06 June 2017

NHÀ TÙ (Chương 8 & Chương 9) – Duyên Anh

|Tựa & Chương 1|Chương 2 & 3|Chương 4 & 5|Chương 6 & 7|

CHƯƠNG 8

- Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?
- Rồi.
- Anh suy nghĩ cái gì?
- Sự viết lại.
- Không, tôi muốn, trước hết, anh suy nghĩ về gia đình anh, cha mẹ anh, ông bà anh, giai cấp anh, ấu thơ anh, niên thiếu anh. Ông nội anh là nhà nho nghèo nàn, khí tiết. Cha anh là một tiểu thương lận đận. Ấu thơ anh ảm đạm. Niên thiếu ánh khốn khổ. Anh, đáng lẽ, phải là vô sản. Tại sao anh phản bội giai cấp của anh? Tại sao anh chống cộng sản? Ngụy quyền cho anh gì? Nó thường xuyên đe dọa anh, ghét bỏ anh, bắt anh đi lính. Anh trốn chui trốn lủi. Anh tưởng nó tạo cơ hội để anh mua villa, tậu xe hơi à? Không, anh đã lao động khó nhọc bằng tài và sức của anh. Anh còn xứng đáng hưởng ngàn lần hơn nữa cơ.

Chẳng còn gì đau đớn, nhục nhã hơn bị một thằng mình khinh bỉ nó mà đành ngồi im nghe nó “lên lớp” mình. Tất cả đều cam đành như tôi. Hãy nói cho tôi biết vị anh hùng nào dám cãi lại, dám to tiếng với công an chấp pháp ở Sở Công An, ở đề lao Gia Định, ở khám Chí Hòa hay ở bất cứ trại tập trung nào! Sự can đảm, tinh thần bất khuất chỉ tìm thấy ở các buổi diễn thuyết của các ngục sĩ khi đã thực sự thoát khỏi móng vuốt của kẻ thù. Và cũng chỉ tìm thấy trong đòi hỏi của những anh không hề bị tù, không hề biết 90 ngày “tự khai” liên tiếp ra sao! Có nhiều kẻ đã bỏ qua cái tuổi “tri thiên mệnh”, tóc bạc phơ, răng rụng hết rồi mà vẫn khoái huyễn hoặc người khác bằng sự gian dối với chính mình. Tôi muốn thí dụ một ông trung tá đã giải ngũ từ lâu. Tôi sẽ không nêu tên ông ta để ông ta yên tâm nhắm mắt mà đi về với đất … Mỹ. Cộng sản không hề bắt sĩ quan giải ngũ đi trình diện học tập (Mãi đến khi Trung Quốc đánh phá miền Bắc, họ mới đến tận nhà còng sĩ quan giải ngũ vào tù). Vị trung tá nọ sợ quýnh lên, khăn gói đi trình diện, nghĩ rằng “đi sớm về sớm”. Cộng sản đưa vị ấy đi hơi xa và hơi lâu. Khi về, thoát nanh vuốt kẻ thù, vị ấy làm thơ ví mình như anh hùng, vì sự “đi sớm về sớm” như mối thù nặng nghìn cân. Và dọa nạt lung tung. Và làm phán quan xét tội những người mà vì ấy không hề ở chung với họ ngày nào. Vị ấy quên sờ gáy để nhớ bức chân dung Hồ Chí Minh và lời tự khai thành khẩn: “Đây là họa phẩm đắc ý nhất trong sự nghiệp của tôi”! Nhớ chưa, phán quan. Hay phải nhắc bức chân dung vẽ ở trại nào?
- Anh đã suy nghĩ bản chất giai cấp của anh chưa?
- Tôi ít nghĩ tới tôi.
- Anh không phải trí thức chứ?
- Đúng thế.
- Anh không phải địa chủ chứ?
- Đúng.
- Anh không phải tư sản chứ?
- Đúng.
- Anh không phải cường hào ác bá chứ?
- Đúng.
- Anh chưa nợ máu với nhân dân chứ?
- Chưa hề.
- Vậy anh tự quyết định thành phần giai cấp của anh đi.
- Tôi là tiểu tư sản.
- Sai rồi. Anh là vô sản. Anh là người vô sản đã quên bản chất của mình, rồi phản bội giai cấp mình. Anh nên tỉnh ngộ trở về với giai cấp.
- Muộn rồi, anh ạ.
- Tại sao muộn?
- Vì tôi luôn luôn nhận tôi là con người phi giai cấp. Con người lương thiện là đủ, cần gì khoác ao giai cấp cho nó?
- Anh hơn Nguyễn Mạnh Tường và Trần Văn Giàu không?
- Tôi không dám ví với ai cả.
- Đầu hàng giai cấp mới khó. Trở về giai cấp của mình thật dễ.
- Với tôi tất cả đều khó. Tôi mệt mỏi rồi, tôi chán nản rồi. Tôi không thiết gì nữa.
- Anh mệt thật à?
- Phải, tôi mệt!
- Vậy anh về nghỉ, hôm khác chúng ta làm việc.
Ba Trung nhận chỉ thị của ông Mai Chí Thọ, quay tôi như quay chong chóng. Nó bảo tôi suy nghĩ một chuyện, rồi nó xoáy vào tâm thần bấn loạn của tôi một chuyện khác. Nó bắt tôi nhận thuộc thành phần giai cấp vô sản để làm gì chứ? Quả thật, tôi cũng chẳng hiểu tôi thuộc thành phần nào, giai cấp nào trong xã hội loài người. Giai cấp là cái con mẹ gì? Đứa khốn nạn nào trên trái đất này đặt ra thành phần giai cấp? Thượng Đế sinh ra con người có bảo nó mày thuộc giai cấp nào đâu. Con người tự gây khó khăn cho con người. Không, chủ nghĩa ép buộc con người phải nhận rõ thành phần, giai cấp của mình. Đề thù hận thành phần, giai cấp khác. Điều khác lạ, đối với tôi, là người cộng sản không bắt tôi nhận bất cứ một tội gì khác, ở cái địa chỉ chung của chủ nghĩa nầy, ngoài giai cấp tôi. Họ bắt tôi truy nã thân phận tôi. Tôi đã truy nã. Không, nhất định, không bao giờ tôi là vô sản hay tư sản, trí thức hay công nhân. Tôi là một người bình đẳng với mọi người trên trái đất, đúng ý Thượng Đế. Nếu Thượng Đế – Thượng Đế là tôi trong ý nghĩ tôi sắp nói – phán: “Duyên Anh, mày thuộc giai cấp vô sản đấy!”, tôi sẽ bằng lòng khoác nhãn hiệu vô sản lên con người tôi. Ngoài ra, đừng ai nên qui định thành phần, giai cấp con người. Bởi vì, nó sẽ tương tự chủ trại chăn nuôi phân loại súc vật: Bò gầy, bò mập, bò nhiều sữa, bò ít sữa, bò đắt tiền, bò rẻ tiền, bò giống nọ, bò giống kia … Chủ nghĩa đâu phải chủ chăn nuôi. Có lẽ, chủ nghĩa cộng sản đã là chủ chăn nuôi từ lâu mà loài người chưa biết chăng. Chủ nghĩa đê tiện đó đã đánh dấu giai cấp bằng thù hận, như chủ trại chăn nuôi đã đánh dấu súc vật bằng sắt nung đỏ. Tôi không hiểu nổi cộng sản, không ai đoán nổi mưu đồ của cộng sản. Trò chơi của họ biến đổi khôn lường. Nhưng có một kiểu chơi của họ tôi đã hiểu và chỉ hiểu bằng kinh nghiệm rạc rài. Đó là cung cách đối xử, ngôn ngữ đối thoại của lãnh tụ. Đại lãnh tụ của họ, Phật hơn cả Phật, Chúa hơn cả Chúa. Nghiên cứu những danh ngôn Hồ Chí Minh sẽ thấy. Còn họ, luôn luôn cao thượng, lịch sự. Mỗi ông Ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Ương là mỗi thi sĩ hiếu hỉ. Họ không làm mất lòng anh khi anh được gặp họ, dù anh là … nhà văn, nhà thơ, nhà báo phản động. Những gì anh muốn – dĩ nhiên đừng muốn tự do ra khỏi nhà tù – họ giải quyết liền, hiệu quả tức khắc. Anh đừng quên, sau khi chia tay anh, ho phủi tay bằng chỉ thị cấp thừa hành. Và họ sẽ sẵn sàng phê bình nghiêm khắc kẻ thừa hành chỉ thị của họ trước mặt anh. Cộng sản có một câu rửa tội tuyệt diệu: Hiện tượng chứ không phải bản chất. Hiện tượng bắt buộc khác bản chất. Bản chất của chủ nghĩa – của chế độ – tốt đẹp, lý tưởng. Hiện tượng của cán bộ – của đảng viên – sai lầm. Bản chất của Đảng quang vinh, rực rỡ. Đảng họp bàn, quyết định thủ tiêu trên 1 triệu 500 ngàn dân, mùa Cải Cách Ruộng Đất năm 1956. Lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn vĩ đại. Chỉ có hiện tượng Trường Chinh sai lầm, tạm mất chức Tổng Bí Thư, để Đảng … sửa sai. Vậy đối tượng chiến đấu của anh là ai? Là mấy cậu công an vênh váo, là mấy chú bộ đội khờ khạo, là mấy anh cán bộ ngớ ngẩn? Không, phải là lãnh tụ và thủ thuật của họ. Từ 30 năm nay, chúng ta chỉ nói cộng sản gian ác và cộng sản ngọng nghịu, ngu đần. Chúng ta quên không chứng mình cái gì, đứa nào biến con người thành ngọng nghịu, ngu đần. Để chúng ta chạy bán sống, bán chết. Bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục mỉa mai những nạn nhân của chủ nghĩa, của lãnh tụ. Chúng ta dồn nạn nhân của chủ nghĩa, của những kẻ bị bóc lột tàn bạo nhất – của những kẻ chưa kịp sống, chưa biết mùi vị ái tình, của những kẻ tưởng hy sinh cho tổ quốc mà hóa ra đã hy sinh cho sự sống lâu của lãnh tụ. Mấy thế hệ bộ đội, công an chết rồi. Trường Chinh, Lê Duẩn, Tố Hữu, Phạm Văn Đồng, và toàn bộ gánh hát già nua Cộng Sản Việt Nam cứ sống nhe răng giả, cứ diện tuồng tích cũ mèm, cứ phì nộn tươi thịt thấm da, hồng môi, sáng mắt. Trong khi bộ đội gian khổ chiến trường Kampuchia, ăn rau muống nhiều quá, môi thâm sì, hốc hác, thảm hại. Anh muốn tiêu diệt chủ nghĩa và lãnh tụ hay muốn tiêu diệt con người? Tiêu diệt con người thì anh không có khả năng đâu, anh chỉ hò hét, lạc quyên, tranh giành. Anh sẽ là hiện tượng. Mà tiêu diệt chủ nghĩa, lãnh tụ thì anh phải cần con người. Anh phải vận dụng khả năng của anh nói cho con người thấm thía. Rằng, con người là công cụ thù hận của chủ nghĩa và lãnh tụ, con người ăn cỏ khô thành sữa để lãnh tụ vắt mà uống. Kế thượng sách để tiêu diệt cộng sản Việt Nam – tôi muốn nói với đồng bào của tôi thôi – là biết hoán chuyển vị thế của hiện tượng và bản chất, là biết phơi bày chính xác thủ thuật và tâm địa của lãnh tụ, là biết lôi ra cái đốn mạt của chủ nghĩa, là biết tạo thế cho âm binh vây hãm phù thủy, là biết gây chia rẽ tan nát trong những “giai cấp cộng sản” – ít nhất, cộng sản Việt Nam có đến chín giai cấp hưởng thụ khác nhau và giai cấp đông nhất, hy sinh kỹ nhất, không được hưởng thụ là giai cấp bộ đội, chưa kể giai cấp giải phóng quân bị đào thải tức tưởi. Kế hạ sách là đem quân ít của mình đánh quân đông của kẻ thù. Còn thứ kế đem quân tưởng tượng đánh cộng sản và hô hoán những chiến công chiêm bao thì miễn bàn. Bởi đó là kế mưu sinh ô nhục như kẻ làm băng nhạc giả, in sách lậu của bọn gian manh.
