cuốn sách cách đây 10 năm. Ông can đảm nhận ông đã đóng góp trách nhiệm đánh mất Sàigòn. Theo ông, cuộc chiến đấu tiêu diệt cộng sản chưa chấm dứt, ngay tại quốc nội, cả miền Bắc lẫn miền Nam. Do đó, những suy tư của ông, những kinh nghiệm của ông vẫn còn cần thiết. Trong một chương nói về lịch sử chiến tranh nhân dân, ông Cầu đề cập tới Mao Trach Động và Tôn Tử Binh Pháp. Ông Cầu cho rằng, nhờ thất bại về nằm ở Diên An mà Mao Trạch Đông mới thấu triệt Tôn Vũ và sáng tạo chiến tranh nhân dân. Ông quả quyết Mao Trạch Đông là người duy nhất nắm linh hồn của binh pháp Tôn Vũ. Một chương khác, ông bàn về nghệ thuật tận diệt chi bộ xã của cộng sản. Vẫn theo ông, then chốt của chiến tranh nhân dân nằm ở các chi bộ xã. Tận diệt chi bộ xã là băng hoại chủ lực quân của cộng sản cả chiến thuật lẫn chiến lược. Tóm lại, cuốn sách của ông rất hữu ích cho bất cứ dân tộc nào tương tự hoàn cảnh Việt Nam. El Salvador chẳng hạn. Cuốn sách của ông Cầu lên án nặng nề những kẻ thi hành “Kế Hoạch Phượng Hoàng”. Bọn cán bộ Phượng Hoàng đã tàn sát nông dân vô tội, đã hãm hiếp, cướp bóc và dồn thanh niên nông thôn lên núi, vô rừng theo cộng sản. Rất nhiều vấn đề thuộc phạm vi chiến lược trong cuốn sách … cuối mùa của Đinh Xuân Cầu. Tôi đọc, tôi phục và tôi bùi ngùi. Một chút tội nghiệp ông Cầu. Chẳng thà nó cuối mùa, chứ nó đầu mùa, bọn tướng lãnh ngu dốt cũng đâu có đọc, dù họ lãnh đạo đất nước. Người hùng Nguyễn Cao Kỳ chỉ mê “cô gái Đồ Long”, say mê đọc trên máy bay cả những khi kinh lý thăm dân cho biết sự tình. Người hùng Nguyễn Văn Thiệu thì mê “Căn nhà ngoại ô!” Nhà văn hóa Đỗ Văn Rỡ biết mỗi môn hát bộ. Vân vân …
Mấy hôm sau, ông Cầu lại cho người tìm tôi. Lần này, ở một căn nhà khác tại Xóm Mới, tôi gặp ba vị linh mục 1 mà tôi biết tiếng và tiếng tăm của họ không làm dơ áo thánh. Ba vị linh mục nói với tôi về sự cần thiết của một đoàn kết chí tình, thành khẩn, cấp bách giữa Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành … Rõ ràng, ông Đinh Xuân Cầu muốn dùng đòn của nhà Mộ Dung ở Cô Tô. Ba mươi năm trước, cộng sản có liên tôn chống Pháp. Ba mươi năm sau, chúng ta có liên tôn chống cộng. Lần lượt, tôi gặp các nhà sư thuộc hệ phái Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự. Rồi các vị mục sư và các chức sắc Hòa Hảo, Cao Đài. Những hào mục ở Xóm Mới đã làm tôi cảm động. Họ yêu cầu tôi ra “giúp nước”! Ra giúp nước, với tôi, sao mà bẽ bàng thế! Bình sinh tôi lười biếng, lêu lổng, học hành ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai. Lớn lên, làm kẻ phiêu lãng, lê đế giày mòn trên vỉa hè đời. Rồi biến thành thằng kiêu sĩ ngu đần, coi mọi việc trọng đại của thế gian là trò đùa, coi tất cả lũ trí thức khoa bảng, lũ chính khách cơ hội, lũ lãnh đạo vai u thịt bắp là lũ … thập nguyên! Bây giờ, người ta bảo tôi “ra giúp nước”, hỏi chi tôi chẳng bẽ bàng.
Tôi trả ông Cầu tập bản thảo của ông với lời đề nghị:
- Không có gì phải san nhuận cả. Ông nên sắp xếp những sự kiện thành hệ thống mạch lạc là ổn rồi. Cũng cần cô động lại vì có nhiều dẫn chứng nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Ông Cấu buồn bã hỏi tôi:
- Còn đề nghị của tôi?
Tôi đáp:
- Ông muốn tôi viết gì, tôi sẵn sàng viết cho ông. Để tạ lòng tri kỷ. Còn cái chức Bộ Trưởng, xin ông tìm người khác.
- Chức ấy không hấp dẫn ông lúc này?
- Không hấp dẫn tôi bất cứ lúc nào. Là nghệ sĩ, tôi chỉ biết mơ mộng, không biết điều hành công việc.
- Ông bỏ qua sự mơ mộng giải thoát dân tộc?
- Tôi tự cảm thấy bất tài. Và nữa, tôi nhát lắm, tôi không chịu nổi đòn tra tấn. Tôi mà bị bắt, tôi sẽ khai hết và hỏng việc lớn của các ông.
- Không có chuyện bị bắt.
- Tôi đề phòng.
- Ông đã cương quyết từ chối, tôi không thể ép ông. Tuy nhiên, tôi muốn ông bớt chút thì giờ gặp Trương Phiên.
- Cuối tuần hẹn hò của ông ấy đã qua rồi.
- Tôi tin Trương Phiên phải về.
Cuối cùng tôi gặp Trương Phiên ở căn gác sép của nghệ sĩ cải lương già, bố vợ kép hát Hữu Phước. Chủ nhà hoàn toàn không biết chúng tôi mưu đồ chuyện gì. Ông ta chỉ nghĩ chúng tôi là bạn ông Cầu, cháu rể của ông ta thôi. Căn gác sép ở hẽm nhỏ đường Trần Quý Cáp là nơi hội họp thường xuyên của tôi, Hà Tường Cát (CPS cũ), Trần Văn Lợi … sau này. Trương Phiên trên 50 tuổi, dáng người mảnh khảnh, trông hao hao khuôn mặt Nhượng Tống chụp ảnh. Ông ta nói về Việt Nam trễ vì còn ghé Tân Gia Ba gặp Lý Quang Diệu để nhờ Ly Quang Diệu giới thiệu với Thái Ngũ ở Chợ Lớn tài trợ. Ông ta thuật chuyện gặp gỡ tổng thống Ford, ăn uống với Kissinger, họp bàn với các nghị sĩ Mỹ làm tôi tưởng tôi đang nghe chuyện Phong Thần! Máu hài hước trong tôi nổi dậy. Nhưng Trương Phiên nghiêm túc. Ông ta luận về cục diện thế giới ngày mai và cái thế tất bại của cộng sản Việt Nam. Ông ta nhìn tôi:
- Trước khi sang Mỹ, ông Cầu đã ngỏ ý với tôi muốn mời ông. Tôi đã cho bên ấy biết. Bạn thích ông, kẻ thù nể ông.
Tôi nghe không sướng tai chút nào cả. Tại sao? Vì cái hiện tại bi đát của tôi kéo tôi lại, không cho tôi leo lên tàu bay thật hay tàu bay … giấy. Mỗi ngày, vợ tôi cằn nhằn tôi hàng chục lần bởi cái tội không tích cực di tản. Người ta hỏng đường bay, đi tìm đường thủy. Tất cả đều thoát. Tôi hỏng đường bay là về … uống rượu. Tôi càng không ham lời khen của Trương Phiên bởi lời khen ấy sẽ đưa tôi vào sự “chết rũ trong tù”. Ở tù sợ lắm. Chưa nói bị tra tấn.
- Người Mỹ muốn xóa đi để làm lại tất cả, Trương Phiên nói. Đây là cơ hội bằng vàng của dân tộc ta. Miền Bắc quằn quại dưới gót thống trị của cộng sản ròng rã 20 năm, oán hận cộng sản ngút ngàn. Miền Nam thì đã hiểu rõ tim đen cộng sản. Những khuôn mặt nằm vùng đã xuất hiện đầy đủ. Bọn tướng lãnh lãnh đạo đã chạy trốn. Bọn làm giàu trong chiến tranh, bọn tài phiệt thao túng kinh tế, bọn tư sản mại bản Chợ Lớn đã bị cộng sản tiêu diệt giúp chúng ta. Để lâu cộng sản moc rễ đâm chồi, diệt rất khó. Lực lượng vũ trang tinh nhuệ của chúng ta còn nguyên. Nguyễn Cao Kỳ cũng muốn về… Ông nghĩ sao, ông Duyên Anh?
