01 April 2017

QUA ĐỒI TRINH NỮ (Chương 10) - Nguyễn Bá Thuận

|xem Phần Giới thiệu và Chương 1|xem Chương 2 & 3|xem Chương 4|xem Chương 5|xem Chương 6|xem Chương 7|xem Chương 8|xem Chương 9|

Chương Mười
Buổi sáng, nắng mai chói lòa mà đồi Trinh Nữ rậm rạp, âm u, cây lá đan nhau tối mò như địa ngục, thật đúng là một nơi lý tưởng cho quân gian ẩn náu. Hèn gì mà Việt Cộng chẳng lợi dụng chỗ này để thực hiện ý đồ gian manh của chúng. Đã thế những sợi dây leo to bằng cổ tay còn đan qua chéo lại giữa những cây già tưởng đã sống trên trăm năm. Những hòn đá to tròn nhô lên, trơ trơ cùng mưa nắng, như thách đố với thời gian. 

Nhật chợt mỉm cười khi nghĩ đến cái tên mà chuẩn úy Lành đã đặt cho ngọn đồi, quả cũng đúng với nhiều ý nghĩa. 
Rất may là có một con đường đá cũ, to và rộng mà công binh Việt Nam làm khi trước để đi lên Kon Tum. Con đường chạy vòng về hướng tây, leo lên đỉnh đồi để qua một sườn núi khác. Đã qua nhiều năm hoang phế, con đường bây giờ chỉ còn dấu vết lờ mờ với những cây rừng nhỏ lẫn với cỏ tranh, loại tranh rừng lá to và sắc như dao cạo, cắt vào da thịt không sâu nhưng cũng đủ làm chảy máu. Mùa hè, mồ hôi đổ ướt tràn lên vết cắt cũng xót đau như bị hành hình nếu anh chàng nào xắn tay áo lên cao. 

Đoàn quân phút chốc đã mất hút trong rừng cỏ tranh cao quá đầu người. Bây giờ mấy ông lính Thượng đã không còn sợ sệt, người nọ bám đuôi người kia lội rừng nhanh như con sóc. Nhật đi tới một khoảng đất rộng dài mỗi bề hàng vài trăm thước thấy một toán lính thượng đang ngồi nghỉ dưới gốc bụi sim già. Có cả ông Chuẩn úy Đinh Ò, đi trước chàng một quãng, đang nói chuyện với mấy thằng lính bằng tiếng Hre. Vừa ngạc nhiên, vừa thích thú chàng hỏi Đinh Ò. 

- Chuẩn úy Ò. Ông có biết tại sao chỗ này cây rừng không mọc như các chỗ khác không? 

- Mọc làm sao được thiếu úy, chỗ này là cái đồn lính Bảo An cũ mà. 

- Ồ có phải cái đồn lính bị Việt Cộng đánh chiếm mười mấy năm về trước không? Đinh Ò gật gật cái đầu, nhe hàm răng đã cưa ngang tới lợi ra trả lời. 

- Đúng rồi, thiếu úy có thấy mấy cái ụ đất nhô lên kia không, bốn cái nằm xa xa, đó là cái lô cốt của đồn Bảo an ngày trước. 

Nhật bồi hồi nghĩ đến một cảnh tượng chém giết dã man đã xảy ra ngay tại đây, dưới bước chân chàng. Một đám người cuồng tín vì chủ nghĩa hoang tưởng đã nhẫn tâm tàn sát đồng loại. Những thây người đã bị chặt khúc làm nghẽn nước sông Re. Những đàn bà, em nhỏ bị xỏ xâu dắt đi về một nơi hoang dã, lưu đày đến hết cuộc đời. Thế mà chúng nó lại gian ngoa mang danh giải phóng. 

Chàng thẫn thờ bước về phía những mảnh đất nhô cao dấu tích của những lô cốt xưa còn sót lại. Ba ông đệ tử bám sát theo sau ông thày mở đường đi về một phía. Đứng ở một nơi cao nhất, Nhật ngạc nhiên thấy dưới chân đồi nước sông Re lấp lánh ánh nắng mai. Sông Re ôm trọn vòng quanh đồi Trinh Nữ, chỉ để chừa một mảnh sườn đất nhỏ để giao tiếp với Trường Sơn. Nhật quay lại bảo Du và Kiệt. Trong lời nói của chàng có một nửa thật, một nửa đùa. 

- Mày quay lại chỗ ông Ò, bảo ông dẫn lính lên đây. Tao muốn xuống Sông Re tắm chơi cho mát. 

Kiệt tưởng Nhật muốn tắm nước sông Re thật. Nó vui vẻ hưởng ứng ngay. 

- Thiệt không ông thày. Chơi luôn vài trái MK3 dám có cá nhậu lắm. Ủa, mà sao ông thày không bảo thằng Nhiều gọi máy kêu ông Ò lên cho tiện. 

- Gần quá mà gọi cái gì, lại còn phải chỉ đường mất công quá. Mày chạy lẹ lên đi, bảo ông ấy dẫn lính lên ngay, thiếu úy đang chờ. 

Kiệt và Du cùng bước đi như chạy. Gì chứ cái màn thả lựu đạn xuống Sông Re kiếm cá thật hấp dẫn vô cùng. Nhất là khúc sông này, tiếp giáp với mấy ngọn núi Trường Sơn, nước xanh sâu thẳm và hoang vắng, chắc là nhiều cá. Cứ nghĩ đến buổi chiều với nồi canh chua lá bứa, thày trò chia nhau xị đế là bước chân hai đứa mạnh thêm. 

Hai đứa đi rồi, Nhật bảo Nhiều cẩn thận quan sát chung quanh trước khi bước lên một tảng đá to, nằm gọn trong bụi dây leo lớn. Từ nơi này Nhật có thể quan sát rõ dưới dòng sông và cả bên sườn đồi phía sau lưng. Trước mặt chàng một vạt đất rộng bao la, thấp dần xuống, có lẽ nơi này trước đây là trại gia binh của đồn lính cũ. 

Nhật ngồi xuống tảng đá, thừ người suy nghĩ những diễn biến quan trọng đã xảy ra từ tối hôm qua. Chàng đoán con đường mà tên Việt Cộng được đồng bọn gọi là "Anh Ba" di chuyển tới có lẽ là con đường này. Trời đêm trong rừng rậm tối như mực, nhất là nhìn vào đồi Trinh Nữ chỉ là khoảng không đen vô tận, anh Ba hiện ra như một con quỷ ở chín từng địa ngục, chẳng trách gì mấy người đã tuân lệnh anh Ba răm rắp, nhất là cô nàng có vẻ sợ hãi lộ hẳn ra trong lời nói. Mà tại sao người con gái lại phải cầu xin anh Ba cho gặp mẹ. Tình cảm giữa mẹ và con là một thứ tình thiêng liêng cao quí nhất trên đời này, ai cũng cần phải có, tự nhiên mà có. Thế mà cô nàng có lẽ là không. Nhật nhớ lại tiếng khóc thổn thức của người con gái dưới ánh trăng lạnh, buồn thảm quá. Chàng cũng tự trách mình chỉ vì nóng lòng muốn nhìn thấy mặt cô nàng mà đã làm hư một phần chuyện lớn. Nhật vẫn hy vọng rằng những gì xảy ra giữa bọn chàng và cô gái, anh Ba không biết được vì chắc cô gái cũng không khờ dại, ngu si đến nỗi báo cáo lại hết những gì đã xảy ra. Bằng chứng là chuyện tha chết cho Nhật đêm đầu tiên gặp gỡ, cô nàng có kể ra đâu. 

Hồi khuya, sau khi cô nàng lao theo dòng nước sông Re Nhật đã gọi thẳng cho thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Chàng vắn tắt báo cáo hết tình hình và xin cho lục soát ngay với hy vọng là sẽ tìm được những dấu tích còn sót lại mà địch quân chưa di chuyển hết. Căn cứ vào những gì chàng được biết thì địch quân đã tập trung quanh tiền đồn một lực lượng không phải là nhỏ, với ý định tấn công san bằng, vì từ ngày chàng cho sửa sang lại tiền đồn đã gây nhiều trở ngại cho bọn chúng. Từ đồi Trinh Nữ, băng ngang sông Re là đã tới nơi chàng trấn đóng, thật đúng là một nơi lý tưởng để tập trung quân vì đã có cây rừng che dấu. Như vậy thì trong mỗi hóc đá, mỗi lòng khe suối cạn, mỗi bụi cây, bờ cỏ đều phải được lục soát kỹ càng vì địch chắc còn quanh quẩn đâu đây chưa rời xa được. Chính vì nghĩ và biết như thế nên Nhật không dám di chuyển cho đến khi gặp được Trần Bi. 

Bây giờ chàng đã có trong tay ba trung đội. Dù trong rừng rậm di chuyển khó khăn, Nhật cũng cố phân chia cho hai trung đội của Trực và Diệu đi song song, tản mác trong rừng cây rậm. Với trách nhiệm chỉ huy cuộc hành quân lục soát, chàng cần phải suy nghĩ là địch đang ở đâu đây trên ngọn đồi này. 