Không để tôi nghĩ lâu, sáng hôm sau, Ba Trung gọi tôi ra. Vẫn gói Nông Nghiệp và ly cà phê đen trên bàn. Bên ngoài, mưa xối xả, hất cả vào chỗ tôi ngồi. Ba Trung không đóng cửa. Nguyên tắc làm việc của công an không đóng kín cửa phòng khi đối diện can phạm tay không bị còng. Nó sợ can phạm, bất chợt, hạ nó, áp đảo để vượt ngục.
- Anh Duyên Anh, người ta bảo anh khôn lắm.
- Người ta hay các anh?
- Bạn anh. Có những điều tôi kể ra sẽ làm anh sửng sốt. Bây giờ là phút nói thật, bởi vì, bây giờ, anh đã nằm gọn trong lưới cách mạng. Mọi người trong các anh, từ Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Mai Thảo … đều có hai cán bộ văn hóa của chúng tôi, ở cục R, nghiên cứu. Chúng tôi nghiên cứu các anh ở nội thành, ở R, ở Hà Nội. Anh có bao nhiêu bút hiệu, chúng tôi nắm hết. Kể cả những bút hiệu anh ký ở mục Nhìn xuống cuộc đời trên báo Tuổi Ngọc. Chúng tôi nghiên cứu bút pháp của các anh, diễn biến tư tưởng của các anh; chúng tôi theo dõi sinh hoạt của các anh, liên hệ giữa các anh. Tại sao chúng tôi dành nhiều công sức cho các anh thế? Vì chúng tôi sợ các anh, muốn có các anh. Vì các anh nguy hiểm, vì các anh bị ngụy quyền bạc đãi. Nghĩ thử coi, anh Duyên Anh, trong các anh, đã có ai được ngụy quyền dịch tác phẩm phổ biến ra nước ngoài? Ai trong các anh đi họp Văn Bút Quốc Tế được Nguyên Văn Thiệu trả tiền vé máy bay và tiền tiêu vặt? Cái ngu xuẩn của ngụy quyền là nó không biết kết hợp các anh thành một chiến tuyến văn hóa. Nếu nó kết hợp được, và các anh đừng chia rẽ nhóm, chửi bới lẫn nhau, chiến tranh còn kéo dài bất phân thắng bại và, có thể, chỗ anh đang nằm là chỗ của tôi. Nguyễn Khánh tuyên dương các anh làm chúng tôi hoảng hốt. Nó là thằng duy nhất biết sức mạnh của mỗi ngòi bút là một sư đoàn. Nó mới nói ngòi bút của nhà báo, chưa đề cập đến sức mạnh của nhà văn, của những người làm tư tưởng cuốn hút nhân dân.
Ba Trung dẫn tôi vào ngơ ngác mới. Lãnh đạo của nó đã dạy bảo nó huyễn hoặc tôi. Tôi sửng sốt thiệt tình. Tôi đâu dám tưởng tượng cộng sản đánh giá chúng tôi ghê gớm thế. Từ khởi sự cuộc đời văn chương, tôi đã nghĩ mình viết văn mua vui cho độc giả để mưu sinh. Hoàn toàn tôi không có tham vọng gì vào văn chương. Tôi thấy Nguyễn Du vĩ đại đã khép Truyện Kiều bằng hai câu bình dị và khiêm tốn:
Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh
Tiền bối vĩ đại không hề “phi lộ” đao to búa lớn. Rằng, ta, Tố Như, làm văn chương vì mục đích này nọ. Hậu bối ễnh ương xem chừng khoái làm con bò văn học nghệ thuật. Đâu ngờ, cái sự mưu sinh bằng chữ nghĩa của mình lại được cả cộng sản lẫn quốc gia rình rập kỹ vậy. Cộng sản thì tôi đã biết ở Sở Công An. Quốc gia thì vừa biết khi sang Paris và gặp anh Phương Linh Châu. Ở Sàigòn, tôi chưa được quen anh Châu. Anh ta làm việc cho Trung Ương Tình Báo và đặc biệt theo rõi tôi. Anh cho biết, trong thân tình và việc đã qua rồi, anh quán triệt cá tính của tôi, từ cách ngồi viết ở tòa soạn đến cách ngồi uống cà phê ở vỉa hè, giờ giấc sinh hoạt, liên hệ bạn bè… Người được anh chị thỉ theo dõi tôi là chủ bút tuần báo Tuổi Ngọc. Tôi giật mình. Giật mình hơn, Trung Ương Tình Báo định bắt tôi và gài tôi vào cái thế phải làm việc cho họ với tư cách chủ bút một tờ báo của họ. Nhờ một sĩ quan già lục hồ sơ của tôi, đoán tử vi và nói chưa đến lúc bắt tôi, nên tôi thoát. Ông Thiệu trị nước có thầy bói bên cạnh! Trung Ương Tình Báo cũng có thầy tử vi! Anh kể rất nhiều kỷ niệm theo rõi tôi. Tóm tắt, quốc gia rình rập tôi mà tôi không hay. Hôm nay, nhờ cộng sản, nhờ quốc gia tiết lộ, tôi bỗng thấy nhà văn chúng tôi phi thường quá. Ôi, cuộc mưu sinh của tôi sao mà lận đận, sao lắm kẻ rình mò, hãm hại thế! Vẫn chẳng có gì đáng để tôi kiêu hãnh. Ta vẫn phải đi trên sầu đạo dằng dặc hệ lụy. Cái gì ta để lại ở cuối sầu đạo mới đáng để ta kiêu hãnh. Và ta chỉ bằng lòng chịu phán xét, lúc ấy.
- Thế giới biết nhiều về nhà văn, nhà thơ của chúng tôi hơn biết các anh. Tác phẩm của nhà văn, nhà thơ chúng tôi đã dịch mười thứ tiếng. Còn các anh, chạy vạy xuất bản đã khó, thu tiền về còn nhục. Đã nhà văn nào của các anh diễn thuyết ở Hoa Thịnh Đốn, Đông Kinh, Ba Lê? Nhà văn của chúng tôi xách va li đi khắp thế giới. Các anh đều làm lợi cho ngụy quyền, cho Mỹ mà cả Mỹ lẫn ngụy quyền đều bạc đãi các anh. Đàn áp các anh. Bỏ rơi các anh. Anh nghĩ sao?
- Tôi nghĩ chính nhờ bị bạc đãi, bị đàn áp, bị bỏ rơi mà chúng tôi đã trở thành chúng tôi.
- Thành tội phạm?
- Vâng, tội phạm của chiến thắng của các anh.
- Kỳ-Thiệu về, giả sử thế, chúng nó có cứu các anh chăng?
- Không. Chúng sẽ giết tôi hoặc nhốt tôi mãi mãi.
- Anh đã làm lợi cho chúng nó?
- Tôi ích kỷ để nói với các anh rằng tôi chỉ làm lợi cho tôi, cho vợ con tôi. Nếu anh thích, và như nhận xét của anh, tôi làm lợi cho quê hương.