- Tôi nghĩ là chuyện của các ông.
- Bất cứ ai giải thoát dân tộc lúc này đều là Chúa Giê Su.
- Tôi chỉ muốn làm nghệ sĩ.
- Ông Cầu sẽ bàn thêm với ông.
Trương Phiên về. Ông Đinh Xuân Cầu cho tôi biết Trương Phiên sẽ làm Chủ tịch Hội Đồng Bão Quốc, một thứ Bộ Chính Trị chi phối toàn bộ cơ cấu quốc gia sau này. Còn ông Cầu là Thủ Tướng của Chính Phủ Lâm Thời Đệ Tam Cộng Hòa. Ông Cầu được bên ấy chỉ định thành lập Nội Các. Ông ta đã mời kỹ sư Nguyễn Thiện Ngọ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, linh mục Trần Hữu thanh, chính khách Nguyễn Tiến Hỷ … và những người nầy nhập cuộc. Nên kể thêm Hà Tường Cát và một số người trẻ từng du học bên Mỹ, Đức. Hậu thuẫn của Bão Quốc là liên tôn chống cộng.
- Ông có tin Trương Phiên không? Cầu hỏi tôi.
- Không. Tôi đã xa lạ ông ta, càng xa lạ ông ta. Tôi trả lời.
- Tôi tin Trương Phiên là người của Mỹ.
- Tôi không tin cả Mỹ.
- Phải có Mỹ, ông ạ!
- Mỹ đã phản phúc.
- Theo tôi, mưu đại sự thì nên gạt bỏ những tiểu tiết. Việc của ta xong, ta dở mặt như Fidel Castro, không để Mỹ chi phối cũng như không để cộng sản chi phối.
- Tôi đã nói với ông rồi. Tôi chỉ có thể giúp ông về những dịch vụ viết lách. Để tạ lòng tri kỷ. Sau này, ông thành công, tôi xin được tặng ông Chính sách thanh niên và tuyên truyền do tôi soạn thảo. Nếu phải lưu vong, tôi xin ông một chỗ và xin được coi như người bạn trẻ, như người “ký giả nhà nước”.
- Tôi biết ông băn khoăn chuyện gia đình.
- Vâng
- Chúng tôi sẽ đưa gia đình ông đi ngay sau khi nội các ra mắt báo chí. p>- Và tôi vẫn đóng vai “ký giá nhà nước”?
- Tùy ông thôi. Có ông giúp, tôi đã cảm động lắm rồi.
Chưa phải là... Bộ Trưởng Thanh Niên và Tuyên Truyền của chính phủ đệ tam dân chủ cộng hòa, chỉ mới là bạn của ông Cầu thôi, tôi đã được tham dự những phiên họp bí mật. Tự nhiên tôi quên mắt tôi đang là ai, đang ở đâu và tôi tưởng mình như một hiệp sĩ trong một hội kín dưới thời nô lệ Pháp. Ông Cầu nhờ tôi viết một cái tuyên ngôn cho Bảo Quốc và một bài kêu gọi quần chúng chuẩn bị nổi dậy. Tôi đã viết cái tuyên ngôn đầu tay trong cuộc đời viết lách của tôi tại căn nhà của Đặng Xuân Côn ở số 215D/17 Chi Lăng, Phú Nhuận, Gia Định. Tôi cảm thấy chữ nghĩa của tôi thật xứng đáng trong cái tuyên ngôn duy nhất đó. Còn bài kêu gọi quần chúng chuẩn bị nổi dậy thì tôi đã kêu gọi chính tôi, tôi để hết lòng tôi vào đó nên nó đầy lửa. Và tôi bỗng cảm thấy ông Đinh Xuân Cầu là người hiểu biết giá trị và tác dụng của văn chương trong chiến đấu. Nếu ông Ngô Đình Diệm suy nghĩ thêm về các nhà văn, ông sẽ là người hoàn toàn nhất. Luôn luôn, các nhà lãnh đạo Sàigòn quên mất cái thế độc lập của nhà văn, cái thế mà quần chúng bị trị ngưỡng mộ và tin cậy. Ròng rã 20 năm, từ 1954 đến 1975, nhà văn chưa hề lên tiếng chính thức chống hay không chống chế độ Sàigòn. Họ chỉ phản kháng trong tiểu thuyết. Cái vụ xuống đường đi ăn mày bệ rạc, vô ý thức của đám ký giả bất tài vô tướng và mấy anh văn sĩ Pen Club là sự lên tiếng ngu xuẩn chỉ nhằm bôi bẩn chế độ. Nhà báo đi ăn mày vì thất nghiệp, vì bị loại khỏi nghề, vì thiếu tài năng, vì không còn cho viết. Nhưng nhà văn, lại là nhà văn danh tiếng, tại sao họ không cho chữ nghĩa lên tiếng? Mà phải đi ăn mày? Ăn mày tức là cần bố thí. Ai bố thí? Rốt cuộc họ đi ăn mày tình thương của chế độ. Trò chơi dân chủ quá lỡ làng! Một người mà báo Mỹ ca ngợi là “lãnh tụ tương lai” của Đông Nam Á là Hoàng Đức Nhã, tôi thấy cũng chỉ là một tên ngu dân trong chức vụ Tổng Trường Dân Vận. Trong nhiệm kỳ thông tin, tuyên truyền của ông ta, báo chí và quần chúng xa xả chửi bới sự độc diễn của chủ ông ta. Có một dịp may rửa nhục cho vị tổng thống anh mình mà ông ta không biết. Là cái điện văn chúc mừng “tổng thống tái đắc cử”. Điện văn ấy ghi tên một văn hào thế giới lỗi lạc: C. V. Gheorghiu, tác giả Giờ thứ hai mươi lăm, Niềm may mắn thứ hai, Kẻ ăn mày phép lạ … đã dịch sang Việt ngữ và làm say mê độc giả Việt Nam. Điện văn ấy được đăng khiêm tốn trên cả báo nhà nước. Một người làm tuyên truyền giỏi thì đã túm lấy cơ hội quý báu nầy, in hình và tiểu sử Gheorghiu, nhà văn chống cả cộng sản lẫn tư bản, mời Gheorghiu qua Việt Nam diễn thuyết, phỏng vấn. Và một câu ngắn khen tổng thống, chắc chắn, tổng thống nở mày, nở mặt. Tổng thống sướng rên, tổng thống thấy giá trị một câu ngắn của nhà vẫn lỗi lạc hơn cả gần hai nhiệm kỳ được cầy cáo suy tôn. Một dịp nữa để đánh vào mặt Hà Nội và báo chị Mỹ thân Hà Nội là dịp nhà văn "best seller" của Mỹ, James Jones, tác giả Thói đời, Như thác đổ, Trận chiến trên đồi voi sang thăm Việt Nam. Ông đã ra Huế, điều tra vụ Mậu Thân và tuyên bố: “Vụ tàn sát tập thể ở Huế là vụ có ý của cộng sản Hà Nội”. Lời tuyên bố của nhà văn James Jones, của tác giả “Tant qu'il y aura des hommes” mà khán giả đã xem muốn nát cuốn phim nhựa cùng với “Comme un torrent” … cũng chỉ được đăng khiêm tốn trên báo nhà nước. Và Tổng trưởng Dân Vận không biết vì ngủ hay vì bận đưa ca sĩ đi phá thai mà chẳng chịu cho nổ, chẳng chịu mời James Jones đi khắp nước diễn thuyết lên án cộng sản khát máu với chứng cớ Huế, Mậu Thân rõ ràng. Tổng thống Mỹ nói không ai nghe. James Jones nói cả thế giới tin. Tiếc thay! Càng tiếc thêm, những Mặt trận, những Hội đoàn chống cộng hải ngoại vẫn không hấp dẫn nổi nhà văn danh tiếng. Bởi vậy, cũng đừng ai đặt ra trách nhiệm này nọ cho nhà văn và bắt nhà văn phải có trách nhiệm này nọ. Nhà văn chỉ có trách nhiệm với những người đọc họ. Nói đúng nhất là dùng lời của Grabiel Marquez, tác giả Trăm năm hiu quạnh, giải Nobel văn chương 1982: “Bổn phận của nhà văn là viết cho hay”. Nhà văn tự cho mình ôm hàng tấn trách nhiệm mà viết không hay thì cũng vất đi. Tôi đã viết cái tuyên ngôn thật hay. Thật hay vì mới chỉ có tôi, ông Cầu, ông Phiên biết! Ông Cầu chưa kịp xử dụng những gì tôi viết cho ông thì tên ông đã ghim trên miếng bìa đỏ.
