29 November 2016

BÀI HOAN CA Ở A 38 (Phần 7, 8, 9) - Chu Trầm Nguyên Minh

|xem Phần 1, 2, 3|xem Phần 4, 5, 6|

Phần 7
________________
Đời-68 đứng từ xa.
-Anh khối trưởng…   khối trưởng…
Hắn cố hỏi lớn:
-Có việc gì vậy… cán bộ?
-Đến đây … thì biết.
Hắn đến, đời-68 nói:
-Đi nhận…   lính mới.
Hai người đi qua cổng gác, nơi giới hạn “cấm Vượt Qua” của trại viên. Trước mắt trên bãi đậu xe có chừng 30 người –như ngày Hắn mới đến trước đây cũng trên bãi cỏ này- đang được bàn giao. 68 nhận 3 người về khối 13…
-Anh đưa họ về trước, tôi chờ ký nhận người và danh sách.
Hắn đi trước dẫn đường.
-Các anh ở trại nào chuyển đến?
Một trong 3 người trả lời cộc lốc:
-Sông Cái.
-Sông Cái…   khối của chúng ta có nhiều người ở trại này.
-Các anh vô lâu chưa?
-Gần một tháng.
-Học được mấy bài rồi?
-Chẳng học bài nào cả…   Chơi không.
Hắn đến phòng Nghỉ Dưỡng -dùng cho người bệnh cần phải cách ly hoặc bệnh nặng.
-Các anh nghỉ tạm ở đây…
Hắn nhìn khắp phòng.
-Chuẩn bị ăn cơm, sáng mai tính.
Chiều đã xuống mặt trời sập bên kia núi, một màu vàng bát ngát trải rộng tận chân trời, Hắn nín lặng chờ tiếng còi tàu, sương bắt đầu rơi. Và tiếng còi tàu cũng bắt đầu vang trong sương. Hắn tưởng tượng, nhiều người đang hối hả xuống ga, hối hả lên tàu, người sắp đoàn tụ, người bắt đầu chuyến viễn hành, họ về đâu đi đâu cũng đều hạnh phúc, vì những bước chân kia là những bước chân tự do, những bước chân thực hiện điều mong ước của chính mình. Chừng nào thì Hắn lại bước đi với những bước chân ấy, những bước chân tự do?
Ba người trại viên mới, một Tàu Nùng, hai Kinh, tất cả đều ốm, đen và bị sốt rét nặng. Người gốc Tàu Nùng môi thâm, mắt trũng, má hóp, cấp bậc thiếu úy Bảo an. Hai người Kinh đều là trung úy thuộc tiểu khu Lâm Đồng.
68 đưa xong danh sách có lý lịch trích ngang, vỗ vai Hắn nói nhỏ:
-Coi chừng thằng Tàu Nùng, thứ dữ đấy.
-Cảm ơn…   cán bộ.
68 vừa bước thì Hắn hỏi:
-Chuyện cái sạp… lót lưng…
-Cái sạp…  quên nó đi… dứt khoát…   cấm đấy…
Thời gian này không cho thăm nuôi, sự liên lạc giữa trại viên và gia đình thông qua cán bộ, trại viên viết thư nhờ cán bộ quen ra trạm bưu điện bỏ thư giùm.
Khoảng cách từ trại đến con đường phía Đông chừng 50 m, người ta đào một dãy hố vệ sinh hướng ra đường, cách hàng rào kín, che khuất người bên ngoài và bên trong chừng 29m, kẽm gai giăng kín khoảng cách này. Ở đầu bên trái, phía gần Trung Đoàn có dựng một tháp canh cao. Trại viên muốn biết có người nhà đến thăm hay không [?] “thì phải thức dậy đi ỉa trước 4 giờ, chiếm lĩnh hố tiêu… phải cổi quần ngồi chờ như chờ ỉa…  thật, bên ngoài đường sẽ có tiếng la.
-Có anh đại úy D, đại học chính trị Đà Lạt đó không?
-Có thiếu tá K, tiểu khu NT đó không?
-Có, anh đây. Em và con…
Bằng…  bằng…  bằng…   Một loạt AK từ vọng gác bắn cắt ngang đám cỏ trước mặt trại viên đứng tòng ngòng chờ.
-Có trung úy T. Lai dạy toán Duy Tân đó không?
-Có. Các con khỏe không?
-Dạ khỏe.
Bằng…   bằng bằng bằng…
T. Lai cố hét thật to:
-Em về đi.
-Dạ.
Bằng…   bằng…   bằng…
Thường sau loạt súng là có tiếng khóc ré của những đứa trẻ, có trại viên trật chân té xuống hố phân. Cũng có người nghe tiếng vợ nhưng chưa hỏi được câu nào, có người khóc ấm ức. Đêm nào cũng vậy, vào giờ rút kinh nghiệm, kiểm điểm của khối, cũng đưa ra vấn đề thăm nuôi, cũng nói đến cảnh tượng một đám trại viên, tuột quần, đứng tòng ngòng, nói đến tiếng súng AK, tiếng trẻ khóc thét…  Trại viên yêu cầu cho thân nhân thăm nuôi như những trại khác và Hắn cũng như các khối trưởng khác đã nhiều lần đạo đạt yêu cầu kia nhưng bất thành.
Gần một tháng, Hắn ít khi nói chuyện nhiều với đồng nghiệp, hỏi qua loa, cười một chút để động viên nhau…
-Anh em mình khỏe hết hả anh?