- Anh sẽ làm lợi cho quê hương chứ chưa làm lợi cho quê hương. Anh quyết định đi. Tôi nhắc lại, người ta bảo anh khôn lắm. Dễ hiểu thôi, anh là mẫu người thân lập thân, anh phải khôn anh mới là Duyên Anh. Anh đã dự định bán tuần báo Người để lách thoát cái thế tranh chấp của Thiệu-Kỳ-Minh, thoát sự trả thù của Đặng Văn Quang, Hoàng Đức Nhã. Anh làm Tuổi Ngọc để thoát ký quỹ mười triệu đồng. Anh hô hoán những “đêm của lính” để được động viên tại chỗ. Anh lợi dụng Trần Hữu Thanh để viết hịch tham nhũng, chửi Thiệu qua miệng người khác. Anh lợi dụng diễn đàn Quốc Hội để viết diễn văn cho nghị sĩ, dân biểu đối lập phát biểu tư tưởng đối kháng của anh, trong khi, anh giả vờ làm báo con nít. Anh đã khôn, anh nên khôn thêm một lần cuối.
Cộng sản nó đi guốc trong bụng tôi. Nó biết tôi ngàn lần hơn tôi biết nó. Và tôi thua nó là hợp lý.
- Sự khôn của tôi đã là tai họa. Tôi không muốn khôn nữa.
- Anh lại khôn rồi đấy. Đừng khôn với cách mạng. Tôi hỏi anh, bị chúng tôi bắt, anh biết chắc Thiệu-Kỳ sẽ nhốt mãi mãi hoặc giết ngay, nếu chúng “giải phóng dân tộc”, anh tin ai cứu anh? Quốc tế à? Với quốc tế, anh vô danh tiểu tốt. Quốc tế đâu đã đọc sách của các anh mà can thiệp cho các anh. Anh chỉ có một hy vọng cuối cùng. Chúng tôi tha anh. Muốn được tha, là người khôn, anh tự hiểu anh nên làm gì.
Ba Trung nâng tôi lên, rồi đap tôi ngã chúi. Nó không bắt tôi nhận tôi là vô sản nữa. Hôm nay, nó “mạn đàm” với tôi về sự khôn của tôi và sự nắm linh hồn tôi của cộng sản và kích thích tự ái của tôi và nói rõ ẩn ức của tôi với chế độ cũ. Tôi không ngần ngại gì mà không nói những ẩn ức của tôi với chế độ cũ, từ sau 1-11-1963. Trước hết, tôi bất bình cái thái độ du côn của Nguyễn Cao Kỳ. Ông ta là thứ thủ tướng bất xứng về mọi phương diện. Vì bài phiếm luận của tôi đăng trên nhật báo Tin Báo, đụng chạm tới Đô trưởng Văn Văn Của (Đô trưởng say rượu, bắn súng loạn cào cào, quân cảnh Mỹ còng tay nộp cho Ty Cảnh Sát quận 1, Sàigòn), ông ta họp báo bỏ túi, gọi tôi là côn đồ, đòi đánh nhau tay đôi nếu là Văn Văn Của và đóng cửa Tin Báo. Gọi tôi là côn đồ tức là đồng hóa tôi với “Việt Cộng ác ôn côn đồ”. Tôi chưa bỏ theo Việt Cộng đấy. Tôi ngậm trái thù, trả đũa liên tiếp Nguyễn Cao Kỳ và tay chân. Hôm nay vẫn chưa nguôi hận. Đáng lẽ, không bao giờ có tuần báo Con Ong, tuần báo Người, nếu Đinh Trình Chính, đầy tớ của Kỳ, cho tôi xuất bản tuần báo Búp Bê. Chính ghét tôi, chấp nhận truyện tranh nhảm nhí “charlot Nguyễn Thọ” và chỉ “lưu tình” khi ông sắp mất chức Tổng trưởng Thông Tin. Tôi làm báo nhi đồng trong hoàn cảnh khó khăn. Và Búp Bê đình bản sau năm số. Trở về nhật báo, tôi hung hăng, tôi tàn bạo, tôi sa lầy, tôi đầy ngất ân oán giang hồ. Từ đó là Thương Sinh dẫm lên tất cả. Kỳ và Chính đã không để tôi làm Duyên Anh viết truyện mơ mộng. Chúng nó dồn tôi vào con đường bất mãn, tôi đi hết sai lầm này đến sai lầm khác, và tôi bị chụp bủa bởi cái lưới ngộ nhận oan nghiệt. Tôi rất muốn làm công việc nhỏ mọn có ý nghĩa cho đời sống. Và tôi chỉ gặp bọn quyền bính bỏ lửa vào tay mình. Một lần nữa, tôi xuất bản tuần báo Tuổi Ngoc khổ lớn, tôi cố giã từ nhật báo, tuần báo nham nhở. Bấy giờ là triều đại của Thiệu và Tổng trưởng Giáo dục Lê Minh Liên. Ông Châu Kim Nhân giới thiệu tôi với Liên. Tôi trình bày sự cần thiết phải có một tờ báo cho thiếu niên trong cái sa mạc sách báo tuổi trẻ. Ông Liên đồng ý. Ông hứa yểm trợ Tuổi Ngọc mỗi kỳ 500 số cho tới khi nó vững. Tôi mừng quá, hí hửng tính 500 số x 20 đồng bằng 10,000 đồng x 4 kỳ bằng 40,000 đồng, vừa đủ tiền bìa và công in offset cho 4 số báo. Chừng báo ra mắt, tôi gọi dây nói cho văn phòng của ông Liên. Tôi được viên bí thư trả lời:
- Ông Tổng trường chỉ thị rằng mỗi kỳ báo, ông cho tùy phái đem lên Bộ 10 số báo, và Bộ sẽ trả bằng mandat mỗi tam cá nguyệt!
Tôi định chửi cha cái bộ … vô giáo dục đó một câu. Lại thôi, bèn đáp:
- Báo tôi nghèo không có tùy phái và không bán cho Bộ nữa. Ông thưa với ngài Tổng trưởng giùm, nếu ngài ấy rảnh, ghé tòa soạn, tôi cho 500 số, về đọc, rồi bán ký tính giá đồng nát.
Bực quá, tôi viết Ngựa chứng trong sân trường để mở mắt bọn ngu xuẩn ở Bộ Giáo Dục, viết tiếp Bò sữa gặm có cháy, dạy lũ Thiệu cách huấn luyện nhi đồng. Đổng lý của Tổng trưởng Thông Tin Trương Bửu Điện mời tôi đến Bộ … thông cảm. Bò sữa chuyển vào phủ tổng thống. Sáu tháng không trả lời cho hay không cho xuất bản. Nhà Nguyễn Đình Vượng đã in xong xuôi, chỉ còn chờ giấy phép. Cuối cùng, vì thương cụ Vượng, tôi phải “xin được tự ý xóa bỏ hai chương phê bình tổng thống” để Bò sữa gặm cỏ cháy nhởn nhơ gặm cỏ cháy. Tôi đã khốn đốn vì cuốn sách này khi làm việc với công an cộng sản.
- Thế nào, anh Duyên Anh?
- Anh muốn thế nào?
- Muốn anh tiếp tục nghề viết của anh. Trước hết, anh phải kiểm điểm toàn bộ sai lầm của anh trong vòng 15 năm, kiểm điểm toàn bộ quá trình viết lách của anh.
- Tôi sẽ viết trong tự khai.
- Không, anh sẽ viết trên báo Đảng, viết ở nhà anh.
- Tôi viết trong tù cũng được chứ.
- Anh viết trong tù, nhân dân sẽ nói công an cưỡng ép anh viết. Anh viết ở nhà anh, nhân dân tin anh thành khẩn.
Một phút thôi, một sợi tóc như Thạch Lam viết, sau những dồn nén không tài nào nhịn nổi, tôi nhìn thẳng vào đối mắt liến láu của Ba Trung:
- Anh không đủ tư cách tha tôi. Anh cũng không đủ tư cách cưỡng ép tôi viết.
- Đảng thừa tư cách.
- Anh không phải là Đảng.
- Ai là Đảng?
- Tố Hữu.
- Tố Hữu không phải công an.
- Vậy công an biết gì về văn chương mà luận bàn.
Ba Trung đập bàn. Nó đứng dậy, đôi mắt ánh lên thù hận. Tôi tưởng nó sắp đấm vỡ mặt tôi. Nó lại ngồi xuống:
- Anh mệt rồi. Hôm nay làm việc hơi căng.
Tôi lặng thinh. Nó đưa tay bóp trán:
- Anh về phòng nghĩ. Cầm gói thuốc về hút.
- Cám ơn. Tôi không hút thuốc nữa.
- Tại sao?
- Vì ở tù có nhiều thứ cần phải nhịn.