--------------------------------
1 Về vụ Đinh Xuân Cầu, trừ những người đã bị bắt, bị thẩm vấn và đã lãnh án bất thành văn, tôi mới dám nêu rõ tên tuổi.

CHƯƠNG 5

Qua một đêm thao thức, sáng hôm sau, người ta mở cửa gọi tôi ra làm việc. Tôi phải khai sơ yếu lý lịch với một người công an hồ sơ. Họ và tên, năm sinh, nơi sinh, nơi cư ngụ, nghề nghiệp … của tôi được viết vào năm miếng bìa năm màu. Người công an cho tôi luôn một cái tội, khỏi cần ra tòa án: Phản động! Tên phản động bị mắng trận phủ đầu vì ngồi trước mặt cách mạng thiếu ngay ngắn. Rồi người ta đuổi tôi ra khỏi phòng hồ sơ. Người ta bắt tôi lăn đủ 10 đầu ngón tay lên 5 miếng lý lịch. Người ta chụp tôi 12 kiểu hình đứng, ngồi, nghiên, thẳng, cười, nghiêm… Thiếu một kiểu khóc. Có lẽ họ kiêng số 13! Buổi chiều, tôi làm việc với một người công an miền Nam. Ông ta trên 50 tuổi, tóc hoa râm, đeo kiếng cận thị. Ông ta kéo ghế mời tôi ngồi, niềm nở:
- Anh cứ thoải mái, không việc gì phải sợ hãi. Tội trạng của các anh đã rõ rệt, khỏi cần điều tra. Các anh ở đây, qua bầu cử cả nước rồi về.
Lời ông phù hợp với lời người công an dẫn tôi nộp cho Hai Phận tối hôm qua. Họ sơ chúng tôi phá bầu cử! Tôi hơi yên lòng. Người công an già này cũng ghi sơ yếu lý lịch của tôi và yêu cầu tôi tóm tắt quá trình hoạt động văn chương, báo chí từ khi tôi cầm bút.
- Những gì không cần khai, anh cứ quên đi. Tôi không bắt buộc.
Dĩ nhiên, có nhiều điều tôi không khai, nhất là, vụ viết tuyên ngôn cho ông Đinh Xuân Cầu. Qua 2 tiếng làm việc, người công an đọc lại cho tôi nghe những lời khai của tôi mà ông ta ghi trên giấy bằng bút bic. Tôi rất ngạc nhiên thấy ông ta ghi rất tóm tắt và nhẹ nhàng hơn cả lời tôi khai. Ông ta, thay vì gọi tôi là nhà văn phản động, đã gọi là nhà văn chế độ cũ. Tôi ký tên vào lời khai. Ông ta cũng ký tên. Rồi ông ta nhìn tôi:
- Rất tiếc tôi chưa hề đọc tác phẩm nào của anh và tôi cũng không biết nói chuyện thơ văn để mạn đàm với anh. Anh có gì muốn hỏi tôi không?
- Có.
- Anh cứ hỏi tự nhiên và tự do. Tôi không ghi chép, hết giờ làm việc với anh rồi.
- Tôi đã rất lo lắng trước khi bước vào phòng của anh. Buổi sáng tôi bị nạt nộ. Buổi chiều tôi sợ bị tra tấn. Anh đã không nạt nộ, không tra tấn mà còn tử tế với tôi. Do đó, tôi muốn lợi dụng thêm lòng tốt của anh để xin anh một ân huệ.
- Anh muốn tôi giúp điều gì?
- Cho tôi viết vài dòng và gởi về cho vợ con tôi.
- Được.
Người công an đưa tôi một miếng giấy và cái phong bì.
- Anh mặc sức viết. Viết cho đủ đi, tôi rảnh rỗi.
- Cám ơn anh.
Tôi viết những giòng sau đây cho vợ tôi:
Phương,
Anh hiện ở Sở Công An thành phố tức là Nha Cảnh Sát Đô Thành cũ, đường Trần Hưng Đạo. Anh không bị tra tấn. Em yên tâm. Đừng lo lắng sợ hãi. Cố giữ sức khỏe nuôi con. Các bạn đều ở đây.
Anh,
Long
Tôi đưa miếng giấy cho người công an.
- Viết ngắn thế thôi à?
- Vâng, đủ ý rồi.
- Anh bỏ vô phòng bì dán lại đi. Tôi không đọc, không muốn đọc. Tôi sẽ đem đến tận nhà anh. Viết địa chỉ và tên vợ anh trên phòng bị cho rõ.
Thật sự, tôi không hiểu rõ người công an miền Nam này. Ông ta đóng kịch với tôi chăng? Tôi cũng không mấy tin rằng bức thư ngắn sẽ đến tay vợ tôi. Người công an miền Nam đứng tuổi bỏ bức thư của tôi vào cái cặp da – ông ta không đeo xà cột – rồi nói:
- Tôi sẽ không gặp anh nữa. Anh cho tôi khuyên anh một điều: Có nhiều vị anh hùng không chết ở chiến trường mà bị chết nhục ở cái lỗ chân trâu. Anh chớ dại chết vì cái lỗ chân trâu. Điều nữa: Anh sẽ phải làm tự khai nhiều lần. Vậy khi viết phải sáng suốt mà nhớ những gì mình đã viết.
- Cám ơn anh. Anh có thể cho tôi biết tên anh không?
- Không. Anh cứ hiểu tôi là người Sàigòn, theo cách mạng từ 1945, ngày xưa tôi học ở Chasseloup Laubat. Anh chớ nói điều khuyên của tôi với người khác. Trong tù, tuyệt đối không tin ai. Thôi, anh về phòng nghỉ ngơi. Yên chí, tối nay vợ anh sẽ biết tin anh.
Người công an miền Nam đưa tôi về tận cửa phòng. Ông ta cho tôi gói thuốc Nông Nghiệp. Từ đấy, không bao giờ tôi gặp ông ta. Tôi đã gặp rất nhiều người kháng chiến Nam bộ tập kết ở đề lao Gia Định, ở Chí Hòa thuộc đủ mọi ngành thương nghiệp, kinh tế, công an, bộ đội… nhưng không gặp người công an đã khuyên tôi những điều mà ngay khi chia tay ông ta, tôi không được phép nghi ngờ ông ta. Hẳn nhiên, với người khác, đó là chuyện khó tin. Và, hẳn nhiên, với người khác, chuyện này không nên viết bằng sự thật. Sau những tháng năm quằn quại trong tù, tôi học được điều này: Tôi muốn tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản và không muốn tiêu diệt con người. Chủ nghĩa sẽ bị tiêu diệt nhưng con người cần tồn tại. Con người chỉ là công cụ thù hận của chủ nghĩa. Và, nếu phải tiêu diệt con người thì tiêu diệt con người lãnh tụ cộng sản là đủ. Giết thêm là thừa. Là bít lối về của những người đã trót lỡ theo cộng sản rồi cầm đành hay những người bị cưỡng bức theo cộng sản không đường thoát.
Trong phòng B, tôi quý nhất Dương Nghiễm Mậu. Và tôi chỉ muốn tâm sự với tác giả Địa ngục có thật. Có lần, ngoài đời, Mẫu nói với tôi:
- Nhiều người ghét ông vì ông là Thương Sinh. Nhưng người ta cứ sợ Thương Sinh và nhờ vả Thương Sinh đánh kẻ thù giùm người ta. Và ông mang tiếng. Tôi không nhờ ông, không sợ ông, không ghét ông, không bình phẩm sau lưng ông. Việc của ông, ông cứ làm. Việc của tôi, tôi cứ làm. Chúng ta có niềm tương kính, thế là đủ.
Tôi kể riêng với Mẫu buổi làm việc với người công an miền Nam. Mẫu nói:
- Người miền Nam ghét giáo điều. Trước hay sau thôi, họ sẽ lần lượt ly khai cộng sản hoặc bị cộng sản thanh trừng.
- Ông có tin sau bầu cử mình về không?
- Không. Tôi chuẩn bị nằm tù 12 năm. Chúng ta sẽ còn đi nhiều nhà tù khác nhau.
- Ông có tin cộng sản sẽ xử dụng tài năng của chúng ta không?
- Không.
- Ông đúng. Có một người tự hào mình hiểu cộng sản nhất nước đã quả quyết cộng sản sẽ dùng lại mình.
- Tôi biết người ấy rồi.
- Ông ta xúi tôi viết thêm vài chương người thầy giáo giảng giải về lao động trong Ngựa chứng trong sân trường và thử gửi ra nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội xem sao. Ông ta tin cuốn sách này sạch, chắc chắn, Hà Nội xuất bản.
