28 February 2017

QUA ĐỒI TRINH NỮ (Chương 2 & Chương 3) - Nguyễn Bá Thuận


Chương Hai
Tiếng súng lại nổ lên dòn dã ở phía chân đồi, tiếng súng như vang vang sát bên tai làm cho Nhật quýnh quáng ngồi ngay dậy. Bỏ mẹ, hay là mấy thằng du kích mò lên hỏi thăm mình. Nhưng lạ quá, sao mấy thằng lính của chàng cứ tỉnh bơ nấu nướng cho khói cuộn lên một góc. Chàng ngao ngán nhớ lại bài học chiến thuật mà mấy ông huấn luyện viên trường Võ Bị Quốc Gia dạy cho trong mùa quân sự. Nào là dừng quân là phải bảo mật, không được nấu nướng cho khói um lên, ngay cả không được đốt một điếu thuốc vì sợ rằng địch quân ngửi thấy. Thế mà chúng nó lại công khai ồn ào như đang có tiệc liên hoan, ơi ới gọi nhau như đang đi cắm trại. Giận quá chàng đứng dậy hét lên:


- Dẹp, dẹp hết, ai cho mấy người nấu nướng kiểu này. Trung sĩ Thế đâu?

Ông trung sĩ tiểu đội trưởng hớt hải chạy ra, mắt đỏ hoe vì đang thổi lửa. Nhật nhìn quanh thấy hai thằng tà lọt cùng với thằng Nhiều cũng đang trút mấy hộp thịt vào chiếc nón sắt đầy rau rừng đang sôi trên bếp. Nói ai được bây giờ khi chính mấy thằng đàn em thân tín của mình nghênh ngang nấu nướng cho xếp. Chàng chán nản và lờ mờ đoán rằng muốn thay đổi lại cũng không phải dễ, tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà chính yếu là chàng có kiên quyết hay không. Quãng đường trước mặt đầy những gai chông lởm chởm như vách đá Trường Sơn. Nhật đành dịu giọng:

- Ông coi lại mấy thằng gác giặc xem, súng nổ gần quá. Hay tụi nó đang mò lên chỗ chúng mình?

Trung sĩ Thế đang đứng nghiêm chỉnh để chờ đợi những lời khiển trách thấy thế mừng vui trả lời:

- Ồ, đó là tiếng súng M16 của mình đó thiếu úy. Chắc là ông Ớt với ông Viện đang lên.

Rồi như muốn giải thích thêm cho ông trung đội trưởng mới của mình, Trung sĩ Thế nói tiếp:

- Trình thiếu úy, tự nãy giờ toàn là tiếng súng M16 với lại M79 của ta không. Tiếng AK nổ nghe dòn lắm, biết liền. Nhất là cối sáu mươi mốt hay tám hai của tụi nó nổ khiếp hơn M79 của mình nhiều. Lính mình đi tới đâu là giộng tới đó cho nhẹ bớt, khỏi mang về chi cho mệt. Nhất là chỗ nào mà tình nghi là mấy ổng ấy cho bắn khiếp lắm. Từ lúc mình đổ quân tới giờ đã đụng với tụi nó đâu, chỉ toàn là tiếng súng của quân ta. Vả lại khi thấy trực thăng mình đổ xuống là tụi nó lặn đi mất tiêu, đâu dám chường mặt ra. Thiếu úy coi, mấy chả đang cho đốt lửa cháy rực dưới bờ ruộng kia kìa.

Nhật nhìn theo hướng chỉ tay của người trung sĩ già, dạn dày kinh nghiệm, quả nhiên có nhiều đống lửa cao ngất. Qua ống nhòm chàng còn thấy rõ những ông lính áo hoa của chàng như đang đùa với lửa. Nhật vẫn không hiểu tại sao mà khi vừa đổ xuống, súng ở đâu mà nổ kinh khiếp thế. Chàng phân vân nửa như muốn hỏi người hạ sĩ quan già gần bằng tuổi bố, nửa như mắc cở về sự thiếu kinh nghiệm của mình. Trung sĩ Thế hình như cũng đoán được nỗi khó khăn của Nhật, ông nói rõ thêm: 

- Trình thiếu úy, lúc nãy trước khi đổ quân, súng nổ dữ dội là do trực thăng vũ trang bắn dọn bãi. Tiểu đội của ông Viện xuống trước là ào qua cánh đồng chạy sang gò phía bên kia ngay. Ông Viện nổi tiếng nhất đại đội là gan lỳ và phản ứng mau lẹ. Ông ấy cho lính dàn hàng ngang vừa chạy vừa bắn như lúc xung phong chiếm mục tiêu. Đôi lúc hơi quá nhưng mà được cái chắc ăn, dù có bị phục kích bất ngờ thì tiểu đội ông ấy cũng xoay sở kịp.

Nhật lặng yên suy nghĩ về người hạ sĩ quan trung đội phó của mình. Hôm qua trước khi đi, vì biết Nhật mới ra trường và chưa có kinh nghiệm, Viện đã khéo léo xin chàng cho ông ta được sắp xếp công việc lấy cớ rằng chàng cần nghỉ. Mà từ trước tới nay công việc chỉ huy trung đội vẫn nằm trong tay Viện vì thiếu úy Kiên trước đây không cần biết gì hơn ngoài... rượu và gái. Chẳng thế mà ngay lúc hành quân điều động trung đội lại là thằng Nhiều mang máy truyền tin. Thì ra từ lúc đổ quân tới giờ chỉ toàn là tiếng súng của phe ta bắn ra để thị uy với địch, cả những tiếng súng M79 hay M72 mà chàng đã lầm tưởng rằng tiếng súng cối đâu đó nã về. Mớ kiến thức quân sự mà quân trường nhồi nhét cho chàng cần phải được đi đôi với kinh nghiệm và thực tế. Kinh nghiệm có được hôm nay Nhật đã phải trả bằng... mồ hôi đẫm ướt trong lúc leo đồi, những nhút nhát, lo sợ, cuống cuồng dưới ánh mắt nhạo báng của những người thuộc cấp. Chắc là trong khi Nhật chúi xuống để tránh những lằn đạn tưởng tượng thì thể nào trong đám lính vây quanh cũng có đứa bụm miệng cười thầm. Chao ơi, nhục ơi là nhục. Đã sợ chết đến như thế mà ngày xưa còn bày đặt tình nguyện đi lính hiện dịch. Dắt cả trung đội đi hành quân rồi phó mặc cho ông trung đội phó với hai tiểu đội chịu trận ngoài kia, còn mình thì leo tuốt lên đây lo chuyện ăn với uống. Thế thì làm sao mà dám tự hào như lời thằng bạn đã viết, được lấy làm lời tâm nguyện cho tất cả các tân sĩ quan khi quỳ xuống tuyên thệ trong ngày mãn khóa: "Ta sinh ra để làm những việc cao cả". Đầu óc Nhật bừng lên niềm hổ thẹn. Nỗi tức tối ngay chính mình làm tim chàng đập mạnh. Nhật đứng thẳng dậy, đội nón sắt lên đầu, đeo lại dây bạ chạc. Chàng cầm thêm một cây M16 rồi ra lệnh cho Trung sĩ Thế.

- Ông về tập họp ngay tiểu đội, chỉ trừ mấy thằng gác ngày, năm phút nữa sẵn sàng theo tôi. Tôi nhắc lại năm phút phải sẵn sàng, ông nghe rõ chưa?

- Dạ rõ, thế nhưng còn đồ ăn đang nấu?

- Bỏ lại đó cho đến khi xong công tác. Ông dặn mấy thằng ở lại canh gác cho cẩn thận, tuyệt đối không được tự ý di chuyển cho đến khi trung đội trở lại, nghe rõ chưa?

Quay sang phía thằng Nhiều, chàng đã thấy nó sửa soạn mang máy lên lưng. À thì ra thằng này khôn ngoan hơn chàng tưởng. Nghe Nhật ra lệnh cho Trung sĩ Thế nó biết ông thầy đang giận nên đã làm trước những gì nó phải làm. Cả hai thằng Kiệt và Du cũng đang chuẩn bị thu dọn đồ đạc. Nhìn những quân dụng vừa mới trải ra ngổn ngang trên mặt đất, Nhật dịu giọng:

- Kiệt và Du ở lại đây, nhớ giúp mấy thằng gác ngày, quan sát cho cẩn thận.Trung đội sẽ tạm dừng quân ở đây chiều nay.

Nói xong Nhật bước về phía Trung sĩ Thế đang hò hét mấy thằng lính lè phè. Những tiếng chửi thề, than vãn bỗng im bặt khi Nhật lại gần. Chàng xốc lại ba lô đang đeo trên vai rồi ra hiệu cho cả tiểu đội theo xuống đồi. Đi hành quân Nhật cũng đeo ba lô với đầy đủ khẩu phần lương khô và cầm một khẩu M16 như những người lính khác. Chàng còn quá mới với trận địa nên những gì đã được học ở quân trường vẫn là kim chỉ nam cho những ngày tháng gian lao khổ cực đầu tiên này. Những người lính nhìn chàng có thiện cảm hơn hẳn ông trung đội trưởng tiền nhiệm chỉ vì cách xử sự thân tình không xa cách của chàng.