Nó thông mình lắm, hiểu ý câu nói của tôi. Nó mỉm cười rồi đưa tôi về phòng. Tôi không biết Ba Trung đã làm việc với Hoàng Anh Tuấn ra sao. Nó có gợi ý cho Tuấn kiểm điểm quả trình viết lách và hứa hẹn gì không. Tuấn đã chuyển trại, tôi mất dịp rút kinh nghiệm để đối phó với Ba Trung. Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu chưa hề bị gọi ra. Luôn luôn, tôi cô đơn. Tôi nhớ, cuối năm 1950, sau khi quy định thành phần giai cấp, loại bỏ toàn bộ trí thức và đảng phái ra khỏi kháng chiến, cộng sản tổ chức một khóa chỉnh huấn cho văn nghệ sĩ. Những Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Tuân … sau khóa hoc, đã ỉa lên tác phẩm cũ của mình những bài tự kiểm gớm ghiếc. Thơ thơ, Gửi hưởng cho gió chỉ còn là hai đống phân trong nhãn quan vô sản. Thế Lữ tha hồ mà chửi Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn. Nguyễn Tuân coi Tàn đèn dầu lạc, Chiếc lư đồng mắt cua là sản phẩm của bồi tiêm thuốc phiện (tạp chí Văn Nghệ, liên tiếp 3 số, đầu 1951). Vẫn trò chơi bắt nghệ sĩ phóng uế lên sự nghiệp mình, Trịnh Công Sơn đã tự kiểm để được làm ở Sở Thông Tin Văn Hóa thành phố. Loại bài tự kiểm của Trịnh Công Sơn đã làm ngao ngán tuổi trẻ ngưỡng mộ nhạc của Sơn. Từ đó, Sơn say mèm. Bố già Á Nam Trần Tuấn Khải tự kiểm trên tờ Văn Nghệ Giải Phóng mới nản chứ! Người nản nhất, xấu hổ nhất là Trần Việt Hoài. Anh đã uất ức làm bốn câu thơ trước khi chết:
Đầy tớ Mỹ ngã gục
Bồi Tàu, Nga reo vui
Riêng cháu con nòi Việt
Ôi, xiết bao ngậm ngùi
Tôi đã thấy nghệ sĩ tự kiểm thuở chưa làm văn chương. Tôi vừa thấy nghệ sĩ tự kiểm khi đã làm văn chương. Tốt nhất, tôi nên tự khai trong tù. Dương Nghiễm Mậu hoàn toàn đúng. Chúng tôi không có tội với nhân dân. Chúng tôi cứ nhận phứa phựa có tội với chế độ. Lẽ phải ở bất cứ không gian, thời gian nào, đều nằm gọn trong tay kẻ mạnh. Điều đó đã thành chân lý muôn thuở. Để tự vệ, để tồn tại, tổ tiên ta đã có di chúc “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Buổi chiều, Ba Trung gọi tôi ra. Lần này, ở phòng của nó còn thêm một người mà Ba Trung giới thiệu là nhà văn cách mạng. Nó không nói bút hiệu nhà văn đó và tôi cũng chẳng buồn hỏi. Một lần, Trần Kim Thanh, nhà văn Hà Nội, đã nói với tôi: “Ở miền Bắc của chúng tôi có công an văn nghệ”. Nhà văn vừa gật đầu chào tôi, chắc chắn là nhà công an văn nghệ, thứ lính kín của văn học nghệ thuật.
- Buổi sáng căng quá, chiều nay chúng ta nói chuyện văn chương, Ba Trung giáo đầu.
Nhà công an văn nghệ hỏi tôi:
- Anh hiểu thế nào là một nghệ sĩ?
Tôi nói:
- Anh muốn có một định nghĩa chính xác về hai tiếng nghệ sĩ?
Nhà công an văn nghệ đáp:
- Phải.
- Anh có phải công an không?
- Tại sao anh hỏi thế?
- Tôi có hai lối trả lời. Một lối cho công an và một lối cho nghệ sĩ.
- Tôi là nhà văn.
- Hân hạnh cho tôi lắm lắm. Anh có đọc thơ cũ, thơ mà Xuân Diệu phủ nhận không?
- Không.
- Vậy tôi đọc cho anh nghe Xuân Diệu định nghĩa nghệ sĩ và tôi rất chịu.
Và tôi anh dũng đọc thơ đồi trụy, thơ vàng cho cộng sản nghe.
Tôi là con chim
Tới từ núi lạ
Ngứa cổ hót chơi
Khi ánh sáng vào reo um khom lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh tươi
Chim ngắm suối đậu trên cành bịn rịn
Hót tự nhiên nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa
Cứ hót mãi thế mà chim vỡ cổ
Héo tim non cho quá độ tài tình
Cả ánh sáng bảo lần giây màu đỏ
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh
Tôi rả rích chẳng qua trời bắt vậy
Chiếc thuyền lòng nước chảy phải trôi mau
Gió đã nổi cho nên buồm phải dậy
Hồn vu vơ lời ấy bởi mây đào…
Đoạn kết, tôi nhìn Ba Trung, đọc một cách say sưa:
Tôi là con chim
Tới từ núi lạ
Ngứa cổ hót chơi
Hãy nghe lấy còn như sao rỉ rả
Nói làm chi tôi không biết trả lời!
Ba Trung cười:
- Con chim Xuân Diệu vô tội vì nó lãng mạn. Con chim Duyên Anh khác xa.
Nhà văn nghệ công an đưa sang vấn đề khác:
- Tôi thấy văn nghệ Sàigòn không chuyên nghiệp.
Nó vừa mới bảo tôi định nghĩa người nghệ sĩ, chẳng tỏ thái độ đúng hay sai, đã vội vàng chuyển mục.
- Ý anh muốn nói văn nghệ Sàigòn không tốt nghiệp ở một trường chuyên nghiệp nào ra, phải không? Tôi hỏi.
- Đúng.
- Tôi công nhận đúng, song chỉ đúng với nghệ sĩ trình diễn, đa số, họ đã không ở trường ca nhạc, kịch nghệ nào ra cả. Nhưng, theo tôi, nghệ sĩ Sàigòn thì chuyên nghiệp đúng nghĩa. Tất nhiên, nghệ sĩ Hà Nội không thể có cái đúng nghĩa ấy.
- Tôi cần được giải thích.
- Câu giải thích thật đơn sơ: Các anh không ôm một nỗi cô đơn nào cả.
- Các anh ôm nỗi cô đơn? Các anh cô đơn bằng hưởng thụ.
- Anh còn muốn nghe nữa không?
- Còn chứ.
- Đừng mỉa mai vội. Tôi tin anh là nhà văn, dù anh có phục vụ ở ngành công an.
- Xin lỗi.
- Anh đừng xin lỗi tôi, vì sự xin lỗi của anh càng tăng thêm vẻ mỉa mai.
Ba Trung giả vờ có việc đột xuất, rời khỏi phòng. Người nhà văn công an, dân miền Bắc chính cống, hình như, nhiều quyền hành hơn Ba Trung nằm vùng. Nó dục tôi:
- Ta tiếp tục.
- Tôi xin phép được hỏi anh và anh trả lời chính xác, thành khẩn, rồi từ những câu vấn đáp sẽ có kết luận chuyên và không chuyên.
- Đồng ý.
- Có bao giờ anh thấy, ở rạp hát nào đó, tại Hà Nộihay bất cứ tỉnh huyện nào ở miền Bắc, dù mưa hay nắng, dù bão to hãy yên lặng, khi đến giờ bắt buộc phải kéo màn mà chỉ có vài khán giả không?
- Không, không bao giờ. Nhà hát của chúng tôi luôn luôn đông nghịt, bất kể giông bão.
- Có bao giờ anh thấy, ở vỉa hè Hà Nội, tác phẩm và tên tác giả nằm ngổn ngang không?
- Không, không bao giờ. Chúng tôi có mấy trăm ngàn xã, mỗi xã một thư viện. Tác phẩm của nhà văn của chúng tôi được xuất bản, ít nhất, cả 100 ngàn cuốn, chưa đáp ứng yêu cầu.
- Chúng tôi khác các anh, khác ghê gớm. Ở Sàigòn, sân khấu cải lương vẫn phải kéo màn đêm mưa đột xuất dù khán giả vài chục người. Nghệ sĩ vẫn đông đủ. Tuồng tích không bị cắt xén. Giọng ca ngọt bùi hơn, tiếng đàn tha thiết hơn trong nỗi hoang vắng ấy. Ở những phòng trà, gặp đêm giông tố, khách thưởng ngoạn vỏn vẹn một người thôi, ca sĩ của chúng tôi vẫn trình diễn, và đã diễn tả hết cái cô đơn của con người trong quạnh hiu, trống trải. Mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật là mỗi cuộc phiêu lưu. Nó đi từ nhà xuất bản đến nhà phát hành. Nó được xếp vào chỗ quan trọng của hàng sách hay bị xuống vỉa hè thì nó vẫn có linh hồn. Tóm lại, chúng tôi thường xuyên trực diện nỗi cô đơn, uống từng giọt cô đơn trong đời sống. Còn các anh, các anh được người ta lùa khán giả cho kín rạp để ca múa, các anh được người ta chỉ thị vỗ tay hoan hô, các anh được người ta khuân sách về xã ấp mà ra lệnh độc giả … học tập. Các anh không có nỗi cô đơn. Các anh chỉ là nghệ công hay nghệ nhân. Các anh chưa từng là nghệ sĩ. Như tôi mới là nghệ sĩ. Vì trọn đời tôi, tôi lạc lõng trong sương mù cô đơn; trọn đời tôi, tôi bị truy nã, săn đuổi; trọn đời tôi, tôi bị đố kỵ, ghen ghét; trọn đời tôi, tôi bị ngộ nhận, phản phúc. Bằng những cái đó, tôi trở nên chuyên nghiệp, tôi tồn tại và tôi có những cái mà người khác không có. Không có so sánh trong tác phẩm nghệ thuật, không có chối bỏ trong tác phẩm nghệ thuật. Anh có cái mà người khác không có, mà tôi không thể có vì anh không phải là người khác, không phải là tôi, không thích đồng hoa, đồng dạng, đồng hành. Tôi xin nhắc lại: Những gì đã được quần chúng công nhận thì không thể chối bỏ. Sự chối bỏ chỉ có tính cách nhất thời và gian dối. Nhiều chế độ đã bị xóa bỏ, tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ vẫn tồn tại. Đã không thể chối bỏ được tác phẩm nghệ thuật thì cũng không thể bắt nghệ sĩ chối bỏ nghệ thuật của nó bằng bá đạo.