- Bậy quá.
- Trước những ngày bị bắt, ông ta và Mặc Thu lấy làm mừng rỡ về bài diễn văn đọc trong ngày khai giảng niên học 75-76 của Lê Duẩn. Ông ta bảo chuyên trên hồng rồi, cộng sản Việt Nam thay đổi rồi và ông ta chờ đợi sự thay đổi này từ 20 năm.
- Không tưởng. Sự không tưởng đưa ông ta tự sai lầm này đến sai lầm khác. Đã một lần ông ta nằng nặc ghi đầy đủ câu “giải thưởng văn chương toàn quốc do đích tay tổng thống trao tặng” để cực tả sự vinh quang của ông trong triều đại nhà Ngô. Lại một lần ông ta nằng nặc đòi tặng bản thảo bìa da gáy mạ vàng cho Nguyễn tổng thống. Nhiều người càng già càng tối tăm. Ông ta sợ vắng mặt buổi họp mặt vớ vẩn, phải sai con đem thư tay cho Thế Nguyên “ sẵn sàng đặt dưới sự chi phối của các anh bất cứ lúc nào các anh cần” và xin hội kiến với Lưu Hữu Phước bị khước từ. Cái đau là ông ta cứ nhận ông ta tạo ra thế hệ đàn em văn nghệ miền Nam! Ông ta sẽ còn sai lầm nhiều nữa.
Tôi bị bỏ rơi một tuần lễ. Trong tuần lễ mệt mỏi đó, Hai Phận vĩ đại vào phòng, ngồi vắt vẻo trên cái ghế đẩu, “giáo dục” chúng tôi. Thầy Hai Phận vĩ đại phát cho chúng tôi mỗi người một miếng giấy học trò gấp tư, bắt chúng tôi viết thư về động viên gia đình tích cực tham gia bầu cử. Chúa ngục đọc một câu kiểu mẫu, bảo cứ viết nguyên con. Và chúng tôi, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà đạo diễn điện ảnh lừng danh của Sàigòn đã phải ngoan ngoãn viết theo sự đạo diễn tư tưởng của Hai Phận! Nếu không, thư sẽ bị xé bỏ và gia đình mù mịt tin tức. Cũng trong tuần lễ mệt mỏi nầy, vợ tôi đã gởi vào cho tôi cái mền, cái mùng và ít thuốc cảm cúm, tiêu chảy. Bức thư tôi nhờ người công an chuyển đã tới tận tay vợ tôi. Hoàng Anh Tuấn được gọi ra làm việc. Đằng Giao được gọi ra làm việc. Hoàng Anh Tuấn làm việc sáng, chiều liên tục. Công an chấp pháp quay Tuấn như quay con mòng. Tuần về phờ phạc. Anh nói nhỏ với vài người chúng tôi.
- Có một thằng nguy hiểm lắm. Đôi mắt nó liến láu. Tao đang bị nghe đập bàn thì nó vào. Nó bảo tao quên hết mọi chuyện đi, cùng nó ôn kỷ niệm làm thơ ở Paris ngày xưa. Chúng mày biết nó là ai không?
- Không.
- Huỳnh Bá Thanh, bút hiệu Ớt, bí danh Ba Trung, họa sĩ nằm vùng ở nhật báo Điện Tín của nghị sĩ Hồng Sơn Đông.
- Nó à?
- Nó đấy, trung úy công an cộng sản. Nó kịch cọc giỏi lắm, gặp nó thì coi chừng.
Hoàng Anh Tuấn nói buổi tối hôm trước thì sáng hôm sau tôi được gọi ra. Chú công an ngây thơ, 17 tuổi, tên Hồng (người Nam, chắc là con em cách mạng mới được tuyển vào nghề coi ngục, thường cho thuốc là tù nhân) dẫn tôi đến phòng chấp pháp. Tôi gặp đúng nhân vật mà Hoàng Anh Tuấn miêu tả: Họa sĩ Ớt, kẻ đã vẽ hàng trăm bức hí họa thô bỉ nhục mạ “ngụy quân, ngụy quyền”. Nó vẽ chúng ta là chó mèo, chồn cáo. Nó cắt đuôi giúp chúng ta để chúng ta làm người! Dĩ nhiên, Ớt biếm họa trên Sàigòn Giải Phóng. Phụ họa với Ớt là thằng Cung Văn, nằm vùng ở Điện Tín và Việt Nam Thống Tấn Xã, tên thật Nguyễn Văn Hồng, chửi rủa chúng ta tàn tệ trong mục thơ trào phúng của nó. Ba Trung kéo ghế mời tôi rất lịch sự. Trên bàn của nó đã có sẵn một bình trà, 2 cái ly và gói Président. Nó rót nước mời tôi. Tôi thò tay vào túi lấy hai viên Aspro uống vì tôi bị cảm. Ba Trung dằng vội ra.
- Thuốc gì đấy anh Duyên Anh?
- Aspro.
- Tôi sợ anh dùng thuốc khác. Đừng tuyệt vọng anh Duyên Anh!
Khi biết chắc là Aspro, Ba Trung để tôi uống. Nó bóc gói Président, hỏi tôi:
- Anh hút thuốc này hay Pall Mall?
- Tôi quen hút Bastos, bây giờ là Nông Nghiệp.
- Để tôi nhờ người mua Nông Nghiệp. Anh dùng cà phê đen hay sữa?
- Đen
- Anh ngồi ở trong phòng, đừng bước ra cửa, sợ phiền phức. Tôi sẽ trở lại.
Mười lăm phút sau, Ba Trung trở lại. Nó bưng hai ly cà phê. Và móc ở cái túi da của nó ra một gói Nông Nghiệp. Ba Trung và tôi uống cà phê, hút thuốc.
- Tôi mời anh ra hôm nay chưa phải để làm việc mà để mạn đàm trong tình thân mật giữa con người và con người. Anh đừng có ỷ sợ hãi chúng tôi như sợ hãi cảnh sát đặc biệt của Thiệu. Tôi lấy danh dự bảo đảm với anh rằng không một người nào trong các anh bị đánh đập, tra tấn và thủ tiêu, mặc dù, người của chúng tôi đã bị đánh đập, tra tấn và thủ tiêu.
- Cám ơn.
- Anh Duyên Anh! Anh có công nhận ở tù khổ không?
- Vâng, ở tù khổ.
- Chắc chắn là tù khổ. Vậy mà có người bảo ở tù không khổ. Người đó là anh Hoàng Anh Tuấn. Anh xem thư anh Tuấn nhờ tôi gửi cho chị ấy.
Ba Trung cho tôi coi thư của Tuấn. Tôi chỉ liếc đọc câu Ba Trung gạch đỏ dưới hàng: Em đừng lo, anh ở trong này ăn uống cũng sướng lắm. Ba Trung gấp bức thư lại:
- Hoặc anh Tuấn kiêu ngạo, hoặc anh Tuấn mỉa mai, hoặc anh Tuấn tuyên truyền. Cả ba đều không thật lòng anh Tuấn và tôi đã không chuyển thư. Tôi muốn thành khẩn. Anh nghĩ sao?
- Nghĩ gì?
- Về bức thư của anh Tuấn.
- Tôi nghĩ anh Tuấn rất thật. Với một người không lệ thuộc miếng ăn ngon, chỗ nằm êm ấm như anh Tuấn thì ở tù sướng.
- Anh khéo bào chữa cho bạn anh.
- Tôi nói sự thật. Anh Tuấn đã nhường chỗ ngủ tốt cho tôi.
Ba Trung xoay qua chuyện khác.
- Các anh đã nghĩ đài BBC cứu các anh, phải không?
Tôi cười gượng:
- Đài ấy nhằm gì với tôi!
- Không ai cứu nổi các anh, ngoài các anh. Đừng tưởng đầu hàng giai cấp là nhục. Đảng cũng không bắt anh phải phục vụ Đảng. Đảng muốn anh đem tài năng của anh phục vụ đất nước, quê hương. Tài năng là vốn quý của con người, của tổ quốc.
- Nhưng nó cũng là những hệ lụy, những tai họa…
- Tai họa là do anh. Chúng tôi bắt các anh là bảo vệ các anh. Chúng tôi biết bọn phản động sắp quyến rũ các anh vào rừng chống lại chúng tôi. Chiến tranh lại kéo dài và các anh lại chết vô ich…
Đột nhiên Ba Trung hỏi:
- À anh Duyên Anh, anh còn nhớ người con gái năm xưa không?
Tôi sững sờ giây lát.