Anh N, giáo sư Duy Tân biệt phái là người lớn tuổi thứ 2 sau anh H, ở cùng tổ 2, phòng 2 với Hắn, N trả lời:
-Khỏe, chỉ có C là bị cảm hoài.
-Lâu mau rồi anh?
-Lúc mới vô đến giờ, rề rề, không bớt.
Anh H thêm:
-Coi chừng nó bị thương hàn cũng nên.
-Nằm dưới đất, chiếu ẩm, cái lưng lúc nào cũng ướt lạnh…
-Nó bị thương hàn nhập lý thì khổ.
Bóng tối đã phủ đầy, tiếng gió rít, trong phòng lờ mờ, chỉ nhìn cái bóng của nhau. Lúc này là lúc nhớ về chốn cũ nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ người yêu, nhớ vợ con…   Thường thì ai cũng yên lặng, đôi mắt mở to nhìn bóng đêm.
V nói:
-Để mai em xem cho anh C.
Hắn mừng:
-Phải, mai em ở trại chăm cho C nhé.
-Dạ.
V, Chuẩn úy Thủ Đức khóa 2/70, binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, loại mà CS rất đặc biệt chú ý, nhỏ tuổi nhất tổ, ít nói, sống gần như khép kín, cam chịu. Một lần Hắn ngã bệnh, lạnh trong, nóng ngoài, đêm Hắn rên ư ư…   Công việc ngút đầu nên Hắn lại đứng dậy, liên hệ khắp nơi, làm đủ việc, đêm về lại rên… Đến đêm thứ 3 thì V lên tiếng:
-Nếu anh khối trưởng tin…  thì tôi xem bệnh cho.
Hắn vội mở đèn:
-Anh bắt gió?
-Để tôi xem đã, rồi mới biết chữa bằng cách nào.
V tắt đèn điện, thắp cây bạch lạp, đến bên Hắn:
-Anh ngồi dậy, kéo áo quá lưng.
V lấy ánh sáng cây bạch lạp, soi qua, soi lại trên lưng…  rồi nói:
-Bị cảm cúm, bây giờ biến thành thương hàn nhập lý.
-Thương hàn nhập lý là thế nào?
-Đang cảm nặng, anh lại dầm sương, dãi nắng, gió, chướng, khí độc…   những thứ đó lậm vào, mà thành.
-Bây giờ làm sao?
-Tôi sẽ nhổ nọc cho anh…
-Nhổ nọc?
-Phải, nhổ nọc. Uống thuốc tây cũng rất khó chữa trị, nếu có khỏi bệnh cũng rất lâu.
-Làm sao biết nọc ở đâu mà…   nhổ?
-Nọc hiện trên lưng bệnh nhân bằng những sợi lông lạ, dài, màu trắng. Phải dùng đèn bạch lạp soi mới thấy.
-Anh sẽ nhổ đi…   có dứt bệnh không?
-Nhổ xong, lể một vết nhỏ, nặn máu…   Máu sẽ đen như mực.
-Đơn giản vậy sao?
-Nhổ hết, không bỏ sót…   và ngày mai, anh khối trưởng phải nghỉ việc một ngày.
V nói chắc:
-Bảo đảm…   dứt bệnh.
Hôm sau, V đi quanh trại hái, nhổ một bó lá, cành, rể…   rồi bỏ vào cái soong –mượn của anh B thủ kho – nấu sôi vài dạo. Hắn bị trùm mền, ngồi xông đúng 30 phút.
-Phải 30 phút… cố lên…  khối trưởng.
V ngồi canh, đúng giờ mới bung mền, phụ lau mồ hôi.
-Bây giờ thoa dầu, rồi nằm nghỉ 4 giờ…
V đắp mền.
-Tôi ra phụ bếp nấu ăn. Khối trưởng cố ngủ một chút.
-Anh yên chí.
Trước khi quay ra:
-Khối trưởng ngủ…   chứ đừng mơ màng đấy nhé.
Và từ đó, cứ cách vài đêm, V lại đè Hắn ra…   đấm bóp. Mỗi lần V bẻ lưng, nghe cái “rốp” Hắn đều nói “đã quá”. Hắn gọi V bằng em lúc nào không hay.
-Nhớ, mai em nghỉ ở nhà chăm sóc thầy C giùm anh.
-Rõ…
Thầy N nói:
-Thằng V có tay nghề…
Thầy H nói:
-Nó ngang cỡ thầy Từ Tâm chứ chẳng chơi.
V tò mò:
-Thầy Từ Tâm?
-Về hướng Tây Nam Phan Rang, cách cầu Đạo Long chừng một cây số có đồng ruộng tên gọi Từ Tâm, ở đây xuất hiện ông thầy chữa bệnh giỏi cực kỳ. Người ta lấy tên đồng ruộng đó đặt tên cho ông Thầy Từ tâm.
V hỏi:
-Chữa bằng cách nào?
-Lể. Bệnh gì cũng lể trước rồi cho uống thuốc sau.
-Thuốc tây hay thuốc bắc?
-Thuốc tự chế, một thứ bột màu đen uống với nước rau răm.
-Rau răm?
-Đâm nát…   vắt lấy nước.
V nghe nói thầy Từ Tâm chữa được tất cả các thứ bệnh bằng cách lể và uống bột màu đen, theo thầy N. có người nói bột đó nghiền từ cứt heo khô…   V thắc mắc không tin, vì cả hai thầy N và H cũng chỉ nghe nói mà thôi.