Mấy tháng trước đây, trong bài tiểu luận dành cho ngày tốt nghiệp, Nhật đã viết về tinh thần Do Thái. Chàng mong muốn lấy đó làm khuôn mẫu cho người lính Việt Nam trong cuộc chiến đấu dai dẳng với quân Cộng Sản. Trong quân đội Do Thái, người sĩ quan luôn luôn nói "theo tôi" thay vì nói "tiến lên" như các quân đội khác. Đây là một hành động dũng cảm của người chỉ huy, do đó mà quân đội Do Thái đã chiến thắng oanh liệt kẻ thù đông hơn gấp cả trăm lần. Chính vì đang nghĩ và muốn bắt chước như thế nên Nhật cứ bất chấp hiểm nguy, tiến về phía trước.

Nhưng Trung sĩ Thế luôn luôn là một người hạ sĩ quan có nhiều kinh nghiệm và vô cùng điệu nghệ, không để Nhật phải đi đầu dù rằng chàng muốn thế. Ông đã mau mắn cho mấy thằng kinh binh chạy trước. Đường đi xuống không vất vả mệt nhọc như lúc đi lên làm cho Nhật như có thêm sức mạnh. Những tiếng súng giờ đây đã phần nào quen thuộc, Nhật dần nhận ra được tiếng súng ở từ mọi phía, chàng an tâm tiến bước. Chỉ một lúc sau là Nhật đã đứng ở bậc ruộng cao nhất của cánh đồng loang lổ cháy. Phía trước mặt, những người lính đang vây quanh đống lửa, mặt mày rạng rỡ với những xâu thịt được nướng nguyên cả lông chưa cạo.

Chàng lấy làm lạ hỏi thằng Nhiều:

- Thịt ở đâu mà đứa nào cũng có cả xâu trên ba lô vậy?

- Chắc là mấy con heo của tụi Việt Cộng thả rông trong rẫy chớ gì. Ông thầy nên nhớ rằng đây là vùng của tụi nó nên tất cả cái gì có ở đây là của tuị nó hết.

Nhật nhìn ra xa cả một cánh đồng ruộng bậc thang chạy dài hàng cây số. Cả một lòng chảo rộng được địch quân canh tác, nếu được mùa có thể nuôi nổi và dấu kín cả một sư đoàn. Dù chưa có một kinh nghiệm gì về chiến trường nhưng chàng cũng nhận ra rằng trung đội của chàng thật quá ít để đi lục soát một vùng đất đai như thế. Nhưng mà được cái đất đai tuy có rộng nhưng bỏ hoang rất nhiều, chỉ có vài khoảng đất nhỏ còn đang được canh tác. Điều này có nghĩa là chúng thường xuyên bị lục soát và đánh phá. Nhật bước lại gần hơn bên đám lửa. Thấy chàng, trung sĩ Viện vội chạy lại:

- Thiếu úy, tôi tưởng thiếu úy đã lên đồi?

Giọng của ông thành thực, không có chút gì là chế nhạo hay diễu cợt, vì ông nghĩ rằng Nhật là trung đội trưởng, chức vị cao hơn thì phải được an nhàn và bình an hơn. Từ trước tới nay đều xảy ra như vậy, nhất là khi còn Thiếu úy Kiên chỉ huy, cái lệ ấy được phát huy một cách công khai và triệt để. Nhật nhìn thẳng vào mắt người hạ sĩ quan thuộc cấp, thành thực trả lời:

- Lúc nãy tôi chưa quen nên hơi mệt, tính leo lên đồi nghỉ chân một lát nhưng nghĩ lại mấy ông ở dưới này lại không an tâm nên quay xuống.

- Ba cái chuyện lặt vặt này có đáng gì, thiếu úy để chúng tôi lo, ông cứ nghỉ cho khoẻ. Tối nay mình có tính về luôn không thiếu úy?

Nhật không trả lời ngay, chàng hỏi lại Trung sĩ Viện:

- Công tác hoàn thành tốt đẹp chứ? Có gì lạ không?

- Thì cũng như mấy lần trước, gặp gì mình phá nấy. À mà ở phía con suối bên phải này có cái nhà chúng nó mới dựng lên. Đứng trên đồi không thấy được vì nó khuất dưới tàn cây, theo tôi ước lượng thì tụi nó ở đây chắc đông hơn tiểu đoàn phỏng đoán, thấy mình quá đông chúng nó chưa ló mặt ra nhưng chắc chắn nó sẽ bám sát tụi mình.

Mắt Nhật chợt sáng lên, chàng hỏi dồn:

- Ông thấy có cái nhà, thế có gì trong ấy, ông có cho phá hủy không?

- Thì tôi cho đốt liền nhưng chắc tụi nó mới làm, cây còn tươi nguyên, khó cháy lắm, để mình lên đồi cho chúng nó tưởng rằng mình đã rút đi, thế nào cũng mò ra là mình kêu pháo binh dập xuống. Nhật nhìn thẳng vào đôi mắt người thuộc cấp, chàng muốn chuộc lại những hốt hoảng lầm lẫn ban đầu, muốn cho Trung sĩ Viện hiểu rằng chàng hoàn toàn không giống ông Thiếu úy Kiên lúc trước. Nhất là chàng, một thanh niên đã chọn binh nghiệp cho cả một đời không thể không can đảm. Nhật cương quyết ra lệnh:

- Khỏi cần, ông dẫn tôi tới đó.

Trung sĩ nhất Nguyễn Minh Viện ngạc nhiên nhìn lại ông thiếu úy trung đội trưởng mặt còn non choẹt của mình. Không, trong ánh mắt trong sáng kia ông thấy chân thành và dũng cảm, khác hẳn với ánh mắt sợ sệt nhưng đầy dục vọng của Thiếu úy Kiên trước đây. Ông cũng cảm thấy phấn khởi nhưng vẫn còn thận trọng.

- Bây giờ cũng đã về chiều, mình vừa rút ra biết đâu chúng lại mò đến.

- À, thế thì mình lại càng phải quay trở lại.

Nói xong, Nhật ra hiệu cho một người lính Hre đang cầm khẩu M79 đưa súng cho chàng. Đạn đã sẵn trên nòng, Nhật chỉ dương biểu xích lên và nhắm bụi cây xa xa mà Viện chỉ cho rồi bóp cò. Viên đạn chui ra khỏi nòng, bay vụt tới cành cây nổ xòe ra như đóa hoa bằng lửa. Tiếng nổ dòn tan làm cho Nhật càng thêm phấn khởi. Khói súng kích thích mạnh vào tâm hồn, thần kinh chàng làm cho Nhật cảm thấy thêm tự tin và cứng rắn. Chàng cười thầm cho nỗi sợ sệt ban đầu của mình. Những người lính vây quanh chàng vỗ tay tán thưởng trong lúc đó Trung sĩ Viện cũng reo lên.

- Đó, đó, căn nhà của tụi nó ngay chỗ đó, thiếu úy. Mình đi ngay kẻo tối.

Nhật quay lại dặn dò Trung sĩ Thế nằm lại chờ ở trên bờ rồi ra lệnh cho Viện dẫn chàng đi. Chỉ bằng những thủ lệnh đơn giản nhanh và gọn của Viện, đoàn quân đã thay đổi đội hình tiến tới mục tiêu. Nhật bám lấy những lùm cây nhỏ lần xuống khe. Chừng mười lăm phút sau chàng đã dừng bước trước một vạt đất không rộng lắm, ăn sâu vào vách núi, nhờ những cành cây rậm rạp trên đầu che lấp nên đứng ở phía trên Nhật không thấy được. Dưới tàn cây, một chiếc lều cheo leo đã bị giật đổ, mái làm bằng nứa còn tươi, nằm ngổn ngang trên mặt đất.

Bỗng nhiên Trung sĩ Viện ra hiệu cho mọi người dừng lại, ông chạy tới bên Nhật, kéo chàng nấp sau một tảng đá to, chỉ vào mái lều vừa sập:

- Thiếu úy coi, tụi nó vừa mò về không ngờ mình quay trở lại, nên chắc đang lẩn trốn đâu đây.

- Thật không, sao ông biết?

- Kia kìa, ông có trông thấy cái túi vải treo lủng lẳng kia không. Khi nãy tôi cho quần nát bấy khu này rồi mà có thấy gì đâu. Mình phải cẩn thận mới được.

Nhật đưa mắt nhìn quanh, bốn bề im lặng, lạnh lùng. Cái cảm giác rờn rợn chợt thoáng qua trong đầu óc. Trên cành lá cây rừng chim vẫn hót. Biên giới của sự sống và chết thật gần kề, tiếng chim líu lo vang vọng trên kia là sự sống, và nỗi lạnh lùng ghê rợn quanh đây là sự chết. Hôm nay chàng đang đi giữa hai lằn ranh sống chết. Chỉ một giây ấn tay vào cò súng, một tiếng nổ bùng ra là một mạng người nằm xuống, dễ dàng và mau lẹ như một hơi thở, mau lẹ hơn cả những lời nhắn nhủ của người thân lúc bước ra đi...