- Người con gái nào? Tôi quen cả trăm người con gái.
- Người con gái đã tặng anh mẫu bánh mì.
- Tôi nhớ rồi.
Người con gái ấy trong truyện Nhà tôi, ở ngay chương thứ nhất.
- Thuở ấy anh khốn khổ quá nhỉ?
- Phải.
- Bây giờ anh cũng khốn khổ.
- Đúng thế.
- Và Đảng cũng đem tặng anh mẫu bánh mì.
Ba Trung mở túi lôi ra ổ bánh mì Garden (Givral cũ) trịnh trọng trao vào tay tôi. Tôi cầm lấy, ăn một cách ngon lành. Ba Trung diễn kịch giỏi nhưng người soạn kịch vụng về. Năm xưa, năm tôi mới lưu lạc miền Nam, có lần đói quá, tôi đạp xe lên nhà thờ Tin Lành, đường Trần Hưng Đạo, xin tiền vị mục sư ăn cơm dĩa. Vị mục sư từ chối và bảo tôi hãy về tin Chúa. Tôi thất vọng, đạp xe về ngôi chùa ở đường Vườn Chuối xin cơm. Bị mấy cậu sư lườm nguýt đóng cổng vì tưởng tôi diễu. Lại đạp về Ông Tạ, vô nhà thờ thì đã quá trưa, giáo đường im bóng. Tôi chán nản về Lăng Cha Cả, gặp em điếm tặng khúc bánh mì, ly cà phê đá và gói Ruby. Bây giờ, Đảng bỏ tôi vào tù rồi Đảng tặng bánh mì Garden. Đảng tứ ví Đảng với điếm. Điếm vì tình người đích thực. Đảng hoàn toàn giả dối.
- Anh có hay đến nhà thằng Trần Dạ Từ chơi không?
Ba Trung cay cú Trần Dạ Từ ra mặt. Nó, từ đầu đến cuối, gọi Trần Dạ Từ là thằng với nó.
- Thỉnh thoảng.
- Anh có biết nhà nó có bao nhiêu cửa số không?
- Tôi không để ý.
- Mỗi cửa số nhà nó là một kiểu, anh hiểu tại sao không?
- Không.
- Vì nó là con nuôi một anh thầu khoán. Trần Dạ Từ là … vua con nuôi! Con nuôi Cao Văn Luận, con nuôi Thích Trí Thủ 1 … Anh thấy chứ, Huế còn nguyên, còn nguyên kỷ niệm của Nhã Ca và Nguyên Sa, mất mát gì đâu mà chúng nó kêu réo là đổ nát, chết chóc.
Tôi đã gặm quá nửa ổ bánh mì. Rồi tôi liệng phần còn thừa vào sọt rác gần đó. Nhâm nhi ly cà phê, tôi nghe Ba Trung “mạn đàm” hết chuyện nọ xọ sang chuyện kia một cách cố ý.
- Anh Duyên Anh ạ, anh nên suy nghĩ để phục vụ quê hương. Tôi nhấn manh phục vụ quê hương chứ không phục vụ Đảng. Người viết truyện hấp dẫn tuổi thơ như anh không có ở Việt Nam nữa. Đảng biết anh có tài. Chỉ cần anh đừng kiêu ngạo!
Tôi kiêu ngạo? Tôi không hiểu tôi đã kiêu ngạo ở chỗ nào mà Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh chụp cái mũ kiêu ngạo lên người tôi. Có lẽ, tôi đã kiêu ngạo mà tôi không biết. Nói tôi kiêu ngạo chưa đúng. Nói tôi không chịu nổi những cảnh chướng tai gai mắt mới đúng. Tôi thường lên tiếng. Và lên tiếng thẳng thắn đến cay độc. Ở bất cứ không gian thời gian nào. Nếu tôi đã tròn như hòn bi, chắc chắn tôi đã yên thân.
- Anh phấn đấu hết kiêu ngạo, mọi việc sẽ tốt đẹp.
“Mọi việc sẽ tốt đẹp”. Ba Trung đã thừa hành lệnh của thượng cấp gợi ý tôi “đầu hàng giai cấp” và “hết kiêu ngạo” là tôi được thả và được tiếp tục nghề nghiệp của tôi. Tôi nhớ, trong một bức thư, người bạn niên thiếu của tôi ở Hà Nội năm 1954, nắm giữ một chức vụ then chốt ngành xuất bản, viết cho tôi: “Cậu nên mở quán bán nước trà ở hè phố mà mưu sinh, nếu đến nỗi thế. Cậu không thể xoay cái rụp 360 độ được, vì cậu sẽ bị chính chúng tôi khinh bỉ, dù cậu có được việc. Hãy nhìn những Hồ Dzếnh, Hoàng Công Khanh, Nguyễn Minh Lang đã ở lại 1954, đã viết và đã chìm vào quên lãng với đầy miệt thị của tất cả. Vả nữa, bọn nhà văn cách mạng và giải phóng sẽ chẳng chịu để cậu thao túng văn chương đâu. Hàng thân vốn lơ láo, Long ạ”!
- Anh cần phấn đấu mọi mặt. Đảng biết anh ra ánh sáng không lóe mắt. Bọn Lý Chánh Trung từ bóng tối ra, dễ chóng mặt. Rồi chúng nó sẽ chóng mặt. Bọn ấy có tài cán gì đâu.
- Tôi sẽ phấn đấu để bớt kiêu ngạo.
Tôi nhận bừa mình đã kiêu ngạo. Ba Trung cười thật ranh mãnh. Bọn nằm vùng chúng nó cáo hơn bốn nằm rừng.
- Anh cần gửi thư về cho chị không?
Suýt nữa tôi buột miệng nói tôi đã gửi rồi. Ba Trung không phải người miền Nam. Nó trôi dạt từ đâu đó vào Nha Trang rồi nằm vùng ở Sàigòn. Nó đóng chốt tại Điện Tín, nó biết tường tận sinh hoạt của chúng tôi. Bọn nằm vùng rất nguy hiểm vì chúng ta khinh bỉ cuộc sống hèn mọn của chúng nó. Chúng ta hào sảng, thích đối diện, đương đầu. Bọn nằm vùng thì như bầy dán, sợ ánh sáng và chỉ dám mò ra kiếm ăn ban đêm. Chúng nó, với những hành tung cổ quái, khó ai đoán nổi. Xuất hiện và hành động ngu xuẩn thì có Vũ Hạnh, Nguyễn Trọng Văn với bầy múa rối trường đại học Văn Khoa. Lầm lũi và đau khổ thì có Thái Bạch. Tưởng như là thái độ của người Thiên Chúa cấp tiến thì có Thế Nguyên. Làm ra vẻ lái báo hám danh thì có Nguyễn Văn Lương, hỗn danh Lương thịt chó. Vân vân … Cộng sản Hà Nội chủ quan và kiêu ngạo đần độn nên mới trao sứ mang thao túng văn học nghệ thuật cho thứ Vũ Hạnh, Thái Bạch, Thế Nguyên. Cả 3 đứa đều vừa sáng tác vừa phê bình. Người ta đã nhìn rõ tư tưởng Mác xít của Vũ Hạnh trong những cuốn sách của nó. Nhưng, phần vì sách của nó bán ế, phần vì nhân vật vô sản của nó đều là những người nghèo bệ rac, xấu xa nên người ta để mặc nó bôi bẩn chủ nghĩa vô sản của nó. Sau này, có dịp đọc cuốn Người mẹ cầm súng, tôi mới hiểu nhân vật vô sản phải là nhân vật của biểu tượng ưu việt của chủ nghĩa. Chị Hậu, chẳng hạn. Khi còn bé, bị bán ở đợ suốt đời cho một gia đình địa chủ. Sáu tuổi, Người mẹ cầm súng đã biết leo lên cây dừa, tụt quần, đái xuống mặt địa chủ cường hào ác bà để đấu tranh giai cấp! Và tôi thấy người ta không thèm đả động gì tới Vũ Hạnh là bởi tác dụng văn chương của nó không có. Nó không lôi cuốn được độc giả. Nếu Vũ Hạnh đừng động tới Lê Xuyên, Chu Tử, nó là thằng vô danh trong quảng đại quần chúng đọc sách báo. Kế hoạch của công sản là tìm đủ mọi cách triệt hạ những người có uy tín ở Saigon. Mục tiêu trước mặt: Văn nghệ sĩ nổi tiếng. Cái mà nó huyễn hoặc quần chúng, nó tạo hậu thuẫn cho nó, nó vỗ về cái đạo đức dân tộc cho nó là nó nghiêm khắc phê bình sự dâm đãng trong tác phẩm Lê Xuyên, Chu Tử. Người quốc gia, bất cứ ai, đều được phép công kích nhà văn miền Nam, trừ cộng sản. Cộng sản không được phép công khai