Nhật lại nhìn quanh một lượt. Từ đầu nguồn trở xuống, sông Re uốn khúc bao quanh ngọn đồi rồi chảy về xuôi. Khúc sông to và rộng chỉ chừa một quãng trước tiền đồn là khô cạn gần một nửa nên phải chảy vào những hang đá sâu. Chắc chắn địch quân không dại, mà cũng không liều lĩnh dùng con đường này. Và như vậy, nếu muốn di chuyển về Tà Noát, chúng chỉ có một con đường duy nhất là lội vào những dãy núi cao ngất của Trường sơn, mà phải đi men theo bờ sông Re. Đó là khúc eo thắt này đây, ngay trước mặt chàng và cũng là dấu tích của một đồn lính cũ, cùng trại gia binh của họ. Chỉ nơi này là tiện lợi, mau lẹ nhất cho chuyện rút lui. Nếu chàng là địch thì cũng chọn như thế. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không kêu pháo binh bắn xuống trước khi cho cả ba trung đội ào qua lục soát. 

Nhưng có điều khoảng cách từ Nhật và binh sĩ tới mục tiêu hơi gần, bắn pháo binh nguy hiểm lắm. Hai ba trăm thước rất khó an toàn vì chàng biết những trái đạn, dù bắn xa mục tiêu năm mươi thước thước đã được kể là trúng đích, thế nên nếu có một trái nào đi lạc thì khoảng cách vài ba trăm thước của chàng có nhằm nhò gì đâu. Đạn đi sợ gì mà không tới chỗ chàng đang đứng. Nhưng đánh trận đôi lúc cũng phải liều. Nhật tự nhủ. 

- Sống chết có phần. Cứ bắn đi cho chắc chắn, lo nghĩ gì cho mệt. 

Nghĩ tới đó là chàng làm ngay khi vừa trông thấy bóng thấp thoáng của Kiệt và Du cùng với Đinh Ò đi tới. Chàng ra lệnh cho họ đứng chờ rồi bảo Nhiều: 

- Mày gọi hai ông Chuẩn úy Trực và Diệu lên đây luôn thể. Tao muốn phân chia vùng lục soát cho mấy ông ấy trước khi giộng cho tụi nó vài chục tràng đạn pháo binh. 

Nhiều ngơ ngác nhìn ông thày hỏi lại. 

- Bắn pháo binh, mà bắn vào đâu Thiếu úy? 

Nhật nhìn Nhiều mỉm cười. Chàng bằng lòng với những câu hỏi của nó vì Nhật đang muốn giải thích cho Nhiều biết những gì chàng ước tính nãy giờ. Sự gần gũi của hai thầy trò hàng ngày đã nảy sinh những thâm tình, gắn bó nhau như ruột thịt . Huống hồ Nhiều rất thông minh, đã học hết lớp chín, sắp sửa thi trung học thì bạn bè rủ rê đăng lính. Thế nên sự thông minh, lanh lẹ của Nhiều giúp Nhật được rất nhiều việc khác ngoài sự thi hành lệnh lạc. Nhật trả lời, mắt vẫn nhìn vào mặt Nhiều vì biết nó sẽ ngạc nhiên. 

- Bắn ngay khe suối dưới chân mình đây nè. 

Nhiều mỉm cười vì tưởng Nhật nói đùa. Đến khi chàng giải thích cặn kẽ lý do cho nghe, Nhiều bỗng phục ông thày quá. Nhưng mà nó sợ. 

- Bắn gần quá, lỡ trúng đầu mình sao thiếu úy? 

Nhật vẫn cười trấn an Nhiều rồi bảo: 

- Trúng sao được mày. Chuẩn úy Cần bắn chính xác lắm đừng có lo. Giờ này còn sớm, ông ấy chưa uống rượu đâu. Gọi ngay mấy ông chuẩn úy lên đây để tao chia công tác. Gọi báo luôn cho ông thiếu úy Bi kẻo ông ấy giật mình. Xong rồi đưa máy đây tao gọi xin bắn liền. 

Dặn dò xong, Nhật lôi trong túi quần ra bản đồ và địa bàn để định hướng ngay điểm đứng. Vì quá gần doanh trại nên chỉ một phút sau là Nhật đã xác định được vị trí của mình và mục tiêu. Chàng vẫn nhớ mỗi lần huấn luyện môn địa hình, ông đại úy Lan, huấn luyện viên trường Võ Bị thường nhấn mạnh: 

- Các anh nên nhớ rằng trong trận chiến, nắm vững được địa hình là nắm vững được trận địa. Một cấp chỉ huy giỏi không những chỉ thông minh, can đảm mà còn phải xác định được vị trí của mình một cách mau lẹ và chính xác. 

Vì nhớ lời thầy dạy thế nên mỗi lần hành quân hay chấm các điểm kích đêm chàng thường dán mắt vào những vòng cao độ để so với ngoài thực tế. Lâu dần thành quen thuộc. Công việc ấy, bây giờ đối với chàng quả thật dễ dàng. Hôm nay, nhìn vào bản đồ, đầy tên các cô ca sĩ được ông sĩ quan truyền tin dùng làm trục tọa độ, chàng thấy lòng dấy lên một niềm vui và chạnh nhớ tới Sài gòn. 

Nhớ đến Sài gòn là nhớ đến gia đình, cha mẹ và những người em còn đang tuổi học trò, và nhất là nhớ đến Thương với những buổi chiều hò hẹn. Đã ba bốn tháng rồi chàng chẳng nhận được một dòng chữ nào của nàng chứ đừng nói đến một tiếng yêu thương. Có lẽ cuộc tình của Nhật với người con gái đô thị đã theo nước sông Re chảy về xuôi, chàng thấy lòng mình dửng dưng với những hững hờ lạnh nhạt của Thương. Thôi, Nhật tự an ủi với mình rằng ta hôm nay là người của núi rừng thì những gì thuộc về thành thị hãy trả lại cho phố phường xa thẳm. 

Nghĩ đến đây thì hai ông chuẩn úy Trực và Diệu cùng đến chỗ chuẩn úy Ò đang ngồi. Nhật đưa tay ra vẫy họ rồi nói lớn: 

-Mời quý vị lên cả đây, trên này cao thấy rõ hơn

Tảng đá chật, mọi người đều phải đứng sát vào nhau. Nhật chỉ một vòng quanh thung lũng, rồi bờ sông Re tiếp nối giữa đồi Trinh Nữ và mấy ngọn núi cao. Chàng vắn tắt lại những gì đã nghe, thấy được trong bụi nằm thám sát cho tất cả mọi người rồi ra lệnh. 

-Tôi sẽ gọi bắn pháo binh ngay. Khoảng ba chục tràng, rải đều quanh mép sông và thung lũng. Xong xuôi là mình lục soát ngay. Ông Trực ở bên trái cho trung đội băng qua thung lũng. Ông Diệu ở bên phải lục soát ven bờ sông qua tận bên kia đồi. Ở chính giữa, ngay dưới vạt đất trống này đây, tôi với ông Ò sẽ cho lục soát. Gặp địch là phải xung phong tiêu diệt ngay. Tôi nghĩ rằng chúng không có con đường nào khác để rút về Tà Noát và địch chưa đi đâu xa vì còn phải tản thương. Nếu gặp được cơ sở hay hầm hố của chúng nó thì chiếm giữ liền, tôi sẽ cho thêm quân tới. Trường hợp cần thiết quá tôi sẽ xin ban ba cho chuẩn úy Vinh dẫn quân ra tiếp viện. Các ông đã rõ hết chưa? Có ai cần hỏi gì không? 

Ba cái gương mặt đen đủi, xạm nắng của ba ông chuẩn úy chỉ huy đều gật đầu nhận rõ. Chuẩn úy Trực hơi ớn vì Nhật quyết định quá liều lĩnh. Chàng ta hỏi Nhật một câu y hệt Nhiều đã hỏi: 

-Bắn gần quá thiếu úy. Lỡ trúng quân mình thì sao? 

Nhật nhìn Trực lắc đầu, lần này chàng phải nói xạo một chút để Trực an tâm. 

-Không quá gần đâu. Tôi ước lượng rồi, không dưới năm trăm thước. Vả lại mình ở đây, đá tảng vây quanh, ít ra cũng đỡ phần nào. Tin tôi đi. Tôi điều chỉnh pháo không đến nỗi tệ, mình bắn trái điểm điều chỉnh mục tiêu trước, lo gì.

Chàng lại cười đề trấn an đồng đội và nói đùa. 

- Sáng nay chuẩn uý Cẩn chưa uống ruợu đâu mà lo. 