- Anh kiêu ngạo qua, anh Duyên Anh ạ! Mỗi nhà văn nổi tiếng ở Saigon là một cái rốn của vũ trụ. Đã Vũ Khắc Khoan kiêu ngạo, Mai Thảo kiêu ngạo, Nguyễn Mạnh Côn kiêu ngạo… lại cả đến Dương Hùng Cường, Hoàng Hải Thủy cũng kiêu ngạo.
- Theo tôi, kiêu ngạo là tự do, dân chủ là nhận đường phấn đấu. Anh phải là cái gì mới được quyền kiêu ngạo chứ? Và kiêu ngạo của nghệ sĩ vô tội. Nó khiến anh khó chịu nhưng nó không bỏ tù được anh, không bắt anh nhịn đói, không cưỡng ép anh tự khai…
- Anh ám chỉ tôi?
- Anh là nhà văn mà…
- Phải, tôi là nhà văn.
- Tôi đang biểu dương anh. Tại sao anh không thích tôi kiêu ngạo? Anh nên nghiên cứu kỹ lưỡng về trường hợp tôi. Trong một xã hội phân hóa toàn diện, băng hoại từ gốc rễ, một mình tôi cô đơn với mớ kiến thức còm cõi, đòi làm lại cuộc đời xum họp, bình yên, yêu thương và chia xẻ; một mình tôi viết 50 cuốn sách, làm 200 số báo đẹp, tôi rất xứng danh kiêu ngạo. Sự lao động chân chính của tôi hơn các anh. Đã ai trong các anh viết nhiều bằng tôi?
- Anh có thể khắc phục sự kiêu ngạo được không?
- Anh bảo tôi kiêu ngạo thì tôi kiêu ngạo. Anh đừng có định kiến gì về tôi, anh sẽ thấy tôi chả kiêu ngạo tí nào. Độc giả tuổi nhỏ của tôi có bảo tôi kiêu ngạo đâu. Chỉ những kẻ tự ti mặc cảm mới bảo tôi kiêu ngạo, chỉ những đứa thù ghét tôi mới bảo tôi kiêu ngạo.
- Tôi khuyên anh nên truy nã bản thân hiện tại của anh, anh nên tự hỏi anh nên ở đâu, nói chuyện với ai. Câu trả lời của anh cho chính anh sẽ giúp anh toàn diện.
- Cảm ơn anh. Tôi trả lời luôn: Tôi là nhà văn độc lập bị khép tội phản động, đang ở tù và làm việc với … nhà văn chiến thắng. Tôi không dám chết anh hùng vì tôi sợ làm anh hùng, nhưng tôi tình nguyện chết dần chết mòn theo cung cách chết bình thường của những tù nhân bình thường.
Tôi nhìn nhà văn công an:
- Anh còn gì hỏi thêm tôi nữa không?
Nhà văn công an móc thêm gói thuốc đen Tam Đảo, bốc ra, mời tôi:
- Anh nhớ Hà Nội chứ?
Tôi nhả khói thuốc:
- Nhớ.
- Hà Nội vẫn y nguyên như thời niên thiếu của anh. Căn nhà số 13 đường Ngô Thời Nhiệm chưa bị bom Mỹ san bằng. Chỉ có con ngõ Lệnh Cư ở Khâm Thiên đã bị B52 xoá bỏ dấu tích kỷ niệm của anh và căn nhà số 42 Cửa Bắc của “bác nhà” bị sập đổ. Bác gái chết vì bom Mỹ năm 1969, anh biết chứ?
- Bố tôi đã kể.
- Anh còn yêu Hà Nội không?
- Tại sao không? Hà Nội hay Sàigòn đều là thành phố của quê hương chúng ta.
- Anh muốn về Hà Nội?
- Dĩ nhiên, tôi để lại Hà Nội muôn vàn kỷ niệm.
- Bạn cũ của anh còn nguyên vẹn. Anh Nguyễn Thịnh giữ chức vụ quan trọng trong ngành xuất bản âm nhạc. Anh Đàm Việt Minh ở trong hội nghiên cứu văn học. Anh Lê Huy Luyến dạy ở đại học. Anh còn người em út tên là Vũ Hổ.
- Vâng, nó bị bắt vì trốn lính và đang nằm ở Lào Kay.
- Bác trai cho anh biết?
- Vâng.
- Vũ Hổ là thứ Trần Đại của Hà Nội. Anh đã viết truyện du đãng về em anh đấy.
- Vinh dự quá.
- Tôi đến thăm anh với tư cách đồng nghiệp. Tôi thành thật nói với anh điều này để anh suy nghĩ: Nhạc sĩ Hoàng Dương, tác giả bài Hướng về Hà Nội, đã mang giày của giặc, về với cách mạng, vẫn được trọng dụng. Hiện nay, anh Hoàng Dương dạy nghệ thuật ở Viện Kịch Nghệ Âm Nhạc Hà Nội.
- Cám ơn anh.
- Điều này nữa: Anh không thể kiên trì bằng người cộng sản. Với cộng sản, nhiều người muốn chết mà cứ bị sống khi họ đã bị đánh dấu.
- Cám ơn anh. Tôi duy tâm và tôi tin sống chết có số.
Người nhà văn công an cho tôi một túi thuốc là Sông Cầu và gói kẹo Hà Nội. Tôi nhận một gói tượng trưng và vài cái kẹo mềm. Ba Trung trở về đúng lúc. Người nhà văn công an bắt tay tôi, tạm biệt. Tôi về phòng, ân hận vì mình quá … kiêu ngạo, không thèm hỏi bút hiệu của nhà văn công an. Ít ra, nó đã đọc tôi, đọc kỹ Trường cũ và Ngày xưa còn bé của tôi. Nó biết nhiều về gia đình tôi, bạn bè tôi, kỷ niệm Hà Nội của tôi. Nó chịu khó nghe tôi mà không đập bàn, dù tôi là can phạm. Tôi không nghĩ tất cả đảng viên trung cấp đều mất hết lương tâm. Người cộng sản đáng tội nghiệp. Họ bị chính đồng chí của họ rình rập, soi mói. Sự ám ảnh bị rình rập trở thành thói quen, thành lý tưởng nên họ đi rình rập lẫn nhau. Lãnh tụ cộng sản muốn có một phút sống thực với lòng mình mà cũng không được. Còn những đảng viên nhỏ, những viên chức đối tượng đảng viên thì phải đeo hai cuộc đời khốn khổ trên một cuộc đời hệ lụy. Cuộc đời khốn khổ thứ nhất là cuộc đời với tiếng nói giả dối, xu phụ, phét lác. Cuộc đời khốn khổ thứ hai là cuộc đời với tiếng nói thành khẩn chỉ dám nói thầm với mình và đầy mặc cảm không ai thèm tin mình. Xuân Thiều, nhà văn quân đội miền Bắc, người Vinh, đảng viên trung kiên của đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh đã dặn chúng tôi nên giữ kín những vụ liên hệ ăn uống, chơi bời với anh ta. Người đảng viên ấy mở miệng nói một câu xót xa: “Ngoài Marxisme, tôi còn thờ chủ nghĩa Marimite và bảo vệ nó tới cùng.” Lý tưởng nào rồi cũng ở cái nồi cơm, niêu cá!” Nếu xưa có kẻ si tình than thở: "Than ôi, chí lớn trong thiên hạ không đầy đôi mắt mỹ nhân” thì nay, những đảng viên cộng sản trung cấp và trung kiên than thở: “Than ôi, lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa Mác-Lê không đầy cái nồi cơm”! Xin có lời chia buồn muộn màng với Marx, với Engels dưới lòng đất; với Lenine, với Hồ Chí Minh trong hòm kính đìu hiu.
“Với cộng sản, nhiều người muốn chết mà cứ bị sống khi họ đã bị đánh dấu.” Tôi không biết nên tin câu này như lời dọa nạt sinh tử hay lời căn dặn chân tình. Thôi, đành tin Trời Đất khi đã hết dám tin ai. “Trong tù, tuyệt đối không tin ai”. Người công an già miền Nam bắt tôi luôn luôn nhớ thế. Tôi vốn ham ngạo báng cả thần thánh lẫn ma quỷ. Trên đường mưu sinh, ở đoạn nào đó, người ta chỉ gặp may mắn và may mắn, người ta bỗng quên số phận mà chỉ tin vào tài năng. Đến lúc tuột dốc, người ta chợt tỉnh ngộ và người ta ngây thơ bấu víu lấy cái thiêng liêng vô hình để hy vọng. Buổi sáng ngày 8-4-1976, tôi đi tìm thấy bói Kim ở đường Chị Lăng, Phú Nhuận một lần nữa. Ông thầy bói mù gieo quẻ dịch. Đồng tiền bắn ra khỏi đĩa. Gieo lại. Bấm. Đoán.
- Trốn đi!
- Cụ đã bảo mệnh vững?
- Mệnh vẫn vững nhưng hôm nay nhằm ngày rất xấu của Mậu Dần tức là vợ ông. Trốn đi chừng ba tháng sẽ thoát tù tội.
- Nếu không trốn?
- Sẽ bị bắt trong ngày hôm nay!
- Rồi sao?
- Cũng sẽ về thôi. Vài năm đấy.
- Mấy năm?
- Không thể rõ. Đừng lo chết trong tù, bảo đảm mệnh vững. Ông Mạnh Côn mới nguy.
- Chắc chắn mệnh vững?
- Chắc chắn. Bị bắt thì đừng quên Thường Tung: “Mềm còn, cứng mất”!
- Cám ơn cụ.