miệt thị nhà văn quốc gia ngay tại Sàigòn trên những nhà báo có giấy phép của nhà cầm quyền chống cộng. Và chúng tôi đã tỏ thái độ với bọn nằm vùng, với cả bọn tiếp tay với bọn nằm vùng là cái Bộ Thông Tin. Vũ Hạnh bị bắt (thời Ngô Đình Diệm, nó đã bị bắt). Anh em văn nghệ … viễn mơ, thứ văn nghệ phòng trà tửu điếm, thứ văn nghệ sợ hãi cái nhãn hiệu “nhà văn chống cộng” 2, đã âm thầm phản đối chúng tôi vụ hạ gục Vũ Hạnh. Trên nhật báo Sống, Chu Tử đánh Vũ Hạnh để bảo vệ mình. Tôi đánh Vũ Hạnh để bênh vực Lê Xuyên. Dạo ấy, tôi còn là thứ ngựa non háo đá. Đến khi nhà văn hóa Thanh Lãng bảo lãnh Vũ Hạnh, cam kết với ông Nguyễn Văn Thiệu rằng Vũ Hạnh không hề là cộng sản thì tôi … ân hận. Và khi tôi cho thực hiện loạt bài phỏng vấn một số nhà văn “Họ đã viết truyện ngắn như thế nào?” tôi đã phỏng vấn Vũ Hạnh, đã có lời lẽ rất tử tế. Đó chỉ là thái độ trung thực, là phản ứng của lương tâm và còn là mời gọi tìm về. Cần lưu ý bạn rằng Vũ Hạnh chưa hề công kích tôi. Vũ Hạnh đã viết cho tôi bức thư thật cảm động. Nó bảo: “tôi chờ đợi thái độ nghệ sĩ của anh từ lâu” 3. Dẫu là sai – buồn thay lại đúng – bọn nằm vùng đã hết nhí nhố khoảng thời gian khá lâu. Phải đợi đến lúc Nguyễn Trọng Văn và lũ phu nhà đòn ở Đaị Học Văn Khoa Sàigòn hô hoán “Phạm Duy đã chết rồi”, bọn chúng mới toan tính vùng dậy. Phạm Duy phổ thơ Apollinaire “Mùa thu chết” có âm mưu chính trị gì đâu, vậy mà Châu Kỳ vội vàng rống lên “Mùa thu chưa chết”, mùa thu cộng sản cướp chính quyền chưa chết! Người văn nghệ quốc gia lại phản ứng. Viên Linh và Chóe nhập cuộc trên Khởi Hành. Tôi viết bài “Phạm Duy, ai giết nổi anh?” trên Tuổi Ngọc. Cùng với đám ma Phạm Duy, trên tạp chí Trình Bày của Thế Nguyên, nhà công giáo cấp tiến, tác giả “Hồi chuông tắt lửa”, khai quật Sáng Tạo, Thế kỷ hai mươi, Văn Nghệ, dẫn chứng cái quá trình chống cộng rồi viễn mơ tuỳ thuộc vào chính sách của Mỹ ở Việt Nam, tùy thuộc vào sự chi tiền của các chế độ rồi kết luận Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh, Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu … là “bọn tiêu bạc giả”. Rõ rệt, bọn văn nghệ nằm vùng không đạt nổi mục đích thao túng văn nghệ thì chúng nó bôi bẩn những người làm văn nghệ có thái độ dứt khoát với cộng sản. Song hành màn toan tính hạ bệ uy tín Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu, tạp chí Đất Nước của Nguyễn Văn Trung nham nhở nhận họ hàng “Việt cộng, người anh em của tôi!” Bọn nằm vùng thủ đoạn tua tủa. Thất bại vụ Vũ Hạnh đụng độ nhật báo Sống, chúng nó không dám gây sự với những nhà văn viết cho nhiều nhật báo. Thí dụ, chúng nó đã quên tôi. Cuối năm 1974, bọn văn nghệ nhóc nắm được tạp chí Phổ Thông, chúng nó đã hội thảo đề tài “Tại sao không ai dám đụng tới Duyên Anh?”, có nghĩa là chúng nó sắp mần thịt tôi vì biết tôi chỉ còn Tuổi Ngọc và Tuổi Ngọc khó chơi bạo. Chúng nó chưa kịp lập công với Đảng thì Đảng đã vô Sàigòn và Đảng bỏ tù tôi và tài năng nằm vùng của chúng nó vất vào thùng rác lề đường. Bọn nằm vùng hèn mọn và dơ dáy. Nó sẽ không tha báo cáo người công an miền Nam đã chuyển thư tay giùm tôi. Nó sẽ nâng quan điểm và đánh giá đồng chí của nó là “làm mất phẩm chất cách mạng”, là “tư tình với kẻ thù của Đảng và nhân dân”. Vân vân …
Tôi vội giả vờ hỏi:
- Được hả, anh?
Ba Trung nhìn tôi, rất đểu:
- Với anh thì được.
Nó đưa cho tôi tờ giấy và cây bic. Tôi viết vài giòng thăm vợ con và báo tin tôi vẫn khỏe mạnh.
- Bây giờ anh về phòng. Tôi cần nói với anh rằng anh có thể lừa gạt được tôi nhưng anh không thể lừa gạt nổi cách mạng.
Tôi nghĩ đến thân phận của tôi mà ngao ngán. Tôi đã chống cộng sản, đã hô hào “chống cộng sản đến chiều”, đã vì chống cộng mà chống luôn tất cả những bất công, thối nát của những kẻ đòi độc quyền chống cộng sản, chống thêm cái chánh sách trịch thượng nuôi dưỡng lãnh đạo ngu xuẩn bản xứ và đánh bóng chính nghĩa chống cộng sản của người Mỹ. Tôi đã “chống cộng sản tự nguyện” và luôn luôn bị chụp bủa trong cái màng lưới ngộ nhận vô tình và cố ý. Và, bây giờ, một thằng nằm vùng hạng bét cảnh cáo tôi đừng hòng lừa gạt nó. Tôi muốn trả lời nó để đón nhân hậu quả phẫn nộ của nó. Chợt nhớ đến lời tâm tình của người công an miền Nam: Chớ dại chết vì cái lỗ chân trâu, tôi im lặng. Về phòng, tôi nằm dài trên bục xi măng, hồn vướng những ý nghĩ não nề. Tôi gọi Trần Tế Xương và thì thầm với ông tú Vị Xuyên rằng: Ngài ơi, ngài đã làm thơ cho con, vì con đấy, ngài ạ! Và tôi khe khẽ ngâm:
Một việc văn chương thôi đã hỏng
Trăm năm thân thế có ra gì
Có ra gì, còn ra gì cái thân thế của tôi, của chúng tôi? Tôi muốn nói với Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, Như Phong, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Mặc Thu, Trần Dạ Từ, Thái Thủy, Lê Xuyên, Hoàng Anh Tuấn ở lại và bị bắt. Tôi cũng muốn nói với Thảo Trường, Thanh Tâm Tuyền, Mai Trung Tĩnh, Văn Quang, Tô Thùy Yên, Đặng Trần Huân, những nhà văn, nhà thơ quân đội ở lại và bị trình diện học tập cải tạo. Ở Sàigòn, trước năm 1975 có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ? Vậy mà cộng sản đã sàng sẩy, đãi lọc để chỉ bắt, chỉ còng tay hơn mười người. Hơn mười người đang có mặt tại một địa chị chung của xã hội chủ nghĩa, đang cởi trần, mặc quần xà lỏn, và mồ hôi nhễ nhãi khắp mình mẩy, đầm đìa trên khuôn mặt buồn bã. Mỗi người một tâm sự. Mấy ông ký giả còn thêm nhiều thắc mắc, như ông Đào Xuân Hiệp, thông tín viên tòa án, đã giải nghệ và đã làm “tà loọc” cho chủ nhà hàng Đồng Khánh, Lê Lai, không hiểu tại sao mình bị bắt. Như ông Văn Minh, chủ nhiệm tuần báo Con Ong, nửa chữ không biết viết, không hiểu tại sao mình bị bắt. Như Chóe đã làm tới chức thư ký tuần báo Lao Động Mới, không hiểu tại sao mình bị bắt…
Hôm sau, Ba Trung gọi tôi ra. Vẫn ly cà phê đen, bình trà và gói Nông Nghiệp trên bàn. Nó mở đầu câu chuyện tình cảm.