Nói thì nói vậy cho thuộc cấp an lòng chớ Nhật cũng lo lắm vì chàng chưa điều chỉnh pháo trên thực tế bao giờ. Chỉ là những bài học lý thuyết ở quân trường và mới đây do ban ba huấn luyện. Nhưng Nhật tin rằng chàng sẽ làm tốt công việc này. 

Ba người đi rồi Nhật cầm máy gọi thẳng cho con gà gồ nó gáy. Gì chớ bắn là ông tiểu đoàn phó kiêm sĩ quan hành quân chấp thuận ngay. Ông tin Nhật đến độ không cần hỏi lại về việc lục soát và Trần Bi cùng đại đội phải làm gì. Ông bảo Nhật 

-Để tôi gọi thằng Cẩn bảo nó chuẩn bị gáy. Ông liên lạc và cho yếu tố thẳng tới chuẩn úy Cẩn. Nghe rõ trả lời. 

Nhật nhận rõ rồi gọi ngay trung đội pháo binh. Giờ này Cẩn đã chuẩn bị xong xuôi mọi việc đang chờ hành sự. Thấy tiếng Nhật bên kia đầu máy, ông chụp lấy ống liên hợp, cười lớn trả lời. 

- Giờ này mà gọi phở Bắc sớm thế, đói bụng rồi à? 

Phở Bắc là tiếng lóng dùng để mã hoá chữ pháo binh. Nhật cũng vui lây nhưng chàng không đùa giỡn lại. Chàng cho Cẩn điểm đứng của mình, dĩ nhiên là căn cứ vào trục tọa độ của truyền tin và mục tiêu. Chàng lặp đi lặp lại hai lần điểm mình muốn bắn. 

-Thanh Thúy lên hai, ngang 4, Thanh Thúy lên hai ngang 4, nghe rõ trả lời.

Cẩn dò trên bản đồ thấy ở đó vòng cao độ thấp nên vẽ rời nhau ra như những núm vú người tình. Lâu quá không được nói tục cho sướng miệng, Cẩn đùa ngay. 

-Nhận rõ rồi. Chổ núm vú Thanh Thúy chớ gì. Tôi gửi tới đó ngay trái điểm. Nhận được điều chỉnh tiếp ok. Mà sao ông nằm gần quá vậy, bộ mình đồng da sắt sao? 

-Tôi tin tưởng tài bắn của ông mà, vả lại ở đây dễ thấy hơn. Ông thấy có nguy hiểm lắm không. Nếu có gì tôi lùi lại. 

-OK tin tôi đi, không có sao đâu. Thằng Cẩn này cho ông điều chỉnh từng mười thước một. Chuẩn bị nhận hàng. 

Ba phút sau bên kia đầu máy Cẩn lại gọi Nhật. 

-Trùng Dương, Trùng Dương. Đây cải cách của phở Bắc

Nhật hồi hộp bóp mạnh ống liên hợp trả lời. 

-Cải cách, cải cách, đây non nước của Trùng Dương tôi nghe. 

-Á À, báo cho bạn biết đạn đi

-OK đạn đi

Nhật bỏ máy xuống giục Nhiều báo ngay cho hai trung đội của Trực và Diệu biết đạn đi. Khi Nhiều vừa dứt tiếng thì tiếng rít xé không khí đã bay qua đầu cả bọn. Chỉ mười giây sau viên đạn đầu tiên đã gửi tói mục tiêu. Một ngọn khói bốc cao dưới chân đồi rồi tỏa lan trong không khí. Nhật vừa mừng vừa hồi hộp vì đây là lần đầu tiên chàng gọi và điều chỉnh pháo. Chàng hét lên trên máy

-Ok tốt lắm, tốt lắm, Cải Cách. Xin bạn gửi cho tôi ba chục tràng, lên mười ngang trái mười, ngang phải mười, nghe rõ trả lời. 

-OK có ngay, chuần bị đi. Đạn đi

Những trái đạn rít lên trong không khí, nổ xuống mục tiêu xòe ra như những đóa hoa bằng lửa. Tiếng nổ ầm vang như những bản hùng ca thúc giục xuất quân làm mọi người đều sục sôi khí thế, chỉ mong chấm dứt loạt đạn để xông vào chiến trận. Thiếu uý Trần Bi đang lúc mơ màng giấc điệp. Nghe loạt đạn đầu tiên tưởng rằng trời sập vội nhảy ra khỏi võng kêu lên

-Chết cha, cái gì vậy, tụi nó tấn công à? 

Kim Ly đang đứng xem đạn nổ, mỉm cười chế giễu: 

-Thiếu úy Nhật gọi bắn pháo binh, lúc nãy báo cho ông biết mà ông còn ngủ. 

Trần Bi thấy ngay cái lỗi của mình. Chỉ vì ham mê bài bạc quá mà anh trở nên bê bối. Tụi nó bắn pháo binh là có chuyện nghiêm trọng rồi. Chỉ huy lục soát, hành quân mà anh vẫn nằm ngủ ở đây thì đủ biết nình là người tài cán tới mức nào. Bi hối hận vô cùng. Anh xấu hổ chỉ muốn xông ra ngay bóp cổ quân địch. Nói nào ngay Trần Bi có rất nhiều điểm tốt. Chỉ có mỗi một tội xấu là bạc bài đen đỏ. Mà khổ nỗi cái xấu này bao trùm cái tốt của anh. Lúc này nhờ giấc ngủ đã làm lại sức nên Trần Bi hăng hái hẳn ra. Anh bảo vợ: 

-Tôi tưởng bà đi theo thiếu úy Nhật rồi chứ. Sao vẫn còn đây? 

Kim Ly nguýt ông một cái rồi trách móc

-Tôi đi theo ông Nhật làm gì. Đi thì lấy ai canh cho ông ngủ

Trần Bi bẽn lẽn không nói. Anh ôn tồn bảo mấy thằng tà lọt mang máy cuốn võng chuẩn bị đi. Hai thằng mang máy sướng đã quen không muốn lội, trù trừ can gián: 

-Đi đâu Thiếu úy? Để em gọi thiếu úy Nhật báo cáo tình hình cho thiếu úy rõ mọi chuyện, việc gì phải đi cho mệt. 

Trần Bi không nói gì. Anh chỉ trừng mắt nhìn hai thằng ăn hại. Mẹ, mày cà chớn tao cho mày đi theo tiểu đội, lấy hai thằng khác về thế, lúc đó tha hồ mà lội. Anh nghĩ thế rồi hất hàm ra lệnh: 

- Liên lạc ngay với thiếu úy Nhật, bảo chờ tao đến. 

Hai thằng vâng dạ rồi mở máy. Chúng nó gọi cả chục lần vẫn chưa liên lạc được với ai. Rà đi, rà lại, kiểm soát tới lui mới hay tần số hành quân đã thay đổi. Chết cha chưa. Trần Bi nghiến răng tức giận muốn đá cho mỗi đứa một cái, nhưng lại nghĩ mình là cấp chỉ huy mà còn bê bối, thì trách gì lính chẳng noi gương xấu. Lúc đó anh đích thân lấy danh hiệu truyền tin ra, đổi luôn tần số gọi Nhật

-Trùng Dương ... Trùng Dương, đây Thái Bình gọi

Thái Bình là danh hiệu truyền tin của Trần Bi. Bên kia Nhật lên tiếng trả lời ngay, trong khi trái đạn cuối cùng đã nổ. Nhật không thể chờ thêm được nữa.Vắn tắt báo cho Trần Bi biết chỗ chàng đang đứng, để mấy thằng con ở lại chờ. Chàng xốc lại dây ba chạc, chạy theo toán quân đang ào xuống núi. 

Đường đi xuống núi thênh thang rộng mở, bước chân không cần gắng sức mà vẫn chạy đều. Nhưng chông gai, trở ngại thì vẫn dẫy đầy trước mắt. Đồi đá chắn ngang, cây rừng che lối. Mặc kệ, ai ai cũng vẫn phải băng qua để theo kịp đồng đội. Mười hai phút sau, Nhật bỗng thấy tiếng súng M16 phía bên phải nổ dòn. Chàng biết là chuyện mong đợi đã xảy ra. Chưa kịp bốc máy lên để hỏi xem sao thì bên kia, tiếng của chuẩn úy Diệu đã vang lên trong ống liên hợp. 

-Trùng Dương, Trùng Dương đây Thái Hòa gọi, nghe rõ trả lời

Thái Hòa là danh hiệu truyền tin của Diệu, đang chỉ huy trung đội bên cánh phải, lục soát thẳng từ phía bờ sông tới khúc eo thắt của thung lũng, tiếp nối tới tận Trường Sơn. Đây là diểm đáng nghi nhất trong mục tiêu vì có thể có con đường mòn ăn thông vào sườn núi dọc theo bờ sông Re để về Tà Noát. Nhật đã chọn Diệu chỉ huy trung đội lục soát phần đất này vì nhận thấy Diệu ít nói, can đảm và đáng tin cậy hơn hẳn Trực. Chàng bốc máy trả lời ngay vắn tắt

-Trùng Dương nghe, nói

-Báo cáo thẩm quyền Thái Hòa đã gặp mấy con chuột nhắt, ba con rách áo nằm đây, còn mấy con khác đang truy lùng. Nghe rõ trả lời

Tiếng Diệu vội vã, xen lẫn hơi thở hổn hển, có lẽ vì đang xúc động và mệt nhọc. Giữa lúc ấy thì tiếng đạn lại nổ vang. Nhật cũng bị kích động không kém. Chàng thấy máu nóng đang trào lên hừng hực, Nhật hét vào trong máy, nghe rõ cả tiếng của mình. 