Buổi chiều 8-4-1976, đánh đu với số mệnh và cũng chẳng vất vợ con cho ai, tôi nằm nhà. Và bị bắt. Đúng quẻ Dịch của thầy bói Kim. Đã tin cụ Kim, tôi càng tin mệnh mình vững. Mà nó không vững thì cũng đành như tên một cuốn sách của Dương Nghiễm Mậu: Cũng đành. Tôi lại thở than với Nguyễn Du:
Cũng đành nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần ra sao.

CHƯƠNG 9

Không phải là Ba Trung nữa. Cũng không phải là phòng làm việc của Ba Trung. Tôi đang “đương đầu” với người công an chấp pháp khác. Y nói tiếng Nghệ Tĩnh nặng nề. Trên bàn của y không có cà phê, không có thuốc lá. Những ngày “trăng mật” của tôi và công an chấp pháp, hình như, chấm dứt. Tôi đã đụng độ 4 chấp pháp tại Sở Công An Thành Phố. Người thứ nhất, biểu tượng của miền Nam, chẳng bao giờ muốn bị nhuộm đỏ linh hồn, đã chỉ điểm cho tôi biết chỗ nào là bom, mìn, chông, bẫy trên tử đạo và triết lý sống đời tù cộng sản. Người thứ hai, biểu tượng của nằm vùng láu cá, muốn chứng tỏ mình cao thượng. Người thứ ba, biểu tượng của nền văn nghệ công an. Và người thứ tư. Để xem, y là biểu tượng cái gì.
- Anh làm tự khai.
- Tôi đã làm.
- Tôi bảo anh làm tự khai với tôi.
- Khai gì nữa? Tôi đang khai dang dở thì người ta ngừng lại mạn đàm. Tôi muốn coi bản tự khai dang dở để khai tiếp.
- Tôi là chấp pháp mới của anh, mọi việc bắt đầu lại.
- Nhưng khai gi?
- Quá trình, cuộc đời anh từ mười tuổi đến ngày bị bắt. Anh nhập bằng cái sơ yêu lý lịch của anh.
Y đem cho tôi 10 tờ giấy khổ giấy in roneo và cây Bic:
- Trang nào xóa bỏ, anh không được phép xé, phải nộp đủ mười tờ. Anh nhớ chưa?
- Tôi nhớ.
- Yêu cầu của tôi là mỗi ngày anh viết 20 trang: sáng 10, chiều 10.
- Tôi không phải là máy viết.
- Ngày xưa, một ngày anh viết cho mấy nhật báo? Anh tự hào viết nhanh nhất nước mà.
- Viết nhanh vì không cần suy nghĩ.
- Tự khai không cần suy nghĩ.
- Không suy nghĩ là thiếu thành khẩn.
Tôi hiểu ngay thủ đoạn của tên chấp pháp này. Y muốn tôi viết nhanh là y đã giăng bẫy. “Chúng ta có nhiều thời giờ”. Tôi nhớ Ba Trung. Và tôi không cần phí lời nữa. Tôi cầm bút, viết “phăng-tê-di” hai chữ Tự khai. Trong hàng chục chữ ghép sau chữ tự như tự do, tự hào, tự lực, tự lập, tự cường, tự chủ, tự vấn … tôi thấy có tự sát là bi đát nhất mà vẫn kém não nùng hơn tự thú, tự kiểm, tự khai. Tự khai – tự thú – tự kiểm. Nhà thơ Paul Éluard đã viết tự do trên lá, trên hoa, trên bảng đen, trong trái tim … Tôi viết tự khai trên cái gì, trong cái gì? Nhà văn chúng ta không bị công sản bắt về các tội hình sự; chúng ta không hề là công cụ của chế độ, của thế lực nào; chúng ta không đảng phải đối nghịch ý thức hệ, tư tưởng; chúng ta đã là những con người của lương tâm. Và thế, hơn cả mọi thứ … giai cấp tù, nhà văn là tù nhân của lương tâm (prisonnier de conscience). Cộng sản bỏ tù cả lương tâm. Họ không có lương tâm, chủ nghĩa của họ không có lương tâm. Họ đã giết chết thi sĩ của tình yêu, của lương tri con người là Vũ Hoàng Chương. Họ đã đầy thi sĩ làm thơ tả giọt nước mắt của người yêu là Thế Viên. Họ đã còng chân xích tay người viết cổ tích là Doãn Quốc Sĩ. Họ đã bắt cả lương tâm phải tự khai để truy nã niềm bí ẩn của lương tâm. Đó là cộng sản. Còn những kẻ không hề bị tự khai, nhưng luôn luôn tự nhận mình ấm áp lương tâm, cũng học đòi phán xét tù nhân của lương tâm. Trên cái gì, trong cái gì, tôi đã viết tự khai? Trên cay đắng phận người và trong cô đơn cõi đời. Trên cái gì, trong cái gì, tôi cần nói, sắp nói, sẽ nói với bọn học đòi phán xét tù nhân của lương tâm? Hãy để câu trả lời đó.
Như Tử Trường Tư Mã Thiên ôm nỗi đau dao hoạn hèn mọn. Ôi, 2000 năm cũ, lương tâm kẻ sĩ Tư Mã Thiên lên tiếng – Tiếng nói duy nhất của thời đại – vì nỗi oan khiên của Lý Lăng, của con người. Lương tâm vằng vặc trăng sao ấy đã chịu nhục hình. Bằng hữu Tử Trường đâu, chiến hữu Tử Trường đâu, tri kỷ Tử Trường đâu? Họ đứng trước mặt Tử Trường. Xanh mặt vì sợ bạo quyền, không dám bênh Tử Trường. Run rẩy vì sợ bổng lộc, không dám cứu Tử Trường. Trơ mắt ếch nhìn kẻ sĩ thọ hình nhục nhã. Rồi phán xét mỉa mai: Tại sao chẳng can đảm chết đi, tại sao cam đành bị thiến. Cũng may, Tư Mã Thiên không bị tù, không bị tập trung lao cải. Chứ không sẽ: Thằng Tư Mã Thiên làm ăng-ten, bán bè bạn, quỳ gối bò đi lãnh khẩu phần, xí gạt anh em nửa đêm dậy nấu nước pha cà phê rồi uống một mình, bị chọc thủng một mắt rồi! Vân vân và vân vân … Tư Mã Thiên cô độc, đem tâm sự nói với người xưa. Và cái tồn tại, cái để lại ở cuối đường hệ lụy, cái làm phục sinh sự chết là Sử Ký Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên vĩnh cửu, lúc nào cũng gần gủi con người. Bằng tác phẩm. Bọn phán quan đâu rồi nhỉ? Chúng nó chết rửa xác, chẳng còn ai thèm nhớ, thèm biết chúng nó sau khi chúng nó “phản tỉnh” và đã thực hiện những số báo tưởng niệm, tưởng mộ, đã quyên tiền bỏ túi và tuyên bố giúp vợ con kẻ sĩ tù nhân của lương tâm. 2000 ngàn năm cũ mà ngỡ gần nhau gang tấc. Tự tình khúc của Cao Ba Nhạ có làm xúc động lũ sâu bọ triều đình nhà Nguyễn đâu. Đã hiểu thế thì cũng chẳng cần Tân tự tình khúc mai này. Có lẽ, Ru khúc, Sầu khúc, Tình khúc đẹp hơn. Và, trong khi, ngậm trái đắng để làm gì hơn Sử Ký của Tư Mã Thiên, hãy ngâm thơ Nguyễn Bá Trác: "Chỉ ta ta biết, lòng ta ta hay”. Hoặc cùng bằng hữu ở Paris, đêm đêm, vật ngã vài chai hồng tửu, nghe Quỳnh Dao thở nhẹ:
Thôi, đành ru ta với ta
bằng xót xa< br />đêm già,
ngục đá
Rượu mềm môi nuối tiếc kiêu sa phôi pha
Ở dĩ vãng hiện về rét mướt phồn hoa…
Rồi đọc thơ Nguyễn Bính:
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Sau cái sơ yếu lý lịch, tôi ngừng lại. Tên chấp pháp – cứ như võ hiệp Kim Dung, chấp pháp, trưởng lão chấp pháp, mã đầu chấp pháp – ngồi hút thuốc, nhìn tôi viết. Y không mời tôi một điếu. Đúng là bản chất vắt chày ra nước của quê hương Hồ Chủ Tịch vĩ đại! Hay y cố tình thay đổi cung cách đối xử?
- Tôi nghĩ viết lâu rồi, không thể viết đúng yêu cầu của anh được.
- Phải khắc phục mọi khó khăn.
- Tôi không biết khắc phục.
- Thì tuân hành mệnh lệnh. Anh đọc nội quy chưa?
- Tôi đã đọc.
Nội quy trại giam, Điều 1: “Can phạm phải triệt để tuân hành chỉ thị và mệnh lệnh của chiến sĩ và cán bộ trong trại giam”.
- Vậy tuân hành đi.
Tôi tuân hành. Tôi cho chữ bò chậm chạp trên trang giấy. Tôi viết như học trò viết “Ecriture”. Tôi bỏ hàng thừa. Tôi để lề rộng. Đến giờ cơm trưa, chỉ mới được hai trang.
- Viết xong 10 trang thì anh về dùng cơm.