Nhật cố xua đuổi những ý nghĩ bi thảm, chàng nhìn vào mái lều sụp đổ. Trên chiếc cọc ngắn duy nhất còn đứng thẳng, một chiếc túi vai đen đã bạc màu treo trên đầu cọc. Rõ ràng là khi lính của chàng vừa rút đi thì bọn nó đã mò về xem xét. Chúng không ngờ bọn chàng quay trở lại nên hốt hoảng lẩn trốn, vội vã quên cả cái túi xách kia. Nhưng mà chúng chạy vào đâu khi lính của chàng đã vây bủa khắp nơi trên dưới. Chỉ có nước là chui xuống đất. Chắc là thế. Nhật vẫn thường được dạy khi còn ở trong trường là mấy thằng du kích chuyên môn chạy xuống hầm bí mật mỗi khi cùng đường. Vậy thì chúng còn ở quanh đây. Hay là chúng cố ý để lại gài bẫy bọn chàng? Biết đâu cái túi vải kia chẳng có một sợi dây nối liền với một quả lựu đạn hay một trái mìn định hướng. Nghĩ thế, chàng ra lệnh cho Trung sĩ Viện.

- Ông cho lấy cái túi xách kia xuống cho tôi, nhớ nói tụi nhỏ phải cẩn thận, có khi bọn nó gài lại.

Hai người lính khinh binh thận trọng tiến tới. Họ đã quen thuộc với trận địa nên rất lanh lẹ và chính xác, chỉ vài phút sau là cái túi được gỡ ra khỏi cọc. Nhật ra dấu cho họ mang tới ngay cho chàng.

Chiếc túi xách màu đen không lớn lắm, tuy đã bạc màu nhưng thật là xinh xắn, có lẽ nó đã được may bằng một bàn tay khéo léo. Nhật mở túi, thò tay vào lấy ra một cuốn sổ nhỏ, có lẽ vừa là sổ chấm ăn vừa là nhật ký, chàng lần giở vài trang, trao cho Viện rồi đưa tay vào túi vải. Bỗng Nhật giật mình, chàng vừa chạm vào một vật gì vô cùng mềm mại. Nắm chặt trong tay, Nhật dùng tay kia banh miệng túi nhìn xem. Trong lòng bàn tay chàng một chiếc mini xì líp đang nở bung ra như một đóa hoa ngọc anh trắng muốt. Chiếc xì líp kiểu mới được làm bằng vải pha với nylon, nhẹ tênh, mượt mà vô cùng quyến rũ. Nhật nhắm mắt, bàng hoàng, ngây ngất nghĩ đến miền da thịt quyến rũ, thơm tho khi mảnh vải êm ái kia úp vào. Chiếc xì líp quá nhỏ, chỉ vừa che đủ cái hấp dẫn nhất trong thân thể một người con gái mà chàng đã lâu chưa hề được thấy. Một cảm giác rạo rực, cuồng bạo nổi lên trong thân thể làm cho Nhật chợt như không còn đứng vững.

- Ồ, thiếu úy làm sao thế? Ông có mệt lắm không?

Tiếng kêu thảng thốt của Trung sĩ Viện làm Nhật như tỉnh cơn mơ. Chàng quay sang người thuộc cấp mỉm cười rồi lại ngó vào trong túi vải, bên cạnh chiếc xì líp là một chiếc nịt vú và một chiếc gương soi, tất cả những đồ vật còn mới tinh, chắc chưa được dùng qua lần nào. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra cho Nhật. Ở một nơi đèo heo hút gió, sống và chết chỉ là một lằn ranh, tại sao lại có một người con gái, chắc hẳn phải là một người con gái đẹp, một thiếu nữ người kinh khác xa hẳn những nàng sơn nữ ngực để trần phơi đôi vú tròn to dưới nắng. Chiếc quần lót này là kiểu mới nhất, chứng tỏ rằng cô nàng vừa chạy núi. Chàng chưa gặp Việt Cộng bao giờ nhưng suy ra từ những lời diễn tả của các bậc đàn anh thì mấy con mẹ du kích hay giao liên Việt Cộng đều có họ hàng với Chung Vô Diệm. Chẳng là họ không có hy vọng gì có được tấm chồng như những người con gái khác nên đi làm giải phóng. Nhưng mà đây, người con gái có chiếc quần áo lót chắc phải dễ thương quyến rũ như những đồ vật mềm mại, êm ái kia.

Trung sĩ Viện lại reo lên, ông ta vừa thấy xếp trong trang giấy, một tấm ảnh đã phai màu. Nhật đưa tay cầm lấy quyển sổ và bức ảnh đưa ngang tầm mắt. Chàng bỗng sửng sốt khi nhận ra bức ảnh vô cùng quen thuộc. Bức hình được chụp từ lâu lắm. Nhật gấp ngay cuốn sổ, bỏ tất cả mọi thứ vào trong túi vải rồi chàng tháo ba lô trên vai xuống, cẩn thận xếp chiếc túi dưới đáy ba lô. Đầu óc Nhật làm việc không ngừng, chàng cố tìm những lời giải đáp cho những câu hỏi quay cuồng trong đầu, nhất là phải quyết định làm gì ngay lúc này đây.

Nhật vẫy tay ra dấu cho Trung sĩ Viện lại gần, rút tấm bản đồ trong túi quần trận trải lên tảng đá. Những vòng cao độ màu nâu dày đặc chiếm hầu hết trên mặt bản đồ, xen lẫn những chấm xanh đỏ ghi những trục tọa độ, những điểm đóng quân. Nhật dùng đầu chiếc bút màu, chỉ vào một vòng cao độ mà chàng xác định là điểm đang đứng rồi hỏi Viện:

- Chúng ta đang đứng ở đây, vẫn còn nằm trong tầm đạn pháo binh của tiểu đoàn, vì vậy tôi quyết định ở lại đây đêm nay. Chung quanh đây có ba ngọn đồi, ngọn gần nhất thì đã có lính của mình trên đó, còn hai ngọn kia mình xin bắn pháo binh nhỏ giọt. Ông nghĩ thế nào?

Trung sĩ Viện mở to mắt kinh ngạc nhìn Nhật. Thường thường thì sau mỗi lần đổ quân càn quét kỹ càng như hôm nay là trung đội phải rút lui lẹ làng để tìm điểm qua đêm. Đường về doanh trại không xa lắm nếu tính theo khoảng cách chim bay nhưng trong thực tế xa xôi và gian khổ hơn nhiều. Trước đây, mỗi lần đổ quân là Thiếu úy Kiên chạy thẳng lên đồi, nằm chờ Viện và Ớt đốt phá càn quét xong là cùng nhau rút lẹ. Ông ta cẩn thận chọn một cao điểm an toàn và gần doanh trại để qua đêm. Sáng hôm sau ngủ dậy chỉ việc tà tà cà phê thuốc lá, chờ chiều xuống kéo quân về. Không ai dám dừng quân ngay trong vùng đất địch bởi vì trên trận địa, ban ngày thì quân ta làm chủ tình hình, nhưng đêm tối thì ta co cụm lại trong một vùng đất vô cùng xa lạ. Khi ấy địch quân bắt đầu bám sát. Không biết cái ông thiếu úy này toan tính gì trong đầu mà hỏi câu này. Viện thận trọng trả lời:

- Tôi thấy không nên lắm vì đây là vùng của chúng nó, ban đêm chắc chắn tụi nó không chịu thua mình đâu .Vả lại nếu mình nằm lại đây hôm nay thì tối mai chưa chắc mình về tới doanh trại.

- Sao lại không kịp. Này nhé, mình không đi theo con đường mà Thiếu úy Kiên đi trước đây, xa lắm. Tại sao ta không men theo bờ sông Re có phải gần hơn không?

- Nhưng nếu thiếu úy đi đường này là phải băng ngay qua đồi Trinh Nữ.

- Thì chúng ta băng ngang qua chứ sợ gì.

- Ồ, cái này thiếu úy nên xét lại, bọn lính thượng, ngay đến cả ông Trung sĩ Ớt nghe nói đến gần đồi Trinh Nữ là đã run bắn lên rồi, còn đi với đứng gì được .Mấy thằng lính người kinh mình cũng có đứa xón đái ra quần chứ chẳng chơi.

Nhật ranh mãnh hỏi người thuộc cấp đã có tiếng là gan lỳ và can đảm.

- Thế còn ông thì sao, có sợ không ? Ông tin có ma thật không, ông Viện?

- Tôi thực ra thì chưa thấy bao giờ. Nhưng mà nghe chúng nó nói riết cũng hơi ớn ớn.

- Ông nghe ra làm sao?

- Thì tụi thượng quanh vùng đều bảo rằng đồi Trinh Nữ linh thiêng lắm, ai mà tới gần đều bị nó bắt cả hồn lẫn xác. Bọn họ mỗi khi đi rừng về là tránh xa, không dám đi gần, cũng có những đứa không tin mò mẫm vào đều chết ngắc. Ngay đến cả ông Thiếu úy Ruồi nhà mình cũng ớn luôn. Nhất là sau khi tìm thấy xác của Thiếu úy Kiên nổi lên trong sông Re sát chân đồi Trinh Nữ.