-Thái Hoà nghe đây. Cho mấy đứa bắc cầu và tiếp tục truy kích. Tôi sẽ có mặt ngay. Nghe rõ nói. 

Nhật dặn dò chuẩn úy Ò dẫn quân đi thẳng xuống rồi cùng Nhiều, Kiệt, Du và năm đứa khinh binh đi sang cánh bên phải. Chàng và mấy người lính vừa đi vừa chạy, năm phút sau đã bắt tay với toán làm đầu cầu của Diệu. Nhật chạy thẳng tới chỗ Diệu đang nấp sau bụi cây với tảng đá to. Gần ngay sau đó, ba người thương binh Việt Cộng nằm lăn lộn trong bụi cây khác. Ba người bị đồng bọn bỏ lại chạy lấy thân khi quân ta ập tới. 

Tiếng súng phía trước vẫn nổ lên dữ dội. Ngoài tiếng M16 quen thuộc của quân ta. Nhật còn phân biệt được tiếng AK của địch.Tiếng nổ dòn tan vang lên hàng loạt thì chắc chúng nó phải đông và đang chống trả. Chàng biết rằng nếu liệu bề không chống nổi, bọn chúng sẽ lủi vào hang như những con chuột nhắt. Nghĩ thế Nhật hỏi ngay Diệu ba câu liền một lúc: 

-Tụi nó đâu, sao lại nằm đây. Ai ở phía trước vậy? 

Diệu trả lời ngay. 

-Tiểu đội của Trung Sĩ Bảo và Trung sĩ Nhút đang truy lùng tụi nó. Tui vừa tới đây là chúng nó bỏ chạy liền, bỏ lại ba thằng này đó Thiếu úy. 

Nhật không nói nữa. Mà đúng ra là không có thì giờ để mà nói. Chàng chạy ngay lên phía trước , thấy bóng một người lính áo hoa nấp bên bờ đất khác. Bốn năm ông lính khinh binh và ông đệ tử của chàng chạy theo ngay. Chuẩn úy Diệu cùng mấy thằng tà lọt và mang máy đang nằm cũøng di chuyển tới bụi cây khác gần hơn. 

Nhật chưa lịp hỏi người lính câu nào đã thấy đất đá văng lên bụi mù trước mặt, lá cây trong bụi ào ào rơi xuống. Chết mẹ địch ở gần quá rồi, có lẽ chúng vừa thấy chàng chạy tới đã gửi ngay đạn đón chào. Cà bọn chưa kịp hoàn hồn thì đã nghe tiếng thét của Trung sĩ Bảo

- Chạy ngay qua đây thiếu úùy ơi, tụi nó đang ở trên cao, phía trái của ông đó. Mau lên, mau lên. 

Hét xong trung sĩ Bảo cho đại liên M60 nổ ngay vào chỗ địch quân để cho chúng không kịp bắn về phía Nhật đang lăn tới. Ông biết Nhật là một sĩ quan hăng hái và can đảm, nhưng không có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Lòng hăng hái mà thiếu kinh nghiệm đôi lúc cũng dễ nằm lại trận địa nếu không gặp may mắn như Nhật hôm nay. Thật ra chỗ người lính đang nằm là gần địch nhất mà trung sĩ Bảo đang gửi tới để quan sát. Bên ta ở phía sau thì thấy dễ dàng. Nhưng phía địch thì khó thấy đuợc vì khi tới đó người lính đã bò sát theo những bụi cây. Nhật vừa mới tới, chưa nhận định kỹ địa thế, thấy người lính phía trước đã vội ào lên. Vì thế địch quân thấy rõ, chúng nổ súng ngay. Lúc ấy, súng đã nổ dòn từ mọi phía. Nhật không còn suy nghĩ nữa, chàng và mấy người lính lăn tròn về phía Bảo. Tới một hòn đá to chàng núp ngay vào, nằm lăn ra thở. Mấy ông đệ tử lăn theo sau, chỉ tội cho Nhiều vì mang máy lăn không đuợc nên phải bò. Cũng may là nhờ có khẩu đại liên của Bảo khai hỏa kịp thời làm địch chưa ngóc đầu lên được. 

Một lúc sau Nhật mới hoàn hồn, nhìn ra để nhận định tình hình. Chuẩn úy Diệu, trung sĩ Bảo và trung sĩ Nhút đã ngồi vây quanh, chỉ cho Nhật thấy bên kia bời suối, cao hơn chỗ mình đang đứng là của địch quân. Chàng nhận ra ngay đó là gioi đất nhô ra giòng sông mà trên cao Nhật đã chỉ cho Trực, Diệu , Đinh Ò và dặn họ nơi tập trung sau khi lục soát xong. Chắc địch đang bám chốt ở đây dể chuẩn bị sang triền núi bên kia. Nếu vậy chàng chỉ ra lệnh cho chuẩn úy Ò đi tới và lục soát mau thì vô tình bọn Việt cộng chui vào một cái rọ, khó mà thoát thân nếu không có cánh để bay qua khúc sông rộng lớn ngay phía trước. 

Chàng quay sang Nhiều bảo liên lạc ngay với Đinh Ò để giục ông ta đi mau hơn. Theo đúng dự tính thì Đinh Ò phải có mặt và chạm trán với địch quân trước vì đường đi tới ngắn hơn. Hay là ông ta dừng lại đâu đó vì lạnh cẳng. Đang loay hoay tìm cách nào để tràn qua phía kia bờ suối thì đạn lại nổ vang. Lần này tiếng nổ nghe lạ tai , chát chúa và ngắn gọn. Đạn cày vào những hòn đá trước mặt Nhật như trong phim viễn tây chàng coi thuở còn đi học. Những viên đạn đi khá chính xác vì địch ở vị trí cao hơn nên dễ dàng tác xạ. Trung sĩ Bảo kêu lên: 

-Trung liên nồi, đéo mẹ, chúng nó có cả trung liên nồi

Nhật ngạc nhiên đưa mắt nhìn Bảo như muốn hỏi thêm. Bảo hiểu ý nghĩa giải thích cho chàng nghe. 

-Trung liên nồi là loại súng của Trung cộng hay Tiệp Khắc gì đó, buồng đạn quấn tròn cạnh súng như cái nồi. Mình gọi là trung liên nồi luôn. Nó giống như trung liên Bar của mình nhưng tác xạ được nhiều hơn. 

Nhật xét thấy mình đang ở vị trí thấp hơn, cứ ở mãi đây thì sẽ không có lợi, mà bỏ đi thì địch sẽ chiếm lấy để chuyển qua sườn núi bên kia nên chàng bảo thằng Nhiều gọi dục Đinh Ò tới tấp. Thằng Nhiều gọi mãi mới liên lạc được với chuẩn úy Đinh Ò, nó bảo chàng

-Ông Ò nói là phải chờ Thiếu Uùy Bi xuống nên chưa tới kịp

-Còn ông Trực thì sao, có gọi cho ông ấy xem đã tới đâu chưa? 

Nhiều dạ dạ rồi bắt đầu gọi cho Trực. Cùng lúc ấy Trần Bi đã dõng dạc bên kia đầu máy, muốn nói chuyện ngay với Nhật. Chàng vưà cầm máy thì đồng thời tiếng của Trực đã vang lên gọi cho chàng tới tấp: 

-Trùng Dương, Trùng Dương, đây Thái Thanh gọi. Trùng... Dương Thái Thanh là danh hiệu truyền tin của Trực, chàng ta chắc đang gặp chuyện gì ghê ghớm và nghiêm trọng lắm nên hồi hộp quá, nói không ra tiếng, cứ lắp bắp, lặp đi lặp lại. Nhật chưa kịp nói gì thì Trần Bi ở máy bên kia, mở cùng tần số nên nghe rõ cả. Ông Bi gắt toáng lên chẳng cần mã hóa. 

-Nghe, nói đi, có cái đéo gì mà cuống lên thế. Mấy con chuột nhắt mà sợ cái gì. Nói đi, tôi với ông Nhật đang nghe đây. 