Hắn kể cho cả ba người nghe.
Tôi được cử đi học một khóa tập huấn dạy Toán theo phương pháp Loại Suy chừng nửa tháng, phải ăn ở tại chỗ, có thể tranh thủ về nhà, thăm vợ con vài giờ. Lúc đi, con gái thứ ba -Anh Thư, chừng 3 tuổi bị “biếng ăn”, đang cho uống Siro trị cảm…  Ngày thứ ba tôi về.
-Con bớt không em?
-Dạ, nó vẫn chơi, nhưng không ăn bình thường.
-Là sao?
-Phải dỗ, con mới chịu ăn.
Tôi bồng cháu lên, đây là đứa con khá đặc biệt, lầm lì, ít nói, buổi trưa đi gõ cửa hàng xóm…   kiên nhẫn chờ đến khi người ta cho thức ăn, như chuối, kẹo…   mới chịu đi nhà khác. Trưa nào tôi và mẹ nó phải canh chừng, không cho cháu lẻn ra khỏi nhà.  Tôi phải đi.
-Em nhớ xem chừng con…
Lần thứ ba về nhà, vào buổi sáng, tôi thấy Thư đang chơi trước nhà với lũ trẻ trong xóm nhưng khuôn mặt khác lạ, tái mét, mắt lừ đừ. Tôi bồng Thư vô nhà.
-Em, không cho con ra gió.
Tôi có cảm giác như con tôi đang run nhẹ.
-Bác sĩ H cho thuốc gì thế?
-Dạ, thuốc cảm của Pháp, loại dành cho trẻ dưới 3 tuổi.
-Đã uống mấy ngày?
-Dạ…   gần tuần rồi…
-Em nghe anh đây, từ giờ không cho con ra gió, không cho ăn bất cứ thứ gì ngoài cháo lỏng.
-Theo anh…  ?
-Con bệnh không nhẹ…
Tôi nói xong và lên xe honda 68 chạy vô Đạo Long, cua phải, hẻm kế rạp Thanh Bình, chạy thẳng…   Nhà thầy Từ Tâm ở gần bờ Đê.
-Ổng đi từ hôm qua…  chưa về…
-Chị nghĩ…  ổng đang ở đâu?
-Có trời mới biết…   Người ta níu kéo ổng…. đi suốt.
Người con gái, con thầy Từ Tâm và cũng là học trò Duy Tân.
-Thầy chạy vô ruộng xem, cha con thường ở trỏng…
Tôi chạy vô đồng Từ Tâm, lúa đang trổ đồng xanh mởn, cái chòi nhỏ, có vài cây chuối sau hè trống trơn…
-Ông thầy ơi…   ông thầy…
Tôi dỏ miệng ra hàng tre bên bờ suối gần đó gọi lớn. Người ta đồn là ổng trốn đâu đó chứ không ở trong chòi…   vì sợ người bệnh…  đông quá làm ổng oải.
-Tôi là “Thầy T- Lai” đây…   Trốn ở đâu…  ra chút coi… Tôi là thầy dạy toán cho đứa con cả…
-Tôi đây…   cái gì mà ỏm tỏi vậy?
Ông từ cái lỗ dưới khóm chuối bò lên.
-Cháu bệnh.
-Cháu nào?
-Đứa con thứ 3.
-Của thầy…  ?
-Chứ ông nói của ai?
-Thế thì…  đi.
Thầy Từ Tâm đi xe Suzuki màu đen, cái vỏ trước bị bể được quấn một cục bằng ruột xe đạp, lúc chạy, ngoài tiếng máy nổ như phèng la, còn có tiếng cà sựt…   cà sựt của bánh xe trước.
Có lần tôi mua cho cái vỏ mới, ổng nói:
-Tôi xin thầy, thầy bảo chết…   tôi chết liền…   nhưng thầy bảo nhận thì…   tôi lạy thầy… không nhận được đâu.
…  Mà đâu phải mình tôi, nhiều người thương mua cho, thứ này, thứ khác vẫn nhất định từ chối. Có ai đó, ngày Tết mua cho cặp vịt, suốt từ 29 tết đến mùng 5, Ông gánh cặp vịt, hết đứng ở các quán cà phê, đến quán nhậu, rồi trước cửa chợ…. để tìm người cho trả lại cặp vịt, từ đó, không ai dám cho nữa, ổng cười hề hề…  nhẹ tênh.
Dừng xe, tắt máy, bước vô nhà.
-Nó đâu?
-Dạ…
-Nó đây thầy.
Ông đi qua đi lại, mắt nhìn cháu Thư.
-Sao thầy không đợi nó chết rồi hãy gọi…
-Ông…
-Ông…  ông…  ông cái gì Nó sắp chết đó…
Tôi và cả vợ tôi, nghe cũng sợ sợ, nhưng bán tín bán nghi…   chưa ai xanh mặt…
-Thầy Cô nhìn đây…   nếu sợi máu lên ngang đầu vú của nó, nó sẽ chết…   không ai cứu nổi.
Thầy Từ Tâm vừa nói vừa lấy tay vén áo con tôi, chẳng thấy sợi máu nào cả… cho đến khi ông thầy lấy hai ngón tay cái căng da bụng…   Vợ tôi trước…   tôi sau…  rụng rời chân tay…   tái mét mặt mày…   sợi máu chạy bên hông, từ ngang rún lên ngực, như đã ngang với núm vú…
-Thầy Cô thấy chưa … nó sắp ngang với núm vú rồi.