- Thế ông Kiên cũng mò lên trên đồi Trinh Nữ à?

- Đâu có, Thiếu úy Kiên sợ lắm, vậy mà không hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường làm sao mà ông ấy lại bỏ xác dưới chân đồi như thế.

- Đấy, đấy. Ông thấy không, sợ hay không một khi mà đã tới số thì đâu tránh khỏi. Bây giờ tôi quyết định thế này. Tôi sẽ cho ông trung sĩ Thế và trung sĩ Ớt dẫn lính của ông nằm lại phòng thủ trên đồi. Còn ông chọn lấy một hai thằng khá khá theo tôi. Có điều hơi phiền là cả trung đội chỉ có một máy truyền tin thành thử mình nằm lại phải dùng pháo lệnh để liên lạc với nhau.

- Mình đi đâu thiếu úy?

- Không đi đâu cả. Mình cho bắn phá quậy nát rồi cho lính mình rút hết. Riêng ông và tôi, thằng Nhiều và mấy thằng lính của ông sẽ nằm lại ngay đây.

- Giỡn chơi thiếu úy?

- Sao lại giỡn. Ông không thấy là tụi nó nằm đâu đây sao? Mình còn ở đây thì sức mấy chúng nó bò lên. Mình phải rút lui thì may chúng mới ló mặt ra.

- Á, à đúng rồi. Nhưng nằm lại đây cũng ớn lắm chứ chẳng chơi. Ông thầy thử nghĩ xem mình nằm dưới thung lũng khác nào cá nằm trên thớt.

Nhật ngạc nhiên thấy lần đầu tiên Viện gọi mình bằng ông thầy, chắc trong lòng ông ta cũng đã dành cho chàng chút ít cảm tình hay kính phục nào đó. Chàng giải thích:

- Tôi cũng biết là nằm lại dưới trũng sâu này rất là nguy hiểm. Nhưng mình có được một lợi điểm vô cùng to lớn đó là yếu tố bất ngờ. Trong chiến tranh chữ ngờ thường khó học cho cả ta và địch. Ông thử nghĩ coi: Việt Cộng thường tự hào rằng chiến trường ban đêm là của tụi nó, chúng nó không thể ngờ rằng mình dám cả gan nằm lại đêm nay, nên chúng nó chắc sẽ ló mặt ra khi tưởng quân ta đã rút hết đi rồi, lúc đó chúng mình tha hồ hốt về một mẻ cá lớn như Đại úy Nghĩa đã nói, có đúng không nào?

Nói xong, Nhật vui vẻ đến vỗ vai người thuộc cấp, chàng cũng ngạc nhiên thấy lòng mình bình tĩnh lạ lùng. Có lẽ tấm ảnh và những đồ vật chàng đang giữ trong tay làm cho Nhật có cảm tưởng rằng địch thủ của mình chỉ là một người con gái, mà chắc là phải xinh tươi và quyến rũ như chiếc quần lót mềm mại đang nằm ngoan ngoãn trong đáy ba lô. Chàng còn cầu mong rằng những đồ vật đó đúng là của người đang giữ nó thì thật là tình cờ và may mắn biết bao nhiêu.

Trung sĩ Viện đi về tiểu đội bàn bạc, dặn dò thuộc cấp một lúc lâu rồi tới bên phía Nhật lên tiếng:

- Tôi đã thu xếp xong, thiếu úy cho anh em rút ngay chưa?

- Khoan đã, tôi còn muốn bàn lại với ông chuyện này. Ý tôi muốn thay đổi một chút. Ông chọn cho tôi ba đứa khá nhất của ông theo tôi vào điểm phục kích. Đứa nào lanh lợi mà phải rành địa thế vùng này. Tôi đề phòng trường hợp không thể về kịp hôm nay thì ta sẽ gặp nhau ngày mai trên đồi 138, Cái ngọn đồi mà Thiếu úy Kiên thường dừng qua đêm trước khi về doanh trại đó.

- Thiếu úy đừng lo chuyện đi đứng. Tụi thượng này có năng khiếu đặc biệt về đi rừng. Chúng nó chẳng cần địa bàn hay bản đồ gì, ông cứ chỉ ngọn đồi nào ông muốn tới, nó dẫn ông đi quanh co một hồi rồi cũng tới y chang.

Nhật đưa tay chỉ về phía gò đất cao nhìn xuống lòng khe duy nhất dẫn vào đồi đất trống:

- Tôi đã chọn cái bụi cây trên cái gò cao kia kìa - chàng hạ giọng nói nhỏ chỉ để Viện vừa đủ nghe - Khi tôi vào điểm xong là ông cho chúng nó bắn phá tất ca những chỗ nào nghi ngờ rồi rút luôn.

- Thế ông thầy nằm lại một mình. Còn tôi thì sao?

- Đâu có, tôi ở lại với thằng Nhiều và ba thằng con của ông đây thôi. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi là ông phải về để chỉ huy trung đội, không thể giao cho ông Thế hay ông Ớt được. Mình tôi ở đây đủ rồi. Nhớ là khi về lại trên đồi cho anh em nấu nướng thả dàn cho chúng nó chú ý nhưng phải phòng thủ, gác đêm thật kỹ càng. Tôi đoán rằng ở đây chúng nó không có pháo lớn đâu. Ông mang luôn máy theo để dễ dàng liên lạc với tiểu đoàn, nếu xong chuyện mà tôi muốn về lại với ông tôi sẽ dùng gunflare bắn lên một phát, còn tôi bắn lên hai phát thì ông cứ kéo quân về ngọn đồi mà trước đây Thiếu úy Kiên hay dừng quân để về doanh trại,

Chàng nhìn ông trung đội phó rồi mỉm cười đùa cợt.

- Biết đâu ta lại chẳng có dịp ghé lên thăm đồi Trinh Nữ.

- Thế nhưng tiểu đoàn muốn nói chuyện với ông thì sao?

- Ông cứ nói dối được tới đâu thì nói, nếu không được thì ông cứ nói thật là tôi đã vào điểm. Mình đi hành quân, đi phục kích chớ có phải làm chuyện gì sai trái đâu mà sợ. Có quân lệnh nào cấm ông trung đội trưởng đi phục kích đâu phải không ông.

Trung sĩ Viện nhìn chàng trong giây lát rồi thành thực nói:

- Ông thầy ở lại bình an, nhớ cẩn thận. Tôi sẽ cố gắng lo cho anh em. Ông nhắc lại nhớ cẩn thận ông thầy.

Nhật cười đùa cho không khí bớt căng thẳng:

- Ông đừng lo cho tôi, chỉ cần là chút nữa ông đừng cho lính bắn vào bụi cây tôi đang nấp là được rồi.

Nói xong chàng đưa mắt cho Nhiều chuẩn bị. Nó lẳng lặng tháo cái ba lô đựng máy xuống đưa cho thằng tà lọt của Viện, cả khẩu Colt 45 mà nó luôn đeo ở bên hông để nhận lấy ba lô cùng súng đạn của thằng kia. Nhiều hỏi nó.

- Có còn đủ cấp số lương khô không mày?

- Đủ hết, thế long khô của mày đâu?

- Mày về trung đội hỏi thằng Du hay thằng Kiệt nó đưa cho mày. Cả phần của thiếu úy chúng nó còn giữ.

Nhật thấy Nhiều có vẻ không vui chàng hỏi nó:

- Nhiều muốn ở lại đây hay về trung đội, nếu muốn về thì ông Viện cho tôi thêm người nữa? Nhưng Nhiều cương quyết đòi ở lại với chàng. Nó nhìn Nhật thầm như oán trách ông thấy đã coi thường bản lĩnh và sự trung thành của một thằng lính tác chiến đã từng vào sinh ra tử.

- Đâu được, em bỏ về lỡ có chuyện gì ở đây thì ai lo cho ông thày.

Nhật gật đầu ra dấu cảm ơn. Chàng dặn dò những người ở lại với chàng vài điều vắn tắt rồi rảo bước đi ngay. Tới nơi, chàng chọn một chỗ vừa kín vừa dễ quan sát rồi bảo Nhiều và ba người lính đi theo.

- Bây giờ thì chúng mình ăn lẹ một cái gì cho chắc bụng chứ chút nữa không co dịp đâu. Nhớ là chúng ta nằm lại đây để bắt sống chúng về khai thác chứ không được bắn chết trừ trường hợp bất khả kháng, mọi người nghe rõ chưa?

Mấy người lính gật đầu nhận lệnh. Họ hình như đã quá quen thuộc với cảnh này. Bốn người và Nhật cùng bỏ ba lô trên vai xuống lấy đồ ăn ra rồi lại đeo ngay ba lô lên, ngồi dựa lưng trên ba lô bắt đầu ăn trong lúc tiếng súng rút lui của trung sĩ Viện nổ vang bên suối. Khi tiếng súng thưa thớt và xa dần thì mọi người cũng đã ăn xong. Chiều nghiêng xuống dần bên khe nước , ánh nắng đã trở nên vàng nhạt. Nhật đưa tay ra hiệu chỉ chỗ cho từng người lính rồi chàng cũng ngồi dựa ngửa trên ba lô, hai tay cầm chặt khẩu súng M16 đặt ngay trên đùi.