- Chiều qua, tôi đến nhà anh. Tôi biết chị ấy có nhà, nhưng chị ấy sai bà cụ ra nói chị ấy vắng nhà. Tôi hẹn buổi tối trở lại và trao thư của anh tận tay chị ấy.
Ba Trung thở dài:
- Chị ấy không tin thiện ý của chúng tôi.
Tôi nói:
- Nhà tôi bị khủng hoảng tinh thần.
Nó cười:
- Tuy nhiên, vẫn có lẽ giải sao ở sân nhà anh. Có thể giải được các sao nhưng không tài nào giải được sao vàng. Buổi tối tôi tới, gặp chị ấy, đưa thư của anh. Tôi hỏi chị ấy muốn trả lời anh thì tôi ngồi đợi chị ấy viết. Và chị ấy nói không cần thiết nữa.
- Cám ơn anh.
- Hôm nay anh làm tự khai.
Ba Trung lôi ngăn kéo ra một tập giấy pelure fort do Cogido sản xuất. Nó không quên đặt lên tập giấy 2 cây Bic.
- Tôi viết gì?
- Trước hết là “Sơ yếu lý lich” rồi quá trình đời anh, từ 10 tuổi đến ngày anh bị bắt. Thời gian từ 1954 đến 1963, anh không được quên một chi tiết nào. Đoạn anh theo đảng Duy Dân, anh nhớ viết đầy đủ. Mỗi tờ báo anh cộng tác, mỗi cuốn sách ánh sáng tác, anh phải nói rõ cảm hứng nào anh cộng tác, anh sáng tác. Anh tóm tắt từng cuốn sách.
- Như thế dài lắm.
- Chúng ta có nhiều thì giờ. Anh ngồi một mình ở đây viết cho yên lặng. Cần gì thì anh báo cáo cán bộ trực. Tôi có việc với anh Anh Quân.
Ba Trung bỏ đi. Tôi đốt điếu thuốc lá mới. “Chúng ta có nhiều thời giờ”. Dương Nghiễm Mẫu đã dọn sẵn 12 năm lưu đầy. Có lẽ, Mẫu đúng và người công an miền Nam sai. Tôi chưa quên vụ Nhân Văn giai phẩm. Mới chỉ là những ẩn ức được giải tỏa theo chính sách “sửa sai” của Đảng, theo mỹ từ “trăm hoa đua nở” của Nhà Nước mà Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan cùng đi lao động cải tạo vài năm rồi bị đuổi khỏi Hội Nhà Văn, bị giải nghệ viết lách, mặc dù, Trần Dần là người có công to với cách mạng, được Hồ Chí Minh đánh giá cao tác phẩm Người người, lớp lớp. Và những Hoàng Cầm, Văn Cao bị đẩy vào trong đói rách, lãng quên. Và những Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân bị kiểm điểm tơi tả. Và Nguyễn Hữu Đang, Thụy An là hai người cuối cùng của Nhân Văn giai phẩm được bước ra khỏi trại cải tạo sau 20 năm đầy đọa (1956 – 1976). Vậy thì, chúng tôi, Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Như Phong, những nhà vẫn chống cộng rõ nét nhất, tích cực nhất, chắc chắn, phải nằm tù ít nhất, cũng phải bằng Nguyễn Hữu Đang. Nhật báo Giải Phóng (một thứ Nhân Dân miền Nam do cục R chủ trương) đã nêu đích danh chúng tôi, gọi chúng tôi là tay sai của CIA gài lại và kết tội chúng tôi “kéo dài chiến tranh”. Nhật báo ấy mỉa mai Doãn Quốc Sĩ: “Nó tự ví nó là viên kim cương và nó xấc láo bảo rằng cộng sản không thể cắn vỡ nó nổi”! Nhật báo ấy cay cú Dương Nghiễm Mậu: “Nó dám so sánh nơi chúng ta giải phóng dân tộc là địa ngục có thật, nhân dân trong xã hội xã hội chủ nghĩa của chúng ta là những kẻ sống đã chết”! Nhật báo ấy nguyền rủa tôi: “Ở chỗ nào nó cũng có thể tìm cách nhục mạ lãnh tụ của chúng ta và chúng ta. Nó dám hỗn láo, mất dạy so sánh tay của Bác không gây cảm xúc bằng tay Con Thúy. Và trong cuốn Gấu Rừng, nó cho con nít đánh nhau với khỉ thì nó nói hạ được vài chiến sĩ vô sản chính thống”!"
Người công an miền Nam đã “lạc đường vào lịch sử”, lạc đường vào kháng chiến, lạc đường tập kết; đã bị phản bội, đã mệt nhoài và đã cam đành trong một guồng mày khốn kiếp, bằng tình cảm của người dân đồng bằng sông Cửu Long, không thích kéo dài thù hận, muốn hòa giải dân tộc thật tình nhưng ông ta nhỏ bé, ông ta làm gì nổi! Cái 10 ngày học tập của “ngụy quân, ngụy quyền” đã thành cái vô hạn kỳ của Đảng. Thì cái sau bầu cử cả nước, chúng tôi sẽ về, đúng với ý nghĩ của người công an miền Nam cũng phải thành cái vô hạn kỳ. Dù sao, tôi vẫn phải ghi nhớ chân lý “Chớ dại chết vì cái lỗ chân trâu” và lời khuyên cần thiết: "Anh sẽ phải làm tự khai nhiều lần. Vậy khi viết phải sáng suốt mà nhớ những gì mình đã viết”.
Tôi đặt bút viết Tự khai… Không, tôi viết những lời buộc tội tôi. Ở chế độ cộng sản, con người không biết mình có tội gì mà vẫn phải tự nhận mình có tội bằng bút tích. Và đó là … tự khai! Một ngày nào đó, khi cờ búa liềm ngạo nghễ bay trên tòa Bạch Ốc, thì ngay cả đồng chí Gus Hall cũng phải làm tự khai, nói chi các mợ Jane Fonda, Elizabeth Hopkins, những anh chị trong tòa án Bertrand Russell và các chú thực hiện Vietnam, a television history. Đừng bao giờ tưởng chống chiến tranh là có công với cộng sản. Cộng sản chỉ thích phản chiến khi họ đã xâm lăng toàn cầu. Hòa bình của chó sói khác hòa bình của người công chính. Người cộng sản chủ chiến, không chủ hòa. Họ ra vẻ hòa bình là vì họ còn yếu. Cộng sản thực sự mạnh về kinh tế, nhân loại sẽ biến thành biển máu. Anh cần nhớ tâm niệm của người Mác xit là tiêu diệt đế quốc tư bản để nắm quyền lực độc tôn của đế quốc cộng sản. Có lẽ, chỉ khi anh phải làm tự khai nhận tội phản chiến, anh mới hiểu lòng dạ cộng sản. Khi ấy, anh chẳng còn dịp than thở với ai, sám hối với ai nữa. Khi ấy đã là đại nạn hồng thủy Liên Xô, tàn bạo, phũ phàng hơn đại nạn hồng thủy. Và hiện thực. Và khi ấy, trước giờ phút rã rượi gục chết trên một trang tự khai nào đó nhận cái vô tội làm cái có tội, anh sẽ chợt hiểu tại sao người Việt Nam bỏ quê hương, xứ sở lưu vong sang nước anh bằng những chiếc thuyền gỗ nhỏ bé lênh đênh trên đại dương để chịu đựng mọi bỏ rơi, hắt hủi, xua đuổi của anh. Anh sẽ thấm thía những phán xét về người tị nạn cộng sản là đê tiện, ích kỷ, hẹp hòi. Nhưng, rốt cuộc, anh vẫn chết trong cô đơn và ngu xuẩn truyền thống. Cái chết của anh lãng nhách. Anh không được phục sinh. Vì anh đã không được để lại cho đời sống kế tiếp một ý nghĩa nào về sự sống hay kinh nghiệm sống của con người. Nếu anh sợ hãi chết dần chết mòn trong cô đơn, nếu anh thèm khát phục sinh, anh nên nhìn rõ cộng sản và khơi dậy từ trái tim anh niềm trắc ẩn đối với nạn nhân cộng sản anh sẽ được cứu rỗi. Tôi nhắc anh: Đã 12 giờ thiếu 15 phút!
“Sơ yếu lý lịch” của tôi dưới 2 chữ “tự khai” to tướng:
Họ và tên: Vũ Mộng Long.
Bút hiệu: Duyên Anh.
Sinh năm: 19-8-1935.
Sinh quán: Thái Bình (Bắc Việt Nam)
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: 225 Bis Công Lý, Sàigòn 3.
Quốc tịch Việt Nam.
Dân tộc: Kinh.
Nghề nghiệp: Nhà văn.