Thầy Từ Tâm nói với vợ tôi:
-Cô giữ cháu, vén áo…  tôi lễ…
Rồi căn dặn:
-Nhịn đói… không cho nó ăn bất cứ thứ gì…  từ nay đến giờ này ngày mai, nếu…   cho ăn…  nó chết.
Vợ tôi định hỏi:
-Cháu đói…
-Cô cho nó uống nước gạo rang thôi…
Ông đưa gói thuốc bột màu đen.
-Cứ cách 2 giờ cho nó uống hai muỗng canh với nước rau răm đâm nát vắt lấy nước.
Trước khi về thầy nói:
-Hai bàn chân nó sẽ nổi mụn đỏ bầm…   như dề cơm cháy…   Đừng lo… tôi sẽ quay lại…
Hắn kết luận, mọi hiện tượng xảy ra y như ông ta nói, cháu dứt bệnh.
Thầy N., thầy H và cả V, lúc này mới tin thầy Từ Tâm Phan Rang chữa bệnh giỏi như lời đồn.
Thầy H thêm.
-Mỗi lần Phủ Đầu Rồng có bệnh, đều đem trực thăng về rước ông Từ Tâm vào Saigon …
Anh em nói chuyện, những người khác nằm nghe, thỉnh thoảng cũng hỏi đôi câu. Đêm như trôi qua nhanh.
….

Phần 8
_______________
Gần một tháng vào trại, đây là lần đầu tiên khối trưởng, khối phó của 13 khối được triệu tập lên Trung đoàn. Trên đường, anh khối phó hỏi:
-Anh có biết chuyện gì không?
Hắn lắc đầu:
-Không…
-Sao họ…  cho chơi, còn…  lao động thì như cà rỡn…
-Được thế cũng tốt chứ sao…
Anh khối phó phản đối:
-Tôi… tôi mong học cho xong.
-Cho xong…  ?
-Phải, có học hết bài…   mới “tốt nghiệp” chứ.
“Tốt nghiệp” là từ dùng để chỉ ngày được thả, ngày được trở về, anh em trại viên đều sử dụng, như vừa hy vọng, vừa tự an ủi mình…   Nghe nó có trình-độ-văn hóa hơn, ta tốt nghiệp ta về chứ chẳng ai…  tháo xích cho ta cả. Ý là vậy, một thứ giấu mình khả dĩ. Khi đi ngang qua khối 9, Hạt Mè gọi hắn:
-Ê…   Kỳ Khu…
Hắn quay sang trái, Hạt Mè đang ngồi trước lồng chim:
-Chào…   khỏe không?
Không trả lời:
-Ta đã dạy…   chúng đã nghe lời…
-Nhưng…   chưa mang được thư tình…   phải không?
Hạt Mè gục gặc:
-Rồi sẽ…   rồi sẽ…   được thôi.
Hắn đi tiếp.
-Hạt Mè… chào nhé.
-Kỳ Khu, nhớ trở lại…  nói chuyện chơi.
Hắn vừa đi vừa nói:
-Chắc chắn…  sẽ trở lại.
Khối phó nói:
-Thằng cha đó nổi tiếng…
-Nổi tiếng…  ?
-Khùng… ai cũng nói như vậy cả.
-Nhưng…  căn cứ vào đâu chứ?
Khối phó giải thích lý do, có tham vọng vô lý: dạy chim hạt mè nói tiếng người, có cái đầu cứng như đá: cán bộ nói không nghe, lại còn chửi đổng, có sức chịu đựng phi phàm: bị biệt giam nhiều lần, nhưng mỗi khi thả ra, là ngửa mặt lên trời cười ha…   ha…   ha…
-Chuyện này…
-Có thật 100%.
Khối phó hạ giọng:
-Thằng chả là thứ dữ… khối trưởng không nên…
-Tôi hiểu…   cảm ơn anh.
Ở phòng họp cũng là phòng chờ mà hắn đã đến nhiều lần, có nhiều người đến trước, tụm 5, tụm 3 nói chuyện râm ran…
-Ê…  T. Lai…
Có vài người quen gọi, hắn chào, cười cười…   Những chỗ thế này tốt nhất là đừng… mở miệng.
-Mày ở khối mấy? Vô bao giờ?
-13. Vô hơn tháng rồi…
-Vợ con…  sao rồi?
-Một vợ, 4 con,  trai gái có đủ.
Khối trưởng khối một, khối dành cho sĩ quan từ thiếu tá trở lên, đứng trên cái bục cao, phía sau có lá cờ “Các anh nghe đây, tôi được phân công điểm danh. Tôi đọc tên, ai có mặt thì la CÓ giùm” rồi bắt đầu đọc…  và cuối cùng:
-Chỉ vắng mặt hai trự: khối phó khối 6 và khối trưởng khối 3. Lý do chính đáng.
Bốn cán bộ CS bước vô, họ đến ngồi ở chiếc bàn dài kê sẵn, để trên bục, các trại viên ổn định chỗ ngồi, khối trưởng khối một báo cáo sĩ số.
-Tổng số 26, vắng mặt 2 còn 24… đủ.
-Anh báo cáo rõ ai vắng và tại sao vắng.
-Thưa, anh khối phó khối 6 vắng lý do: ỉa chảy đã hai ngày, hiện còn ỉa…   đi không nổi.