Không gian đã trở nên màu lam thẫm, im vắng vô cùng. Không còn một tiếng động nào dù ngay cả tiếng chim kêu, màn đêm dần buông và trên trời vài ngôi sao đã bắt đầu lóng lánh trên da trời bây giờ đã như tấm thảm nhung đen...


Chương Ba
Nhật nhìn lên những vì sao, chìm đắm trong dòng suy tưởng. Những vì sao quen thuộc kia mà khoảng cách xa vời hàng triệu triệu năm ánh sáng biết đâu chẳng đã chết từ một thuở nào. So với vũ trụ bao la không có biên giới thì cuộc sống của con người thật là vô cùng bé nhỏ. Một trăm năm nào có là bao trong vòng luân chuyển của thời gian, thế mà con người cứ mải mê rình rập giết chóc nhau như chàng đang làm bây giờ. Biết là vô ly, thế nhưng mà lũ người vong bản cứ đòi đem cái lý thuyết ngoại lai man rợ áp đặt lên người dân khốn khổ của chàng. Cái lũ người cuồng tín dã man ấy đã không chừa một thủ đoạn nào để đạt tới cái mục đích ngông cuồng không tưởng.


Nhật cố nhớ lại những ngày xưa ở tận cùng dòng sông ký ức mà chàng còn nhớ được. Trên quê hương miền Bắc mù xa. Có một làng quê không xa Hà Nội là mấy. Những buổi sáng ấu thơ trời trong như ngọc, trong sân gạch rộng thênh thang bên cạnh bờ ao chạy dài theo hàng bưởi. Cậu bé Nhật chạy nhảy tung tăng. 

Có bao nhiêu niềm vui mỗi sáng, nào là xem đàn cá lội nổi lên mặt ao. Cá được thả mỗi năm lớn dần theo ngày tháng. Nhật thường hay ngồi thõng chân trên chiếc cầu dài ra tận giữa ao khuấy nước bắn tung lên làm cho đàn cá sợ hãi bơi xa. Có khi chàng trèo lên cây ổi sau nhà để rình xem những chú gà con tranh ăn, những chú ngan, chú vịt lạch bạch theo nhau tới vũng nước được dành riêng cho chúng.

Bao quanh sân gạch rộng thênh thang là ba dãy nhà được làm theo hình chữ U, đó là dinh cơ của một ông chánh tổng miền quê. Dãy ở giữa cao lớn đồ sộ hơn hết thảy là nơi thờ tự và sáu phòng dành cho sáu bà vợ của ông chánh tổng. Tuy ông đã mất từ lâu nhưng sáu bà vợ của ông vẫn còn ở chung, thân thương với nhau như chị em ruột thịt. Có lẽ tập quán thời ấy ràng buộc họ như chị em chung. 

Hai dãy nhà hai bên thấp hơn để dành cho con cái và kẻ ăn người ở. Cha của Nhật là một người con thứ của ông chánh tổng, rất chăm học và được học hành cao hơn hết thảy nên được ưu tiên ở gian đầu rộng lớn hơn các gian kia. Nhưng mà lo toan, cáng đáng công việc cho cái gia đình ấy đè nặng trên vai ông cũng nặng hơn các người anh em khác.

Đến giờ ăn, mọi người cùng dùng chung một bữa. Một hàng chõng tre dài trong nhà bếp để tất cả cùng ngồi. Không biết bao nhiêu nồi cơm được đặt lên cho đủ, không biết bao nhiêu thức ăn được dọn lên cho vừa. Các bà nội, các bác, các chú thím, cô, con nuôi, con đẻ, kẻ ăn, người làm. Bao nhiêu người Nhật không nhớ hết. Họ ăn cùng mâm cùng giờ không hề phân biệt. Cho đến bây giờ Nhật không thể hình dung được cha mẹ chàng dùng bữa như thế nào. Chàng chỉ nhớ mẹ hay thường gắp thật nhiều thức ăn vào bát cho chàng hay dấu riêng cho chàng những món ngon đặc biệt.

Mỗi buổi sáng mọi người đều ra đồng làm việc ngoại trừ sáu bà nội và mẹ Nhật ở nhà với mấy người làm lo chuyện bếp núc. Hồi chưa đi học, Nhật thường quanh quẩn bên mẹ hay chạy đi chạy lại để các bà sai vặt. Nhưng thường thì chàng hay ra sau vườn để chọc đàn gia súc.

Nhật cũng còn nhớ đến ngôi trường và ngày đầu tiên đến lớp. Nỗi sợ run run nắm tà áo mẹ trong sân trường có cây hoa gạo đỏ lưng đồi cao vút trên một vùng quê.

Đó là những kỷ niệm ít oi mà chàng còn nhớ được về nơi chốn nhau cắt rún. Về sau chàng mới biết được thêm rằng ông nội chàng đã bị một người cháu ruột theo lệnh cộng sản dẫn du kích về đâm chết. Thật là vĩ đại, một sự nhẫn tâm tàn ác vĩ đại mà chỉ có người cháu theo cộng sản mới có thể làm chuyện ấy. Mười ba nhát dao trên thân thể ông nội đủ để cho cha của Nhật, vốn là một ông giáo huyện, bỏ nghề dạy học để gia nhập quân đội Quốc Gia. Khi đất nước chia làm hai mảnh, ông bỏ hết tất cả, dinh cơ tài sản, sáu bà mẹ, hàng vài chục anh em để chỉ mang cái gia đình nhỏ bé của ông vào Nam lánh nạn.

Chuyện bắt đầu từ một trại định cư của một tiểu đoàn Bảo Chính Quân Bắc Việt thì Nhật nhớ rất rõ như vừa mới xảy ra. Nhất là những năm tháng sau này khi đã đủ trí khôn. 

Ngày ấy trên một vùng quê xứ Quảng nằm cạnh sân bay có một gò đất rừng hoang vắng. Nơi ấy có mộ của một ông quan thanh liêm Quảng Ngãi nên được gọi là Rừng Lăng. Khi xưa Rừng Lăng là một nơi hoang phế âm u, ít người qua lại. Nhưng mà dưới con mắt của ông thiếu tá tiểu đoàn trưởng Bảo Chính Quân thì lại là nơi rất tốt để lập trại định cư và nơi đồn trú. Thế là doanh trại được lập nên. Trại gia binh, chùa chiền, nhà thờ, trường học được xây cất. Rừng Lăng bỗng chốc đã trở thành trù phú và sầm uất. Những kỷ niệm của Nhật cũng bắt đầu ngày ấy.

Chàng không bao giờ quên được những buổi trưa hè nóng nực theo chúng bạn ra bờ xe nước bên sông Trà Khúc để được tha hồ bơi lội. Xe nước là một sáng kiến của người dân xứ Quảng mà hầu như không nơi nào có. Họ lập nên để dẫn thủy nhập điền. Hàng mấy chục bánh xe thật lớn mà đường kính cao bằng mấy ngọn tre được sức nước đẩy quay theo dòng nước, chuyên chở hàng ngàn ống nước đổ vào các máng dẫn ra ngoài ruộng. Nhật thường ngồi trên những bè tre dưới chân xe nước. Ở đây nhiệt độ dịu hẳn đi vì những bụi nước từ trên cao lúc nào cũng rơi xuống phủ đầy. Nước sông trong mát, không khí thơm lành thoảng mùi hương sen nắng hạ bao phủ cả một thời thơ ấu êm đềm với dòng sông Trà hiền hòa nuôi sống người dân.

Ngoài thú tắm sông mùa hạ, Nhật còn có cái thú hái hoa sen để tặng cho Trang, một cô bé vừa độ tuổi mười ba, thường hay nũng nịu vòi vĩnh bắt chàng làm đủ thứ. Nhưng bất hạnh thay cho mối tình ngây thơ vừa chớm nở đã vội tàn phai bởi một hoàn cảnh chia ly nghiệt ngã.

Nhật lớn lên và đã quen bao nhiêu người con gái khác trong sân trường. Chàng không biết Trang ở nơi nào nhưng kỷ niệm xưa thì không bao giờ quên được. Ngày tháng không hề phôi pha kỷ niệm, nhưng mà chàng phải sống, phải yêu như chàng phải thở. Chiến tranh lan rộng và như bao nhiêu người con trai khác, Nhật lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông.

Những ngày tháng đầu đời nằm trong quân trường ở miền đất mù sương Đà Lạt cũng là những ngày tháng không thể nào quên. Chỉ vừa mới đây thôi chàng vẫn còn là cậu lính học trò. Ngay cả khi vừa đổ quân lúc sáng nay chàng còn lò dò tính chui vào một bụi nào để trốn, chờ cho anh em tập họp xong mới mò ra y như những lần đổ quân giả trên bãi tập quân trường. Bàng hoàng một lúc, chàng mới kịp nhận ra là mình đang chỉ huy một cuộc hành quân mà sống chết chỉ xảy ra trong gang tấc.