Y ngồi ì. Tôi ngồi ì. Không phải tôi không viết nổi mà là tôi chán viết. Chắc chắn, tôi tìm cách đổi chấp pháp. Với chúng tôi và với tất cả can phạm phản động hiện hành (những người chống cộng sau 30-4-1975), hễ chấp pháp làm việc không nổi hoặc không đủ khả năng làm việc với can phạm, Phòng Chấp Pháp thay thế công an chấp pháp khác. Can phạm có quyền nói thẳng với chấp pháp: “Tôi không thể làm việc với anh”. Chế độ Nguyễn Văn Thiệu cũng không hề đánh đập, tra tấn nhà văn, nhà báo khi họ bị bắt về bất cứ tội gì. Nhiều can phạm phản động hiện hành bị tra tấn bằng các kiểu còng, khóa ở đề lao Gia Định, bị đánh ở Cục Quân Báo (Tổng Nha Cảnh Sắt cũ) và trại Tô Hiến Thành. Những nhà văn bị bắt trong chiến dịch 2-4-1976 không hề bị đánh thẩm vấn ở Sở Công An, đề lao Gia Định, không hề bị chửi rủa tàn tệ. Đập bàn, quát tháo là căng nhất. Đưa vào cachot là biện pháp cuối cùng. Nắm được cái thế khỏi sợ ăn đòn, tôi bèn viết hoa lá cành về thời tiểu học. Ba Trung đã ra lệnh cho tôi: “Anh bỏ bớt râu ria thời thơ ấu”. Tôi quên Ba Trung, râu ria với tên chấp pháp Nghệ Tĩnh. Đoạn đời lớp ba ở huyện Phụ Dực, bị ỉa đùn trong lớp, tôi miêu tả kỹ lưỡng. Ông đói, mày cũng đói. Máy thèm ăn chứ ông không thèm ăn. Cơm tù hấp dẫn gì! Đúng năm trang chữ ruồi bò, y bảo tôi:
- Nghỉ, chiều viết tiếp.
- Chưa đủ 10 trang.
- Tôi bảo nghỉ!
- Tôi sợ buổi chiều không đủ 20 trang.
- Tôi bảo nghỉ. Đó là mệnh lệnh!
Bao tử của y chỉ thị y ban mệnh lệnh. Ăn cơm tập thể mà trễ bữa thì chỉ còn vét đĩa. Đã có ý đồ, tôi năn nỉ y:
- Tôi đang hăng say viết.
- Nghỉ!
Y dằng bút khỏi tay tôi. Rồi y kêu quản giáo dẫn tôi về phòng. Buổi chiều, y theo quản giáo đến tận phòng đón tôi ra làm việc. Cũng như buổi sáng, y ngồi hút thuốc, không thèm mời tôi. Tiếp tục quãng đời thơ ấu, tôi sang trang thứ sáu. Vẫn cung cách lề rộng, hàng thưa, chữ ruồi bò, tôi viết tự khai, viết những gì mà Ba Trung bắt tôi viết. Người chấp pháp miền Nam đã dặn dò tôi: “Anh sẽ phải làm tự khai nhiều lần. Vậy, khi viết phải sáng suốt mà nhớ những gì mình đã viết”. Tôi rất sáng suốt, lúc này, lúc mà tôi viết những gì tôi đã viết theo lệnh của Ba Trung. Được thêm hai trang, chấp pháp xứ Nghệ ra lệnh nghỉ. Y nhìn tôi, cười ruồi, gật gù:
- Anh thèm hút một điếu thuốc không?
Tôi có thói quen hễ viết là phải hút thuốc lá. Và hút liên miên. Ở nhà tù cộng sản, khi công an gọi ra làm việc, tù nhân không được phép mang theo thuốc lá và không được phép hút nếu công an không cho phép. Gã chấp pháp xứ Nghệ đã nghiên cứu kỹ lưỡng thói quen của tôi, y bắt tôi thèm hút để ban phát một ân huệ này, y sẽ đánh giá chúng tôi như những tên hèn mọn. Tôi chưa kịp trả lời, y nói tiếp:
- Anh Nguyễn Mạnh Côn rất chân thật. Anh ta thèm hút thuốc phiện, chúng tôi đem bàn đèn vào cho anh ta hút.
Tôi lặng thinh. Gã công an xứ Nghệ đã móc gói thuốc lá khỏi túi, đặt giữa bàn với hộp diêm Thống Nhất.
- Anh Côn viết tự khai thành khẩn lắm. Có đoạn anh ta chạy tội là đã không huấn luyện Hoàng Anh Tuấn, Nhã Ca và anh chống cộng sản. Các nhà văn trẻ của Sàigòn đã phản bội Nguyễn Mạnh Côn, phản thầy, chống cộng sản.
Tôi bắt đầu khó chịu.
- Anh Côn khai hết những điều không lấy gì làm đẹp đẽ về bản thân anh và nhiều người khác.
Tôi chợt nhớ thủ đoạn gây mâu thuẫn của công sản mà tôi đã đọc trong cuốn sách nào. Sự khó chịu sơ khởi dành cho anh Côn bỗng tiêu tan ngay. Người ta đã chọn anh Nguyễn Mạnh Côn là người quen tôi nhất để tạo niềm thù hận giữa tôi và anh Côn. Và tôi sẽ không ngần ngại trả đũa anh Côn. Và người ta sẽ nắm vững những gì anh Côn muốn dấu diếm. Đem bàn đèn vào nhà tù cho tù nhân hút thuốc phiện là điều không tưởng. Và nữa, chưa từng bao giờ anh Côn huấn luyện chúng tôi viết văn và chống cộng sản. Gã công an xứ Nghệ dừng ở đó. Y nhắc lại câu hỏi:
- Anh thèm hút một điếu thuốc không?
- Không. Tôi đáp.
- Hút đi, tôi chiêu đãi anh.
Y cầm gói thuốc lên:
- Tại sao anh khước từ?
Tôi mỉm cười:
- Vì tôi không thèm.
- Tại sao anh không thèm?
- Tôi đang được Đảng giáo dục. Thưa anh, bài học tập đầu tiên của tôi là khắc phuc mọi thèm muốn.
- Tốt.
Y bỏ gói thuốc vào túi.
- Chúng ta mạn đàm thân mật nhé?
Tôi nói:
- Tùy ý anh.
Y tỏ vẻ bực tức một cách rất … chân tình:
- Tại sao tùy ý tôi?
Tôi cũng tỏ ra rất chân tình:
- Anh Ba Trung khẳng định chúng tôi đang ở tù. Ở tù thì không được phép tùy ý mình.
Y cười:
- Anh ở tù với Đảng, với Cách Mạng, không ở tù vì tôi, với tôi. Đồng chí Ba Trung hơi lệch lạc tư tưởng. Bỏ cái hiện tại ở tù của anh đi, anh Duyên Anh. Ta nói chuyện khác.
Y chuyển đòn:
- Tôi đã đọc anh, đọc thật kỹ. Anh kiêu ngạo lắm. Viết phóng sự nguyền rủa cộng sản và bêu rếu lãnh tụ của chúng tôi, anh bảo anh viết bằng chân. Viết tiểu thuyết nham nhở, anh bảo anh viết bằng tay trái. Viết truyện trẻ con, anh bảo anh viết bằng tay phải. Viết tự khai, anh viết bằng gì?
Gã công an chấp pháp xứ Nghệ dồn tôi vào thế bí. Tôi trả lời thế nào? Nếu hôm nay, ngồi ở quán Đào Viên số 82 Rue Beaudricourt quận 13, Paris của người đẹp Lan Phương, bất cứ một thằng cộng sản nào hỏi câu tương tự, tôi sẽ đầy đủ can đảm và dũng cảm trả lời: “Tôi viết tự khai bằng củ cà-rốt của tôi”! Nhưng tháng 5 năm 1976, tôi nằm bẹp trong xà lim của Sở Công An Nội Chính, sự cao ngao của tôi mềm xìu. Tôi đã hèn mọn, tầm thường. Và tôi buồn bã nói:
- Anh hiểu tôi khó trả lời, hỏi mà chi?
- Hỏi để biết mà đánh giá tự khai của anh.
Gã chấp pháp xứ Nghệ xua tay:
- Thôi, anh đừng trả lời câu hỏi ấy nữa. Tôi trấn áp anh, tôi nhận khuyết điểm.
Nhìn tôi. Cái vẽ hãm tài trên khuôn mặt buổi sáng của y biến mất. Như thể, y đã lột mặt. Giọng nói của y, tuy trọ trẹ, mà đầy tình cảm:
- Anh Duyên Anh ạ, tôi vẫn còn ấm ức truyện dài mang tính cách tự thuật Trái chín rấm của anh.
Tôi chột dạ. Thằng này đọc tôi kỹ quá.
- Tôi cho sau Con sáo của em tôi, Cái diều, Nắng chiều quê nội, Đại dương trong lòng con ốc nhỏ là những kế tiếp xem TRÁI CHÍN RẤM có ngọt ngon bằng trái chín cây. Tại sao anh không viết thêm?
- Vì nó không thể chín.