-Hiểu rồi…  còn…
-Thưa…   người thứ hai là khối trưởng khối 3 lý do: thương hàn nhập lý, sắp “đai” rồi…
Một cán bộ nhíu mày:
-Anh nói…  “đai” là cái gì?
-Thưa… nó… sắp theo ông theo bà rồi…   Hôm qua tôi có ghé thăm, nó là bạn chí cốt, nó trối lại…
-Anh nói dài dòng quá…   ngồi xuống đi.
Anh khối trưởng khối một ngồi xuống, miệng còn lầm bầm, nó có một vợ 7 con đang chờ nó ở quê nhà và tán thán “nó mà ‘đai’ thì chết cha tụi nhỏ…”  Hắn có nhận xét ai vô đây, dù ở cấp bậc nào, có lúc ăn nói cũng vô trật tự như người bị “mát”, cà tửng…   Một cán bộ nói:
-Các anh ổn định chỗ ngồi, trật tự…. chỉnh đốn trang phục…   chuẩn bị làm lễ chào cờ
Và hô to:
-Nghiêm!
Trại viên đứng dậy, nhìn lá cờ… Cán bộ chờ vài giây, rồi la:
-Thôi.
Tất cả ngồi xuống chỗ của mình, không có quốc ca… Chào cờ kiểu đó được trại viên đặt tên là: Chào Khô, nhớ kỹ là “chào khô” chứ không phải “Xào Khô” như mấy trại viên ngứa miệng đã nói.
Cán bộ chỉ huy Chào Khô nói tiếp:
-Tôi xin giới thiệu đây là đ/chí Thiếu tá chủ nhiệm trại A.38 V.Đ.M, sẽ báo cáo cùng các anh đề tài “ba giai đoạn học tập cải tạo” mà ngày mai cả trại bắt đầu học tập.
Đồng chí M đứng dậy, trại viên vỗ tay, thay lời chào.
Cán bộ M bắt đầu:
-Tôi tạm chia và tóm tắt 3 giai đoạn như sau:

–Giai đoạn 1: 15 ngày, trại viên tự làm kiểm điểm, nội dung như tờ khai lý lịch cá nhân có thêm “tội ác”, thông qua tổ. Chú ý, tờ kiểm điểm cá nhân hợp lệ là phải được toàn thể tổ viên đồng ý, thông qua, sau đó tổ trưởng ký tên xác nhận rồi nộp cho khối. Tờ kiểm điểm này cũng có ba phần…
Cán bộ cầm tờ giấy chi chít chữ xoay về hướng trại viên:
—Phần 1:ghi tên trại viên, tên cha, mẹ, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, sống chết.
—Phần 2 là phần của các anh, chú ý đặc biệt là ghi rõ, đúng và đủ những tội ác đã gây ra cho nhân dân, cho cách mạng, cho mặt trận.
—Phần 3 là phần kết luận, nhận rõ sai trái, tự kết án…   và thề căm thù Mỹ Ngụy…
Ngừng một chút để thở:
-Chỗ này tôi nói thêm: các anh về hay không, mau hay chậm là do mức độ khai báo có thành thật và thành khẩn hay không. Các anh nhớ là chúng tôi đã biết về các anh, những tội ác các anh đã gây ra, hơn các anh tưởng…   Không có gì giấu được tai mắt của nhân dân. Đó là chân lý bất di bất dịch.
–Giai đoạn 2: báo cáo điển hình ở hội trường trước khối và trước trại…
–Giai đoạn 3: học tập, thu hoạch, đánh giá…
Tới giai đoạn nào, chúng tôi sẽ tổ chức hướng dẫn … tiếp. Bây giờ thì các anh nhận viết và giấy về phát lại cho trại viên, sáng mai toàn trại không làm lao động, ở trong phòng viết kiểm điểm.
-Khối 1…
Hai anh trưởng phó khối lên nhận rồi đi ra cửa lớn về trại.
– Khối 2…   hai anh…
Và Hắn với khối phó khối 13 là hai người cuối cùng, ôm giấy ca-rô ra khỏi Trung Đoàn. Hắn nói với khối phó:
-Anh phân số lượng giấy bút theo số lượng trại viên từng tổ…
-Tôi biết.
-Anh báo cáo tôi biết thiếu hay đủ trước 15 giờ hôm nay, để tôi kịp xin bổ sung.
-Dạ…
Hắn chưa vô phòng thì thầy N từ phòng bước ra:
-Cán bộ vừa thông báo cho toàn thể giáo sư biệt phái Duy Tân qua doanh trại Khối 2, nhận xác đồng đội đi chôn.
-Ai thế?
-Đại Úy –giáo sư Hóa lý- C.
-Chiều qua thấy C còn chơi bóng chuyền mà.
Thầy N thở dài:
-Nghe nói hồi hôm còn kéo xì phé…
-Trúng gió à?
-Không…  đau bụng.
-Đau bụng làm sao chết được.
Và:
-Anh báo hết anh em giáo sư biệt phái Duy Tân, rồi đến Khối 2, tôi chờ ở đó.
Nói xong hắn quày quả bước nhanh. C người Huế, mới về Duy Tân chừng vài niên khóa, hơi lùn, đậm người, nói năng từ tốn, vui vẻ nhưng nóng tính như Trương Phi. Chính C đã cùng học sinh cướp xe của dân từ Đà Lạt xuống, chở vợ con chạy nhưng chỉ đến Cà Ná là kẹt lại…   Đó chỉ là tin đồn, chưa biết thực hư.