-Dạ, dạ báo cáo thẩm quyền tôi..tôi gặp được cái nhà ... kho của tụi nó, lớn lắm..lớn lắm

Nhật mừng quá, chàng vội vàng bảo Trực nằm lại ngay đó, đừng di chuyển nữa. Dĩ nhiên là phải rời xa mục tiêu một chút đề phòng địch quân ập tới hay pháo kích. Xong xuôi, chàng nói truyện trên máy cho Trần Bi nghe về tình hình của địch. Nhật nhắc đi nhắc lại cái gioi đất nhô ra bên kia bờ suối là nơi địch quân đang chiếm giữ mà chỗ chàng đang đứng quá thấp khó tấn công lên được. Ban ngày, dù có bò sát đất, địch ở trên cao vẫn nhìn thấy rõ ràng. Chàng hy vọng Trần Bi ở trên cao tấn công xuống có hiệu quả hơn. 

Đứng phía trên Trần Bi nhìn xuống, có bốn năm gioi đất chẳng biết cái nào, anh ta gọi Đinh Ò tới, nhưng mà Đinh Ò cũng chỉ lung tung, không biết chắc là cái nào là cái mà Nhật đã chỉ. Ở trên cao nhìn thấy khác hẳn với lúc đi dưới thấp nếu không để ý, vì thế Đinh Ò cũng mù tịt luôn. Trần Bi tức quá đành gọi Nhật xác định lại vị trí trên bản đồ. Nhật tả cảnh mãi cho Bi cũng chán đành phải xác định tọa độ của mình. Chàng nói: 

-Bây giờ tôi dùng khóa Lan Anh chứ không Thanh Thúy nữa. Ông nghe rõ chưa, chỗ này gần Lan Anh hơn. Này nhé Lan Anh ngang một xuống hai, thấy chưa Lan Anh ngang một xuống hai.

Trần Bi nhận xong xoay bản đồ ra nhìn. Đấy rõ ràng là ở chỗ này nhưng sao mà khó thấy ngoài địa thế. Anh xoay tấm bản đồ theo nhiều hướng mà hướng nào nhìn cũng gần đúng, bốn năm cái không chắc cái nào. Kim Ly ngồi bên cạnh, thấy thế ngứa mắt quá nhắc chồng. 

-Ông tìm mục tiêu mà không định hướng bản đồ thì biết thế nào là đúng hướng

Trần Bi reo lên sung sướng. Có thế mà ông cứ hay quên. Chết thật, mười ba lá bài nó hại ông đến thế sao. Cũng may chỉ có Đinh Ò và mấy thằng lính Thượng, chứ nếu có mấy ông quan trẻ thì mất mặt KBC hết trơn. Đại đội truởng mà tìm mục tiêu không ra thì nên về nhà đuổi gà cho vợ. Riêng anh thì làm gì có vườn, có gà mà đuổi, chác chỉ đi gánh chè cho Kim Ly đi bán dạo như xưa. 

Khi biết chắc rồi, Trần Bi thò đầu lên dùng ống nhòm quan sát kỹ, ông không thấy rõ từng thằng nhưng mà thấy chúng di động, cành lá rung rinh. Nhật đề nghị là sẽ tập trung bắn M16 và đại liên M60 cho anh ào xuống. Trần Bi đồng ý ngay. Anh bảo Nhật: 

-Tôi sẽ đem ông già 72 (M72) chơi vài quả cho chết mẹ tụi nó. 

Trần Bi dẫn quân ào xuống. Xem ra lúc hăng máu anh chàng cũng oai dũng có thừa. Hai thằng mang máy chạy theo, nấp sát vào Bi như thể là mình anh bằng sắt sẽ che đạn được cho chúng nó. Kim Ly với Đinh Ò cũng chạy theo sau. Khi tới gần hơn anh ra lệnh cho Nhật và Diệu ở dưới tác xạ M79 và đại liên vào gioi đất. Trần Bi bảo thằng lính đưa cho anh khẩu M72. Căng súng lên Bi nhắm thẳng ngay lùm cây mà bóp cò. Khi tác xạ,Trần Bi hiên ngang đứng thẳng, kê súng lên vai mà bắn vào mục tiêu chưa đầy hai trăm thuớc thì làm sao mà hụt được. M72 là loại súng chống chiến xa, đạn bắn ra xuyên thủng xe tăng mà chui vào mới nổ. Mình đồng da sắt còn chết huống hồ mấy thằng nón cối dép râu. Sau tiếng vang của trái M72, mấy khẩu súng của địch im luôn. 

Trần Bi xua quân xuống ngay. Anh nóng lòng muốn coi kết quả của phát đạn M72 sinh tử ra sao. Nhưng mới chạy được một quãng ông mới nhận ra rằng từ chỗ ông và gioi đất thực sự cách nhau một con suối lớn, sâu hun hút cả vài mươi thước. Nhảy xuống cũng không đuợc mà đi vòng quanh cũng không xong. Giá có vài sợi dây rừng ông cũng dám làm Tarzan đu dây qua lắm. Thôi đành cho lính dàn hàng ngang vừa canh vừa nghỉ đợi cho Nhật mò lên. Anh gọi cho Nhật, nói to như hét vào trong máy. 

-Tớ kẹt con suối này rồi. Đứng đây canh chừng cho mấy cậu, nhào lên đi. 

Bên gioi đất về phía phải Nhật, Diệu và hai ông trung sĩ tiểu đội trưởng Bảo và Nhút đều xua lính đi một lượt. Chỉ để lại ba thằng canh ba người thương binh của địch. Tiếng họ xung phong lẫn với tiếng xúng nổ ầm vang cả một bìa rừng. Năm phút sau tiểu đội của Bảo đã tràn tới đỉnh, chạy băng qua luôn bên kia đối diện với toán quân của Trần Bi bên bờ suối. 

Nhật nhìn quanh một lượt bãi chiến trường mà quân của chàng đã hoàn toàn làm chủ. Ba khẩu súng đã nằm lăn ra ba góc. Một khẩu vơí băng đạn to tròn ở giữa có lẽ là trung liên nồi như Bảo gọi. Còn lại là hai khẩu thượng liên. Bốn cái xác địch quân cũng nằm vật ngửa ra bốn hướng. Mặt mũi giập nát, vỡ vụn những vết máu tím đen, cháy xém. Chàng bỗng thấy một cái thây người cử động, miệng há ra, thở khò khè vì cổ họng đã gần như đứt lìa. Điều quá đặc biệt là chân của họ đều bị xích lại bởi một sợi dây xích dài, nối liền với một gốc cây cao. Nhật rùng mình khi nghĩ đến chữ đấu tranh và giải phóng mà Cộng Sản thường tuyên truyền. Trước hết nhân danh giải phóng con người, chúng đã xích đồng bọn lại với nhau để làm công tác giải phóng. Ngày trứơc ở quân trường, chàng đã được nghe rằng Cộng Sản thường xích cán binh của họ, bắt phải ở một chỗ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Nhật chưa tin lắm, không ngờ hôm nay chàng mới được trông thấy tận mắt. 

Nhưng sao chỉ có bốn người. Lúc nãy theo chàng ước đoán thì bọn chúng cũng khá đông. Chàng không thấy anh Ba trong đám xác chết hay bị thương. Chắc anh Ba đã chuồn đến một chỗ an toàn nào đó, sau khi xích đồng bọn lại bắt họ phải chiến đấu cho mình ... chạy. Chàng nhìn lại mấy cái xác, chợt nhận ra rằng họ không phải là du kích, vì người nào cũng mặc quân phục màu xanh cứt ngựa đồng loạt như nhau. Cả ba người bị thương cũng thế. Nhất định hôm nay chàng đã mang về cho tiểu đoàn một mẻ cá lớn như đại úy Nghĩa đã nói, vì tất cả những người lính này đây chắc là bộ đội chính quy. 

Bên kia bờ suối, Trần Bi nghe tả lại chiến trường cứ nóng lòng muốn được nhìn thấy tận mắt. Anh liếc mắt nhìn bà vợ rồi vuốt râu mép tính xoe cho nó vểnh lên, nhưng sờ mãi chỉ thấy những sợi lông măng, nên đâm ra bực mình. Trần Bi hét mấy thằng lính, xua chúng chuẩn bị xuống suối, lội qua bên kia. Toán quân của Bảo đã chực sẵn trên bờ,khoảng cách không hơn ba mươi thước. Chắc ăn như bắp rồi, chỉ việc lội qua. 

Nhưng rồi Trần Bi bổng thấy thân thể anh đau nhói, cánh tay trái như muốn lìa ra. Hai thằng lính đi trước ngã quay mòng mòng, đập đầu vào bờ đá. Một loạt đạn nghe chói vào tận óc, từ dưới suối bắn lên làm cho đoàn quân đang hớn hở bỗng hốt hoảng tìm chỗ núp. Tiếng Bảo la lên: 

-Coi chừng, tụi nó còn đầy dưới suối. 

Thế là bao nhiêu lựu đạn có được, Bảo cho ném hết xuống lòng suối. 

Như tất cả các con nước trên đỉnh núi cao, lòng suối lúc sâu, lúc cạn, rộng hẹp không đều. Khe suối ở đây thẳng theo vách đá, có rất nhiều hang động, thật là một chỗ núp an toàn và lý tưởng cho địch. Nhật có mặt ngay với Bảo ở tiếng thét đầu tiên. Chàng thấy được cái khó khăn trong việc truy lùng địch. 