Nhật lại nhớ tới Loan, người con gái trong căn nhà nhỏ nằm khép dưới chân dốc phố ngay trước cổng trường. Loan không được học nhiều để chàng hãnh diện với chúng bạn là có người yêu là nữ sinh Bùi Thị Xuân hay là những cô nàng sinh viên bên trường Chính Trị Kinh Doanh. Một cái mốt rất thịnh hành với lũ bạn của chàng lúc bấy giờ. Loan chỉ là cô gái hiền lành, làm ăn chân chất, giúp cha mẹ nuôi nấng các em, quê mùa đến nỗi có lần chàng mời nàng vào dự dạ vũ trong trường, thấy các cô gái khác tình tứ khiêu vũ với các bạn của chàng, nàng đâm ra sợ hãi nằng nặc đòi về. Nhật biết rằng Loan sợ vì nàng không hề biết khiêu vũ là gì. Sợ bị làm trò cười cho những anh sinh viên hào hoa, những cô nữ sinh lúc nào cũng làm ra vẻ ngây thơ. Thôi thì lại đưa nàng về. Vừa đi Nhật vừa khe khẽ hát, "Đà Lạt lạnh môi em vừa đủ ấm" là thế nào khi về đến nhà Loan cũng đền cho anh vừa đủ ấm. 

Rồi cũng đến những ngày chàng phải rời bỏ sân trường. Buổi sáng, nắng mai rực rỡ như cuộc đời chàng đang nghĩ. Không như các bạn bè còn phải suy đi tính lại để chọn cho mình chỗ phục vụ mai sau. Nhật chọn ngay binh chủng Biệt Động Quân. Chàng nhớ lại khi còn là cậu học trò, có lần nghe đài BBC mô tả những người lính Biệt Động, nhất là những người đang trấn giữ căn cứ Khe Sanh là những người lính can đảm nhất thế gian này. Và trong những ước mơ của chàng là được như thế, dù có phải chịu trăm đắng ngàn cay.

Chàng rời bỏ thành phố sương mù với mười lăm ngày phép và ngạc nhiên khi nghĩ lại Đà Lạt và Loan đã nằm yên trong một phần ký ức. Không bao giờ có thể quên nhưng mà không nhớ thương ray rứt, khổ sở như chàng đã nghĩ. Chắc tại Sàigòn là vùng đất có biết bao nhiêu háo hức mê say. Từ những con đường hàng me lá đổ trên công viên xưa, với những nàng con gái kiêu sa và dư thừa ác độc. Sài gòn với phố phường đông đúc yên vui, ngôi trường con gái đã làm chàng chất ngất mê say của một thời mới lớn. 

Nhật lại nhớ tới Thương, cô sinh viên đại học Văn Khoa Sàigòn. Chàng làm quen được Thương trong một lần về phép cuối năm. Với vẻ mặt lúc nào cũng làm ra vẻ trang nghiêm, nấp trong bộ đồ dạo phố mùa hè đã làm Thương lầm tưởng là chàng trang nghiêm thật. Thế là tình yêu được mùa đâm chổi nảy lộc để đến khi về lại Đà Lạt chàng cứ ngẩn ngơ ra nhớ vào thương. Chàng và Thương có biết bao nhiêu điều ngăn trở. Trước tiên là vấn đề tôn giáo. Nàng có những ông bác, ông chú, bà cô làm cha làm sơ thì chàng cũng có những ông chú làm đại đức, hòa thượng. Nhất là bà mẹ của Nhật rất mê đồng bóng. Thứ hai là chàng biết Thương chỉ thích những mẫu người đứng đắn nghiêm trang mà chàng thì chỉ giả vờ nghiêm trang. Chưa biết bao giờ thì nàng khám phá ra sự thật. Đó là chuyện mai sau, chỉ biết bây giờ hai đứa vẫn nhớ thương nhau, oán đất oán trời sao nỡ để chia ly cách trở.

Bao nhiêu chuyện đã qua rồi. Đến hôm nay, trong chuyến hành quân đầu tiên, chàng phải đối diện với những khó khăn này trong một vùng đất đầy chuyện ma quái hoang đường. Nhật đang bị bủa vây bởi rất nhiều câu hỏi và chàng hy vọng là những câu trả lời sẽ nối kết được một dĩ vãng xa xôi đầy kỷ niệm với những ngày tháng bây giờ.

Đêm đã xuống rất lâu, im lặng đến ghê rợn bao quanh mảnh trăng già vừa ló qua sườn núi. Một vì sao băng để một vệt sáng dài trên trời đêm lạnh. Nhật cố mở to đôi mắt nhìn xuống căn lều đã sập. Một người lính của chàng đã chìm trong giấc ngủ. Nhật phải nhẹ nhàng bò tới lay nó dậy để ngăn chặn tiếng ngáy.

Chàng vén tay áo hé coi giờ. Hai mảnh sáng lân tinh như chập lại làm một. Đã gần mười hai giờ đêm rồi. Bốn năm tiếng trôi qua mà chẳng thấy động tịnh gì. Hay là Trung sĩ Viện đoán sai hoặc là chiếc xách tay đã có ở đây từ trước mà ông ta vô tình không trông thấy. Chàng nhìn quanh con đường mòn độc nhất để ra khỏi giải đất này là băng ngang con suối cạn. Nếu quả thật chúng nó còn quanh quẩn đâu đây thì chắc chắn phải đi qua trước mặt chàng. Hay là chàng đã sơ sẩy cho chúng nó nghi rằng có người nằm lại. Không, Nhật đã cẩn thận từ đầu đến cuối, một tiếng ngáy khe khẽ chàng cũng đã ngăn ngừa thì chúng nó có là thánh cũng không ngờ được.

Bỗng nhiên Nhật hồi hộp đến nín thở, dưới ánh trăng chàng nhìn thấy rõ ràng có bóng cây di động, thằng Nhiều ngồi cạnh chàng khẽ đưa tay báo hiệu. Cả ba người lính đếu nhìn Nhật gật đầu đợi lệnh. Dưới bụi cây nhỏ cách xa căn lều chừng mươi mét, một bóng người nhô lên khỏi tàn lá đen, rồi một hai người nữa cũng từ đó chui ra. Ba cái bóng đen đã đứng thẳng lên mặt đất mà Nhật đoán chắc là từ một căn hầm bí mật ngay dưới túp lều gãy đổ.

Đêm trăng yên lặng, lạnh lùng.

Nhật đưa mắt nhìn bốn người thuộc cấp, cả bốn người đều lặng lẽ gật đầu ra dấu đã sẵn sàng. Chàng cũng đưa tay ra hiệu một lượt chót là cố gắng bắt sống cả bọn rồi lặng yên chờ đợi. Tuy cố gắng tự nhủ là mình đang làm chủ tình thế nhưng trong lòng Nhật hồi hộp quá. Khác hẳn với sự hăng hái lúc ban chiều, giờ đây, trước giây phút sống chết kề trong gang tấc này và cũng là lần đầu tiên đối mặt với quân thù, Nhật không khỏi thấy mình non yếu và thiếu nhiều kinh nghiệm.

Ánh trăng khuya sáng và lạnh tanh, bóng dáng ba tên địch vừa ra khỏi lùm cây in rõ trên vạt đất trống. Chúng đứng chụm lại với nhau như đang bàn bạc điều gì, tiếng nói tuy không nghe rõ nhưng cũng vang động trong đêm khuya lạnh. Khoảng cách gần nhau quá, chỉ vài chục thước đến nỗi Nhật phân biệt được một người trong bọn chúng là phái nữ. Tuy mái tóc được bới cao và gọn nhưng cồn ngực nở nang đã khác hẳn với hai đứa kia. Nhật biết chắc chắn chúng tưởng rằng bọn chàng đã chạy xa rồi và ban đêm là thời gian của chúng, giữa khu vực mà chúng đang kiểm soát nên đã không ngại ngùng nói chuyện với nhau. Nhật cố gắng nghe nhưng không làm sao hiểu được vì chúng nói với nhau không phải bằng tiếng miền xuôi.

Đột nhiên đứa con gái đưa tay ra chỉ về phía gò đất mà bọn chàng đang ẩn nấp, nói một tràng dài. Nhật thấy rúng động toàn thân. Phải nếu chàng là bọn chúng thì chàng cũng phải nghi ngờ có thể địch cho người nằm lại ở đây. Nếu muốn ra khỏi nơi này, chúng không còn con đường nào khác là băng qua gò đất vì bốn bề là vách núi dựng đứng cheo leo. Một đứa trong bọn giương súng lên nhắm thẳng vào bọn chàng. Cả năm người đều nín thở, tám con mắt của bốn người thuộc cấp đều nhìn về Nhật chờ đợi lệnh. Nhật biết đây là lúc khó khăn nhất cho một quyết định. Nếu chàng muốn lập chiến công thì chỉ một cái phẩy tay, một cái gật đầu là ba tên Việt Cộng kia sẽ ngã ra chết rất dễ dàng. Nhưng mà Nhật không muốn chúng chết ngay, nhất là một người trong bọn chúng lại là con gái mà tất cả gia sản quí báu của nàng ở chốn núi rừng này đang nằm gọn trong ba lô của Nhật , nhất là tấm hình bán thân của một người con trai rất cũ. Nhật cắn răng chờ đợi, chàng cảm thấy được những giọt mồ hôi rịn trên vừng trán. Đôi cánh tay chàng đang ghì chặt khẩu M16 mà đạn đã lên nòng.