-Tôi là đồng nghiệp, đến đưa C.
-Anh cứ tự nhiên…
C nằm trên chiếc chiếu cá nhân, đầu gối lên ba lô cũ màu cứt ngựa, đôi mắt nhắm, như đang ngủ. Hắn gọi thầm C ơi…   C ơi…   và giấu dòng nước mắt chực trào ra. C đã cùng với hắn mở lớp dạy Hè ở Nguyễn công Trứ…   C ơi…
-Anh ấy đau bao tử.
-Đau bao tử? Hắn ngạc nhiên.
-Đúng vậy, không chịu nổi cơm độn, lại thức khuya, bị xuất huyết…
Anh em Duy Tân đến, đứng quanh C.
-Sao không…
-Chúng tôi đưa C lên y tế Trung Đoàn, nhưng ở đây không có huyết thanh.
-Chích huyết thanh là cầm máu ngay…
Khối trưởng khối 2 phân trần:
-Anh em xin được đưa C ra nhà thương huyện…
-Ở đó hy vọng có huyết thanh…
Nhưng cán bộ không đồng ý với lý do:
-Đau bụng… thì có gì là trầm trọng… không chết đâu…
Đến khi C sắp tắt thở, họ mới nói:
-Sao lạ vậy cà… đau bụng…   thổ huyết…   chết …
Họ muốn cho C chết, họ giả nai.
Hắn nói với đồng nghiệp:
-Anh N, cho anh em lau mình, thay đồ cho C…
Hắn nhìn C nằm dưới đất, trên chiếc chiếu cũ mà chạnh lòng:
-Tôi lên Trung Đoàn xin vài thứ.
Anh N nói:
-T đi đi…   để anh lo ở đây.
Hắn đi như chạy, phải đến phòng chờ đăng ký, nhưng trống trơn không thấy một ai, hắn vòng ra ngã sau. Cán bộ trực từ phòng sau bước ra:
-Anh kia…
-Tôi liên hệ xin…
-Xin gì cũng phải đợi ở phòng chờ…   không được…
Hắn cướp lời:
-Việc gấp quá…   có người chết dưới khối 2.
-Tôi biết rồi…
-Thưa… giáo sư đại úy C.
-Không có “giáo sư Đại Úy “ gì ở đây cả…   ở đây chỉ có…
Đời-68 trờ tới:
-Anh khối trưởng…   làm việc với tôi…
Rồi quay qua cán bộ trực:
-Tôi phụ trách khối 13…   để tôi giải quyết.
Cán bộ trực bỏ vô phòng.
-Có người vừa…
Đời-68 cướp lời:
-Tôi biết rồi…   anh đi đâu đây?
-Thưa…   tôi đề nghị… cán bộ cấp chiếc hòm…   để liệm.
Đời-68 trợn mắt:
-Anh khối trưởng… anh biết anh đang ở đâu không…   hả? Chữ “hả” bị nói hơi to.
-Thưa…
-Ở đây ai chết cũng đều bó chiếu… ngay cả tôi cũng thế thôi…
Hắn ngắt ngang:
-Thưa…   tôi hiểu…
Đời-68 giận dữ:
-Anh không hiểu gì cả…  Anh muốn “cải tạo” suốt đời thì cứ “phát ngôn”…   Anh… anh…  ngu bỏ mẹ, chẳng khác nào anh đòi ăn cơm trắng trong lúc chúng tôi ăn độn…   Nói xong, đạp máy vọt ra cổng trại. Hắn nhìn… ..  một chút bụi mù cuốn theo, bỗng khuất mất bên kia rào kẽm gai. Hắn tiu nghĩu trở lại bên xác C.
C được bó bằng hai chiếc chiếu…   8 giáo sư biệt phái Duy tân vô A.38, giờ còn 7, anh em đưa anh đây, C ơi, hắn thì thầm. Anh H nói:
-Đắp cao hơn chút nữa.
-Cắm cái cọc thật sâu…   sau này còn có dấu để vợ con C. tìm.
-Thật chắc…   đóng sâu thêm chút nữa.
Hắn cầm bó nhang đã đốt cháy, chia ra làm 7 phần cho bảy anh em cúi xuống, cắm lên nắm mồ mới đắp xong. Hắn thì thầm yên nghỉ nhé, C ơi.
Trên đường về, anh em làm thinh, mắt ai cũng đượm buồn, thương C và cũng thương cho thân mình

…..
Phần 9
_______________
“Bản Kiểm Điểm” như tờ khai lý lịch, thực chất là tờ kê khai “tội”, dự bao nhiêu trận, bắn chết bao nhiêu VC…    Điều khó nhất là phần kết luận, theo yêu cầu, phải chứng tỏ đã ăn năn hối lỗi, đã biết sai trái…   và thành khẩn “Xin Cách Mạng, xin Đảng, Nhà nước, xin Bác Hồ khoan hồng tha tội”.
Chịu đòn thì được chứ năn nỉ kiểu đó thì có gần một nửa trại viên không viết đúng theo yêu cầu…   Họ khai hết nhưng không nhận đó là cái tội…
Thời gian này làm Hắn điên đầu. Giáo sư C cứ kêu cứu:
-T… T coi…   nó cứ phản đối.
Nó đây là giáo sư P.