Với những vách đá và hang động thiên nhiên này, dù có bom trút xuống cũng khó mà đẩy lui được chúng chứ đừng nói đến mấy trái lựu đạn lép bép này. Vậy thì không nên hoang phí, phải từ từ tính kế hoạch khác, hiệu quả hơn. Nhật ra lệnh thôi không ném nữa, chỉ thỉnh thoảng bắn một vài tràng M16 hay M79 để cho địch đừng ló mặt ra. Nhìn sang bên kia suối, Nhật thấy Đinh Ò đang kéo được hai người lính lên cao và Trần Bi đã đuợc để nằm dài dưới một gốc cây to. Bên cạnh đó là ngừơi đẹp Kim Ly hai tay ôm đầu ủ rũ, chắc đang đầm đìa nước mắt. Chàng hỏi ngay tình trạng của mọi nguời và được Đinh Ò cho biết là cả hai ngừơi lính đều đã nghỉ phép dài hạn bởi những viên đạn đầu tiên. Cũng may, Trần Bi chỉ bị vào tay, nhưng chắc là xương gãy nát. Anh đau đớn lắm, có lúc hôn mê chẳng nói được gì. 

Tự nhiên Nhật cảm thấy buồn mênh mang và chán nản vô cùng. Chàng cảm thấy được sự ghê ghớm và tàn độc của chiến tranh. Nhưng mà bây giờ không còn có thì giờ suy nghĩ . Phải quyết định ngay không thì thiệt hại thêm nhiều hơn nữa. 

Trước hết, chàng bảo Nhiều gọi báo cáo tổn thất của ta cho đại úy Nghĩa và xin ông cho chuẩn úy Vinh dẫn cả tiền đồn ra tăng viện. Nhật tránh không muốn nói chuyện với cấp trên vì chàng nghĩ rằng mình phải gánh lấy trách nhiệm về sự thiệt hại này. Chàng quên rằng chính Trần Bi mới là người chỉ huy lục soát. Ở địa vị chàng không làm sao hơn được. 

Dù tiền đồn sát ngay đồi Trinh Nữ nhưng phải gần hai tiếng đồng hồ sau Vinh mới dẫn quân ra tới chiến trường. Vinh đã được báo cáo đầy đủ tình hình và theo dõi máy nội bộ thường xuyên nên cũng nắm được phần nào hiểu biết về hiện tình. Có được Vinh, Nhật an tâm lắm. Lại có cả trung sĩ nhất Nguyễn Minh Viện nữa làm Nhật càng thêm hăng hái. Vắn tắt cho thuộc cấp hiểu rõ mọi chuyện, chàng đặt kế hoạch tấn công ngay. 

Hai toán quân đều ở trên hai bờ suối, tác xạ chéo vào nhau. Nhất là về phía chuẩn úy Ò càng phải bắn nhiều hơn ai hết vì Nhật biết địch đang ở ngay dưới chân chàng. Đầu tiên Nhật tính dùng M79, nhưng có điểm bất lợi là quá gần nên đạn thường không quay đủ vòng để nổ. Chàng đành phải cho dùng lựu đạn và súng cá nhân. Tác xạ xong Nhật gửi hai toán quân xuống liền, cùng lúc đó là chuyển tác xạ sang bên cạnh, chạy dài trong lòng suối. 

Hai tiểu đội của Bảo và Nhút đã xuống lòng suối an toàn. Từ bên này nhìn qua bên kia, họ khám phá ra địch đào rất nhiều hầm ếch, một loại hầm nằm ở bờ suối, sâu vào vách đất, rộng rãi có thể chứa được cả năm bảy người mà ở trên không thấy được vì cành cây che khuất. 

Nhưng thật lạ lùng ở chỗ hầm hố thì nhiều mà địch quân không thấy một ai. Nhật và Vinh xuống ngay sau đó. Chàng nhìn một lượt hiện trường để cố đoán xem địch trốn nơi nào. Dù chúng có hay không, nơi đây thật là một nơi giấu quân hoàn hảo để chờ ngày tấn công. Chàng vui mừng vì đã khám phá ra âm mưu của địch. Nhưng mà chắc chắn chúng phải ở quanh đây vì mới vừa xong, chúng đã làm cho Thiếu úy Trần Bi bị thương và hai người lính chết. Phải tiêu diệt hết không để tên nào chạy thoát vì Nhật biết rằng chúng đang chờ đêm xuống để theo bóng tối trốn ra khỏi chỗ này. Chàng nôn nả chạy lên phía trước, chỗ Bảo đang đốc thúc mấy người lính khinh binh tiến lên, tìm kiếm. 

Con suối dẫn đoàn quân đi ra khỏi những cây cỏ um tùm, rậm rạp hai bên tới gần bờ sông chia làm nhiều nhánh. Tiểu đội của Bảo đang phân vân không biết chọn nhánh nào nên dừng ngay cả bọn để đợi lệnh. Có thể địch quân sau khi bắn xong đã tháo chạy xuống chỗ này, lẩn ra bờ sông. Nhưng mà phía bên này đã có Diệu chờ sẵn từ đỉnh gioi đất ra đến tận bờ sông lẽ nào không thấy chúng. 

Nhật chợt nhận ra rằng nếu địch quân bò nép sát theo những lùm cây ven suối thì từ trên cao không dễ gì nhìn thấy được. Có lẽ chúng chỉ còn lại một số ít nên di chuyển thật dễ dàng. Phía bên kia bờ, Đinh Ò vừa đánh giặc vừa lo cho hai người lính tử thương cộng thêm ông đại đội trưởng đang rên la vì đã ra nhiều máu nên chắc là không quan sát kỹ. Chàng đưa tay ra chỉ cho Bảo một nhánh suối, Vinh một nhánh khác rồi chàng với Nhiều, Kiệt Du đi vào một nhánh gần bờ sông hơn cả. Nhánh suối nhỏ và ngắn nhưng mà ẩm ướt vì gần tới bờ sông nên cây cỏ um tùm. Linh tính báo cho Nhật biết là lối này chắc có địch đang di chuyển. Những cành lá dập ngã, những bụi cỏ cao bị xô vẹt về một phía, chứng tỏ đã có bước chân người vừa mới đi qua. Càng đi sâu cây cỏ càng um tùm, rập rạp, thế mà Nhật đi như chạy. Có một cái gì làm chàng vội vã, có một điều gì cuốn hút lạ lùng làm mạnh bước chân chàng đến nỗi Nhiều, Kiệt và Du cố bước theo mà không kịp. Ba bốn phút sau, Nhật gặp phải tảng đá to lớn lạ thường. Hòn đá cao bằng hai chục thước. Thảo nào khi còn ở bên kia gioi đất chàng ngỡ đó chính là một ngọn đồi. Hòn đá chắn ngang bờ sông bên những hòn đá khác nằm ngang nhánh suối. 

Từ dưới nhìn lên thấy lố nhố bóng những người lính áo hoa, Nhật nhận ra ngay đó chính là những người lính của Diệu đang đứng canh mạn bờ sông. Quay lại chàng bảo Nhiều. 

-Mày gọi ngay cho ông Diệu biết mình đang lục soát dưới này, kẻo ông ấy tưởng là Việt Cộâng lại quăng vài trái xuống đây thì chết mẹ. 

Nói xong, Nhật giật mình nhận thấy cạnh hòn đá hình như có bóng người. Đúng là bóng người thật rồi. Một người con gái tóc dài xõa hẳn về một bên vai ,áo đen, súng AK cầm sẵn nơi tay đang đứng chờ chàng. Có lẽ nàng đã cùng đường nên bình thản chấp nhận số của phận mình. 

Nhật mặc kệ Nhiều đang gọi máy cho Diệu ở trên cao, lao mình chạy như bay về phía đó. Chàng hồi hộp và vui mừng quá. Vui mừng đến nỗi không nghĩ gì đến sự nguy hiểm sẽ xảy ra cho chính mình. Nhật nhớ ngay chiếc túi xách xinh xắn mà chàng đã tịch thu đuợc của người nữ cán bộ trong chuyến hành quân đầu tiên vẫn nằm gọn trong đáy ba lô. Chàng trân trọng những món đồ đó như là báu vật. Dĩ nhiên bau vật không phải là chiếc mini si-líp mới tinh, trắng muốt và nhẹ tênh như một đóa hoa ngọc anh khi chàng vo tròn lại. Cũng không phải là chiếc xú-cheng màu hồng lợt bao phủ cả một vùng da thịt non mềm. Báu vật đối với chàng chính là tấm ảnh rất cũ của người con trai mới lớn, kẹp trong cuốn sổ của nàng. Tấm ảnh ấy mang cả một vùng trời thần tiên thơ dại xa xưa mà từ đây về sau chàng không còn tìm lại được. Người con trai trong tấm ảnh ấy chính là chàng, đã tặng cho một người con gái cách đây mười năm về truớc. 