- Nói thật đi, vì anh lấy vợ địa chủ và anh quên giai cấp của anh. Tôi biết, thằng Hữu sẽ đưa con Mai, em gái nó, vào đời khi bố mẹ nó chết. Anh em nó sẽ ê chề trong đời sống tư sản mà ông chú Nghiêm của nó là biểu tượng khốn kiếp. Cuối cùng, sẽ giống thằng Vọng, Hữu sẽ đi tìm cách mạng. Anh sẽ hơn mọi nhà văn cách mạng nếu dòng văn chương của anh không bị cắt đứt bởi giai cấp cố hữu của anh. Bản chất của anh là vô sản. Chưa muộn gì đối với anh. Anh có thể trở về sông Trà Lý. Xa dòng sông tình nghĩa ấy, anh phiêu lưu quá đà. Anh viết truyện Chiến tranh mèo chuột rồi đổi thành Rồi hết chiến tranh, anh phản bội giai cấp đích thực của anh, anh gọi giai cấp vô sản là chuột, mỉa mai cách mạng vô sản là thiếu chính nghĩa và tạo chính nghĩa cho bù nhìn mèo và thực dân phú ông. Anh nghĩ Đảng không quan tâm vụ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bắt cái bộ Dân Vận của ngụy quyền cấm anh viết phóng sự Tiền Mẽo, Sến Việt và ký Thương Sinh trên nhật báo Sống à? Anh bơ vơ, anh lạc lõng, anh tự nhận “Cộng sản không tha, quốc gia không dung”. Cộng sản nào không tha anh? Cộng sản dung anh. Anh về suy nghĩ đi …
Gã chấp pháp xứ Nghệ dẫn tôi về phòng. Y đã chơi tôi một đòn cân não, khiến tôi thao thức không ngủ suốt đêm. Y biết tôi nhiều mà tôi hoàn toàn không biết y. Cũng như những người đã chống cộng, đang chống cộng ầm ỹ chẳng hề biết tí ti gì về Ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mãi mãi, người ta đánh giá cộng sản qua mấy chú bộ đội khờ khạo, nói ngọng. Con đường tù, con đường hệ lụy, xem chừng, còn hứa hẹn thật dài. Dương Nghiễm Mẫu đã dọn sẵn 12 năm. Tác giả Cũng đành không thích đếm những ngày tù, tháng tù. Tôi yêu Dương Nghiễm Mậu. Và tôi nói Dương Nghiễm Mẫu là nhà văn tôi yêu nhất. Cộng sản biết tôi nhiều hơn tôi biết tôi.
Ít độc giả thân mến nào của tôi nhắc tới truyện dài TRÁI CHÍN RẤM mà Con sáo của em tôi là chương nhất. Truyện dài này mang nhiều dáng dấp tự truyện. Tôi chỉ muốn diễn tả lòng hy sinh cao quý của người anh dành cho em gái. Hữu sẽ đưa em vào đời. Nó quên cả xuân đời của nó. Nó chịu đựng mọi đau đớn, moi nghịch cảnh. Khi tận mắt chứng kiến hạnh phúc của em, Hữu mới nghĩ đến mình. Thì nó đã héo hắt. Đã cuối thu. Sở dĩ tôi bỏ rơi TRÁI CHÍN RẤM vì không thể kéo dài một điệu buồn bã mấy trăm trang sách. Gã chấp pháp xứ Nghệ đã đổ vạ vợ tôi làm tôi quên giai cấp vô sản. Tôi đã chống đối sự quy định giai cấp cho con người. Nhưng tôi không hiểu tại sao cộng sản cứ muốn tôi xác nhận tôi thuộc gia cấp vô sản. Cộng sản bảo dung tôi và cộng sản bắt tôi, giam nhốt tôi nhục nhã. Và họ bảo tôi về suy nghĩ.
Không bao giờ tôi còn được gặp người chấp pháp xứ Nghệ nữa. Y lại bỏ rơi tôi. Cho đến một buổi chiều cuối tháng 6 năm 1976, cai ngục mở của với tờ danh sách can phạm đánh máy.
- Những người có tên sau đây…
Phòng B của tôi, lần lượt Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Hồng Dương, Đặng Hải Sơn và tôi, hành trang tù, rời khỏi phòng. Chúng tôi xếp hàng đôi với nhiều can phạm khác của các phòng. Ngồi xuống theo mệnh lệnh, chúng tôi chờ đợi. Chưa hiểu thân phận mình sẽ trôi dạt tới cái địa chỉ khốn kiếp nào của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, vừa mới thành công vĩ đại bầu cử quốc hội cả nước. Tôi, thật sự, mất hết từ đêm 8-4-1976. Tôi còn gì bây giờ nhỉ? Còn chứ, tôi an ủi tôi: Ta còn nhà tù!
- Mình đi đâu, Mậu?
- Có lẽ về đề lao Gia Định hoặc sang Chí Hòa. Đi đâu thì cũng là đi tù, ông ạ!
Bốn giờ, chúng tôi nghe cai ngục đọc danh sách lần chót. Rồi đứng dậy, hai người một cái còng nhãn hiệu USA, cộng sản còng tay chúng tôi, đẩy chúng tôi lên xe bít bùng. Tôi nhớ, năm 20 tuổi, xem một cuốn phim nhan đề “Ma vie commence en Malaisie”. Cuốn phim mô tả thân phận một phụ nữ Anh trong lửa đạn và sự chiếm đóng của Nhật ở Mã Lai. Người ta thường bắt đầu cuộc sống đích thực bằng nỗi khổ đích thực. Dường như, chỉ bằng nỗi khổ mà con người kinh quá, nó mới khám phá nổi những bí ẩn của đời sống và biết bắt đầu cuộc sống của mình tự đoạn nào. Một hôm, tôi gặp Bùi Duy Tâm ở ngã tư Phan Đình Phùng – Trương Minh Giảng, Sàigòn. Anh ta vừa từ trại cải tạo ra. Anh ta nói với tôi: “Bây giờ, chúng ta nhìn rõ cả trái đất. Song tới phút này thì cũng đáng kể là tới.” Định mệnh đưa tôi đi xa hơn cái tới đáng kể của bạn tôi. Tôi bị còng tay dẫn vào Sở Công An. Ngót hai tháng trời nằm đây, tôi đã tra vấn tôi không ngừng. Tôi được thảnh thơi nhìn lại 15 năm viết tiểu thuyết của tôi. Chữ nghĩa của tôi đã không làm tôi xấu hổ. Chỉ có niềm ân hận là tôi chưa xuất bản bộ truyện 1200 trang Vẻ buồn tỉnh lỵ. Cuốn cuối cùng của bộ truyện vẽ cảnh đời đau đớn, ngơ ngác 1954, y hệt cảnh đời bi đát, não nề 1975. Toàn bộ của nó là lịch sử 10 năm (1944 – 1954) dưới mắt và trong ý nghĩa tuổi thơ trôi nổi theo vận mệnh dân tộc. Cách mạng và chiến tranh. Hòa bình và thù hận. Mỗi đổ vỡ đều có thể xây dựng lại, trừ nỗi băng hoại tình người. Tôi rất tiếc đã mất cơ hội trở thành nhà văn tiên tri. “Nếu cần thì ta làm lại tất cả”. Từ tra vấn trong cô đơn, tôi chợt thấy tâm hồn tôi có một chuyển mùa kỳ lạ. Và tôi bỗng thèm sống, khao khát sống. Tôi muốn bắt đầu cuộc sống của tôi ở Một địa chỉ chung của chủ nghĩa. Cuộc phiêu lưu đi tìm ý nghĩa cho đời sống của tôi còn dài, vô hạn định. Nỗi thống khổ đầu tay của tôi là một thử thách nhẹ so với nỗi thống khổ của các văn hào thế giới. Nỗi thống khổ mà các nhà văn lừng lẫy của nhân loại đã trực diện, đã đương đầu, đã kiên nhẫn chịu đựng, đã phấn đấu im lặng ví như trái núi. Nỗi thống khổ tôi đang ngậm chỉ là cái móng tay. Cái móng tay chớ vội ồn ào khi trái núi nín thinh, bình thản liếm máu trên vết thương của mình mà cống hiến cho đời sống những ý nghĩa tuyệt với về tình yêu và hạnh phúc.
Trước đây, tuyệt nhiên tôi không có tham vọng văn chương. Hoặc nếu người ta bắt tôi phải công nhận tôi có tham vọng văn chương thì tham vọng văn chương ấy là thứ tham vọng giới hạn bằng vong đai biên giới quốc gia. Lúc này, lúc tay tôi đang đeo còng chế tạo tại USA, tham vọng văn chương của tôi cuồn cuộn, sóng gió, bão táp. Tôi thèm trả lời người cộng sản một câu nói đầy miệt thị “Thế giới đâu đã đọc sách của các anh”! Phải, thế giới chưa hề biết chúng tôi như những nhà văn rực rỡ nhân bản. Thế giới chỉ biết chúng tôi, chỉ nghĩ về chúng tôi như Nguyễn Ngọc Nghĩa ăn cắp tượng Chàm, như Phạm Văn Đổng mở sòng bạc, chứa thổ đổ hồ, như Hoàng Đức Nhã ngu si, nham nhở, như Nguyễn Văn Thiệu hèn mọn, như Đặng Văn Quang đốn mạt và bầy chồn cáo tham nhũng, lũ tướng lãnh đào ngũ trước lệnh đầu hàng, như bọn y sĩ ăn cắp… Thế giới, đáng lẽ, phải biết Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Hải Chí, Cung Tiến, Phạm Duy, Thanh Tâm Tuyền, Võ Hồng, Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Thiên Thư… Nhưng, với thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ say mê “Cô Gái Đồ Long”, với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu say mê “Căn nhà ngoại ô”, với Bộ trưởng Ngô Khắc Tỉnh mê hái hoa và vì mê gái chạy trốn không kịp, thế giới, hôm nay, vẫn tưởng miền Năm không có nhà văn lỗi lạc như miền Bắc. Miền Nam chỉ biết làm chiến tranh, làm giàu, không biết làm văn học nghệ thuật đúng nghĩa!
Tôi đã leo lên xe. Chúng tôi đã leo lên xe. Chuyến xe đời chập chùng hệ lụy. Tấm vải bố trùm kín mít. Xe nổ máy. Rồi lăn bánh. Giã từ Sở Công An, giã từ một địa chỉ chung của chủ nghĩa. Tôi đi tới một địa chỉ khác. Giã từ và cám ơn những cay đắng, nghẹn ngào vỡ lòng. Cám ơn nó đã cho tôi bắt đầu cuộc sống và tham vọng văn chương.

4-1985

(còn tiếp)

Duyên Anh