C và P ở tổ 4, đã 5 lần ra tổ mà chưa thông qua được tờ khai, C đọc xong, cả tổ đồng ý, duy chỉ có P là không…   lý do, chỉ nói hai chữ “còn thiếu”. Thế là phải viết lại, cả tổ phải chờ, mỗi lần xin giấy để viết lại, tổ trưởng càm ràm C:
-Có gì khai mẹ nó ra… cho rồi.
-Chỉ có bấy nhiêu đó thôi…
-Chỉ có bấy nhiêu đó sao thằng P nói “còn thiếu”?
C giải thích:
-Thằng P nó…   thù cá nhân…
Tổ trưởng nghi ngờ:
-Ai nó không thù… sao lại thù mày?
-Nó thù tôi từ lúc…
Tổ trưởng ngắt ngang:
-Mẹ kiếp! Tụi bay dạy chung một trường, giờ bị đóng chung một cái gông…
C nói nhanh:
-Nhưng nó là thằng…
-Tụi bay là một lũ có học…  là giáo sư… mà ăn ở với nhau như… chó…
Tổ trưởng tổ 4 là dân K.20 Thủ Đức, trung úy Biệt Động Quân, đánh đấm ra trò bị thương 3 lần tưởng bỏ mạng “sa trường”, nó gọi:
-P! Thằng P đâu?
P từ nhà bếp hét lớn:
-Tôi đây.
Nó nhìn C và P bằng đôi mắt rực lửa:
-Hai thằng bay…   làm tao và cả tổ chịu hết nổi…   Chiều nay mà còn lộn xộn, tao hứa sẽ xử đẹp.
Ngưng một chút, rồi giọng nó đanh lại:
-Thằng này nói là làm…   hai đứa bay rõ chưa?
Và nhờ đó, bản kiểm điểm của hai giáo sư mới được thông qua. Hệ quả cả hai mất sức, thần sắc thê thảm, ói mửa…   ngã bệnh. Hắn lại nhờ tay nghề “đấm bóp” của V, chữa trị cả tuần mới khỏi.
Sau hai ngày viết Kiểm Điểm, tổ trưởng tổ 6 tìm Hắn:
-Thưa anh khối trưởng…
-Tôi nghe đây.
-Thằng TR nó không chịu viết tờ khai.
-Anh nói sao?
-TR không chịu viết.
-Tại sao?
-Dạ…   hỏi nó…   nó cười và nói  “tụi bay sợ thì cứ viết…  còn tao…  đếch sợ.”
-Anh về đi…  chuyện này để tôi…  giải quyết…
Tổ trưởng còn nói rán:
-Nó coi vậy mà… mà…
-Mà sao?
-Dạ…  dạ… thôi để khối trưởng … giải quyết…  em về.
Hắn đứng nghiêm chào theo kiểu lính Ngụy chào cấp trên rồi vừa cười vừa nói… .. tan hàng cố gắng… Hắn nghe đắng lòng…   anh em vào đây riết rồi ai cũng “cà tửng” hết ráo trọi.
Sau buổi tập họp hàng đêm, cả khối ngồi làm 10 hàng giữa sân để kiểm điểm việc làm trong ngày, phê bình, rút kinh nghiệm, khắc phục… như điều lệ trại đề ra. Hắn gặp riêng TR.
-Mình đi lòng vòng chơi… chút.
TR vừa bước đi, vừa cười:
-Gió mát…   anh khối trưởng…
Hắn chận ngang:
-Không gọi “Khối trưởng”…
-Thì…
-Gọi thế hết dzui.
Tr trẻ, nhỏ hơn Hắn, cu cậu mang lon thiếu úy.
-Anh hỏi thiệt…
-À… em biết rồi…  không viết tờ khai tội…  chứ gì?
-Phải…
Tr cười rất ư là dễ thương, nó nhỏ nhẹ:
-Em…  em nghĩ chẳng có tội… nên không viết…
Hắn thầm nghĩ một đứa-trẻ-sĩ-quan, ăn nói lễ độ, nhỏ nhẹ, không gai góc mà sao được gắn Bảo Quốc Huân Chương ngay trận địa đang mù mịt khói lửa ở thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972.
-Anh…  thông cảm và rất hiểu em, anh cũng nghĩ như em và thật hèn khi phải tự kết tội chính mình và xin tha tội mà mình không có.
Tr cười buồn:
-Xin được khoan hồng… chứ anh.
Gió đêm rì rào, hai người đi lòng vòng ở sân trại, ngang qua cái nhà vừa cất xong, có tên nghe rất tư bản “Giảng Đường” của liên khối.
-Nhưng ở hoàn cảnh này…
-Em biết, các anh còn gia đình, còn vợ con, cha mẹ… Các anh phải sống và phải mau mau trở về.
-Em hiểu như vậy là tốt.
Tr như không nghe lời Hắn nói.
-Còn em… … em… em chẳng còn ai…
-Em…  nói sao?
-Cả nhà em…   chết sạch bởi trái B.40…   hồi Mậu Thân… Từ đó em sống như chết rồi.
Hắn ôm vai TR.
-Anh xin lỗi đã…
-Em vẫn thường sống trong căm thù…   uất hận…
Sương đã bắt đầu rơi, qua ánh sáng vàng của ngọn đèn, một màn trắng mỏng lung linh.
-Thôi… về anh.