Chính vì thế mà đêm hành quân đầu tiên, Nhật cố đuổi theo để được nhìn tận mặt người mang tấm ảnh, để xem nàng có phải đó là người đã giữ của chàng một phần kỷ niệm thời thơ dại. Dù cho muôn vàn nguy hiểm, gai chông Nhật cũng chẳng nề hà. Đêm trăng đầu tiên trong cuộc đời chinh chiến đã là một đêm trăng khó phai mờ trong suốt tháng ngày còn lại của cuộc đời chàng. Cho dù đêm ấy Nhật đã không đạt được ý nguyện của mình để đến bây giờ, người con gái ấy, dù đã cho chàng thấy mặt đêm qua, lại đứng chờ Nhật ngay nơi đây. Chắc nàng muốn nói với chàng đôi câu trứơc khi từ biệt. 

Nhật đi tới trước họng súng AK đang chĩa thẳng vào mình. Chàng tới gần đến nỗi phải gạt mũi súng sang một bên để tới sát bên nàng. Bốn mắt nhìn nhau, trong mắt nàng như đầy nước mắt. Có lẽ nàng buồn tủi cho thân phận của mình. Và có lẽ Nhật thương cho số kiếp của nàng. Niềm thuơng cảm dâng trào lên con tim thổn thức. Nhật không ngờ trời xanh bắt nàng phải gian truân đến thế. Thời gian như đã đứng im. 

Bỗng người con gái quắc mắt nhìn lên khi thấy Nhiều, Kiệt, Du đang xăm xăm bước tới. Nàng lùi ra xa, xa để cho mũi súng vừa tầm chỉ vào ngực Nhật, rồi khẽ nói: 

-Không còn ai nữa đâu. Đừng tìm kiếm vô ích, anh về đi

Nhật muốn nói rất nhiều cho thỏa lòng thương nhớ. Muốn phân trần với nàng rằng cho dù vật đổi sao dời, chàng cũng chẳng bao giờ quên được những ngày tháng thơ ấu ngọc ngà thưở trước. Bao nhiêu năm xa cách, tưởng như đã mất, tưởng như suốt cả một đời chẳng gặp, mà nay vẫn còn đây, hỏi sao chàng không liều lĩnh đuổi theo nàng đêm ấy. Bây giờ tất cả đã trong ở tay, chàng thề sẽ chẳng bao giờ để mất nàng lần nữa. Bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu lời muốn nói, giải bày mà thời gian thì không đủ. Nhật chỉ thẫn thờ: 

-Còn đi đâu nữa? 

Nàng không trả lời câu hỏi của Nhật, chỉ ngước nhìn chàng khẽ nói: 

-Em sẽ trở về

Nói xong nàng lùi nhanh qua khe đá. Nhật quay lại thơ thẩn như người mất hồn. Chàng thấy ba người đệ tử của mình đứng lại từ đằng xa. Họ đã nhìn thấy hết nhưng lặng yên không nói một lời nào. 

Nhật không phân trần, cũng chẳng buồn giải thích cho hành động của mình. Chẳng có lời giải thích nào cho đúng với tình yêu, với chiến tranh và kỷ niệm. Nhưng dù chàng không giải bày mà vẫn được cảm thông. Trong ánh mắt thân thiết của ba người thân cận, Nhật thấy như họ muốn chia xẻ với chàng sự thông cảm lẫn mến thương hoàn cảnh của ông thầy. Phút bàng hoàng rồi cũng qua đi. Nhiều nhắc nhở: 

-Trình Thiếu úy, Đại úy nói rằng đã xin máy bay tản thương thiếu úy Bi rồi, khoảng nửa tiếng nữa sẽ đáp xuống sân tiền đồn. Chuẩn úy Ò đã khiêng ông ấy ra chờ sẵn, cả hai thằng lính mới đi phép dài hạn với ba thằng Việt Cộng bị thương nữa

-Ờ

-Đại úy bảo lục soát kỹ lại các hầm hố của chúng lần nữa. Ông sẽ ra ngay để ước lượng xem chúng có thể giấu được bao nhiêu quân và xin Quân khu gửi công binh phá hủy

-Gì nữa? 

-Ông muốn gặp Thiếu úy ngay. Đang chờ ở bên kia máy. Cả chuẩn úy Trực nữa. Ông Trực đang chờ lệnh Thiếu úy về cái nhà kho mà Thiếu úy bảo canh chừng từ sáng tới giờ. 

Nhật uể oải cầm máy lên. Chàng không gọi cho Đại úy Nghĩa ngay dù ông đang nóng lòng chờ. Trước hết là chàng gọi ra lệnh cho Vinh, Bảo, Diệu và Nhút thu quân về một chỗ quanh những chiếc hầm. Thứ hai chàng gọi cho Trực để nghe Trực báo cáo về những áo quần, thóc lúa gạo muối đã thấy trong kho. Chàng bảo Trực biết là sẽ cho người đến khiêng về. Và sau hết chàng gọi về bộ chỉ huy tiểu đoàn báo cáo hết tình hình. Đầu dây bên kia hai ông lớn đang chờ sẵn. 

Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và Đại úy Nghĩa hết lòng khen ngợi sự can đảm của Nhật. Hai ông khen ngợi nồng nhiệt quá làm Nhật thấy áy náy. Chàng không có mặc cảm gì khi để người nữ du kích đi thoát ra vùng Tà Noát. Trước sau gì chàng cũng bàn việc ấy với cấp chỉ huy để mang về một mẻ cá lớn như Đại úy Nghĩa đã nói với chàng. Đốt một điếu thuốc, Nhật ngồi yên lặng suy nghĩ về những gì mình phải trình bày, và ước đoán của chàng về địch trong những ngày sắp tới. 

Buổi chiều, khi vừa kéo quân tới tiểu đoàn, Nhật đuợc lệnh lên phòng hành quân ngay để họp. Chàng không kịp về của đại đội, cũng chưa hề biết chỗ ngủ của mình ở đâu vì đây là lần đầu tiên -kể từ khi có lệnh đổi về- chàng mới bước vào doanh trại. Cởi chiếc balô trên vai đưa cho Kiệt, Nhật bước thẳng lên phòng hành quân. 

Phòng hành quân tiểu đoàn 70. Biệt động quân biên phòng là một căn hầm khá rộng, trông vuông vắn, mỗi bề gần tám thước. Một bục gỗ được kê sát tường có treo treo hồ sơ trận địa và bảng thuyết trình. Dưới sàn có bốn chiếc ghế kê hàng ngang, rất thẳng. Dọc theo hai bên tường ngang là hai chiếc bàn dài với đủ loại máy móc truyền tin từ PRC 25 đến C67. 

Mọi thứ trong hầm đều gọn gàng và sạch sẽ vì đây là nơi đón tiếp các phái đoàn từ xa bay đến. Đôi lúc hai mươi chiếc ghế không đủ chỗ ngồi cho các phái đoàn đông đúc làm cho Sĩ quan tiểu đoàn nhiều khi phải đứng. Đó là những ngày vui vẻ cho tất cả mọi người. Người đến thăm dĩ nhiên là thích thú vì được đón tiếp ân cần giữa chốn biên cương. Người trấn giữ tiền đồn cũng vui lây vì sẽ được ăn một bữa rượu thịt ê hề. Một cơn say cũng đủ quên đi một phần quãng đời dài lê thê, buồn chán của kiếp ngừơi lính lính thú biên phòng. 

Khi Nhật bước vào đã thấy mọi nguời đang ngồi chờ đợi. Trong căn phòng rộng thênh thang đó chỉ có sáu người. Họp khẩn cấp sau chuyến hành quân lục soát và chạm địch ngay trên đồi Trinh Nữ. Cuộc chạm địch được coi là quan trọng vì ngoài thắng lợi hơn dự tưởng, tiểu đoàn còn được biết thêm một số tin tức và những biến chuyển mới nhất của Cộng quân cần phải phổ biến ngay. 

Sáu người đang họp dĩ nhiên là những nhân vật quan trọng nhất của tiểu đoàn. Tất cả đều ngồi quanh chiếc bàn rộng được kê song song với dãy ghế dưới bục thuyết trình. Đó là thiếu tá Chữ, tiểu đoàn trưởng, Đại úy Nghĩa, tiểu đoàn phó kiêm sĩ quan hành quân. Trung úy Hoàng Lê, quyền đại đội trưởng đại đội Một. Thiếu úy Trương Tấn, đại đội trưởng đại đội Hai, chuẩn úy Nguyễn Lương sĩ quan tình báo và Nhật, quyền đại đội trưởng đại đội Ba. 