May mắn cho Nhật là người con gái đã vội vàng đè nòng súng xuống, nói to như lời ra lệnh, lần này bằng tiếng miền xuôi.

- Không, không được bắn, lỡ chúng nó còn nằm lại trên đồi, nghe thấy tiếng súng, gọi pháo binh chụp lên đầu mình ngay. Tôi ra lệnh cho đồng chí không được bắn.

Tiếng đứa thứ hai cũng phụ họa theo:

- Bọn ngụy ban đêm là lo chạy trốn, chúng nó sợ mình thấy bà nội, sức mấy mà dám nằm lại đây. Lần này bọn chúng đổ quân ít xịt, đêm đêm lo vãi đái ra, mong trời sáng để rút về. Ta không bám theo là phước cho tụi nó rồi bắn chi cho phí đạn. Bây giờ tính sao đây đồng chí?

Tiếng người con gái phân chia rành rẽ:

- Hai người ở lại đây, đọi sáng qua phía bên kia đồi nhìn rõ hơn xem hồi hôm tụi nó phá những gì. Nhớ là đừng ló mặt ra, đề phòng tụi nó thấy là kêu pháo tới mất công chạy. Còn tôi về trong gặp anh Ba. Nhưng trước hết mình phải ra khỏi đây cái đã, kẻo tụi nó bất chợt pháo tới là chết cả đám.

Nói xong cả ba bước về phía bọn Nhật, khoảng cách thu ngắn dần, hai mươi, mười lăm rồi mười, năm thước, ba thước. Khi vừa tới sát bên, đột nhiên người con gái quay phắt ngay lại, nói to với đồng bọn:

- Tự nhiên tôi nóng ruột nghi ngờ quá. Tại sao cả đêm nay tụi nó không pháo về đây. Hay la tụi nó cho người nằm lại đâu đây?

Hai đứa kia đang đeo súng trên vai vội tháo xuống ngay để cầm tay, toan lên đạn. Nhật vội vàng hét to và nhảy ra khỏi bụi:

- Đứng lại. Đưa tay lên. Đưa tay lên.

Cả bốn người lính cùng nhào ra một lượt, vây chung quanh ba tên Việt Cộng. Bốn người lính tay đặt trên cò súng, chỉa bốn cái lưỡi lê sáng loáng vào địch thủ.

Ánh thép lạnh lẽo phản chiếu ánh trăng già càng thêm ghê rợn. Nhật đưa mắt nhìn thẳng vào người con gái trong lúc vội vã, tóc đã xổ tung che gần kín khuôn mặt.

Bỗng nhiên hai tên Việt Cộng hất tung khẩu súng của một người lính đứng sát bên bờ vực rồi cả hai lăn nhào xuống khe núi. Họ gần như quấn lấy nhau khiến những người ở trên, trong một giây phút bất ngờ, chưa phân biệt nổi. Trong lúc Nhật chưa kịp định thần thì đã nghe thấy tiếng súng nổ lên một tràng ròn rã. Chàng trông thấy rõ ràng hai thây người dãy lên đành đạch. Thì ra người lính bị xô ngã trong một giây gượng lên được đã phản ứng cấp kỳ đưa hai tên Việt Cộng về với thiên đường Công Sản. Một loại thiên đường chỉ dành riêng cho bọn chúng.

Lần đầu tiên trong đời được thấy hai người bị bắn chết ngay trước mắt mình, Nhật không khỏi bàng hoàng. Người con gái chắc cũng xúc động, hét to lên rồi cắm đầu chạy về phía trước. Nhật cũng nói to với những người lính đang còn đứng vây quanh:

- Không, không được bắn, tuyệt đối không được bắn nữa.

Rồi như có sức hút mãnh liệt, chàng chạy đuổi theo ngay, vừa chạy vừa la lớn:

- Đứng lại, đứng lại ngay không tôi bắn.

Rồi Nhật bắn luôn một tràng. Đạn bay qua đầu nàng làm rung chuyển rừng đêm. Người con gái vẫn cắm đầu chạy về phía trước. 

Thật ra chàng chỉ bắn dọa chứ không cố ý giết nàng. Khoảng cách lúc ấy quá gần và nếu Nhật muốn thì cô gái kia đã cùng chung số phận với hai tên đồng bọn. Người con gái chạy nhanh như beo đêm. Nàng quen thuộc với núi rừng nên dù trong đêm vẫn nhẹ nhàng lướt qua những bụi cây, phiến đá, nương đồi. Không để ý gì đến tiếng súng, tiếng đạn bay vút trên đầu, bước chân nàng thoăn thoắt khi trèo lên dốc, khi lăn xuống khe, khi băng ngang qua con suối cạn. Dù vậy Nhật vẫn bám sát phía sau, chàng nghe rõ tiếng thằng Nhiều gào thét bảo chàng dừng lại, nhưng mặc kệ. Phải bắt được người con gái trước mặt kia với bất cứ giá nào. Với bất cứ giá nào chàng phải biết tại sao giữa núi rừng âm u hoang dã này lại có một người con gái, dù chưa thấy mặt nhưng với vóc dáng kia chàng nghĩ rằng nàng phải là một người con gái đẹp.

Tiếng thằng Nhiều gần như chìm hẳn trong đêm. Nhật đoán mình đã chạy theo nàng xa lắm. Mặc kệ. Phía trước mặt chàng, tóc người con gái xõa dưới ánh trăng loang loáng theo bước chân nàng. Cả một thân hình thon thả như cuốn hút lấy bước chân Nhật. Chàng như có thêm sức mạnh dù súng vẫn trên tay và ba lô đè nặng trên vai.

Hai người đã ra khỏi khu đất quá xa để chạy lên lưng chừng một đồi cỏ tranh lấp loáng. Tranh cứa vào rát mặt, tranh cắt đứt những ngón tay trần, nhưng mặc kệ, Nhật vẫn chạy theo sau.

Hết đồi cỏ tranh hai người chạy vào một khu rừng cây to, tuy không rậm rạp nhưng tàn cây xòe ra che hết ánh trăng. Có đôi lúc Nhật tưởng chừng như mất dấu rồi lại tìm thấy nàng ngay trước mặt. Lâu lắm hai người lại chạy ra khỏi rừng cây, tới một vạt đất bằng phẳng nhưng không rộng lắm, người con gái đột nhiên dừng lại.

Nhật vẫn cầm chắc khẩu súng trên tay từ từ bước tới. Bây giờ chàng mới nhận ra là chiếc nón sắt trên đầu đã rơi mất từ lúc nào. Hai cấp số đạn mang theo cũng đã vướng vào cành cây đâu đó trong rừng. Nhưng không sao, đạn đã nằm sẵn trên nòng và nguyên băng đạn vẫn còn nằm yên trong buồng súng. Chàng muốn tới sát hơn nữa để nhìn rõ mặt người con gái nhưng chợt nhận ra là hai người đang đứng trên bờ núi cao dựng đứng. Phía dưới sâu thăm thẳm kia là một giòng thác đổ, không, con suối chảy từ trên cao xuống thì đúng hơn. Cây nước trắng lóng lánh dưới ánh trăng. Rừng đêm hoang lạnh nhưng đẹp vô ngần. Giá không có chiến tranh thì có bao giờ Nhật được thấy thiên nhiên hùng vĩ như thế. Mà giá không có chiến tranh thì với cảnh vật này, có ánh trăng mơ, có giòng suối mộng với một người con gái tóc xõa dài đứng kia, đã làm cho Nhật sung sướng biết bao nhiêu.Và chàng chẳng còn mơ ước gì hơn vì bồng lai tiên cảnh đã có thực ở thế gian này.

Đột nhiên người con gái lao đầu xuống vực. Dốc cao và gần như thẳng nên Nhật thấy nàng chúi xuống, lăn tròn rồi mất hút dưới chân đồi. Không chần chờ, Nhật phóng theo ngay. Chàng cố đè hai cánh tay vào báng súng để giữ thăng bằng cho thân hình được tuột xuống trong thế ngồi nhưng chỉ được một lúc. Đến gần dưới chân đồi là Nhật lộn đi mấy vòng. Chàng gượng đứng lên, nhận thấy giòng nước mà trên cao tưởng rằng thác đổ chỉ là một con suối lớn, mà lạ lùng thay, một thân cây dài gãy đổ tự bao giờ, nằm vắt từ bên này suối sang đến tận bên kia như một cây cầu.

Chàng thoáng thấy bóng người đã đứng giữa thân cây. Chính là nàng. Bây giờ hình như nàng không cần chạy nữa mà đứng lại chăm chú nhìn chàng. Nhật ở phía dưới, nhìn lên, chao ôi cả một thân hình tuyệt mỹ như đang hiện dưới ánh trăng huyền dịu. Người con gái hai tay vịn một cành cây nâng lên cồn ngực tròn, chạy dài xuống là vòng eo thon nhỏ, trước khi nở rộng ra bờ mông rộng, đẹp như một bức tượng. Chàng vội chạy vòng ra phía gốc cây tìm cách leo lên.