-Anh muốn nói với em…
-Em biết anh muốn nói gì rồi… để dịp khác…  em cũng có điều muốn nói với anh …
Dù có nói thế nào, Tr cũng nhất định không viết Kiểm Điểm, tất cả các khối đều nộp Trung Đoàn, riêng khối 13 thì chưa.
Đời-68 nôn nóng:
-Tại sao… giờ này chưa nộp?
-Thưa còn thiếu…
-Thiếu…  tại sao thiếu?
Hắn nói từng lời rất rõ:
-Một trại viên không viết.
Đời-68 là cán bộ phụ trách trực tiếp Khối 13, sự trễ nãi này sẽ bị mất điểm trước Đảng.
-Anh nói sao? Nói lại thật rõ tôi nghe thử xem…   Ai? Ai không viết?
-Thưa…   Tr của tổ 6.
-Tr…  !
-Đúng…   dù tôi động viên hết cỡ.
-Anh và nó lên Trung Đoàn gặp tôi.
-Thưa, chừng nào?
-Ngay bây giờ!
Nói xong, Đời-68 quay lui, bước nhanh về Trung Đoàn. Hắn đến tổ 6 gọi:
-Tr…  Tr…
Tr bước ra.
-Thay đồ lên Trung Đoàn với anh.
-Chi vậy?
-Cán bộ lệnh: anh và em trình diện.
-Em không đi.
-Họ sẽ làm khó…
-Anh cứ nói là em dứt khoát không đi. Ở đây không ai có quyền ra lệnh cho em điều gì cả.
Hắn đã quen với tính Tr, nên biết dù có nói thế nào cũng không xong, nên thở dài.
-Tùy em…  anh sẽ nói như vậy với họ.
-Em cảm ơn anh.
Một đứa trẻ, rõ ràng Tr chỉ là một đứa trẻ, lễ phép, nhỏ nhẹ với tất cả mọi người, lại là đứa cứng đầu, đanh thép, khi đối đầu với CS. Chiến tranh, cái vô tình hay cố ý, và sự phi lý của nó, nhất là cuộc chiến tương tàn cùa hai miền một đất nước, một dân tộc, nó đã tạo ra, sản sinh ra, không biết bao đau khổ cho cả hai miền…   Nó biến con người thành loài cầm thú, nó biến những trái tim thơ ngây rỉ máu.
Cuối cùng, 4 anh bộ đội cụ Hồ đến, dùng vũ lực trói thúc ké, và kéo Tr đi. Tr hét to:
-Chào anh em…   Chiến sĩ QL.VNCH…   muôn năm!
Tin đồn 1: Để trả lời tại sao không viết bản Kiểm Điểm…   Tr đã cổi áo, tuột quần…   Từ chân đến cổ của Tr…   không còn một khoảng trống đủ để một bàn tay…   sẹo…   sẹo chi chít toàn sẹo… và Tr dõng dạc:
-Tôi và các ông, ai căm thù ai? Ai phải khai tội?

Tin đồn 2: Tr bị nhốt vào lô cốt biệt giam 7 ngày, mỗi ngày chỉ được cho ăn uống cầm hơi. Bốn cán bộ, quay quanh.
-Bây giờ anh về viết Kiểm Điểm rồi đích thân lên đây nộp cho chúng tôi.
-Bảo về tổ…   tôi về…   nhưng viết Kiểm Điểm thì không bao giờ.
-Anh nói sao?
-Tôi nói rất rõ, người viết kiểm điểm là các ông…  chứ không phải tôi…   Người có tội là các ông. Ai đã giết hàng vạn dân lành năm Mậu Thân 1968…ai đã giết hàng vạn dân lành ở -Đại Lộ Kinh Hoàng –Mùa Hè Đỏ Lửa 1972……  ai? Tôi hay ông? Nói đi, tôi hay ông?
Và Tr bị biệt giam. Đến lần thứ ba, khi thả ra Tr không còn đứng vững nhưng vẫn cố nói lời cuối cùng vì từ đó Tr không mở miệng nói một lời nào nữa “một là bắn, hai là thả, chỉ có vậy thôi”

Tin đổn 3: Tr cắt gân máu cổ tay, lúc cán bộ mở cửa phòng biệt giam thì Tr đã chết trên vũng máu, đặc biệt là đôi mắt, mở trừng trừng. Cán bộ càng vuốt, đôi mắt càng mở to. Có cán bộ sợ tái mặt, họ vội vàng xé lá cờ Đỏ Sao Vàng làm hai, để bịt mắt Tr lại…
Tin đồn 4: Khi trại viên chết, xác được liệm bằng hai chiếc chiếu cá nhân, đó là tiêu chuẩn người chết được hưởng và khi chôn, chỉ được đắp một nấm mồ không cao quá 3 tấc, đó là qui định bất thành văn của trại A.38. Nhưng với Tr thì khác, không bó chiếu, không nấm mồ và không địa chỉ, Tr bị khai trừ vĩnh viễn trong cuộc đời này.
Còn nhiều tin đồn về Tr và mỗi lần nghe, Hắn nhớ đến khuôn mặt trẻ thơ tội nghiệp của Tr, lòng Hắn nao nao. Phận người, phận nước…   biết đến bao giờ…
Tiếng còi tàu lại cất lên trong sương đêm. Tiếng còi tàu như tiếng gọi ở cõi xa xăm, thúc giục nhưng u buồn.


…. 
(còn tiếp)

Chu Trầm Nguyên Minh