Bị bắt ngày: 8-4-1976.
Can tội: Nhà văn chế độ cũ.
Nếu được viết thêm “người bắt”, tôi sẽ viết “người Việt Nam”. Tôi không muốn nói xa xôi, tôi muốn nói thật gần gũi thôi. Từ 30 năm nay (1945-1975), từ ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập 2-9-1945, ở quê hương yêu dấu của tôi, chỉ thấy người Việt Nam bắt bớ người Việt Nam, bỏ tù người Việt Nam, tra tấn người Việt Nam, đày đọa người Việt Nam, trả thù người Việt Nam. Cộng sản giải phóng chúng tôi, nó không bắt chúng tôi. Tư bản khai phóng tự do, dân chủ cho chúng tôi, nó không bắt chúng tôi. Liên Xô và Mỹ không bắt chúng tôi. Chủ nghĩa của chúng nó bắt chúng tôi. Chúng tôi dại dột quá, nhân danh chủ nghĩa vô sản, chủ nghĩa tư bản và bằng vũ khí của vô sản, tư bản, chúng tôi đâm chém, tàn sát lẫn nhau ròng rã 30 năm. Chúng tôi thủ tiêu nhau, thù hận nhau ròng rã 30 năm. Bằng nhà tù, giây kẽm gai, xiềng xích, còng khóa tư bản và vô sản, chúng tôi nhốt nhau, trói buộc nhau ròng rã 30 năm. Bằng công cụ tra tấn và phương pháp tra tấn tư bản, vô sản, chúng tôi hành hạ nhau. Bằng xương máu, nước mắt và mồ hôi, chúng tôi làm sáng danh chủ nghĩa. Và, hãy cứ hiểu là chiến tranh ý thức hệ hay chiến tranh bẩn thỉu đi, thì sau hòa bình của thứ chiến tranh ấy, sau cuộc phiêu lưu man rợ dẫn dắt bởi Liên Xô và Mỹ, chúng tôi còn lại gì? Chúng tôi còn nguyên vẹn nhà tù, còng khóa nhãn hiệu USA, chúng tôi có thêm trại tập trung, phương pháp tẩy não nhãn hiệu USSR. Trước 1975, Việt Nam Cộng Hoà bắt nhốt Việt Cộng vì chủ nghĩa … tự do, dân chủ. Sau 1975, Việt Cộng bắt nhốt Việt Nam Cộng Hoà vì chủ nghĩa… giải phóng nô lệ. Bạn rõ chưa? Chủ nghĩa đến, chủ nghĩa đi, chủ nghĩa ở lại. Nó đến, nó đi hay nó ở lại, thì người bản xứ vẫn chết thảm, vẫn tù ngục, vẫn xa rời tình tự dân tộc mình. Để ngu dốt, đói khổ vì chủ nghĩa. Mà chủ nghĩa cứ công khai bắt tay hữu nghị, toa rập đầy đọa những nước nhỏ có sự hiện diện của chúng nó. Tình trạng não nề này đã “hiện thực xã hội xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, ở Nicaragua, ở Mozambique. Sẽ ở El Salvador, ở cùng khắp các xứ sở gọi là thế giới thứ ba chậm tiến! Bạn hãy lo thân phận bạn và số phận dân tộc của bạn đi là vừa. Tôi nhắc bạn: Theo cộng sản thì khổ, theo tư bản thì nhục. Chia đôi đất nước, một nửa theo cộng sản, một nửa theo tư bản thì có kinh nghiệm Việt Nam. Vậy phải làm sao? Đó là suy tư của bạn, tài năng của bạn. Một nhà văn nước nhỏ như tôi không đủ tư cách đề nghị một giải pháp. Trước hết, tôi không phải là nhà tư tưởng chính trị. Sau hết, tôi rất ít học.
Tôi đọc lại cái “sơ yếu lý lich” của tôi. Nghề nghiệp: Nhà văn. Can tôi: Nhà văn chế độ cũ. Không chỉ riêng nhà văn, nhà thơ, nhà báo chế độ cũ bị chế độ mới còng tay tống vào ngục tù đầu. Còn có nhà soạn kịch và đạo diễn điện ảnh. Vào tù hết. Vì anh thuộc sản phẩm của chế độ cũ. Vào tù hết vì anh đã có ảnh hưởng trong quần chúng. Chị Jane Fonda sẽ vào tù vì chị được xếp vào hàng văn nghệ đồi trụy! Các anh nhà báo Mỹ sẽ vào tù vì các anh cộng tác với … tư bản. Ở chế độ cũ, dĩ nhiên, nếu cộng sản nuốt gọn nước Mỹ, người đi trình diễn học tập cái tạo đầu tiên sẽ là ngài Edward Kennedy. Cháu nội vĩ nhân Al Capone sẽ là chủ tịch cả nước Hoa Kỳ. Đồng chí Gus Hall thoát tù thì cũng đến làm … chủ nhiệm trường mù! Tương lai rực rỡ cho anh đấy, kẻ theo voi ăn bã mía ạ!
Ba Trung trở lại. Nó đọc bản tự khai của tôi, cười mỉa:
- Anh xúc động à?
Tôi đáp:
- Không phải xúc động mà là chưa quen tự khai. Chẳng còn gì tẻ nhạt hơn viết về mình một cách trung thực.
- Rồi anh sẽ quen.
- Vâng, nhưng khó.
- Khó cũng phải quen. Cả buổi anh viết xong có cái “sơ yếu lý lịch”. Anh tự hào viết nhanh nhất nước cơ mà.
- Khi tôi thích viết.
- Bây giờ anh không thích?
- Anh muốn tôi thành khẩn hay gian dối?
- Thành khẩn.
- Phải, tôi không thích.
- Chúng tôi thừa hiểu các anh không thích. Xin các anh đừng bắt chúng tôi phải làm các anh thích.
Ba Trung doạ tôi. Một người nhà văn trẻ bị bọn Xuân Diệu, Chế Lan Viên chèn ép không cho nổi tiếng, không thể có sách xuất bản, vào Sàigòn tìm gặp tôi và nói riêng với tôi: Khi công sản muốn giết anh, anh cúi đầu lạy nó, nó vẫn giết. Khi nó không thể giết anh, anh ngẩng mặt lên, nó cũng không dám giết. Khi ấy, nó ném anh vào trại tập trung để bọn cai tù giết anh, rình rập giết anh bằng tội trốn trại vượt ngục, bằng tội vi phạm kỷ luật bị bỏ đói chết dần mòn. Vậy anh nhớ, đừng ngẩng mặt với bọn chăn trâu cắt cỏ. Với bọn cai tù ranh con, anh nên ngoan ngoãn, nên tỏ ra biết điều, nên nhịn miếng ăn ngon biếu nó. Tôi muốn ngẩng mặt. Nhưng, nghĩ lại, Ba Trung không xứng đáng để tôi ngẩng mặt. Tôi không thích chết trong cái lỗ chân trâu.
- Anh bảo chúng ta có nhiều thì giờ.
- Đúng.
- Tôi sẽ nhàn nhã viết
- Đồng ý. Miễn là anh thích.
- Tôi phải thích. Tù nhân phải làm theo ý thích của người giam nhốt nó.
- Thành thật, tôi không muốn anh nhận anh là tù nhân.
- Tôi là gì, thưa anh?
- Anh là nạn nhân của chế độ cũ, là nạn nhân của chính anh.
- Còn anh?
- Tôi là cán bộ của cách mạng!
Thêm nỗi đau đớn nữa của thời đại tôi: Tù nhân không được nhận mình là tù nhân và cai ngục chỉ là cán bộ cách mạng. Tôi về phòng. Buổi chiều, tôi lại ra viết tự khai. Sáng sau, chiều sau. Mãi mãi. Tự khai, tự khai. Tôi đã mô tả cái thủ thuật truy nã linh hồn nầy tường tận và cay đắng trong truyện dài Sỏi đã ngậm ngùi.
--------------------------------
1 Trong Vụ án Hồ Con Rùa, vợ chồng Trần Dạ Từ còn bị Ba Trung miệt thị kỹ hơn.
2 Hồ Nam đã công khai viết và miệt thị Nguyễn Mạnh Côn là "nhà văn tố cộng" trên nhật báo Quyết Tiến của Hồ Văn Đồng.
3 Vũ Hạnh, bây giờ thật tội nghiệp. Bạn sẽ đọc loạt bài "Thân phận Vũ Hạnh và những người nằm vùng". Và bạn sẽ thấm thía nếu bạn đang nằm vùng cho cộng sản ở ngoại quốc.

(còn tiếp)

Duyên Anh