Khi Nhật bước lên tới thân cây ở giữa dòng suối thì người con gái đã mất hút sang phía bên kia. Chàng nhanh chóng đuổi theo ngay. Không may cho Nhật, trong lúc vội vã chàng đã vấp phải cành cây lộn xuống. Rất nhanh Nhật buông ngay khẩu súng nắm vội lấy một cành cây khác giữ được thân hình không rơi xuống suối. Chàng phải nắm lấy cành cây bằng cả hai tay để thân thể trèo lơ lửng trên không , đu đưa qua lại như một anh chàng đang làm xiếc.

Đang lúc cố gắng dùng sức để đưa hai chân tựa vào một cành cây khác thì Nhật giật mình thấy người con gái quay trở lại. Chàng tê điếng khi nàng bước tới bên khẩu súng mà Nhật vừa mới buông ra. Khẩu súng đã lên đạn sẵn được nàng cầm lên bằng một động tác vô cùng thành thạo. Để chắc hơn nàng kéo cơ bẩm cho viên đạn khác lên nòng, từ từ chĩa họng súng vào ngay mặt Nhật.

Chàng nhắm mắt rùng mình chờ chết. Buông hai tay nhảy xuống nước cũng chết và yên lặng thế này cũng chết.Thôi đành mở mắt ra để nhìn thấy mặt nàng rồi chết cũng bằng lòng.

Nghĩ thế Nhật mở to đôi mắt nhìn nàng. Ánh trăng chiếu từ phía sau nên chàng thấy không rõ, mà người con gái thì lại lùi bước xa hơn. Rất lâu và yên lặng Nhật cố dửng dưng, cố bình thản đợi chờ. Đời người ai cũng có một lần nhưng chàng không ngờ số mình ngắn ngủi thế.

Nhưng không, người con gái từ từ hạ nòng súng xuống, yên lặng nhìn chàng rồi đưa khẩu súng lên bấm lấy băng đạn ra. Nàng lấy cả viên đạn trên nòng rồi đặt súng vào chỗ cũ, quay lưng, yên lặng đi về phía bên kia.

Nhật không ngờ mình được tha chết dễ dàng như thế. Cố gắng leo lên được thân cây lết về phía bên này chàng ngồi thụp xuống. Bao nhiêu đau đớn, mệt mỏi mà trong lúc hăng máu chàng không nhận thấy bỗng đổ ập về. Nhật thấy đầu mình trĩu nặng, nhục nhã và ê chề. Không một chút vui mừng mà chỉ thấy lòng buồn vời vợi... Tại sao lại có sự lạ lùng đến thế. Một người Cộng Sản đã tha chết cho kẻ địch. Không thể nào. Họ thà giết lầm còn hơn bỏ sót. Con còn tố cha. Vợ còn giết chồng, anh em giết hại lẫn nhau để đạt cho bằng được cứu cánh thì có lẽ nào lại tha cho kẻ địch giữa ngay chiến trận.

Nhật vẫn im lặng, buồn bã ngồi hàng giờ bên bờ suối nếu không nghe thấy tiếng gọi ơi ới của Nhiều đưa chàng về thực tại. Nhật đứng thẳng lên, gọi to cho Nhiều biết chỗ mà đi tới, có cả ba người lính mà Viện tăng phái cho, cả ba là người Hré bản xứ, nhưng đều thông thạo tiếng kinh. Nhiều vừa thấy Nhật đã oang oang trách móc, không kể gì đến rừng đêm đang đồng lõa với địch quân.

- Ông thầy bị mất dấu con mẹ ấy rồi hả. Em đã nói rồi, bắn mẹ nó đi cho rồi mà không nghe. Làm sao mà ông thầy chạy theo kịp con mẹ ấy. Nó ở rừng quen quá rồi.

Nhật ngượng ngập, ậm ừ. Chàng cảm thấy xấu hổ nếu Nhiều biết rằng chàng vừa được nàng tha chết. Nhật hỏi lại Nhiều:

- Mấy đứa này chúng nó có biết lối về đồi 138 không? Cái đồi mà Thiếu úy Kiên thường dừng quân nghỉ qua đêm đó?

Nhiều chưa kịp trả lời thì cả ba đứa đều gật đầu. Một người nói ngay:

- Dạ biết, thiếu úy. Bây giờ mình đi ngay thì tới sáng là tới. Nhật nhìn lại đồng hồ mới thấy rằng không còn nữa. Cả năm thầy trò đều không ai biết chính xác mấy giờ. Nhật bảo Nhiều:

- Mày lấy gunflare ra, bắn hai phát lên báo hiệu cho Trung sĩ Viện. Xa quá rồi tao không chắc ông ấy có trông thấy không. Nhưng không sao, đằng nào thì tao cũng dặn ông ấy rồi, mình sẽ gặp nhau trên đồi 138. À, mà cái gì mà một bó thế kia?

Vừa nói Nhật vừa chỉ vào bó cây mà người lính vừa bỏ xuống. Nhiều trả lời:

- Hai khẩu súng lấy của hai thằng vừa rồi. Một khẩu CKC và một khẩu AK. Lần đầu tiên ông thầy đi hành quân mà lấy được súng như vậy là nhất tiểu đoàn rồi. Chuyến này về thế nào thiếu tá cũng đón ông thầy lên tiểu đoàn để mở tiệc ăn mừng.

Nhật nghĩ nhanh đến người con gái đã tha chết cho chàng, im lặng không nói một lời. Chàng ra hiệu cho mấy người lính thượng đi trước. Ban đêm miền núi phải phá lấy đường đi. Di chuyển phải cố gắng quan sát để bám được người phía trước. Không chú ý, để sơ xẩy là lạc nhau ngay. Rất may, những người lính Hré thuộc làu núi đồi, khe suối như lòng bàn tay họ.

Mờ sáng, thầy trò rồi cũng dắt díu nhau về được ngọn đồi 138. Khi những người lính dẫn đường dừng lại như hỏi ý kiến, Nhật mệt mỏi chỉ thẳng lên đồi. Lên tới đỉnh thì trời sáng hẳn. Chàng có thể đứng ở đây để nhìn bao quát cả một vùng núi đồi trước mặt. Nhiều đứng cạnh chàng, nó chỉ một giải ánh sáng bạc ngoài xa:

- Sông Re đó ông thầy. Cái khúc vòng vòng rộng lớn kia là tiền đồn của trung đội mình. Còn tiểu đoàn thì nằm phía trên, xa nữa, về hướng Ba Tơ đó.

- Thế còn ngọn đồi xanh, cây cối um tùm kia, ngay sát khúc quanh đó, có phải là đồi 157 không?

- Đâu phải, đó là đồi Trinh Nữ. Mình về lối này phải băng qua đồi Trinh Nữ.

Nhật đột nhiên giận dữ gắt thằng Nhiều:

- Trinh nữ, trinh nữ. Không có đồi trinh nữ, thiếu nữ gì hết. Từ nay tất cả trung đội phải gọi đó là đồi 157 như đã ghi trong bản đồ. Nghe rõ chưa

- Dạ, sao lại gọi là đồi 157, thiếu úy?

- Vì đó là vòng cao độ. Ngọn đồi đó cao 157 mét so với mặt nước biển, mày hiểu ra chưa. Thôi nói tiếp đi.

- Từ đây về trại có hai con đường. Một là ông thầy cho trung đội đi vòng qua các đỉnh đồi vòng về hướng nam. Nếu bây giờ bắt đầu đi thì chiều tối sẽ về tới. Còn con đường thứ hai ngắn hơn nhiều là cứ dọc theo triền phía bắc, xuống thẳng bờ sông Re qua khúc cạn về thẳng doanh trại nhưng mà phải đi ngang qua đồi Trinh Nữ. Đi lối này chỉ gần nửa ngày là tới nhưng mà mấy thằng cà răng này không chịu đi đâu, tụi nó ớn lắm.

- Ớn cái gì?

- Ớn phải băng ngang qua đồi Trinh Nữ.

- Tao đã nói rồi, từ nay tất cả trung đội không ai được gọi đó là đồi Trinh Nữ, phải gọi là đồi 157. Nghe rõ chưa?

- Dạ vâng. Mình nghỉ ở đây chờ Trung sĩ Viện với trung đội. Rồi ông thầy bảo cho tất cả tụi nó biết, nhất là cho mấy thằng cà răng này. Tụi nó sợ đồi con Yêng lắm. Tụi nó làm em cũng ớn luôn. Ông thầy có ớn không?

- Tao không ớn, rồi có một ngày tao sẽ lên đồi Trinh Nữ. Mày có dám đi với tao không?

- Đi chớ ông thầy. Em là đệ tử ruột của ông thầy mà. Ông thầy tới đâu em cũng tới luôn.

Nhiều nói thật lòng. Nó đã bắt đầu thán phục ông thầy trẻ tuổi , gan lỳ nhưng rất bình dân của nó.



(còn tiếp)

Nguyễn Bá Thuận