Mọi người đều chăm chú nghe Nhật kể lại từng chi tiết, từ lúc tiền đồn có những tin đồn ma quái và chàng may mắn phát hiện ra âm mưu của địch cho bọn nội tuyến bỏ cát vào những khẩu đại liên. Chàng đã mau lẹ cho lau chùi sạch rồi thử súng bắn lên đồi Trinh Nữ và xin đi thám sát ngọn đồi ấy ngay đêm hôm đó. Càng may mắn hơn nữa chàng biết được sự thiệt hại của địch quân rồi xin tiểu đoàn cho quân truy kích địch. Diễn biến tình hình đã được Nhật kể từng chi tiết. Chàng ca tụng thiếu úy Trần Bi như một anh hùng. Dĩ nhiên là Nhật giấu giếm rất nhiều chuyện. Nào là chuyện cô nàng du kích, cô Thúy Vân trung sĩ Đinh Ớt. Những chuyện này chàng muốn tự tìm hiểu thêm cho rõ ngọn ngành trước khi trình bày riêng cho thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Nhật nhấn mạnh những điều chàng đã nghe tên tỉnh ủy có biệt danh là anh Ba nói, rồi kết luận: 

-Thưa quý vị, theo ý kiến của riêng tôi thì vừa qua địch quân chỉ muốn thử sức của chúng trong toán tính tấn công tiền đồn. Sau đó chúng sẽ tập trung quân để san bằng căn cứ của tiểu đoàn chúng ta. Chính tôi được nghe tên tỉnh ủy nói với thuộc hạ rằng đường Trường Sơn đã được khai thông, căn cứ chúng ta ở đây không còn cần thiết để cho chúng nhận đồ tiếp tế. Tôi không biết chúng nhận bằng cách nào. Như thế chúng ta đã trở thành cái gai trước mắt địch và chúng cần phải nhổ bỏ, san bằng. Vừa qua dù có thất bại buớc đầu, tôi tin rằng địch quân vẫn không từ bỏ chuyện tập trung chủ lực để tấn công chúng ta lần nữa. Vấn đề hiểu biết của tôi chỉ có thế. Tôi muốn trình lên thiếu tá và quý vị để tìm một giải pháp phòng thủ hữu hiệu hơn. 

Thiếu tá Chữ nhìn Nhật gật đầu, có ý bằng lòng với những gì chàng nói, ông càng bằng lòng hơn khi thấy Nhật vô cùng khiêm tốn, không khoe khoang thành tích của chính mình cho dù những gì thâu lượm được hôm nay đều nhờ vào sự can đảm của chàng mà có được. Trước khi muốn đưa đến một quyết định chung, ông muốn hỏi xem ý kiến của từng người. Lần lượt từng người đều nói ra ý kiến của mình. Nói chung là ai cũng đồng ý với Nhật là địch sẽ tấn công và vấn đề xe tăng của địch được đưa lên hàng đầu để tranh luận, tìm biện pháp để tiêu diệt. Chỉ có hai ông tiểu đoàn phó và sĩ quan tình báo là thắc mắc, muốn đặt câu hỏi thêm với Nhật. Họ chưa thỏa mãn với câu chuyện Nhật kể. Một vài chi tiết cần được giải thích. Nhật nhìn hai ông mỉm cười, chàng không muốn nói dối, chỉ vì tình thế bây giờ chưa cho phép. Vả lại bây giờ còn nhiều chuyện liên quan đến tình cảm nên chàng chưa tiện nói ra. Nhật tránh né câu trả lời và xin khất hẹn hai người một lúc nào đó, khi mọi chuyện đã sẵn sàng. 

Thiếu tá Chữ có ý bênh đỡ Nhật. Ông cũng thấy có một vài điểm thắc mắc nhưng chưa tiện hỏi. Ông tin chắc rằng Nhật có lý do và định rằng sẽ hỏi riêng chàng. Sau đó ông đưa ra quyết định cho tất cả mọi người. 

-Quý vị đã được nghe Thiếu úy Nhật trình bày cặn kẽ về chuyến hành quân lục soát vừa rồi qua đồi Trinh Nữ. Chúng ta đã có trong tay một phần tin tức khá chính xác của địch. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay tôi quyết định chúng ta sẽ tăng cường phòng thủ và chỉ hành quân thám sát ở cấp tiểu đội đễ thăm dò . Đáng lẽ ra sau khi địch rút quân về Tà Noát tiểu đoàn phải gửi quân truy lùng tức khắc nhưng tôi thấy có nhiều trở ngại. Trước tiên muốn cuộc truy kích có kết quả chúng ta phải đổ quân cấp tiểu đoàn may ra mới lục soát hết được cả vùng lòng chảo rộng lớn đó. Điều này thật khó vì chúng ta không xin được trực thăng nhiều để đổ cả tiểu đoàn. Bây giờ khắp mọi nơi chiến trường đều sôi động. Quân đội ta phải đưa quân sang biên giới Miên, Lào. Hành quân Lam Sơn 719 đang ở vào giai đoạn quyết liệt, gay go nên mọi nhu cầu mình xin không thể thõa mãn ngay được. 

-Thứ hai như điều Thiếu úy Nhật vừa trình bày là tiền đồn của chúng ta bị bỏ cát vào các khẩu đại liên. Điều đó chứng tỏ rõ ràng chúng ta đang bị nội tuyến. Có nghĩa là địch đang ở cạnh chúng ta. Vậy thì công tác khẩn cấp là chúng ta phải chỉnh trang nội bộ tìm ra manh mối địch. Tôi và đại úy Nghĩa, chuẩn úy Lương đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này. Nhưng mà muốn có kết quả cần có sự đóng góp tích cực của quý vị đại đội trưởng. Chính quý vị kiểm soát, đặt kế hoạch trong nội bộ của mình để phác giác kịp thời hoạt động của địch như thiếu úy Nhật đã làm. 

- Điều thứ ba tôi chỉ nhắc lại vì tôi đã ký quyết định bổ nhiệm sáng nay đó là trung úy Hoàng Lê giữ chức quyền đại đội trưởng đại đội Một thay cho thiếu úy Trần Bi bị thương sáng hôm nay. Thiếu úy Nhật quyền đại đội trưởng đại đội Ba thay cho Thiếu úy Ruồi đi học sĩ quan hoàn hảo. Tạm thời tiểu đoàn chỉ có lệnh thế, khi nào có sự thay đổi tôi sẽ thông báo sau. Bây giờ quý vị có thể ra về lo vấn đề phòng thủ cho đại đội. Nhật đứng lên,vừa đi vừa suy nghĩ lời nói của vị tiểu đoàn trưởng. Rõ ràng là ông đang chờ nơi Nhật một phần nào câu chuyện thật của cuộc hành quân và kế hoạch của chàng. Chẳng phải vì Nhật tài giỏi hơn người mà vì chàng đang nắm trong tay những dữ kiện chính xác nhất về địch. Trước sau gì chàng cũng phải nói hết với ông nhưng không phải bây giờ vì kế hoạch của chàng chỉ mới bắt đầu. 

Nhật nghĩ nhanh đến người con gái và những lời nàng nói trưóc khi ra vùng địch. Chàng lo lắng quá. Không biết nàng có đủ khôn khéo để tránh khỏi những cặp mắt nghi ngờ như cú vọ của tên quỷ việt cộng đội lốt người mang tên anh Ba kia không. Qua những điều nghe thấy được. Nhật thấy hắn ta đã có ý nghi ngờ. Chàng thấy trong lòng nóng như lửa đốt lại lo ngại cho nàng. Nhưng thôi, hãy bỏ tất cả lo lắng sang một bên để lo cho kế hoạch. Bây giờ chàng phải tìm giấc ngủ để bù cho một đêm thức trắng. Ngày mai Nhật phải đóng vai một kẻ si tình, hẹn hò với một người đẹp để tìm hiểu thêm những tin tức trước khi trình lên vị tiểu đoàn trưởng của mình. 

Nhật đưa tay vào túi nắm lấy phong thư tình mà Vũ Văn Vinh trao cho chàng buổi sáng nhờ chuyển giao cho cô giáo Ngọc Anh. Chàng phải tới trường tiểu học ngay bây giờ để hoàn thành sứ mạng của tình yêu mà Vinh đã ân cần nhờ vả . Sau đó Nhật bắt đầu một cuộc hẹn hò tình tứ với Thúy Vân ở bên bờ suối. Tuy là một công việc đã nằm trong kế hoạch, rất bình thường mà Nhật vẫn thấy lòng xao xuyến, bâng khuâng. Chàng bước ra cửa phòng hành quân, vẫy tay ra hiệu cho ba thằng đệ tư đang chờ rồi lẳng lặng bước đi về phía doanh trại của mình. Đêm đầu tiên trong căn cứ, tuy cơn mệt nhọc và buồn ngủ làm đôi mắt chàng sụp xuống Nhật vẫn phải viết một bức thư tình. Bức thư đầu tiên kể từ ngày chàng đặt chân đến Gia vực được mở đầu bằng câu: Thúy Vân , em yêu dấu.


(còn tiếp)

Nguyễn Bá Thuận